6 câu chuyện hay và ý nghĩa về Bác Hồ

Những câu chuyện hay và ý nghĩa về Bác Hồ (phần 2)

Ở phần trước, chúng ta đã cùng nhau đọc về 8 mẩu chuyện khá ý nghĩa cũng như là những bài học hay về Bác Hồ. Để từ đó có thể rút ra được những bài học quý báu cho bản thân như tinh thần đoàn kết của nhân dân; sự quý báu của thời gian; sự dung hòa; chia sẻ, cùng nhau vượt thử thách; tầm quan trọng của ý chí; giữ lời hứa; tình yêu thương;…  Trong phần 2 này sẽ là những câu chuyện hay khác về Bác Hồ. Cùng xem đó là câu chuyện và bài học gì nhé!

Câu chuyện 1: Giản dị và tiết kiệm

Chủ Tịch Hồ Chí Minh rất giản dị và tiết kiệm
Chủ Tịch Hồ Chí Minh rất giản dị và tiết kiệm

Bà Nguyễn Thị Liên (nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch) kể rằng: Khi bà làm việc ở văn phòng Bác, đôi khi bà đảm nhận thêm việc khâu, vá quần áo, chăn, màn, áo gối cho Bác. Công việc này giúp bà có điều kiện được gần Bác và học tập được rất nhiều.

Áo Bác rách, có khi vá đi vá lại, Bác mới cho thay. Chiếc áo gối màu xanh hoà bình của Bác, được ông Cần (người phục vụ Bác) đưa bà vá đi vá lại. Cầm chiếc áo gối của Bác, bà rưng rưng nước mắt, bà nói với ông Cần thay áo gối khác cho Bác dùng nhưng Bác chưa đồng ý. Người vẫn dùng chiếc áo gối vá.

Những năm tháng giúp việc ở văn phòng Bác bà đã có những kỷ niệm không bao giờ quên. Bà còn kể rằng:

Ở Việt Bắc, có một buổi Bác đi công tác về muộn, về qua văn phòng, Bác nghỉ lại một lát vì mệt. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ của Bác nói với bà:

– Bác mệt không ăn được cơm. Cô nấu cho Bác bát cháo.

Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền bảo bà:

– Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa.

Bài học rút ra: Cho dù Bác là vị lãnh tụ lớn của nước Việt Nam chúng ta, nhưng Bác vẫn luôn giữ cho mình đức tính giản dị và tiết kiệm. 

Bác thương dân ta lúc bấy giờ chưa đủ cơm ăn nên bữa ăn của bác cũng chỉ đạm bạc qua loa, không lãng phí một hạt cơm nào. Bác thương dân ta còn chưa đủ áo mặc, nên chiếc áo tuy rách, vá đi vá lại nhiều lần nhưng bác vẫn nhất định không bỏ.

Bác muốn để dành ngân sách ấy để chia sẻ cho đồng bào. Tình cảm ấy thật đáng quý đáng trân trọng biết bao.

Tiết kiệm có thể đem đến nhiều ích lợi như có thể giúp những người khác khó khăn hơn mình, những người thực sự cần. Và khi giúp người thì bản thân ta cũng sẽ vui vẻ, hạnh phúc.

Gia Cát Lượng từng nói “Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức. Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi”, theo đó chúng ta có thể thấy rằng các vĩ nhân đều đồng quan điểm trong việc đề cao việc tiết kiệm, cùng lối sống đạm bạc. Đây đều là những việc thể hiện đạo đức, phẩm hạnh cũng như ý chí kiên định, không để vòng danh lợi trói buộc, mê hoặc.

Câu chuyện 2: Gương mẫu tôn trọng luật lệ

Bác rất gương mẫu tôn trọng luật lệ

Hàng ngày, Bác thường căn dặn anh em cảnh vệ chúng tôi (Phan Văn Xoàn, Hoàng Hữu Kháng, Hồng Nam) phải luôn có ý thức tổ chức, kỷ luật, triệt để tôn trọng nội quy chung. Bác bảo: “Khi bàn bạc công việc gì, đã quyết định thì phải triệt để thi hành. Nếu đã tự đặt ra cho mình những việc phải làm thì cương quyết thực hiện cho bằng được”.

Một hôm chúng tôi theo Bác đến thăm một ngôi chùa lịch sử. Hôm ấy là ngày lễ, các vị sư, khách nước ngoài và nhân dân đi lễ, tham quan chùa rất đông. Bác vừa vào chùa, vị sư cả liền ra đón Bác và khẩn khoản xin Người đừng cởi dép, nhưng Bác không đồng ý. Đến thềm chùa, Bác dừng lại để dép ở ngoài như mọi người, xong mới bước vào và giữ đúng mọi nghi thức như người dân đến lễ.

Trên đường từ chùa về nhà, xe đang bon bon bỗng đèn đỏ ở một ngã tư bật lên. Đường phố đang lúc đông người. Xe của Bác như các xe khác đều dừng lại cả. Chúng tôi lo lắng nhìn nhau. Nếu nhân dân trông thấy Bác, họ sẽ ùa ra ngã tư này thì chúng tôi không biết làm thế nào được. Nghĩ vậy, chúng tôi bàn cử một đồng chí cảnh vệ chạy đến bục yêu cầu công an giao thông bật đèn xanh mở đường cho xe Bác. Nhưng Bác đã hiểu ý. Người ngăn lại rồi bảo chúng tôi:

– Các chú không được làm như thế. Phải gương mẫu tôn trọng luật lệ giao thông, không nên bắt người khác nhường quyền ưu tiên cho mình.

Chúng tôi vừa ân hận, vừa xúc động, hồi hộp chờ người công an giao thông bật đèn xanh để xe qua.

Bài học rút ra: Luật lệ đã đặt ra, quyết định đã có thì chúng ta phải tuân theo và triệt để thi hành, tôn trọng nội quy chung. Dù có là chức lớn hay nhỏ thì ai cũng phải tuân thủ. Chức càng lớn thì càng phải làm gương để những người nhỏ hơn học theo. Chứ không phải ỷ mình là chức lớn mà bắt người khác phải ưu tiên cho mình. Tôn trọng luật lệ nghiêm túc sẽ là tiền đề để phát triển xã hội, phát triển tính cách con người. 

Lão Tử từng nói:

“Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu; thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu”, có nghĩa là “Trời đất không tư vị, mà thản nhiên với vạn vật; thánh nhân vô tư, không thiên vị, coi trăm họ như nhau cả”. Theo đó Bác Hồ dùng hành động giản dị, lời nói khiêm nhường mà thể hiện nhân cách cao quý của thánh nhân, một người lãnh đạo thương dân như thân mình, không tư vị.

Câu chuyện 3: Trường học của Bác

Có lần, nhân câu chuyện kể với các bạn trẻ trong Khu Phủ Chủ tịch, Bác Hồ nói: “Các cô, các chú bây giờ đi học có trường, có bàn ghế, có thầy cô, bạn bè, sách vở, giấy bút, có giờ giấc đoàng hoàng. Tối đến có đèn điện, thế mà học một năm không lên được một lớp là không đúng. Ngày xưa, lúc Bác đang tuổi các cô, các chú thì tất cả bàn ghế, thầy, bạn, sách vở, giấy bút chỉ có trong bàn tay này thôi”.

Bác giơ bàn tay trái lên nói tiếp: “Hồi ấy Bác làm bồi tàu, làm người quét tuyết ở Anh rồi đi làm phụ bếp. Làm việc từ sáng đến tối, suốt ngày không được cầm đến tờ báo mà xem. Đến đêm mới hết việc, mới được đọc sách, đọc báo. Ban ngày muốn học chỉ có một cách là viết chữ lên mảnh da tay này. Cứ mỗi buổi sáng viết mấy chữ rồi đi cọ sàn tàu, cọ thùng, đánh nồi, rửa bát, thái thịt, băm rau, vừa làm vừa nhìn vào da bàn tay mà học. Hết ngày, người thì mồ hôi đầm đìa, chữ cũng mờ đi, cuối buổi đi tắm mới xoá được chữ ấy đi. Coi như đã thuộc. Sáng mai lại ghi chữ mới”.

Sách Hồ Chí Minh, đồng chí của chúng ta gồm nhiều hồi ký của các bạn Pháp viết, Nhà xuất bản Xã hội Pari in năm 1970 có trích một đoạn Bác trả lời phóng viên A.Kan (Báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp) như sau: “Tôi không có hạnh phúc được theo học ở trường đại học. Nhưng cuộc sống đã cho tôi cơ hội học lịch sử, khoa học xã hội và ngay cả khoa học quân sự. Phải yêu cái gì? Phải ghét cái gì? Cũng như tôi, tất cả người Việt Nam cần phải yêu độc lập, lao động, Tổ quốc”.

“Tất nhiên không phải riêng tôi mà toàn thế giới đều kính trọng những nhà báo chân chính. Tôi cũng có thời gian học làm báo, cũng có thời gian tôi bỏ ngòi bút, cầm súng để chống lại kẻ thù, chống lại chủ nghĩa thực dân. Khi tôi còn ở Pháp, khi còn biết ít tiếng Pháp tôi đã là Tổng biên tập, biên tập và phát hành cả một tờ báo”.

Bác thường nói với cán bộ: “Học thêm được một thứ tiếng nước ngoài coi như có thêm một chìa khoá để mở thêm một kho tàng tri thức. Việc học là việc suốt đời”.

Bài học rút ra: Việc học luôn luôn rất quan trọng, như Lenin từng nói: ‘Học, học nữa, học mãi’. Không nên vì bất kỳ một lý do gì mà trì hoãn, xao nhãng việc học. Khi biết thêm một thứ tiếng nước ngoài như ta có thêm một chìa khóa để mở ra kho tàng tri thức dẫn dắt ta đến thành công như Bác Hồ đã từng.

Câu chuyện 4: Bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá là thói quen của Bác từ khi còn trẻ bôn ba khắp thế giới, để chống chọi với bao mùa tuyết rơi, hay những lúc đêm thức khuya trằn trọc viết báo, trăn trở việc quân, lo lắng cho vận mệnh của dân tộc. Nhưng từ khi bị bệnh, theo lời khuyên của hội đồng thầy thuốc, Bác có kế hoạch quyết tâm bỏ dần. Bác nói:

– Bác hút thuốc từ lúc còn trẻ nay đã thành thói quen, bây giờ bỏ thì tốt nhưng không dễ, các chú phải giúp Bác bỏ tính xấu này. Rồi Bác tự đề ra chương trình bỏ thuốc dần dần. Lúc đầu là giảm số lượng điếu hút trong ngày. Khi thèm hút thuốc Bác làm một việc gì đó để thu hút sự chú ý, tập trung. Tuổi đã già phải làm như vậy thật quá vất vả. Tập một thứ quen, bỏ một thói quen không dễ chút nào.

Phải có một nghị lực phi thường mới làm được. Bác bảo đồng chí giúp việc để cho Bác một vỏ lọ Penixillin ở nơi làm việc và phòng nghỉ. Hút chừng nửa điếu Bác dụi đi để vào lọ đó. Sau hút lại nửa điếu để dành, anh em can bảo thuốc lá hút dở không có lợi, Bác bảo: “Nhưng hút thế để có cữ”. Với cách làm đó, Bác đã giảm từ cả bao xuống ba bốn điếu một ngày. Cứ như vậy, Bác hút thưa dần.

Đầu tháng 3/1968 nhân khi bị cảm ho nhẹ, Bác tự quyết định bỏ hẳn. Mấy ngày sau, trong một tuần lễ anh em vẫn để gói thuốc chỗ bàn làm việc của Bác, nhưng Bác không dùng.

Sau một tuần thấy Bác quyết tâm như vậy, anh em cất hẳn thuốc lá. Một tháng sau, khi tiếp đồng chí Vũ Quang, lúc ấy là Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác nói: Bác đã bỏ quốc lá rồi, chú về vận động thanh niên đừng hút thuốc lá. Sau này Bác có bài thơ Vô đề:

“Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm,

Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần

Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,

 Một năm là cả bốn mùa Xuân”

Bài học rút ra: Qua câu chuyện này ta hiểu được, trong tất cả công việc, chỉ cần có quyết tâm thì dù có khó khăn như nào thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được. Như việc Bác quyết định bỏ hút thuốc sau nhiều năm xem điều đó là thú vui duy nhất, ban đầu có thể sẽ khó khăn nhưng về sau vì có đủ quyết tâm nên Bác đã làm được. Trong học tập và làm việc cũng thế, chúng ta nên kiên trì và nhẫn nại dù có khó khăn và trắc trở đến đâu thì cũng phải cố gắng hết mình để hoàn thành mục tiêu mình đặt ra.

Câu chuyện 5: Bác Hồ với chiến sĩ người dân tộc

Anh hùng La Văn Cầu, dân tộc Tày mãi mãi không quên bữa cơm của Bác “đãi” với rau, thịt gà… những “sản phẩm” do chính Bác nuôi, trồng. Bác hỏi thăm mẹ Cầu, gửi quà cho mẹ, dặn cán bộ tạo mọi điều kiện để Cầu về thăm mẹ, giúp đỡ gia đình.

Nhiều chiến sĩ người dân tộc đã lấy họ Hồ cho mình như Hồ Vai, Hồ Can Lịch, Hồ Văn Bột… Mùa thu năm 1964, chị Choáng Kring Thêm – chiến sĩ người dân tộc Cà Tu, tham gia đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được ra miền Bắc, gặp Bác Hồ. Chị Thêm kể: “Đoàn chúng tôi vừa bước xuống xe thì đã thấy Bác  đứng chờ ngay ngoài sân.

Bác ôm hôn thắm thiết các thành viên trong đoàn. Chúng tôi theo Bác đến dãy bàn tiếp khách kê ngay ngoài vườn đầy hoa và nắng. Thấy tôi mặc bộ quần áo dân tộc, Bác nói:

Cháu đúng là con gái dân tộc Cà Tu giữ được tính chất của dân tộc mình. Chị Ngân, chị Cao gặp Bác, mừng quá khóc lên. Bác dịu dàng bảo:

– Các cháu gái đừng khóc. Gặp Bác phải vui chứ. Hai cháu hãy kể cho Bác nghe bà con ta ở tiền tuyến đánh Mỹ như thế nào?

Tôi thưa:

– Thưa Bác, cháu thương, cháu nhớ Bác. Tất cả đồng bào dân tộc miền Nam đều thương nhớ Bác. Sau đó tôi kể Bác nghe một số chuyện chiến đấu của mẹ Giớn, anh Bên, em Thơ…Bác nói:

– Cuộc kháng chiến của đồng bào miền Nam ta là toàn dân, toàn diện. Trẻ, già, gái, trai, Kinh, Cà Tu, Cà Tang và đồng bào các dân tộc khác đều sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”.

Tôi hiểu đó là Bác dành tình thương mênh mông của Bác cho tất cả chúng ta. 

Bài học rút ra: Câu chuyện ngắn gọn nhưng đem đến nhiều bài học lớn: Bài học về tình cảm, sự quan tâm đối với các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam; bài học về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc để có thành công lớn… Điều chúng ta phải quan tâm là làm gì để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân có đoàn kết thì đất nước mới phát triển và vững mạnh.

Câu chuyện 6: Đôi dép Bác Hồ 

Pic Đôi dép Bác Hồ tại bảo tàng Bến Nhà Rồng năm 2018 by Phương Huy – CC BY-SA 4.0, no edits or modifications have been made: https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/d/df/Đôi_dép_Bác_Hồ_tại_bảo_tàng_Bến_Nhà_Rồng_năm_2018_%281%29.jpg

Đôi dép của Bác “ra đời’’ vào năm 1947, được ‘’chế tạo’’ từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc. Đôi dép đo cắt không dày lắm, quai trước to bản, quai sau nhỏ rất vừa chân Bác.

Trên đường công tác, Bác nói vui với các cán bộ đi cùng:

– Đây là đôi hài vạn dặm trong truyện cổ tích ngày xưa… Đôi hài thần đất, đi đến đâu mà chẳng được.

Gặp suối hoặc trời mưa trơn, bùn nước vào dép khó đi, Bác tụt dép, xách tay. Đi thăm bà con nông dân, sải chân trên các cánh đồng đang cấy, đang vụ gặt, Bác lại xắn quần cao lội ruộng, tay xách hoặc nách kẹp đôi dép…

Mười một năm rồi vẫn đôi dép ấy… Các chiến sĩ cảnh vệ cũng đã đôi ba lần “xin’’ Bác đổi dép nhưng Bác bảo “vẫn còn đi được’’

Cho đến lần đi thăm Ấn Độ, khi Bác lên máy bay, ngồi trong buồng riêng thì mọi người trong tổ cảnh vệ lập mẹo giấu dép đi, để sẵn một đôi giày mới…

Máy bay hạ cánh xuống Niu-đê-li, Bác tìm dép. Mọi người thưa:

Có lẽ đã cất xuống khoang hàng của máy bay rồi… Thưa Bác….

– Bác biết các chú cất dép của Bác đi chứ gì. Nước ta còn chưa được độc lập hoàn toàn, nhân dân ta còn khó khăn, Bác đi dép cao su nhưng bên trong lại có đôi tất mới thế là đủ lắm mà vẫn lịch sự – Bác ôn tồn nói.

Vậy là các anh chiến sĩ phải trả lại dép để Bác đi vì dưới đất chủ nhà đang nóng lòng chờ đợi…

Trong suốt thời gian Bác ở Ấn Độ, nhiều chính khách, nhà báo, nhà quay phim… rất quan tâm đến đôi dép của Bác. Họ cúi xuống sờ nắn quai dép, thi nhau bấm máy từ nhiều góc độ, ghi ghi chép chép… làm tổ cảnh vệ lại phải một phen xem chừng và bảo vệ “đôi hài thần kỳ” ấy.

Năm 1960, Bác đến thăm một đơn vị Hải quân nhân dân Việt Nam. Vẫn đôi dép “thâm niên” ấy, Bác đi thăm nơi ăn, chốn ở, trại chăn nuôi của đơn vị. Các chiến sĩ rồng rắn kéo theo, ai cũng muốn chen chân, vượt lên để được gần Bác hơn. Bác vui cười nắm tay chiến sĩ này, vỗ vai chiến sĩ khác. Bỗng Bác đứng lại:

– Thôi, các cháu giẫm làm tụt quai dép của Bác rồi…

Nghe Bác nói, mọi người dừng lại cúi xuống yên lặng nhìn đôi dép rồi lại ồn ào lên:

– Thưa Bác, cháu, cháu sửa…

– Thưa Bác, cháu, cháu sửa được ạ…

Thấy vậy, các chiến sĩ cảnh vệ trong đoàn chỉ đứng cười vì biết đôi dép của Bác đã phải đóng đinh sửa mấy lần rồi…Bác cười nói:

– Cũng phải để Bác đến chỗ gốc cây kia, có chỗ dựa mà đứng đã chứ! Bác “lẹp xẹp” lết đôi dép đến gốc cây, một tay vịn vào cây, một chân co lên tháo dép ra:

– Đây! Cháu nào giỏi thì chữa hộ dép cho Bác…Một anh nhanh tay giành lấy chiếc dép, giơ lên nhưng ngớ ra, lúng túng. Anh bên cạnh liếc thấy, “vượt vây” chạy biến… 

Bác phải giục:

– Ơ kìa, ngắm mãi thế, nhanh lên cho Bác còn đi chứ. Anh chiến sĩ lúc nãy chạy đi đã trở lại với chiếc búa con, mấy cái đinh:

– Cháu, để cháu sửa dép…Mọi người dãn ra. Phút chốc, chiếc dép đã được chữa xong. Những chiến sĩ không được may mắn chữa dép phàn nàn:

– Tại dép của Bác cũ quá. Thưa Bác, Bác thay dép đi ạ..

Bác nhìn các chiến sĩ nói:

– Các cháu nói đúng… nhưng chỉ đúng có một phần… Đôi dép của Bác cũ nhưng nó chỉ mới tụt quai. Cháu đã chữa lại chắc chắn cho Bác thế này thì nó còn ‘’thọ’’ lắm! Mua đôi dép khác chẳng đáng là bao, nhưng khi chưa cần thiết cũng chưa nên… Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo…

Bài học rút ra: Bài học mà chúng ta rút ra được trong câu chuyện này chính là một lối sống giản dị, tiết kiệm ở Bác Hồ. Dù có là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nhưng Người vẫn luôn giản dị, tiết kiệm. 

Càng gần bác, tâm hồn của chúng ta càng trong sáng hơn, trí tuệ của chúng ta càng được mở mang hơn. Bác dành trọn cuộc đời cho mục đích giải phóng ách áp bức, mở ra hướng đi mới, lãnh đạo nhân dân Việt Nam ta giành lại được độc lập tự do. Như Người không yêu cầu thứ gì cho riêng mình cả, không tạo gánh nặng cho dân mà chia sẻ đồng hành cùng người dân. Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.

Hình ảnh cao quý của Bác làm sáng lên hình ảnh của thánh nhân, nhà lãnh đạo lý tưởng mà cổ nhân ca tụng. Cụ thể, trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết rằng:

“Sông biển sở dĩ làm vua trăm khe lạch (khe lạch là nơi quy tụ của mọi khe) vì khéo ở dưới thấp nên làm vua trăm khe lạch. Vì thánh nhân muốn ở trên dân thì phải nói lời khiêm hạ, muốn ở trước dân thì phải lùi lại sau. Vì vậy thánh nhân ở trên mà dân không thấy nặng cho mình (không có cảm giác gánh vác trên vai), ở trước mà dân không thấy hại cho mình; vì vậy thiên hạ vui vẻ đẩy thánh nhân tới trước mà không chán.”

Tổng kết

Những câu chuyện về Bác Hồ không chỉ là những dòng lịch sử khô khan mà là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, giúp chúng ta nhìn nhận về tình yêu quê hương và ý nghĩa của sự hi sinh. Nền văn hóa Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh ý nghĩa của việc hiến dâng cho tổ quốc. Những câu chuyện về Bác Hồ không chỉ là về một người lãnh đạo, mà còn là về tinh thần đoàn kết và sự hy sinh cho mục tiêu cao cả.

Những câu chuyện ấy không chỉ là những câu chuyện về quá khứ, mà còn là nguồn động viên mạnh mẽ, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa cuộc sống. Hãy để những câu chuyện này là nguồn động viên, hỗ trợ chúng ta trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và định hình tương lai tươi sáng. Cuộc đời của Bác là tấm gương sáng ngời về đức: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nếp sống của Bác chính là tấm gương để mỗi người chúng ta noi theo.

Nguyễn Dương Thị Ngọc Ánh tổng hợp và biên tập.

Thất hổ tướng Tây Sơn

Tổng quan về Truyện Kiều – Nguyễn Du

Khóa Học Bí Quyết Để Có Giọng Nói Truyền Cảm

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang