8 câu chuyện về Bác Hồ

8 câu chuyện hay và ý nghĩa về Bác Hồ

Bác Hồ là nhà lãnh đạo cách mạng nổi tiếng Việt Nam
Bác Hồ là nhà lãnh đạo cách mạng nổi tiếng Việt Nam

Bác Hồ là ai?

Chủ tịch Hồ Chí Minh (hay còn gọi với tên thân thương là Bác Hồ), tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19/05/1890. Bác là nhà hoạt động cách mạng Việt Nam, là người khai sinh ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Bác cống hiến hết mình và lo về việc nước nhà cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời.

Trong những ngày tháng hoạt động cách mạng của mình, Bác đã đi qua nhiều quốc gia ở các châu lục khác nhau để học hỏi dưới nhiều bí danh khác nhau. Cho đến khi được tiếp xúc với chủ nghĩa Marx – Lenin, Người mới tìm ra được con đường đúng đắn để cứu nước. Người lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tạo bước nhảy vọt vĩ đại đối với lịch sử nước nhà, là mở đầu của những giai đoạn phát triển thắng lợi tiếp theo của Cách mạng Việt Nam.

Ngày 02/09/1945, Người đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của Việt Nam với thế giới.

Ngày 02/09/1969, Bác lâm bệnh nặng và qua đời, để lại niềm tiếc thương vô vàn cho hàng triệu người con Việt Nam máu đỏ da vàng thời đó cho đến ngày nay. Bác vẫn luôn là vị lãnh tụ vĩ đại của nước Việt Nam.

Bác Hồ được bình chọn là một trong 14 vị anh hùng dân tộc Việt Nam theo Công văn ngày 21/6/2013, của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch.

Vào năm 1998, Bác Hồ được tạp chí Time (Mỹ) bình chọn thuộc Top 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới trong thế kỷ 20.

Tờ Time 2000 đã nhận định Bác Hồ là người đã góp phần “làm thay đổi diện mạo hành tinh chúng ta trong thế kỷ XX.”

Ngày 15 tháng 10 năm 2010, báo Time cũng đã bầu chọn Hồ Chí Minh là một trong 10 nhà chính trị nổi bật chiến đấu cho tự do nổi tiếng nhất mọi thời đại cùng với Aung San Suu Kyi, Nelson Mandela, Martin Luther King Jr., Mohandas Gandhi và nhiều tên tuổi khác.

Những câu chuyện hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Câu chuyện 1: Câu chuyện về chiếc đồng hồ

Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Tại hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội.

Bao năm xa nhà, nhớ thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng được đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử. Lúc đó, Bác lên diễn đàn, giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ. Ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác. Đến câu hỏi: 

-Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng? Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:

– Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?

– Thưa không được ạ. 

Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:       

– Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, điều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?      

Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những suy nghĩ riêng tư của mình.        

Cũng chiếc đồng hồ ấy, một dịp vào cuối năm 1954 Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai đang luyện tập để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi đi thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội, Bác đã dành một thời gian dài để nói chuyện với anh em. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, âu yếm nhìn mọi người rồi chỉ vào từng chiếc kim, từng chữ số và hỏi anh em về tác dụng của từng bộ phận. Mọi người đều trả lời đúng cả. Song chưa ai hiểu tại sao Bác lại nói như vậy?

Bác vui vẻ nói tiếp: “Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy”, nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không!

Sau câu chuyện của Bác Anh chị em đều hiểu ý Bác dạy: Việc gì cách mạng phân công phải yên tâm hoàn thành. Và Bác đã mượn hình ảnh chiếc đồng hồ quả quýt làm ví dụ để giáo dục, động viên những kỹ sư trẻ trường Đại học Nông Lâm Hà Nội vào dịp đến thăm trường ngày 24/5/1959, khi Bác đang khuyên sinh viên phải yên tâm cố gắng học tập, Bác cũng lấy trong túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi mọi người từng bộ phận của đồng hồ, từ cái kim giờ, kim phút, kim giây đến các bộ phận máy và bánh xe bên trong đồng hồ. 

Sau đó, Bác kết luận rằng mỗi một bộ phận có chức năng làm việc riêng, có thể người ngoài không thấy được nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ. Ngoài xã hội cũng vậy sau khi học xong ra phục vụ các ngành nghề đều ngang như nhau, không ai cao sang hơn ai, cho nên các cháu phải cố gắng yên tâm học tập, học tập cho thật giỏi đề trở thành kỹ sư nông nghiệp giỏi phục vụ nền nông nghiệp nước nhà.

Đến ngày nay, câu chuyện về chiếc đồng hồ đã được Giáo sư – tiến sĩ Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, người sinh viên trường Đại học Nông Lâm Hà Nội khi xưa, được vinh dự gặp Bác vào lần đó, kể lại và truyền động lực cho những kỹ sư của thế hệ này.

Chiếc đồng hồ quả quýt còn là một hiện vật vô giá thể hiện tình cảm Quốc tế đối với Bác, đó là chiếc đồng hồ do Tổ chức Quốc tế “Cứu Tế đỏ” tặng, Bác luôn giữ nó trong mình, trong những năm tháng bị cầm tù gian khổ cho đến ngày  Việt Nam giành được độc lập.

Bài học rút ra: Từ câu chuyện trên, Bác đã cho ta thấy được sự quý giá của tinh thần đoàn kết của nhân dân. Có đoàn kết mới có ổn định, có ổn định mới có thể làm nên tất cả, như câu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công.’

Câu chuyện 2: Sự quý báu của thời gian

Sự quý báu của thời gian

Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khoá V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ là 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người vẫn chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”. Cũng về giờ giấc, trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí sĩ quan cấp tướng đến làm việc với Bác chậm 15 phút, tất nhiên là có lý do: Mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. 

Bác bảo: 

-Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan không chuẩn bị đủ phương án, nên chú không giành được chủ động”.

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. 

Bác hỏi: 

-Chú đến muộn mấy phút?

– Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

– Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Sắp đến giờ lên đường bỗng trời đổ mưa xối xả. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị cho hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí còn đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác… Nhưng bác không đồng ý: 

– Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì đến bao giờ? Thà chỉ mình bác và vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cả lớp phải chờ uổng công!.

Thế là Bác lên đường đến thăm lớp chỉnh huấn đúng lịch trình trong tiếng reo hò sung sướng của các học viên…Bác Hồ của chúng ta quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời Bác không để bất cứ ai đợi mình. Sự quý trọng thời gian của Bác thực sự là tấm gương sáng để chúng ta học tập.

Bài học rút ra: Có câu ‘thời gian là vàng là bạc’ khi biết cách trân trọng thời gian, ta sẽ đạt được điều mình muốn, mục tiêu mình đặt ra. Quỹ thời gian là quỹ tiết kiệm thông minh nhất. Để đạt được mục tiêu, phải biết cách tận dụng từng khoảng thời gian mà mình có để đặt ra kế hoạch một cách chi tiết, rõ ràng nhất và hoàn thành nó.

Câu chuyện 3: Nước nóng, nước nguội

câu chuyện Bác Hồ hay

Buổi đầu kháng chiến chống Pháp, có một đồng chí cán bộ Trung đoàn thường hay quát mắng chiến sĩ. Đồng chí này đã từng làm giao thông, bảo vệ Bác đi ra nước ngoài trước Cách mạng tháng Tám.

Được tin nhân dân phản ánh về đồng chí này, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc. Bác dặn trạm đón tiếp, dù đồng chí này có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác.

Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng ngọ nên đồng chí Trung đoàn vã cả mồ hôi, người như bốc lửa. Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi có ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước lạnh.

Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:

– Chú uống đi. 

Đồng chí cán bộ kêu lên:

– Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.

Bác mỉm cười:

– À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội, mát không?

– Dạ có ạ. 

Bác nghiêm nét mặt nói:

– Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn.

Hiểu ý Bác giáo dục, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa.

Bài học rút ra: Từ hình ảnh nước nóng, nước nguội, Bác đã giúp được người chiến sĩ nóng tính hiểu được khi nóng nảy, ta sẽ không thể dung hòa hay tiếp thu. Điều cần làm đó là bình tĩnh, nhẹ nhàng như cốc nước nguội thì mới có thể hòa hợp được.

Câu chuyện 4: Ba chiếc ba lô

câu chuyện Bác Hồ 3 chiếc ba lô

Trong những ngày sống ở Việt Bắc, mỗi lần Bác đi công tác, có hai đồng chí đi cùng. Vì sợ Bác mệt, nên hai đồng chí định mang hộ ba lô cho Bác, nhưng Bác nói:

– Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân ra mỗi người mang một ít.

Khi mọi thứ đã được phân ra cho vào 3 ba lô rồi, Bác còn hỏi thêm:

– Các chú đã chia đều rồi chứ?

Hai đồng chí trả lời:

– Thưa Bác, rồi ạ.

Ba người lên đường, qua một chặng, mọi người dừng chân, Bác đến chỗ đồng chí bên cạnh, xách chiếc ba lô lên.

– Tại sao ba lô của chú nặng mà Bác lại nhẹ?

Sau đó, Bác mở cả 3 chiếc ba lô ra xem thì thấy ba lô của Bác nhẹ nhất, chỉ có chăn, màn. Bác không đồng ý và nói:

– Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.

Hai đồng chí kia lại phải san đều các thứ vào 3 chiếc ba lô.

Bài học rút ra: Trong cuộc sống sẽ luôn có những khó khăn và thử thách, những lúc ấy ta cần phải chia sẻ, cùng nhau vượt qua chứ không được cậy mình lớn, cậy mình chức cao mà ép buộc kẻ yếu phải làm cho mình. Cuộc sống luôn phải cân bằng thì mới có thể khiến mọi người nể mình. Đây là bài học quan trọng trong cuộc sống.

Câu chuyện 5: Hai bàn tay

Năm 1911, năm ấy Bác còn trẻ lắm mới khoảng 21 tuổi. Một hôm anh Ba – tên của Bác hồi ấy, cùng một người bạn đi dạo khắp thành phố Sài Gòn, rồi bỗng đột nhiên anh Ba hỏi người bạn cùng đi:

– Anh Lê, anh có yêu nước không?

Người bạn đột nhiên đáp:

– Tất nhiên là có chứ!

Anh Ba hỏi tiếp:

– Anh có thể giữ bí mật không?

Người bạn đáp:

– Có

Anh Ba nói tiếp:

– Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, Tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng đi một mình, thật ra cũng có nhiều mạo hiểm, ví như đau ốm. Anh muốn đi với tôi không ?

Anh Lê đáp:

– Nhưng bạn ơi ! Chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi ?

– Đây, tiền đây, anh Ba vừa nói vừa giơ hai bàn tay. Chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì mà sống và để đi. Anh cùng đi với tôi chứ ?

Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của Bác, người bạn đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ kĩ về cuộc đi có vẽ phiêu lưu, anh Lê không có đủ can đảm để giữ lời hứa. Còn Bác Hồ đã đi ra nước ngoài bằng chính đôi bàn tay của mình. Bác đã làm nhiều nghề khác nhau: Phụ bếp, bồi bàn, quét tuyết và đi khắp năm châu, bốn biển để tìm con đường cứu dân, cứu nước khỏi ách đô hộ của thực dân phong kiến, giải phóng cho dân tộc. 

Bài học rút ra: Bác biết rằng đoạn đường phía trước sẽ rất gian khổ, nhưng vì tình thương đồng bào, tình yêu đất nước nên Bác lựa chọn ra nước ngoài, với đôi bàn tay trắng. Đây là bài học đắt giá cho người dân Việt Nam, vì chỉ cần ta có ý chí, mọi khó khăn đều có thể vượt qua dù ta chẳng có gì trong tay. 

Câu chuyện 6: Giữ lời hứa

Hồi ở Pác Bó, Bác Hồ sống rất chan hòa với mọi người. Một hôm được tin Bác đi công tác xa, một trong những em bé thường ngày quấn quýt bên Bác chạy đến cầm tay Bác thưa:

– Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu một chiếc vòng bạc nhé!

Bác cúi xuống nhìn em bé âu yếm, xoa đầu em khẽ nói:

– Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn, khi nào Bác về Bác sẽ mua tặng cháu.

Nói xong Bác vẫy chào mọi người ra đi. Hơn hai năm sau Bác quay trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác. Ai cũng vui mừng xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không một ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng Bác mở túi lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh trao tận tay em bé – bây giờ đã là một cô bé. Cô bé và mọi người cảm động đến rơi nước mắt. Bác nói:

– Cháu nó nhờ mua tức là nó thích lắm, mình là người lớn đã hứa thì phải làm được, đó là “chữ tín”. Chúng ta cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người.

Bài học rút ra: Chữ ’tín’ luôn là quan trọng nhất, nó có để quyết định được mối quan hệ trong đời sống con người. Người luôn giữ chữ ‘tín’ sẽ luôn được người khác tin tưởng và quý trọng, ngược lại người không giữ chữ ‘tín’ sẽ ít được người khác yêu quý. Luôn phải giữ chữ ‘tín’ dù là lời hứa nhỏ nhất.

Câu chuyện 7: Câu chuyện về bát chè chia đôi

Đồng chí liên lạc đi công văn 10 giờ đêm mới đến. Bác gọi mang ra một bát, một thìa con. Rồi Bác đem bát chè đậu đen, đường phèn, mà anh em phục vụ vừa mang lên, xẻ một nửa cho đồng chí liên lạc.

– Cháu ăn đi!

Thấy đồng chí liên lạc ngần ngại, lại có tiếng đằng hắng bên ngoài, Bác giục:

– Ăn đi, Bác cùng ăn.

Cảm ơn Bác, đồng chí liên lạc ra về.

Ra khỏi nhà sàn, xuống sân, đồng chí cấp dưỡng bấm vào vai anh lính thông tin. – Cậu chán quá. Cả ngày Bác có bát chè để bồi dưỡng làm đêm mà cậu lại ăn mất một nửa.

– Khổ quá, anh ơi! Em có sung sướng gì đâu. Thương Bác, em vừa ăn ra rớt nước mắt, nhưng không ăn lại sợ Bác không vui, mà ăn thì biết cái chắc là các anh mắng rồi.

Bài học rút ra: Chúng ta phải luôn chia sẻ, quan tâm lẫn nhau. Không nên vì lợi ích của riêng mình mà mặc kệ những người xung quanh. Khi ta yêu thương người khác thì ta sẽ nhận lại những điều tương tự.

Câu chuyện 8: Chú ngã có đau không?

Vào đầu năm 1954, tiết trời đã sang Xuân, nhưng ở Việt Bắc vẫn còn rét. Gió bấc thổi mạnh, mưa phùn lâm râm gây nên cái lạnh buốt, Bác vẫn làm việc rất khuya. Bác khoác chiếc áo bông đã cũ, miệng ngậm điếu thuốc lá thỉnh thoảng lại hồng lên, tiếng máy chữ lách tách, lách tách đều đều…

Trời lạnh, nhưng được đứng gác bên Bác, anh chiến sĩ thấy lòng như được sưởi ấm lên. Anh nhẹ bước chân đi vòng quanh lán. Một lần vừa đi, vừa nghĩ, anh bị thụt chân xuống một cái hố tránh máy bay. Người chiến sĩ ấy đang tìm cách để lên khỏi hố, chợt nghe có tiếng bước chân đi về phía anh. Có tiếng hỏi:

– Chú nào ngã đấy?

Chưa kịp nhận ra ai, thì đã thấy hai tay Bác luồn vào hai nách, chòm râu của Bác chạm vào má. Chiến sĩ cố trấn tĩnh lại để nói một lời thì giật mình khi thấy Bác không khoác áo bông, Bác đi tất, một chân có guốc, một chân không, nước mắt anh trào ra. Vừa kéo, Bác vừa hỏi:

– Chú ngã có đau không?

Bác sờ khắp người anh, nắn chân, nắn tay. Rồi Bác nói:

– Chú ngã thế đau lắm. Chú cứ ngồi xuống đây bóp chân cho đỡ đau. Ngồi xuống! Ngồi xuống!

Người chiến sĩ ấy bàng hoàng cả người, không tin ở tai mình nữa. Có thật là Bác nói như vậy không! Bác ơi! Bác thương chúng cháu quá!

Anh trả lời Bác:

– Thưa Bác, cháu không việc gì ạ. Rồi anh cố gắng bước đi để Bác yên lòng.

Bác cười hiền hậu và căn dặn: “Bất cứ làm việc gì chú cũng phải cẩn thận”. Rồi Bác quay vào.

Anh chiến sĩ đứng nhìn theo Bác cho đến lúc lại nghe tiếng máy chữ của Bác kêu lên lách tách, đều đều trên nhà sàn giữa đêm Việt Bắc.

Bài học rút ra: Tình yêu thương của Bác dành cho nhân dân và chiến sĩ vẫn luôn dạt dào, Bác luôn chăm lo cho những người xung quanh như người thân của Bác. Khi anh chiến sĩ bị ngã, Bác chẳng màng chân không dép, người không áo giữ ấm để mau chóng chạy lại và giúp đỡ anh.

Tổng kết

Những câu chuyện về Bác Hồ không chỉ là những dòng lịch sử khô khan mà là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, giúp chúng ta nhìn nhận về tình yêu quê hương và ý nghĩa của sự hi sinh. Nền văn hóa Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh ý nghĩa của việc hiến dâng cho tổ quốc. Những câu chuyện về Bác Hồ không chỉ là về một người lãnh đạo, mà còn là về tinh thần đoàn kết và sự hy sinh cho mục tiêu cao cả.

Những câu chuyện ấy không chỉ là những câu chuyện về quá khứ, mà còn là nguồn động viên mạnh mẽ, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa cuộc sống. Hãy để những câu chuyện này là nguồn động viên, hỗ trợ chúng ta trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và định hình tương lai tươi sáng.

Nguyễn Dương Thị Ngọc Ánh tổng hợp và biên tập.

Thất hổ tướng Tây Sơn

Tổng quan về Truyện Kiều – Nguyễn Du

Khóa Học Bí Quyết Để Có Giọng Nói Truyền Cảm

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang