Thất hổ tướng Tây Sơn

Thất hổ tướng Tây Sơn

Vài nét về Triều Tây Sơn (1778 – 1802)

Dù thời gian tồn tại của triều Tây Sơn chỉ kéo dài 24 năm nhưng những chiến công mà Tây Sơn để lại cho lịch sử Việt Nam là vô cùng lớn. Triều Tây Sơn đã mở rộng lãnh thổ đất nước sau hàng trăm năm đất nước bị chia cắt, 2 lần đánh bại quân xâm lược là Xiêm La và quân nhà Thanh. Nhờ có sự dẫn dắt của những thủ lĩnh tài ba, sự cống hiến của các vị tướng tài giỏi cũng như của quần chúng nhân dân nên Tây Sơn nhanh chóng đạt được những chiến công lừng lẫy. Trong đó phải kể đến sự cống hiến của 7 vị hổ tướng Tây Sơn (hay còn gọi là Thất hổ tướng Tây Sơn).

Nhà Tây Sơn hay còn gọi là Triều Tây Sơn là triều đại quân chủ tồn tại từ năm 1778 đến năm 1802. Triều Tây Sơn do anh em nhà Nguyễn gồm Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ lập ra vào năm 1778. Đứng đầu là Nguyễn Nhạc (anh cả), lấy niên hiệu là Thái Đức, thường gọi là Thái Đức Đế. Mười năm sau – tức năm 1788, Thái Đức Đế nhường ngôi lại cho em trai là Nguyễn Huệ (lấy niên hiệu là Quang Trung).

Thất hổ tướng Tây Sơn gồm những ai?

Nhà Tây Sơn có 7 vị tướng giỏi võ nghệ, trung nghĩa, giành cả đời để theo Tây Sơn được nhân dân địa phương tôn là Tây Sơn thất hổ tướng gồm: Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lý Văn Bưu, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Lộc.

1. Võ Văn Dũng

Võ Văn Dũng sinh năm 1750, là một trong những vị danh tướng thời Tây Sơn, được ca ngợi là vị tướng đứng đầu trong Tây Sơn thất hổ tướng. Theo sách Nhà Tây Sơn, khi ông gia nhập, tiếng tăm về tài nghệ của ông vang xa khắp ba quân. Nguyễn Nhạc từng cảm thán rằng “Phá giặc trong núi thì dễ/Thắng được cây đao của Võ Văn Dũng mới khó.”

Từ nhỏ ông đã tinh thông võ nghệ, phần do ông kế thừa truyền thống võ nghệ của quê hương, phần là sự nỗ lực rèn luyện. Ông thông thạo các bộ môn cung, đao, kiếm,… Võ Văn Dũng đã đi theo và giúp đỡ ba anh em Tây Sơn ngay từ những ngày đầu. Vì tinh thông võ nghệ, can đảm, tài trí nên ông được vua Quang Trung tin tưởng và giao nhiệm vụ quan trọng. Đó là lo nhiệm vụ tổ chức quân sự như lập chiến khu, huấn luyện binh sĩ, cùng vua Quang Trung lập chiến công trên chiến trường khắc nghiệt.

Khi Tây Sơn khởi nghĩa, ông giữ nhiệm vụ phòng thủ vùng Tây Sơn thượng. Một số chiến công của ông trên chiến trường như đánh quân Xiêm ở phía Nam, phá tan quân Thanh ở phía Bắc. Trong lần phá quân Thanh, ông giữ chức vụ là đại tướng quân, đánh đồn Khương Thượng vào tết Kỷ Dậu năm 1789. Ông được phong làm Tư khấu (chức quan thời phong kiến giữ việc hình), sau lên Đô Đốc (dưới thời phong kiến của Việt Nam là chức quan võ đứng đầu một đạo quân), và cao nhất là được phong tước Chiêu Viễn Đại đô đốc Đại tướng quân Dực vận Công thần Vũ Quốc công.

Võ Văn Dũng còn là nhà ngoại giao giỏi khi được vua Quang Trung cử đi sứ nhà Thanh 2 lần (năm 1789 và 1791). Lần đầu tiên vào năm 1789, ông đi sứ nhà Thanh với trọng trách giảng hòa với nhà Thanh và trở về khi đã hoàn thành sứ mệnh, ngăn 50 vạn quân Thanh sắp sang đánh Đại Việt, mở ra thời kỳ giao thiệp hòa bình. Lần thứ 2 (1791) ông đi với nhiệm vụ xin đất làm đô và hỏi cưới công chúa. Vua Quang Trung giao toàn quyền cho ông trong việc đối đáp tâu xin hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây để dò ý, hỏi cưới một vị công chúa làm vương phi.

Sau khi Quang Trung mất, ông cùng những danh tướng khác hết lòng phò tá vua trẻ Cảnh Thịnh. Ông có công loại trừ phe cánh của thái sư Bùi Đắc Tuyên gây lũng đoạn triều chính, lục đục nội bộ.

Võ Văn Dũng - thất hổ tướng Tây Sơn
Hình ảnh minh họa Võ Văn Dũng – thất hổ tướng Tây Sơn

2. Trần Quang Diệu

Trần Quang Diệu sinh năm 1746, mất năm 1802. Theo như sách ‘Nhà Tây Sơn’, từ khi còn nhỏ ông đã được theo nhiều thầy học văn học võ. Lớn lên khi nghe tin anh em nhà Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa, ông liền tham gia ngay từ những ngày đầu tiên. Ông cùng vợ là Bùi Thị Xuân (cháu của Bùi Đắc Tuyên) hết lòng cống hiến cho khởi nghĩa Tây Sơn.

Năm Tân Hợi 1791, vua Quang Trung sai một đoàn sứ sang Vạn Tượng để thăm dò tình hình nhưng khi đoàn sứ đến nơi lại bị vua Vạn Tượng cho bắt và giải sang Xiêm. Vua Xiêm còn ghi thù với Tây Sơn sau trận Rạch Gầm – Xoài Mút nên đã sai người tước cờ biển của sứ thần, khuyến khích Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Trước tình hình ấy, Trần Quang Diệu được Quang Trung ban ấn Đại Tổng quản để phối hợp với Đô đốc Nguyễn Văn Uyển tiến sang Vạn Tượng, khiến vua Vạn Tượng phải tháo chạy và bỏ trốn sang Xiêm. Chiến thắng của Tây Sơn đã làm vua Xiêm khiếp sợ, không dám đem quân đi ứng cứu.

Năm 1792, vua Quang Trung qua đời, Nguyễn Quang Toản (niên hiệu là Cảnh Thịnh) lên nối ngôi, phong Trần Quang Diệu làm Thái phó phụ trách công việc văn thư lệnh thị (có nghĩa là từ quan võ, ông được chuyển sang làm quan văn). Khi quân chúa Nguyễn bao vây thành Quy Nhơn, ông được lệnh đem quân đánh thành Quy Nhơn. Đến năm 1800, ông chỉ huy bộ binh Tây Sơn bao vây thành Bình Định, kéo dài hơn một năm trời khiến tướng của chúa Nguyễn là Võ Tánh phải tự thiêu, Ngô Tùng Châu tự tử.

Tuy nghĩa quân giành lại được thành Quy Nhơn nhưng bốn bề đều là địch. Năm 1802, nghe tin vua Cảnh Thịnh cùng Bùi Thị Xuân thua trận, ông bỏ thành, đem binh đến giúp vua nhưng thất thủ. Vua Gia Long lúc này bắt được Trần Quang Diệu, biết không thể khuất phục được ông nên đã xử tội chết, cả nhà ông bị hành hình: ông bị lột da, vợ và con gái bị voi giày. Dù đã hi sinh nhưng tên tuổi và chiến công của ông vẫn luôn lưu truyền đến ngày nay.

Trần Quang Diệu - thất hổ tướng Tây Sơn
Hình ảnh minh họa Trần Quang Diệu – thất hổ tướng Tây Sơn

3. Võ Đình Tú

Võ Đình Tú xuất thân là con nhà giàu, bản tính chân thật, can đảm hơn người nên từ bé ông đã được thầy dạy văn lẫn võ. Cuộc đời Võ Đình Tú gắn liền với nhiều câu chuyện ly kì, bí ẩn, một trong số đó phải kể đến câu chuyện về năm ông 14 tuổi. Lúc bấy giờ, trong thôn ông ở bỗng xuất hiện một nhà sư ăn mày, xấu xí, ăn mặc rách rưới, thường ngồi ở ngõ nhà họ Võ. Trẻ con trong làng khi thấy nhà sư đều chạy lại trêu ghẹo, dù vậy, nhà sư vẫn luôn ngồi xếp bằng, mắt nhắm nghiền như không quan tâm. Duy chỉ có Võ Đình Tú là kính trọng và thương mến nhà sư, khi nhà sư đến thì ông cơm bưng nước rót hoặc đem bánh trái đến cúng dường.

Bỗng một hôm, trời nổi mưa to gió lớn, trong thôn không ai dám ra đường. Đến khi mưa tạnh thì người trong nhà không ai thấy ông đâu cả, nhà sư hay ngồi đầu ngõ cũng biệt tăm. Gia đình cho rằng ông bị nhà sư bắt đi, chỉ biết cầu nguyện cho ông. Bẵng đi cho đến 10 năm sau, Võ Đình Tú – một chàng trai vạm vỡ, khỏe mạnh nhưng vẫn giữ được tính tình nhân hậu quay trở lại.

Về võ nghệ, ông tinh thông nhiều thể loại. Ông là bạn thân của Võ Văn Dũng nên khi Võ Văn Dũng về với Tây Sơn, Võ Văn Dũng đã giới thiệu ông với Nguyễn Nhạc và ông nhận được lời mời tham gia. Khi nhà Tây Sơn khởi nghĩa, Võ Đình Tú được phong chức Đại Tổng lý quản lý vùng Tây Sơn và phòng thủ doanh trại.

Năm 1775, biết tin Đặng Tuấn Phong là tráng sĩ giỏi côn quyền nên ông cùng Bùi nữ tướng đến mời về giúp nghĩa quân Tây Sơn. Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi vua, phong Võ Đình Tú làm Thái Úy. Về sau ông đi theo Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Xuân vào năm 1786. Giỏi côn quyền là thế, nhưng ông và Đặng Xuân Phong nhiều lần bị Thái tử Nguyễn Quang Toản buộc đem tài năng ra mua vui cho Thái tử theo lời xui của Bùi Đắc Tuyên. Khi vua Quang Trung mất, Bùi Đắc Tuyên được vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) sủng nên lộng quyền khiến nội bộ lục đục, chia bè phái và chống đối lẫn nhau.

Năm 1795, Võ Đình Tú dẫn quân về Phú Xuân phối hợp cùng một số tướng khác để vây bắt Bùi Đắc Tuyên, dìm nước cho đến chết. Tướng Trần Quang Diệu hay tin chú vợ bị Võ Đình Tú dìm nước nên liền kéo binh về, Tú mượn lệnh vua để chống lại. Ông xin vua cho phép hòa giải, mối giao tình của Trần Quang Diệu và Võ Đình Tú nối lại, vào thành bệ kiến vua Cảnh Thịnh. Vua sợ họ ở gần nhau sẽ gây bất lợi cho mình nên phong cho Võ Đình Tú chức Binh Bộ Tham tri coi quân ở Quy Nhơn và Phú Yên.

Năm Kỷ Mùi 1799, Nguyễn Phúc Ánh kéo đại binh đánh Quy Nhơn. Võ Đình Tú cùng đội quân chống trả quyết liệt. Quân của Nguyễn Phúc Ánh phục binh trên núi cùng nhiều cung tên và súng đạn. Võ Đình Tú mắc mưu nên đuổi theo, mũi tên bắn như mưa, chen vào tiếng súng nổ. Đình Tú dùng côn để chắn tên nhưng không chắn nổi đạn, bị thương nặng ông liền leo lên và thúc ngựa đi. Chạy về đến nhà thì ngựa lăn ra chết, Đình Tú cũng qua đời.

Trải qua hơn 20 năm chinh chiến dưới lá cờ Tây Sơn, ông góp phần giúp Hoàng Đế lập bao chiến công, gây dựng cơ đồ. Nhưng vì Hoàng Đế băng hà quá sớm, hổ tướng mất đi người dẫn đầu nên tan tác, hi sinh oanh liệt.

Nguyễn Văn Tuyết - thất hổ tướng Tây Sơn
Hình ảnh minh họa Nguyễn Văn Tuyết – thất hổ tướng Tây Sơn

4. Nguyễn Văn Tuyết

Nguyễn Văn Tuyết là một danh tướng dưới thời Tây Sơn, chưa rõ năm sinh. Tuy nhiên, có nhiều nguồn tư liệu nói về cái chết của ông. Có nguồn cho rằng ông mất năm 1789 trong trận chiến với quân Thanh ở cửa sông Lục Đầu Giang Hải Dương (wikipedia). Theo sách Tây Sơn thất võ tướng của Hữu Vinh lại ghi ông mất năm 1802 trong cuộc chiến với quân của Nguyễn Phúc Ánh,…

Thế nhưng, sự nghiệp của ông vẫn gắn liền với triều Tây Sơn và được 3 anh em Nguyễn Nhạc trọng dụng. Ông sở hữu tài năng võ nghệ cao cường, giàu mưu lược và có tài cầm quân nên được phong làm Đô Đốc, người đời hay gọi ông là Đô đốc Tuyết. Năm 1788, trước khi rút về Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã thành lập Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn trong đó có Đô đốc Tuyết.

Cuối năm 1788, quân Thanh xâm lược nước ta, Đô đốc Tuyết được giao trọng trách trở về Phú Xuân một cách an toàn và cấp báo tình hình nguy cấp cho Nguyễn Huệ. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, Nguyễn Văn Tuyết được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc hành quân thần tốc ra Bắc Hà; ông cũng tham gia vào cuộc hành quân ra Bắc. Ông là người tuyển lựa, huấn luyện cấp tốc cho binh sĩ Tây Sơn ở Nghệ An và Thanh Hóa.

Tại Tam Điệp và Biện Sơn, Quang Trung chia quân làm 5 đạo tiến ra Bắc, 2 trong số đó là thủy quân. Thủy quân do Đô đốc Tuyết chỉ huy vượt biển tiến vào khu vực sông Lục Đầu, tiêu diệt lực lượng của Lê Chiêu Thống đóng quân tại đây. Tiếp tục tiến lên phía Đông thành Thăng Long, tạo cơ hội cho đạo quân chủ lực tiến công dễ dàng. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần lớn vào chiến thắng của Tây Sơn trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa đi vào lịch sử.

Không dừng lại ở đó, ông vẫn tiếp tục cống hiến cho vua Quang Trung. Đô đốc Tuyết trở thành 1 trong những võ quan cao cấp nhất, là chỗ dựa quan trọng của vua về hoạt động vũ trang. Đến năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời, chính quyền chia rẽ và mất đoàn kết. Nguyễn Phúc Ánh nhân cơ hội liên tiếp tấn công dẫn đến năm 1802, triều Nguyễn được khai sinh và đặt ra chính sách trả thù thậm tệ với những người theo Tây Sơn, trong đó có gia đình của Nguyễn Văn Tuyết.

5. Lê Văn Hưng

Lê Văn Hưng kể từ khi còn nhỏ đã nổi tiếng nghĩa khí, lớn lên thành thanh niên đẹp trai, hào hoa, ưa ca hát và giỏi võ nghệ. Thế nhưng, với bản tính ngang tàng, phóng khoáng, giao du rộng, có nhiều đàn em, ông trở thành thủ lĩnh của băng cướp. Trong một lần đi cướp, ông vô tình đánh chết một người nên bị Tuần phủ truy nã gắt gao, ông trốn lên Bình Định rồi gia nhập Tây Sơn.

Năm 1774, viên Lưu thủ đất Long Hồ đem quân ra đánh nghĩa quân Tây Sơn, Lê Văn Hưng đem binh đánh địch. Sau nhận thấy tình thế bất lợi, ông bỏ trống thành và rút về Phú Yên, cùng Nguyễn Văn Lộc chống địch. Nghe tin cấp báo, Nguyễn Huệ đem quân ứng cứu, hai bên cùng nhau đánh tan thủy binh, bộ binh khiến địch bỏ chạy. Ông lại về trấn thủ Diên Khánh.

Năm 1778, Nguyễn Phúc Ánh chiếm được thành Sài Côn, rồi sai Lê Văn Quân kéo quân ra đánh Bình Thuận. Nhưng khi ra đến Diên Khánh thì bị Lê Văn Hưng chặn đánh cho một trận tơi bời. Lê Văn Quân cùng tàn quân chạy về Gia Định, từ đó trở về sau quân Nguyễn rất sợ Văn Hưng là Lê Vô Địch. Năm 1780 Lê Văn Hưng cho đoàn voi chiến xông vào đoàn binh của Tôn Thất Dụ, cộng thêm tiếng tăm lần trước, quân Nguyễn chưa đánh đã lui. Lê Văn Hưng về sau đánh quân Nguyễn thêm vài lần nữa, khiến quân Nguyễn khiếp sợ.

6. Lý Văn Bưu

So với các hổ tướng còn lại, ông là người có cuộc đời chinh chiến khác nhất. Ông xuất thân từ gia đình chuyên chăn nuôi ngựa, ngựa nhà ông bán đi khắp nơi. Ông cũng được gia đình cho học võ nghệ, cưỡi ngựa bắn cung. Về sau, ông là chuyên gia huấn luyện ngựa chiến, với sự kỹ tính trong việc chọn giống ngựa của mình, ngựa nhà ông được các vị khách ở xa đặt trước hàng năm.

Tiếng tăm của nhà ông vang xa, bà Bùi Thị Xuân đã tìm đến và mau chóng trở thành đôi bạn tâm đắc. Bà đề cử ông với anh em nhà Tây Sơn và được trọng dụng. Lý Văn Bưu giúp nhà Tây Sơn huấn luyện đoàn chiến mã. Với tài bắn cung của mình, ông đã cùng Quang Trung đánh trận Ngọc Hồi – Đống Đa năm 1789.

Sau khi vua Quang Trung băng hà, nội bộ lục đục, các tướng hại nhau. Nguyễn Ánh thừa cơ tấn công vào Quy Nhơn. Ông chán nản nên đành cáo bệnh về quê nuôi ngựa.

7. Nguyễn Văn Lộc

Năm 1771, Nguyễn Văn Lộc đến tham gia khởi nghĩa cùng nghĩa quân Tây Sơn và được tiếp đãi nồng hậu. Ông có nhiều đóng góp quan trọng trong trận đánh năm 1775. Năm 1786 ông đánh tan quân trịnh đang đóng tại Phú Xuân. Năm 1786, ông được phong làm Phòng ngự sử tại Thanh Hóa. Năm 1789, được phong Đại Đô đốc, nhận nhiệm vụ đốc suất tả quân. Ông cho thủy quân vượt biển chặn đường về của quân Thanh, tiêu diệt một bộ phận sinh lực khá lớn của đối phương.

Sau khi vua Quang Trung qua đời, ông cùng Trần Quang Diệu đánh quân Nguyễn và buộc tướng quân Nguyễn phải tự vẫn. Sau trận thắng, Nguyễn Văn Lộc được thăng cấp Thần võ Hữu quân Đô thống chế. Đến khi chính quyền của vua Cảnh Trịnh dần suy yếu, ông bị Bùi Đắc Tuyên thu hết binh quyền và bị giáng xuống làm Thị lang ở bộ Lễ.

Nguyễn Dương Thị Ngọc Ánh tổng hợp và biên tập

Tổng quan về Truyện Kiều – Nguyễn Du

Khóa Học Bí Quyết Để Có Giọng Nói Truyền Cảm

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang