“Trang Chu mộng hồ điệp” tức Trang Chu mộng hóa bướm đã trở thành huyền thoại của Trang Tử nói riêng, của hệ phái Lão Trang nói chung về cảm ngộ nhân sinh. Theo đó, không ít lần người đời phải thốt lên rằng “Nhân sinh như mộng, hốt nhiên ngủ rồi hốt nhiên tỉnh dậy. Đời người lắm lúc không biết đang tỉnh hay đang mơ. Nếu đã mơ xong rồi thì tỉnh dậy thôi”. Xa hơn giấc mơ chính là cuộc sống thực tại. Xa hơn cuộc sống thực tại chính là quy luật biến hóa của tự nhiên. Ứng vào đời người, không gì xa lạ hơn chuyện Sinh và Tử. Trong bài viết này, Ý Nghĩa Sống xin chia sẻ đến Quý vị và các bạn những câu chuyện hay nhất về Trang Tử thể hiện quan điểm cao đẹp của ông về lẽ Sinh và Tử. Từ đó mà nhân sinh đúc kết ra những bài học quý giá trong hành trình tiêu dao cùng trời đất.
1. Trang Tử trong đám tang của vợ
Vợ Trang Tử qua đời, Huệ Tử lại điếu, thấy Trang Tử ngồi xoạc chân ra, gõ nhịp vào một cái vò mà hát, bèn bảo:
“Ăn ở với người ta, người ta nuôi con cho, nay người ta mất, chẳng khóc đã là bậy rồi, lại còn hát gõ nhịp vào cái vò, chẳng là quá tệ ư?
Trang Tử đáp:
“Không phải vậy. Khi nhà tôi mới mất, làm sao tôi không thương xót? Nhưng rồi nghĩ lại thấy lúc đầu nhà tôi vốn không có sinh mệnh; chẳng những không có sinh mệnh mà còn không có cả hình thể nữa; chẳng những không có hình thể mà đến cái khí cũng không có nữa. Hỗn tạp ở trong cái khoảng thấp thoáng, mập mờ mà biến ra thành khí, khí biến ra thành hình, hình biến ra thành sinh mệnh, bây giờ sinh lại biến ra thành tử, có khác gì bốn mùa tuần hoàn vận hành đâu. Nay nhà tôi nghỉ yên trong cái Nhà Lớn mà tôi còn ồn ào khóc lóc ở bên cạnh thì tôi không hiểu lẽ sinh tử rồi. Vì vậy mà tôi không khóc.
Trích Phần III NGOẠI THIÊN – Chương XVII – Thu Thủy – Trang Tử Nam Hoa Kinh (bản dịch Nguyễn Hiến Lê, trang 282)
Nhà Lớn: trời đất.
Mập mờ: hư không.
Luận bàn: Dùng hai từ “nhà tôi” để chỉ vợ mình, cho thấy Trang Tử rất yêu quý và tôn trọng vợ. Bất cứ ai khi đã từng rơi vào hoàn cảnh mất đi người thân yêu thì đều khó tránh khỏi cảm xúc đau buồn, bi ai. Trang Tử là người hiểu Đạo, ông hiểu được quy luật thiên biến vạn hóa của tự nhiên, hiểu được lẽ sinh tử cho nên bản thân không còn than khóc như người thường nữa.
Vậy thế nào là hiểu về lẽ sinh tử?
Triết gia này cho rằng sinh với tử, cũng như ngày và đêm cứ vậy mà nối tiếp nhau không ngừng nghỉ. Cây hoa, ngọn cỏ mới xanh đó, mà rồi cũng sẽ héo úa đó. Mạnh mẽ như con hổ, như con voi thì cũng có ngày sức cùng lực kiệt mà vong mạng. Ngay cả những loài sống thọ như loài rùa thì thân thể cũng là hữu hạn. Con người ai rồi cũng sẽ trải qua sinh lão bệnh tử, đó là quy luật biến hóa.
Trang Tử đã phân tích ra rằng trước khi nhạc mẫu của ông mang thai vợ ông thì rõ ràng vợ ông chưa có sinh mệnh, chưa có hình thể, chưa có cái khí, hay nói cách khác vợ ông lúc ấy đang ở hư không. Sau khi được nhạc mẫu thai nghén 9 tháng 10 ngày, sinh ra đời thì vợ ông lúc ấy mới có khí, có hình hài, có sinh mệnh. Như vậy, vợ ông từ hư không biến hóa thành sinh mệnh. Bây giờ sinh mệnh cạn kiệt thì lại biến hóa trở về với trời đất. Nếu nhìn vào ngắn hạn thì “ngộ cho” là mất mát. Nếu nhìn vào cả trường kỳ thì rõ ràng vợ ông từ hư không nay lại trở về hư không, chẳng gọi là mất mát vậy.
Sau này từ hư không, chúng ta lại thấy những hình hài khác được hình thành mỗi ngày. Thử hỏi trời đất có buồn không? Vũ trụ có buồn không?
Giả sử chúng ta là người làm vườn, hôm nay chúng ta gieo hạt, hạt giống nhanh chóng nảy nở thành cây, thành hoa, thành trái. Chúng ta thu hoạch, dọn vườn, xới đất rồi lại tiếp tục gieo hạt. Hạt giống lại nhanh chóng nảy nở thành cây, thành hoa, thành trái. Chúng ta lại thu hoạch, dọn vườn, xới đất rồi lại tiếp tục gieo hạt. Hết mùa này sang mùa khác, hết năm này sang năm khác. Xuân – hạ – thu – đông rồi lại xuân. Người làm vườn chẳng buồn khi đến mùa thu hoạch mặc dù biết rằng sau khi thu hoạch có thể phải cắt, bỏ cây cũ. Không cắt bỏ cây cũ thì vụ mùa mới làm sao có chỗ để gieo hạt giống mới, làm sao chứng kiến những cây, những hoa, những trái mới? Theo đó vũ trụ, trời đất mỗi ngày, mỗi mùa, mỗi năm lại khoác lên màu áo mới mà chẳng vì thế mà buồn.
Nếu đã biết luật tuần hoàn của vũ trụ chẳng thể thay đổi thì sự buồn hẳn là dư thừa. An trú trong hiện tại, giao hòa cùng trời đất, trời xuân ta xuân, trời hạ ta hạ, thuận theo lẽ tự nhiên là việc làm của bậc đại chí vậy.
Thế nhưng tha nhân vẫn không dứt tiếng kêu ai oán, không ngơi tiếng than khóc khi gặp sự trái ý mình. Nhiều người còn vì thế mà hao tổn thể xác, suy nhược tinh thần làm cho gương mặt già nua, hình dong héo úa, làm tổn hại đến phép dưỡng sinh. Đó là việc làm mà Trang Tử không đồng tình vậy.
2. Trang Tử nói về chuyện hậu táng của mình
Trang Tử hấp hối. Môn sinh bàn với nhau sẽ hậu táng. Ông nghe được bảo:
“Đừng. Ta đã có trời đất làm quan quách, mặt trời, mặt trăng làm ngọc bích, các tinh tú làm ngọc châu, vạn vật sẽ đưa ma ta, như vậy đồ táng ta chẳng đủ rồi sao? Còn phải thêm gì nữa?
Môn sinh đáp: “Chúng con sợ quạ và diều hâu sẽ rỉa xác thầy.”
Trang Tử bảo: “Tại trên mặt đất thì bị quạ và diều hâu rỉa, ở dưới đất thì bị con kiến và sâu đục (đằng nào cũng vậy). Tại sao các con lại thiên vị, cướp của các loài trên mà cho các loài dưới?”
Trích Phần IV TẠP THIÊN – chương XXXII – Liệt Ngự Khấu.
Luận bàn:
Thật hiếm có vị lão sư nào trước khi mất mà còn bình thản, dũng cảm đón nhận sự chia ly tử biệt như vậy. Trang Tử qua câu chuyện này đã thể hiện sự khác xa về tư duy với những người thường. Người thường mong được hậu táng, còn ông thì không muốn như vậy. Người thường muốn được rình rang, còn ông thì thích yên tĩnh. Người thường muốn được đông đảo người đưa tang, còn ông thì tự thấy có cảnh vật xung quanh đã là đủ. Người thường muốn được làm quan quách khi qua đời, còn ông chỉ cần mặt trời, mặt trăng và các tinh tú sẵn có trên bầu trời thế là đủ. Người đời cho rằng chết là hết, Trang Tử cho rằng chết là trở về với tự nhiên, cùng tự nhiên biến hóa.
Một cảnh hấp hối tưởng là buồn, tưởng là kém sang nhưng qua lời giảng của Trang Tử thì trở thành an yên và cao quý. Sự an yên đến từ chính nội tâm thanh tĩnh của bậc hiểu Đạo. Sự cao quý đến từ việc ưa chuộng thiên nhiên rộng lớn hơn là ưa chuộng những thứ hư vinh vụn vặt.
“Đừng sợ hãi, đừng hư vinh, đừng sợ biến hóa!” chính là thông điệp cao đẹp từ lời dạy trên của Trang Chu tiên sinh.
3. Cái vui như ông vua
Trang Tử đi qua nước Sở thấy một sọ người đã khô nhưng còn nguyên vẹn, cầm roi ngựa gõ vào, hỏi:
“Ai đó vì tham sinh, trái với thiên lí mà tới nỗi này? Hay là làm điều hại nước mà bị chém? Hay là có những hành vi bất lương, làm xấu hổ cha mẹ vợ con mà tới nỗi vậy? Hay là vì đói rét mà tới nỗi vậy? Hay là được sống hết tuổi trời rồi qua đời?”
Nói xong, Trang Tử lấy cái sọ đó kê đầu mà ngủ. Nửa đêm, sọ người hiện lên trong mộng, bảo:
“Nghe ông nói tựa như một biện sĩ. Ông chỉ nói đến những hệ lụy của người sống; mà đã qua đời thì hết. Ông muốn nghe tôi nói cái vui sau khi qua đời không?”
Trang Tử: “Dạ, xin cho nghe.”
Cái sọ bèn nói:
“Mất rồi thì không có vua ở trên, bề tôi ở dưới nữa, không có công việc trong bốn mùa nữa, thung dung cùng thọ với trời đất, dù làm vua cũng không vui bằng.
Trang Tử không tin, bảo:
“Nếu tôi xin vị thần coi việc sinh tử cho hình thể ông sống lại với đủ da thịt, xương, gân, để ông gặp lại cha mẹ vợ con, bạn bè, hàng xóm thì ông có muốn không?
Cái sọ cau mày nhăn nhó đáp:
“Làm sao tôi chịu bỏ cái vui như ông vua mà chịu trở lại cảnh lao khổ của cõi người được.
Trích Phần III NGOẠI THIÊN – chương XVIII Chí Lạc ( Trang Tử Nam Hoa Kinh, trang 282)
Luận bàn: đây là câu chuyện giàu trí tưởng tượng, mang triết lý nhân sinh thâm sâu. Có những người phải đi đến hết cuộc đời mới biết được niềm vui thực sự của đời người là gì. Đó chẳng phải là công danh hiển hách, ngôi vị tôn quý, giàu sang phú quý, cơm ngon canh ngọt, hay là chuyện đoàn viên với người đã mất. Mà là giữ cho mình hư tâm, thung dung, bình thản trước quy luật của tự nhiên, quy luật của đời người.
Tại cảnh giới ấy, con người không bị chuyện công danh chi phối, không bị quyền lực áp đặt, không bị những bộn bề trong công việc và cuộc sống cuốn vào, càng không bị mưu cầu làm mờ mắt. Có như vậy nhân sinh mới xa lìa cảnh khổ, thong dong, tự tại mà an yên cùng vũ trụ bao la.
Có người cho rằng, câu chuyện ngụ ngôn này mang hàm ý trọng tử khinh sinh, tôi không cho rằng như thế. Trang Tử vốn quan điểm bảo toàn sinh mạng, bảo toàn thiên tính, không làm chuyện trái quy luật tự nhiên thì chẳng lẽ gì mà trọng tử khinh sinh. Tôi cho rằng hàm ý sâu xa của câu chuyện này để nhắn gửi nhân sinh rằng có những giá trị sống, có những điều chúng ta có thể làm được lúc sống thì đừng để đến khi qua đời mới ngộ ra chân lý. Khi giữ cho mình đạt được sự hư tâm thì đâu đâu cũng là tiên cảnh vậy.
Xem thêm:
6 câu nói tuệ giác chữa lành của thiền sư Thích Nhất Hạnh
3 Bảo Vật làm nên Thánh Nhân của Lão Tử