Phật Giáo đã chỉ ra 8 loại khổ (còn gọi là Bát Khổ) mà nhân sinh vẫn đang phải ngụp lặn trong cõi ta bà. Bát khổ bao gồm: sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, cầu bất đắc khổ, oán tăng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ, ái biệt ly khổ. Trong đó, ái biệt ly khổ (tức là nỗi khổ khi phải biệt ly với người mình thương quý) và nỗi khổ trước quy luật sinh diệt mang đến nhiều nỗi sợ hãi và bi thương nhất. Trong bài viết này, Ý Nghĩa Sống xin chia sẻ đến Quý vị và các bạn 6 câu nói tuệ giác của thiền sư Thích Nhất Hạnh trong cuốn sách “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” của Thích Nhất Hạnh giúp khai sáng trí tuệ và chữa lành những vết thương lòng. Từ đó giúp chúng ta có thêm trí lực, bản lĩnh, sức mạnh và sự bình an trong tâm.
Bạn có thể xem thêm:
100 câu nói tinh hoa của thiền sư Thích Nhất Hạnh
1. “Nhìn cho sâu, chúng ta cũng thấy được rằng không có gì sinh ra, không có gì mất đi, không có gì tới, cũng không có gì đi, không có cũng không không, không giống cũng không khác” – Thích Nhất Hạnh, Không diệt không sinh đừng sợ hãi, trang 25.
Ý Nghĩa Sống luận bàn:
Thoạt nghe, bằng sự hiếu kỳ, ắt có người phản biện rằng: Có người ngày nào còn bên ta, mà nay đã qua đời, đó chẳng phải là người ấy đã “sinh” rồi đã “mất” hay sao? Có người ngày nào còn thề hẹn suốt đời suốt kiếp một lòng yêu ta, thế mà nay lại dứt áo ra đi để yêu một người khác, đó chẳng phải là họ đã “đến” rồi “đi” ư? Ngày nào ta có người yêu, mà nay cô đơn lẻ bóng, đó chẳng phải là lúc “có” lúc “không” hay sao? Ta giống cha mẹ, ta khác người dưng, đó chẳng phải là có sự “giống” và có sự “khác” hay sao?
Lời người ấy phản biện không sai, nhưng nếu nhìn bằng ánh mắt tuệ giác của Phật Giáo, như lời dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh thì chúng ta sẽ thấy được những chân lý mới.
Thứ 1: Tạo sao nói rằng “Không có gì sinh ra, không có gì mất đi” ?
Cơ thể con người là một dạng vật chất. Năng lượng chính là đặc trưng cho khả năng sinh công của một vật thể bất kỳ nào đó. Chỉ số của năng lượng này liên quan đến sự chuyển động của các hạt và từ trường. Năng lượng và khối lượng của vật có sự liên hệ với nhau dựa trên thuyết tương đối. Trong Vật lý học, năng lượng được coi là một đại lượng bảo toàn. Theo đó, Định luật Bảo Toàn Năng Lượng đã được nghiên cứu, kiểm chứng và đúc kết rằng: “Năng lượng sẽ không tự nhiên sinh ra hay mất đi mà chúng sẽ chuyển từ dạng này sang dạng khác hoặc từ vật thể này sang đến vật thể khác”.
Do vậy nhìn ở góc độ vật chất và năng lượng thì “không có gì tự nhiên sinh ra, không có gì tự nhiên mất đi” là có cơ sở vậy. Với luận điểm này, Phật giáo như vậy đã đi trước khoa học khoảng 2500 năm.
Thứ hai: tại sao nói rằng “Không có gì tới, cũng không có gì đi”?
Nhìn trên bình diện tuyệt đối, người và ta, ta và người đều là thành phần của vũ trụ. Thế nên, cho dù có đến, có đi như thế nào thì cũng vẫn thuộc về vũ trụ và nằm trong vũ trụ này.
Bầu trời vẫn thế, mặt đất vẫn thế. Ta và người đều là những biểu hiện của vũ trụ, khởi nguồn từ vũ trụ và cho dù được biểu hiện dưới dạng hình hài nào thì vẫn thuộc về vũ trụ.
Thứ ba: tại sao nói rằng “không có cũng không không”?
Chúng ta thấy một nhành hoa đẹp, liền đưa tay ngắt lấy, thầm nghĩ rằng ta đã có được nhành hoa xinh đẹp này. Nhưng nhành hoa này sẽ nhanh chóng héo tàn và trở về với đất mẹ, những hương thơm và hơi nước bốc ra từ nhành hoa nhanh chóng hòa vào khí trời. Hóa ra, thứ mà chúng ta cố gắng níu kéo, cũng chẳng thể giữ được mãi. Chúng ta không có bông hoa ấy mãi, nhưng cũng không hẳn là không từng có bông hoa ấy. Khi chúng ta từng hít thở thấy mùi hương tươi mát của nhành hoa ấy trong không khí, mùi hương ấy đã trở thành một phần rất nhỏ trong sự sống của chúng ta.
Như vậy, chúng ta và hoa đều là những biểu hiện trong những hình hài khác nhau của vũ trụ, không sở hữu nhau, nhưng cũng không hẳn không có nhau.
Thứ tư: tại sao nói rằng “không giống cũng không khác”?
Hãy nhìn xem ta của ngày 5 tuổi và ta của hiện hữu bây giờ. Rõ ràng chúng ta đã lớn hơn nhiều, không còn giống ta của ngày 5 tuổi nữa. Nhưng ta hôm nay chính là ta của ngày 5 tuổi phát triển thành, nên cũng không khác.
Chúng ta và cha mẹ là những cơ thể khác nhau, không thể giống 100% cha mẹ được, nhưng dòng máu trong người ta, da thịt trên người ta đều là do cha mẹ ban cho, là một phần của cha mẹ nên chúng ta và cha mẹ cũng không khác.
Chúng ta và những người xa lạ rõ là không giống nhau. Nhưng chúng ta và họ đều là cơ thể con người, nên cũng không khác.
Chúng ta và vạn vật khác rõ là không giống nhau. Nhưng nhìn trên bình diện tuyệt đối, chúng ta và vạn vật đều là biểu hiện của tạo hóa nên cũng không khác.
Một trong những nỗi sợ hãi nhất của con người chính là nỗi sợ của sự sinh rồi diệt, nỗi sợ của sự có rồi mất, nỗi sợ của sự đến rồi đi, nỗi sợ của sự giống và khác. Từ những lập luận trên, nhìn trên bình diện tuyệt đối, chúng ta đã thông suốt được rằng không có sinh – cũng không có diệt. Không có đến – cũng không có đi. Không có – cũng không không. Không giống – cũng không khác. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng “Khi nhìn được như thế, bạn không còn sợ hãi gì nữa. Bạn sẽ được tự do, không còn tham đắm, hờn ghen. Không sợ hãi là niềm vui tuyệt đối. Khi bạn giác ngộ về cái sợ là bạn được tự do. Và giống như các bậc đại nhân, bạn sẽ bình thản cưỡi trên sóng sinh tử”.- trang 78.
2. “Nếu nhìn cho kỹ, bạn sẽ thấy cái thân của bạn cũng là cái thân của tổ tiên, cha mẹ, của con và cháu bạn.” Thích Nhất Hạnh, Không diệt không sinh đừng sợ hãi – trang 63.
Nguyên văn câu nói này của thiền sư Thích Nhất Hạnh là: “Chúng ta nghĩ về thân mình như nó chính là mình, hay nó thuộc về mình. Thân này là tôi, là của tôi. Nhưng nếu nhìn cho kỹ, bạn sẽ thấy cái thân của bạn cũng là cái thân của tổ tiên, cha mẹ, của con và cháu bạn. Vậy nó không là tôi hay của tôi! Thân bạn có đầy đủ các yếu tố khác, vô số những thứ không phải là thân, trừ một thứ, đó là cái ngã riêng biệt.”
Ý Nghĩa Sống luận bàn:
Khi đã nắm vững lập luận tại câu số 1 thì chúng ta không quá khó để hiểu câu số 2 này. Xét về mặt sinh học, thân thể của chúng ta được sinh ra từ tinh cha huyết mẹ. Cho nên cái thân của chúng ta có nguồn gốc và là sự tiếp nối cái thân của cha mẹ chúng ta. Cái thân của cha mẹ chúng ta có nguồn gốc và là sự tiếp nối của ông bà chúng ta. Cứ như thế lần về trước, cái thân của chúng ta cũng chính là có nguồn gốc, là sự tiếp nối, là một biểu hiện của tổ tiên chúng ta. Con cháu chúng ta cũng sẽ được sinh ra từ cái thân của chúng ta vậy. Chính vì mối liên hệ máu thịt như vậy mà cái thân của chúng ta cũng là cái thân của tổ tiên, cha mẹ, của con và cháu chúng ta.
Bốn mùa thay đổi, vũ trụ xoay vần, vạn vật sinh sôi nảy nở, sự sống tiếp nối sự sống dưới nhiều thế hệ, nhiều hình hài khác nhau.
Chúng ta thuộc về tích môn (bình diện tương đối) khi sống đời hằng ngày trong tấm thân này, nhưng chúng ta cũng có một bản môn (bình diện tuyệt đối) khi ta tập sống về tâm linh, hiểu được rằng trong ta có cả những di sản của cha mẹ, tổ tiên.
Khi chúng ta sống với bình diện tuyệt đối cùng lúc với bình diện tương đối, chúng ta sẽ không còn sợ hãi quy luật sinh diệt nữa, vì chúng ta hiểu rằng tấm thân này của chúng ta đang là biểu hiện của cha mẹ, của tổ tiên. Ta có thể tìm thấy cha mẹ, ông bà, tổ tiên của chúng ta trong chính tấm thân này của chúng ta.
Khi tấm thân này già đi, không còn đủ sức dọc ngang nữa thì con cháu của chúng ta chính là sự tiếp nối, là biểu hiện mới của chúng ta. Không có sinh, không có diệt, không có sợ hãi nữa.
Cho nên thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng “Nếu chúng ta có thể sống với bình diện tuyệt đối cùng lúc với bình diện tương đối thì ta sẽ không còn sợ hãi. Khi không còn sợ hãi nữa thì hạnh phúc đích thực. Ngọn sóng có quyền sống như một ngọn sóng, nhưng nó cần học cách sống như nó là nước vì nó không phải chỉ là sóng mà thôi. Nó cũng là nước. Và nước thì sống mà không sợ hãi như sóng”.
3. “Khi nhân duyên đầy đủ thì tôi biểu hiện, và khi nhân duyên không còn đầy đủ thì tôi ẩn tàng, tôi không đi đâu cả. Tôi sẽ đi đâu? Tôi chỉ ẩn đi mà thôi.” Thích Nhất Hạnh, Không diệt không sinh đừng sợ hãi – trang 78.
(Bản chất thực sự của mọi sự vật là không sinh, không diệt, không đến – không đi. Bản chất của tôi cũng là không đến, không đi.)
Ý Nghĩa Sống luận bàn:
Phật Pháp có câu “vạn sự tùy duyên”. Câu này quả thật chuẩn xác. Cây đậu sở dĩ đâm chồi, nảy lộc, ra hoa, kết trái là do hội tụ đủ các mối nhân duyên: đất, nước, không khí, ánh nắng mặt trời, và cả hạt giống nữa. Các nhân tố ấy tương tức với nhau thỏa đáng, phù hợp thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cây đậu được biểu hiện.
Trước khi cây đậu được biểu hiện thì nó ở đâu? Theo định luật bảo toàn năng lượng trong vật lý học, trước khi cây đậu được biểu hiện, những dạng thức của nó vốn đã tồn tại sẵn rồi. Nó là một phần của đất, của nước, của không khí, của ánh sáng mặt trời, và của hạt giống nữa. Khi hội tụ đủ các nhân tố đó, các mối nhân duyên đó thì cây đậu biểu hiện cho chúng ta thấy. Khi chưa hội tụ đủ các nhân tố đó, các mối nhân duyên đó thì cây đậu vẫn ở trong vũ trụ này, ẩn tàng dưới nhiều dạng thức khác nhau vậy mà bằng mắt thường chúng ta không nhìn thấy được.
Cũng như người thân mà chúng ta cho rằng đã mất đi, nhưng kỳ thực họ vẫn ở đó, chỉ là họ ẩn tàng trong những dạng thức khác nhau. Người thân của chúng ta ẩn tàng trong chính tấm thân của chúng ta, trong hơi thở, giọng nói, trong bàn tay của chúng ta vậy. Họ còn ẩn tàng trong không khí, trong những con đường họ đã đi qua, trong những hàng cây họ đã trồng, trong những thành quả mà họ đã tạo dựng, trong những niệm lành mà họ đã gieo, và trong trái tim của những người đã gặp họ. Như vậy, chúng ta có rất nhiều cách để cảm nhận sự tồn tại của họ, họ không sinh ra, cũng không mất đi, mà chỉ là biểu hiện và ẩn tàng trong những dạng thức khác nhau.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho chúng ta một trải nghiệm sinh động hơn để hiểu về tuệ giác này khi nói rằng: “Trước khi sinh ra, đám mây đã có ở đó rồi. Hôm nay, khi bạn uống một ly sữa hay một tách trà, ăn một ly kem, xin hãy theo dõi hơi thở. Hãy nhìn vào ly sữa hay tách trà và gửi lời chào đến đám mây.”
4. “Vô thường làm cho mọi sự đều có cơ hội” – Thích Nhất Hạnh, Không diệt không sinh đừng sợ hãi – trang 55
Khi chúng ta vững chãi và có định lực, ta có thể thực tập nhìn sâu. Khi nhìn sâu và hiểu được bản chất của vô thường, ta có thể quán chiếu về cái hiểu biết sâu xa đó – trang 56.
Ý Nghĩa Sống luận bàn:
Vô thường chính là không có gì vĩnh cửu, không có gì thường hằng mà sẽ luôn thay đổi. Người ta thường nói cuộc sống này vô thường, để ám chỉ rằng không có gì là mãi mãi. Khi ta giận người mình thương tới 24h hoặc nhiều hơn, đó là vì mình quên mất vô thường. Nếu biết rằng tấm thân này có hạn sử dụng, thì người và ta hãy thực hành thương quý và tha thứ, đừng để những nỗi ghen tuông, hờn giận chiếm lấy sự hội tụ ngắn ngủi này.
Đứng trước vô thường, người tuệ giác thì bình thản và vững chãi, còn người thường thì đau khổ, buồn rầu, gào thét. Đó là bởi nhân sinh phần đa chỉ mới nhìn thấy mặt trái của vô thường mà chưa nhìn thấy mặt phải của vô thường.
Này nhé, ví như khi bạn và người yêu giận nhau, hiểu được vô thường bạn sẽ thấy rằng những hờn giận này sẽ nhanh chóng qua đi. Ngay cả những khó khăn trước mắt thì trước tác dụng của vô thường chúng đều có sự chuyển hóa để chúng ta không mãi ở trong trạng thái đó.
Nhờ có vô thường, mà hạt giống không chỉ là hạt giống mà còn được biểu hiện thành cái cây ra hoa, kết trái. Nhờ có vô thường mà chúng ta từ hình hài lúc 5 tuổi, nay đã cao lớn và trưởng thành. Nhờ có vô thường mà chúng ta được đón bình minh vào mỗi sớm mai, được ngắm hoàng hôn khi chiều tà, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền diệu của ánh trăng vào buổi tối theo nhịp chuyển biến của vũ trụ.
Nhờ có vô thường mà chúng ta thấy được các thế hệ con cháu tiếp nối, không bị chìm đắm vào nỗi buồn quá dài, không phải chịu những đau đớn quá lâu, không phải trong trạng thái tăm tối mãi mãi. Hay nói cách khác, nhờ có vô thường mọi sự đều có cơ hội.
Do vậy, chúng ta hãy bình thản khi đối diện với vô thường, không cần quá hân hoan, cũng đừng sợ hãi vô thường!
5. “Trống rỗng là một màu nhiệm” – Thích Nhất Hạnh
Nguyên văn câu nói này của thiền sư Thích Nhất Hạnh là: “Vô thường cần được nhìn dưới ánh sáng của trống rỗng, tương tức và vô ngã. Những thứ đó không có tính cách tiêu cực. Trống rỗng là một màu nhiệm” – Thích Nhất Hạnh, trang 63.
Ý Nghĩa Sống luận bàn:
Vô ngã có nghĩa là không có một ngã, một cái gì trường tồn, bất biến, cốt tủy, vững chắc mà không phụ thuộc vào cái khác. Câu nói này làm chúng ta liên tưởng đến lời dạy của ngài Long Thọ (Nagarjuna), một vị thầy nổi tiếng trong Phật giáo, rằng “Nhờ Không mà mọi sự đều Có”.
Bầu trời sở dĩ có thể chứa được mặt trời, mặt trăng, muôn triệu vì sao chính là bởi nó trống rỗng. Như vậy bầu trời nhờ có tính Không mà trở thành Có. Căn nhà vì có khoảng Không, Trống rỗng mà chứa đựng và che chở được gia đình ta. Như vậy, căn nhà nhờ có tính Không mà trở thành Có. Theo đó tính Không là một pháp ấn nhiệm màu của Phật Giáo.
Tính Không này làm chúng ta liên tưởng đến lời dạy của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh rằng:
Ba mươi nan xe cùng quy vào một cái bầu, nhưng chính nhờ khoảng trống không trong cái bầu mà xe mới dùng được. Nặn đất sét để làm chén bát, nhưng chính nhờ khoảng trống ở trong mà chén bát mới dùng được. Đục cửa và cửa sổ để làm nhà, chính nhờ cái trống không đó mà nhà mới dùng được. Vậy ta tưởng cái “có” (bầu, chén bát, nhà) có lợi cho ta mà thực ra cái “không” mới làm cho cái “có” hữu dụng.
Như vậy, giáo lý của nhà Phật về Tính Không, thông qua câu nói của ngài Nagarjuna, và của ngài Thích Nhất Hạnh đã gặp được điểm chung với quan điểm về sự “trống rỗng” của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh.
6. Hãy quán chiếu thật sâu, bạn sẽ thấy rằng những gì mà bạn tìm kiếm ở kia vẫn thường hiện diện ngay đây, đó chính là bạn – Thích Nhất Hạnh, Không diệt không sinh đừng sợ hãi
Nguyên văn lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là: “Khi chúng ta chạy đuổi theo một thứ gì, muốn nắm bắt nó, ta sẽ đau khổ. Khi không có gì để đuổi theo, ta cũng khổ đau. Nếu bạn đã là dòng sông, nếu bạn đã từng chạy theo mây, đau khổ, than khóc vì cảm thấy cô đơn, xin hãy nắm lấy tay chính mình như nắm tay một người bạn. Hãy quán chiếu thật sâu, bạn sẽ thấy rằng những gì mà bạn tìm kiếm ở kia vẫn thường hiện diện ngay đây, đó chính là bạn!
Bạn là thứ bạn muốn trở thành. Vậy thì tìm kiếm làm gì nữa? Bạn là một sự biểu hiện tuyệt diệu. Tất cả vũ trụ đều góp phần vào việc làm cho bạn hiển hiện. Không có gì không ở trong bạn cả. Vương quốc của Thượng Đế, Niết Bàn, Tịnh Độ, Hạnh phúc và Tự do, tất cả đều có trong bạn.” – trang 84.
Ý Nghĩa Sống luận bàn:
Nhân sinh thường rơi vào phiền não là bởi mong cầu nhiều quá, rồi lại dành cả cuộc đời để chạy đuổi theo những thứ hào nhoáng bên ngoài. Khi thì chạy đuổi theo tiền tài, công danh, địa vị, danh vọng; khi thì chạy đuổi theo tình yêu, mối quan hệ,… Khi có được thứ này thì liền mong cầu những thứ khác.
Chạy đuổi theo mong cầu đã khổ là thế, huống chi có những thứ mà chúng ta phải đánh đổi mới có được. Khi có được rồi, lại lo sợ mất đi. Khi mất đi những thứ đó, chúng ta liền nảy sinh phiền muội. Đó là bởi trong đầu chúng ta còn có ý niệm về “có” và “không”, về “được” và “mất”.
Cùng là trong khung cảnh làng quê, có người thì cảm thấy bình yên, có người thì thấy buồn chán và thiếu thốn. Cùng là trong chốn thành thị, có người thì cảm thấy ngột ngạt, có người thì thấy sôi động, vui thích. Cùng là được ăn món cháo bào ngư, có người thì vui sướng hạnh phúc khi được thưởng thức, có người thì cho rằng không ngon bằng món rau lang luộc quê ta. Cùng là được đeo trang sức đắt tiền, có người thì tự hào hãnh diện, có người thì thấy phù phiếm và diêm dúa. Cùng được ở ngôi cao, người thì bị cuốn sâu vào vòng danh lợi, người thì khao khát có được cuộc sống bình thường.
Hóa ra, cái gọi là vương quốc của thượng đế, Niết Bàn, Tịnh Độ, Hạnh Phúc và tự do đều không phụ thuộc vào ngoại vật mà phụ thuộc vào chính bản thân chúng ta. Nếu tâm chúng ta loại bỏ những mong cầu, những sợ hãi, những sân si, những hỉ nộ ái ố thì mỗi bước chân của chúng ta đều là an lạc.
Dòng sông kia từng yêu thích ngắm nhìn đám mây. Rồi một ngày cơn gió thổi bay đám mây đi mất, dòng sông đau buồn không nguôi. Cho đến khi trời đổ cơn mưa, dòng sông nhận ra đám mây đã ở trong những giọt nước mưa đó, và thật ra từ lâu đám mây đã ở trong dòng sông rồi. Ta cứ mải mê tìm kiếm những thứ bên ngoài mà quên rằng bản thân ta chính là những biểu hiện tuyệt vời của vũ trụ này. Nhìn trên bình diện tuyệt đối, đám mây có trong ta, nước biển có trong ta, dòng sông có trong ta, dãy núi cũng có trong ta, mặt trăng, mặt trời và các vì sao cũng đều có ở trong ta cả.
Chúng ta hãy tự hào, hãy hạnh phúc, hãy an nhiên, hãy bản lĩnh, hãy tự tin trở thành những gì tuyệt vời nhất bởi vì chúng ta chính là biểu hiện tuyệt vời của vũ trụ này!
Tựu chung lại, 6 câu nói tuệ giác chữa lành của thiền sư Thích Nhất Hạnh trong cuốn sách “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” bao gồm:
- “Nhìn cho sâu, chúng ta cũng thấy được rằng không có gì sinh ra, không có gì mất đi, không có gì tới, cũng không có gì đi, không có cũng không không, không giống cũng không khác”.
- “Nếu nhìn cho kỹ, bạn sẽ thấy cái thân của bạn cũng là cái thân của tổ tiên, cha mẹ, của con và cháu bạn”
- “Khi nhân duyên đầy đủ thì tôi biểu hiện, và khi nhân duyên không còn đầy đủ thì tôi ẩn tàng, tôi không đi đâu cả. Tôi sẽ đi đâu? Tôi chỉ ẩn đi mà thôi.”
- “Vô thường làm cho mọi sự đều có cơ hội”
- “Trống rỗng là một màu nhiệm”
- “Hãy quán chiếu thật sâu, bạn sẽ thấy rằng những gì mà bạn tìm kiếm ở kia vẫn thường hiện diện ngay đây, đó chính là bạn”
Ý Nghĩa Sống xin được khép lại bài viết với bài thơ mang âm hưởng thong dong, tự tại và tuệ giác của ngài Thích Nhất Hạnh:
“Ta vẫn còn đến đi thong dong
Có, không, còn, mất chẳng băn khoăn
Bước chân con hãy về thanh thản
Không tròn không khuyết một vầng trăng
Gió vẫn còn bay con biết không?
Khi mưa xa tiếp áng mây gần
Hạt nắng từ cao rơi xuống thấp
Cho lòng đất thấy bầu trời trong.”
Kính chúc độc giả học được những điều hữu ích qua bài viết này và những điều tốt đẹp nhất!
Nếu bạn muốn đọc cuốn sách “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” của Thích Nhất Hạnh bạn có thể tham khảo mua trên Tiki hoặc Shopee ở những link ở dưới đây:
Tiki: https://ti.ki/VbNjUpr1/SLNBWUUR
Shopee: https://shope.ee/2L7AyyqVWl
Disclosure: Một số đường link có thể là affiliate links. Có nghĩa là nếu bạn đăng ký sử dụng dịch vụ hoặc mua sản phẩm qua những links này (không phát sinh thêm chi phí cho bạn), Chúng tôi có thể nhận được một khoản hoa hồng.
Xem thêm: