Nguyên Phi Ỷ Lan

Ỷ Lan người phụ nữ quyền lực nhất Sử Việt

Ỷ Lan là ai?

Thái hậu Ỷ Lan người phụ nữ quyền lực
Thái hậu Ỷ Lan người phụ nữ quyền lực

Ỷ Lan (sinh vào khoảng những năm 1044 – mất năm 1117) hay còn gọi là Linh Nhân Hoàng thái hậu, là phi tần của vua Lý Thánh Tông, mẹ ruột của vua Lý Nhân Tông. Bà là người phụ nữ hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam nổi tiếng với tài năng nhiếp chính giúp cho vương triều nhà Lý hưng thịnh, dẹp bỏ tham nhũng, dạy dân làm giàu, giúp dân chúng ấm no. Bà còn góp công lan tỏa Phật giáo trong thời gian bà còn sống.

Về xuất thân của bà, Đại Việt sử lược không ghi chép rõ ràng. Chỉ ghi lại bà họ Lê, người hương Thổ Lỗi. Tên Ỷ Lan được vua Lý Thánh Tông ban sau khi vào cung và được phong là Nguyên Phi (tức là người đứng đầu các phi tần  – chỉ dưới hoàng hậu). 

Một số sách khác có viết về bà như ‘Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn’ của Trương Thị Trong, thời Chúa Trịnh thì bà có tên là Lê Khiết Nương. Tuy nhiên, có thời kỳ người ta thường đệm từ nương sau tên của người con gái thì có lẽ bà tên Lê Khiết. Bà có dung mạo xinh đẹp, vốn là con nhà nông nhưng đầy đủ công dung ngôn hạnh, đặc biệt có tài trị quốc.

Nàng thôn nữ hái dâu được vua chú ý

Trong một lần nhà vua Lý Thánh Tông thân hành đi cầu tự khắp các chùa, miếu để cầu tự do đã vào tuổi tứ tuần nhưng vua và Hoàng hậu Thượng Dương vẫn chưa có con kế nghiệp. Kiệu vua đi đến đâu, người người nhà nhà đổ xô ra đến đó: trai, gái, già, trẻ, lớn, bé đều muốn được nhìn thấy vua. Khi kiệu đến hương Thổ Lỗi (ngay cạnh con đường thiên lý để vào chùa Dâu), ngài vén rèm để nhìn ra ngoài thì vô tình nhìn trúng người con gái xinh đẹp hái dâu đang e thẹn tựa vào cây lan đợi đoàn người đi qua. Có thuyết cho rằng khi đó bà vừa làm vừa hát: “Tay cầm bán nguyệt sênh sang; Hai hàng cỏ dại lai hàng tay ta”. Nàng không háo hức phấn khởi như những người xung quanh khiến vua lấy làm lạ, liền cho dừng kiệu và cho gọi người con gái đó đến để hỏi. 

Vua thấy người này đối đáp lưu loát, thông minh, còn có dung mạo xinh đẹp nên vua liền đưa nàng về cung. Vua phong cho nàng là Ỷ Lan phu nhân. 

Vài năm sau, Ỷ Lan phu nhân sinh ra hoàng tử Lý Càn Đức, được vua phong lên Thần Phi. Mùa xuân năm 1068, Thần phi tiếp tục sinh hạ ra hoàng tử Minh Nhân Vương nên được vua phong là Nguyên Phi, thứ bậc chỉ sau Thượng Dương Hoàng hậu. 

Quê hương Thổ Lỗi của bà vì thế cũng được đổi thành Siêu Loại, có nghĩa là vượt lên trên hết.

Tài học và tài trị quốc của Ỷ Lan

Ỷ Lan

Khác với các cung phi khác chỉ lo trau chuốt nhan sắc, bà chuyên tâm học tập, nghiên cứu những sách lược trị nước để giúp đỡ chồng trấn giữ giang sơn. Với trí thông minh vốn có của mình, bà học một hiểu mười, suy nghĩ sắc sảo, thấu tình đạt lý nên mau chóng trở thành phụ tá đắc lực được vua yêu thương, sủng ái. Ỷ Lan còn dạy nhân dân nghề trồng dâu, nuôi tằm để nâng cao đời sống.

Một lần vua Lý Thánh Tông hỏi Ỷ Lan về kế trị nước, Ỷ Lan tâu: “Muốn nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm. Thuốc đắng khó uống nhưng chữa được bệnh… Phải xem quyền hành là một thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự mình tu đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh. Dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật. Muốn nước mạnh hoàng đế phải nhân từ với muôn dân. Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo. Hội đủ những điều ấy, nước Đại Việt sẽ vô địch.” – Theo Các Triều Đại Việt Nam, Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng, Nhà Xuất bản Thanh Niên 2005

Lần nhiếp chính đầu tiên của Nguyên Phi Ỷ Lan

Mùa xuân năm 1069, vua đem quân đi đánh Chiêm Thành. Lần ra trận này vua đánh mãi không được nên phải đem quân về. Bà cùng với Thái sư Lý Đạo Thành điều hành mọi việc của triều đình, quản lý các trấn, lộ. Năm ấy, nước Đại Việt chìm trong biển lũ, mùa màng mất sạch, dân tình đói kém dẫn đến loạn lạc. Ỷ Lan đã đưa ra những chính sách táo bạo, đúng đắn nên nhân dân được cứu sống, loạn lạc dẹp yên. Nguyên Phi Ỷ Lan cho mở kho thóc cấp cho dân; đi xem xét các địa phương, bắt giữ và xét xử các quan lại tham nhũng và các gian thương đang lợi dụng thiên tai để gây khổ thêm cho nhân dân. Bà rất chú trọng đến nông nghiệp, khuyến khích nghề thủ công, nhất là nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Đặc biệt nghiêm cấm việc giết trâu.

Nghe tin Nguyên Phi Ỷ Lan giúp nội trị khiến lòng dân cảm hóa vui vẻ, yên bình, được dân tôn kính gọi là bà Quan Âm. Vua như được truyền thêm động lực, nói rằng “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông thì được việc gì!”, xong liền đem quân đi đánh tiếp. Lần này, vua bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ và 5 vạn dân Chiêm Thành. Vua Chế Củ xin dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội (ngày nay thuộc tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị). Vua ưng thuận và tha Chế Củ về nước. Vua dẫn quân trở về trong niềm hân hoan.

Nguyên Phi Ỷ Lan với tấm lòng trung trinh và hết lòng trị quốc, chẳng những giúp kinh tế nước nhà được chấn hưng mà còn truyền nguồn cảm hứng và sức mạnh cho chồng (tức là vua Lý Thánh Tông) nâng cao sĩ khí, mã đáo thành công.

Đại Việt sử ký toàn thư viết: “…Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hoá hoà hợp. Trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm.”

Lần nhiếp chính thứ hai và Ỷ Lan trở thành Hoàng thái hậu

Thái hậu Ỷ Lan
Thái hậu Ỷ Lan

Với lần nhiếp chính này, một sự kiện tang thương đã xảy ra. Vua Lý Thánh Tông băng hà vào năm 1072, thái tử Lý Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi, hiệu là Lý Nhân Tông, tôn mẹ đẻ là Nguyên Phi Ỷ Lan làm Hoàng thái phi (không có quyền nhiếp chính), trong khi đó tôn Thượng Dương Hoàng hậu làm Thượng Dương thái hậu. 

Không cam lòng khi là mẹ đẻ của vua nhưng chỉ được tôn là Hoàng thái phi, không có quyền nhiếp chính nên bà đã tìm cách đánh tiếng với vua Lý Nhân Tông, đánh vào tình cảm mẹ con của vua. Hoàng thái phi sau đó đã đạt được mục đích của mình khi vua Lý Nhân Tông tôn bà làm Hoàng thái hậu. 

Về sự việc này, Đại Việt sử ký toàn thư chép sơ lược chuyện này như sau:

“Quý Sửu (1073)… Giam Hoàng thái hậu họ Dương,… (bởi) Linh Nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: “Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?” Vua bèn sai đem giam Dương Thái hậu và 72 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông…:”

Năm 1075, Thái úy Lý Thường Kiệt, sau khi cử gián điệp thu thập tin tức của Nhà Tống, được lệnh của Thái hậu và vua nhà Lý, ông đã tiến hành mang quân sang vây đánh Khâm Châu và Liêm Châu (thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Phá tan kho lương thực và khí giới của Nhà Tống ở Ung Châu, tiêu diệt hơn vạn dân và lui binh. Nhà Tống chấn động, tuy nhiên vẫn không từ bỏ ý định xâm lược Đại Việt.

Năm 1076, nhà Tống đem quân sang xâm lược Đại Việt. Tình thế quốc gia lâm nguy, Hoàng thái hậu Ỷ Lan mang trên mình trọng trách nặng nề khi vừa phải dạy dỗ con vừa lo việc nước cùng các triều thần, trong đó đứng đầu là Thái phó bình chương quân quốc trọng sự  Lý Đạo Thành và Thái úy phụ chính Lý Thường Kiệt. 

Kết quả, quân Tống thua chạy về nước. Thái hậu Ỷ Lan đóng góp công lao vô cùng lớn trong cuộc chiến với quân Tống. 

Về già, bà chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp, tích cực làm việc thiện, tích cực xây chùa. Có thể kể đến những ngôi chùa như: chùa Dạm (1086, Bắc Ninh), chùa Một Mái (1099, Quốc Oai, Hà Nội), chùa Phật Tích (1100, Bắc Ninh), chùa Báo Ân (1100, Thanh Hóa), tháp Chương Sơn (1108, Nam Định). Đặc biệt tại quê hương là chùa Linh nhân tư phúc. Bên cạnh chùa mới khôi phục là đền cổ nguy nga với 72 cửa.

Năm 1117, Ỷ Lan qua đời ở tuổi 73, kết thúc cuộc đời là một Hoàng thái hậu có ảnh hưởng nhất sử Việt. Thụy hiệu là Linh Nhân Phù Thánh Hoàng thái hậu.

Không thể phủ nhận rằng Nguyên Phi Ỷ Lan là người phụ nữ rất tài giỏi. Bà cống hiến rất nhiều cho sự thịnh trị về kinh tế, văn hóa, chính trị cho đất nước. Từ một thôn nữ hái dâu ở hương Thổ Lỗi trở thành một Hoàng thái hậu hai lần nhiếp chính chăm lo việc nước nhà giúp chồng, giúp con. 

Bên cạnh công lao ổn định và phát triển đất nước, Thái hậu Ỷ Lan còn có hai việc nổi bật đã được sử cũ biên chép, đó là việc “chuộc người” (vào năm 1103). Tức là phát tiền kho nội phủ để chuộc những cô con gái nhà nghèo đã bán đợ mình, rồi đem gả cho những người góa vợ. Sự việc này được sử thần Ngô Sĩ Liên khen là: “Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm chân chính vậy”.

Việc thứ hai là “đề xuất lệnh cấm trộm trâu và giết trâu bừa bãi” (vào năm 1117), đã khiến người dân càng thêm kính trọng và biết ơn bà, bởi đối với người dân lúc ấy thì “con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Sự tôn kính của nhân dân dành cho Ỷ Lan

Để ghi nhớ công lao của Nguyên Phi Ỷ Lan, nhân dân ta đã lập ra một số đền thờ, tiêu biểu có thể nhắc đến là Đền thờ Đức Quốc Mẫu Ỷ Lan Nguyên Phi (tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội); Đền Ghênh, thường gọi là Đền Ỷ Lan (tại thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên); Chùa Bà Tấm (tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Ý Nghĩa Sống xin được kết thúc phần chia sẻ về Thái hậu Ỷ Lan với một bài thơ nổi tiếng của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn này.

Đây là Bài kệ không có đầu đề (người sau đặt tên cho bài kệ là Kệ Sắc không), được Ỷ Lan làm sau khi đàm đạo với Đại sư Thông Biện về những tôn chỉ của đạo Thiền. Bài thơ đã thể hiện sự uyên bác về Thiền học của bà.

Sắc thị không, không tức sắc,

Không thị sắc, sắc tức không.

Sắc không quân bất quản,

Phương đắc khế chân không.

Có nghĩa là:

Sắc là không, không tức sắc,

Không là sắc, sắc tức không.

Sắc không đều chẳng quản,

Mới được hợp chân tông.

Nguyễn Dương Thị Ngọc Ánh tổng hợp và biên tập

Thất hổ tướng Tây Sơn

Tổng quan về Truyện Kiều – Nguyễn Du

Khóa Học Bí Quyết Để Có Giọng Nói Truyền Cảm

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang