Tiếng ru Tố Hữu

Tiếng Ru – Tố Hữu

Giới thiệu về nhà thơ Tố Hữu

Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành (1920 – 2002) là một nhà thơ nổi tiếng, tiêu biểu của thể loại thơ cách mạng Việt Nam. Ông còn là một chính khách, một cán bộ lão thành. 

Tố Hữu sinh tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông từng giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (tương ứng với chức Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ) nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các tác phẩm thơ tiêu biểu của ông, bao gồm: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và Hoa, Một tiếng đờn, Ta với ta, Một khúc ca xuân, hồi ký Nhớ lại một thời.

Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Tiếng Ru: 

Bài thơ Tiếng Ru được Tố Hữu sáng tác trong tập thơ Gió Lộng (vào khoảng những năm 1955 – 1961) gắn liền với giai đoạn lịch sử nước ta: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ Ngụy, thống nhất đất nước ở miền Nam.

Tiếng Ru

Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời.

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng.

Một người – đâu phải nhân gian?

Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!

Núi cao bởi có đất bồi

Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?

Muôn dòng sông đổ biển sâu

Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?

Tre già yêu lấy măng non

Chắt chiu như mẹ yêu con tháng ngày.

Mai sau con lớn hơn thày

Các con ôm cả hai tay đất tròn.

Jessica Thảo Nguyễn bình thơ

Không phải ngẫu nhiên mà bài thơ Tiếng Ru của nhà thơ Tố Hữu đã trở thành một trong những bài hát ru kinh điển của các bà, các mẹ, các chị. Tôi đã từng nghe rất nhiều bài hát ru, song bài Tiếng Ru mang đến cho tôi một cảm giác đặc biệt nhất. Lời bài thơ nhẹ nhàng, chất phác; mà mỗi câu – mỗi chữ sâu lắng đến tận tâm can; thấm đẫm triết lý nhân sinh; càng ngẫm càng hay.

Trong Tiếng Ru, chúng ta tìm thấy cả bầu trời tuổi thơ rong ruổi với khung cảnh tự nhiên thuần khiết; có ong, có hoa; có cá, có nước; có chim, có trời; có tre già, có măng non; có cánh đồng lúa chín; có bầu trời đêm đầy sao; có sông, có núi và có cả đại dương rộng lớn.

làng quê Việt Nam
làng quê Việt Nam

Trong Tiếng Ru, chúng ta tìm thấy lời mẹ hiền: dịu êm và ngọt lành lắm lắm.

Trong Tiếng Ru, chúng ta hiểu về giá trị của cộng đồng, của tình người, của tình đồng chí, của tình anh em, của tình thầy trò, của tình cảm gia đình ấm áp. Quan điểm này rất hợp với tư tưởng của Bác Hồ về tinh thần đoàn kết, cụ thể Bác đã nói rằng:

“Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.

Trong Tiếng Ru, chúng ta tìm thấy và thấm nhuần quy luật của tự nhiên, rằng:

Núi cao bởi có đất bồi

Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?

Muôn dòng sông đổ biển sâu

Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?

Ngôn từ của nhà thơ thể hiện rõ ý, rõ nghĩa đến mức chúng ta không cần phải giải thích nhiều. Tư tưởng này của Tố Hữu rất hợp với triết lý thuận theo tự nhiên của Lão Tử, một trong những triết gia hàng đầu của Trung Hoa nói riêng, của Phương Đông và nhân loại nói chung. Theo đó, núi vì không chê từng nắm đất nhỏ mà mới bồi đắp lên thành nền, thành từng đống cao to hùng vĩ. Đất chính là nền của núi vậy. 

Biển vì khéo ở chỗ thấp, không chê một giọt nước nào mà quảng đại, bao la, làm chủ của trăm sông. Những bậc trị thiên hạ là những người biết trân quý, quan tâm, yêu thương dân chúng, yêu thương con người. Quan điểm này cũng rất hợp với quan điểm của Bác Hồ về tư tưởng lấy dân làm gốc: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Trong Tiếng Ru, chúng ta tìm thấy sự thiêng liêng của tình mẫu tử, tình gia đình, tình quê hương. Những tình cảm ban sơ mà rất đỗi tự nhiên ấy giống như đôi cánh nâng đỡ của mỗi con người chúng ta trong quá trình phát triển. Đôi cánh ấy chắp cho con bay cao bay xa, tiếp cho con ý chí để chinh phục mọi ước mơ. Cho con thỏa sức vẫy vùng khắp năm châu bốn biển với tình yêu vô bờ bến giành cho nhân loại nói riêng, vũ trụ nói chung.

Chỉ với 16 dòng thơ lục bát mà tác giả Tố Hữu đã gói ghém được bao nhiêu ân tình quê hương và tinh hoa nhân loại vào đấy. Thật là đáng khen, đáng kính, đáng tự hào và đáng ngưỡng mộ! Lời thơ giản dị, mộc mạc mà sâu lắng, đi vào lòng người; Tố Hữu quả là một nhà thơ tài hoa của nhân dân đại chúng.

Xin được gởi lời cảm tạ sâu sắc đến tác giả Tố Hữu!

Và cũng xin gửi lời tri ân đến chị Nguyễn Thị Mai Hiền, chị gái của tôi, người đã truyền cảm hứng cho tôi làm video này.

Tôi xin được khép lại video này với 2 dòng thơ của Tố Hữu trong tác phẩm “Bài Ca Mùa Xuân 1961”

Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người với người, sống để yêu nhau.

Jessica Thảo Nguyễn

Thất hổ tướng Tây Sơn

Tổng quan về Truyện Kiều – Nguyễn Du

Khóa Học Bí Quyết Để Có Giọng Nói Truyền Cảm

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang