Truyện Kiều – Nguyễn Du là một trong những kiệt tác thơ ca của nền văn học Việt Nam viết về cuộc đời của nhân vật chính Vương Thúy Kiều dài 3254 câu thơ lục bát. Tuy đã ra đời từ rất lâu nhưng Truyện Kiều vẫn giữ nguyên giá trị văn học cho đến ngày nay. Đây là một bài thơ quen thuộc, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người dân Việt Nam.
Vài nét về Nguyễn Du
Nguyễn Du sinh năm 1765, mất năm 1820; tên tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Ông sinh ra trong một gia đình đại quý tộc, có nhiều đời làm quan và có truyền thống hiếu học. Thừa hưởng truyền thống từ gia đình, Nguyễn Du trở thành Danh nhân văn hóa thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1965. Cuộc đời ông là chuỗi ngày đầy biến động, lên xuống thất thường nhưng nhờ đó, ông có cho mình hiểu biết sâu rộng, am hiểu văn hóa vùng miền và văn hóa dân tộc. Những tác phẩm của ông luôn chứa chiều sâu hiếm có trong nền văn học Việt Nam. Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Du để lại một loạt những tác phẩm mang tính giá trị cao cho nền văn học nước nhà.
Hoàn cảnh ra đời
Truyện Kiều (hay còn được gọi với tên Đoạn trường tân thanh) là truyện thơ kinh điển của Đại thi hào Nguyễn Du. Theo nhiều giả thuyết ghi lại, Nguyễn Du sáng tác ‘Truyện Kiều’ sau chuyến đi sứ Trung Quốc; nhưng cũng có thuyết nói rằng ông viết trước khi đi sứ Trung Quốc. Tuy nhiên, thuyết cho rằng ông viết trước khi đi sứ được nhiều người biết đến hơn.
Truyện Kiều – Nguyễn Du dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân, kết hợp với những hiểu biết, sáng tạo của ông đã tạo nên một kiệt tác thơ ca của nền văn học nước nhà. Bản in đầu tiên của Truyện Kiều mang tên Đoạn đường tân thanh, tạm dịch: tiếng kêu mới về nỗi đau lòng đứt ruột.
Tóm tắt Truyện Kiều
Truyện Kiều – Nguyễn Du xoay quanh những câu chuyện về cuộc đời nàng Kiều trong 15 năm lưu lạc đầy thăng trầm. Từ một người con gái tài sắc vẹn toàn.
Được nhiều người si mê, có mối tình sâu đậm cùng Kim Trọng. Tưởng chừng như nàng sẽ mãi được sống một cuộc sống êm đẹp bao người mơ ước thì gia đình nàng gặp biến cố lớn. Kiều phải bán mình chuộc cha và em trai, 2 lần bị lừa vào chốn lầu xanh.
Lần đầu được Thúc Sinh chuộc ra nhưng phải chịu cảnh ghen tuông từ Hoạn Thư. Lần sau được Từ Hải cứu giúp, trả ân báo oán cho, mắc lừa Hồ Tôn Hiến khiến Từ Hải qua đời. Nhiều lần nàng có ý định tự vẫn và may mắn được sư Giác Duyên cứu. Kết thúc 15 năm lưu lạc, Kiều đoàn tụ với gia đình.
Dưới đây là chi tiết 12 Phần trong Truyện Kiều – Nguyễn Du:
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 1)
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 2)
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 3)
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 4)
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 5)
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 6)
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 7)
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 8)
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 9)
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 10)
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 11)
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần cuối)
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 1): từ câu đầu đến câu thơ 244
Đây là phần nói về gia cảnh của Kiều và chuyến đi tảo mộ trong tiết thanh minh của nàng cùng hai em là Thúy Vân và Vương Quan. Trong chuyến đi này, Kiều bắt gặp một ngôi mộ vô danh mà được Nguyễn Du miêu tả rằng ” sè sè nắm đất bên đường”. Đó là ngôi mộ của Đạm Tiên, một ca nhi tài sắc vẹn toàn một thời. Thế nhưng, Đạm Tiên “Sống làm vợ khắp người ta/Khéo thay thác xuống làm ma không chồng” làm dấy lên bao sự đồng cảm, thương xót cho một kiếp hồng nhan bạc mệnh.
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 2): từ câu thứ 245 đến câu thơ 572
Đây là phần nói về việc Kim Trọng tương tư nàng Thúy Kiều da diết sau cuộc gặp gỡ định mệnh trong tiết thanh minh. Kim Trọng chuyển về gần nhà Thúy Kiều. Hai người đã thề nguyền hẹn ước và trao tín vật định tình. Sau đó, Kim Trọng nghe được tin dữ từ quê nhà nên phải tạm xa Thúy Kiều để trở về quê nhà hộ tang. Đôi uyên ương đều không biết rằng cuộc chia ly này kéo dài những mười lăm năm sau mới có thể gặp lại.
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 3): từ câu thứ 573 đến câu thơ 804
Vương ông và Vương Quan bị bắt oan. Trước tình cảnh tính mạng của cha và của em trai đang gặp nguy kịch, Thúy Kiều quyết định bán mình để chuộc cha và em trai. Mã Giám Sinh nghe tiếng nàng Kiều tài sắc vẹn toàn, bèn đến nhà “kì kèo mặc cả” để hỏi mua nàng Kiều. Nghĩ đến những lời thề nguyền hẹn ước với Kim Trọng ngày trước, Thúy Kiều quyết định van nhờ em gái là Thúy Vân thay mình nối duyên cùng chàng Kim.
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 4): từ câu thứ 805 đến câu thơ 1056
Đoạn thơ đã dựng nên tâm trạng cô đơn, bất hạnh, đáng thương, không nơi nương tựa của Kiều. Khi tuổi xuân còn đang phơi phới, nàng bị giam lỏng tại lầu Ngưng Bích, mọi sự xấu hổ khi bị Mã Giám Sinh lừa vào lầu xanh, sự tủi thẹn khi cảm thấy mình không còn xứng đáng với tình cảm mà Kim Trọng mong chờ đã dần giam cầm tinh thần nàng tại nơi đây. Dù đã bán mình chuộc cha trong tình cảnh ‘Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai’ nhưng Kiều vẫn luôn nặng trĩu nỗi nhớ cha mẹ.
Truyện Kiều – Nguyễn Du (Phần 5): từ câu 1057 đến câu 1274
Phần 5 đã cho ta thấy thêm được phần nào hoàn cảnh của cô khi phải sống một mình giữa khoảng không rộng lớn ấy và tâm trạng khi được người giang tay giúp đỡ. Nàng như một người chết đuối vớ được cọc, nàng vội vàng tin vào lời Sở Khanh lừa gạt, cùng hắn bỏ trốn sau đó rơi vào chiếc bẫy của Tú Bà giăng sẵn nhằm nhốt Kiều vĩnh viễn ở chốn lầu xanh này. Khi bị bắt lại, Kiều thấy xót xa cho số phận mình và đành phải quy phục.
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 6): từ câu 1275 đến câu 1472.
Khi mà Kiều rơi vào tuyệt vọng vì nghĩ rằng suốt đời không thể thoát khỏi chốn lầu xanh này thì bỗng có một ‘khách du’ tên Thúc Sinh đã có vợ là Hoạn Thư nhưng vốn là người ‘mộ tiếng Kiều nhi’ từ lâu đến để chuộc nàng. Cuộc đời nàng rẽ sang một trang mới từ đây.
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 7): từ câu 1473 – 2028
Cuộc sống của Kiều tưởng chừng đã êm ả khi được Thúc Sinh cứu về nhưng thực chất nó lại là điểm bắt đầu của một biến cố khác. Hoạn Thư – vợ cả của Thúc Sinh đã sai người bắt cóc Kiều về để tra hỏi và đưa ra những ‘đòn ghen’ nhằm hành hạ Kiều, làm Kiều phải ra đi một cách tự nguyện.
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 8): từ câu thứ 2029 đến câu 2288.
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 8) là một bước ngoặc khác của cuộc đời Kiều. Sau khi bị buộc phải vào Quan Âm, Kiều bỏ trốn và gặp được Sư Giác Duyên. Sư gửi Kiều ở nhà một Phật tử thường lui đến chùa tên Bạc Bà. Không ngờ rằng Bạc Bà lại là ‘đồng môn’ của Tú Bà – Thúy Kiều bị bán vào lầu xanh. Nhưng thật may mắn vì lần này nàng vô tình gặp được Từ Hải và được chuộc ra khỏi nơi kinh hoàng ấy.
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 9): từ câu thứ 2289 đến câu 2418
Đây là những tháng ngày bình yên hiếm có của nàng sau khi thoát khỏi chốn lầu xanh lần 2. Khi này, Kiều chợt nhớ về những tháng ngày ‘hàn vi’ khi xưa và kể lại cho Từ Hải nghe với mong muốn được ‘báo ân trả oán’. Những người như Bạc Bà, Bạc Hạnh, Sở Khanh,… đều phải chịu hình phạt thích đáng, còn những người đã giúp nàng thì được thưởng. Riêng Hoạn Thư được tha nhờ khéo ăn khéo nói. Về sau, Kiều gặp được sư Giác Duyên, được bà báo 5 năm sau sẽ gặp lại vì nàng còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, chưa thể đoàn tụ với gia đình.
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 10): từ câu 2419 đến câu 2738
Sau khi ân đền báo oán xong, Kiều gặp lại sư Giác Duyên và được bà báo rằng Kiều còn phải trải qua nhiều lận đận chưa đoàn tụ ngay được với gia đình. Chắc có lẽ bản thân Kiều cũng không ngờ được lời nói ấy lại nhanh chóng thành sự thật đến vậy, Từ Hải mắc mưu Hồ Tôn Hiến, Kiều nhảy xuống sông tự vẫn.
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 11): từ câu thứ 2739 đến câu 2972
Kim Trọng sau khi hộ tang chú trở về thì đã muộn, chàng không còn gặp được Kiều nữa, đau xót thay. Sau chàng vẫn đăng tin tìm Kiều và nhận được thông tin về người mình thương: Kiều đã gieo mình tự vẫn trên sông Tiền Đường. Khi tìm đến bờ sông ấy, cả hai gặp được sư Giác Duyên – vị sư khi xưa đã giúp đỡ Kiều – sư cho hay Kiều đã được bà cứu và đem về cưu mang, sư dẫn họ về gặp Kiều, ai cũng mừng mừng tủi tủi.
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần cuối): từ câu thứ 2973 đến hết.
Đến cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ từ sư Giác Duyên nên nàng đã được đoàn tụ cùng gia đình, cùng Kim Trọng. Nhưng chính bản thân nàng lại là người sợ giây phút đoàn tụ này hơn ai hết, Thúy Vân hiểu tấm lòng của chị nên đã lên tiếng giúp chị. Trong đêm định mệnh ấy, Kim Trọng và Thúy Kiều đã tâm sự cùng nhau về những chuyện đã qua, nàng hiểu tấm chân tình của Trọng nhưng nàng cảm thấy mình không còn xứng với Trọng nữa, nên cả hai đều ngầm hiểu rằng cả hai sẽ chỉ là bạn từ nay về sau.
Giá trị nhân văn
Thông qua tác phẩm, Nguyễn Du đã khéo léo lồng ghép lời bình, lời phê phán về xã hội bất công luôn chà đạp lên số phận của những con người thấp cổ bé họng. Sự lạm quyền của bọn quan lại xấu xa, hợm hĩnh, những kẻ đặt đồng tiền lên trên giá trị con người, kiếm lời từ những việc bất chính.
Đồng thời, tác giả cũng bày tỏ lòng thương xót với số phận bé nhỏ của những người phụ nữ trong xã hội cũ. Đề cao những người phụ nữ tài năng và lên tiếng bảo vệ những người bị dày vò trong xã hội xưa.
Giá trị nghệ thuật
Nguyễn Du đã sử dụng nghệ thuật độc thoại nội tâm để miêu tả rõ nét nội tâm của nhân vật, qua đó ta có thể hiểu và cảm thông cho số phận của Kiều. Bằng cách vận dụng những ngôn ngữ thường ngày, ngôn ngữ văn chương, tác giả đã miêu tả nhân vật lẫn cảnh vật một cách tài tình và để lại những ấn tượng khó quên trong lòng người đọc.
Truyện Kiều – Nguyễn Du vẫn là một áng thơ nổi tiếng viết về xã hội phong kiến khi xưa mà ta có thể thấy rõ qua những lời bình của nhà thơ. Truyện Kiều đã đem lại nhiều giá trị nghệ thuật cho nền văn học nước nhà và vẫn luôn tồn tại trong đời sống của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Dương Thị Ngọc Ánh