Truyện Kiều – Nguyễn Du (Phần 6): Kiều Gặp Thúc Sinh (Câu 1275 – 1472)
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 6) bắt đầu từ câu 1275 đến câu 1472. Khi mà Kiều rơi vào tuyệt vọng vì nghĩ rằng suốt đời không thể thoát khỏi chốn lầu xanh này thì bỗng có một ‘khách du’ tên Thúc Sinh đã có vợ là Hoạn Thư nhưng vốn là người ‘mộ tiếng Kiều nhi’ từ lâu đến để chuộc nàng. Cuộc đời nàng rẽ sang một trang mới từ đây.
1275.Khách du bỗng có một người,
Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương.
Vốn người huyện Tích châu Thường,
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri.
Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi,
1280.Thiếp hồng tìm đến hương khuê gửi vào.
Trướng tô giáp mặt hoa đào,
Vẻ nào chẳng mặn nét nào chẳng ưa?
Hải đường mơn mởn cành tơ,
Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng.
1285.Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng,
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng?
Lạ gì thanh khí lẽ hằng,
Một dây một buộc ai giằng cho ra.
Sớm đào tối mận lân la,
1290.Trước còn trăng gió sau ra đá vàng.
Dịp đâu may mắn lạ dường,
Lại vừa gặp khoảng xuân đường lại quê.
Sinh càng một tỉnh mười mê,
Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân.
1295.Khi gió gác khi trăng sân,
Bầu tiên chuốc rượu câu thần nối thơ.
Khi hương sớm khi trà trưa,
Bàn vây điểm nước đường tơ họa đàn.
Miệt mài trong cuộc truy hoan,
1300.Càng quen thuộc nết càng dan díu tình.
Lạ cho cái sóng khuynh thành,
Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi.
Thúc sinh quen thói bốc rời,
Trăm nghìn đổ một trận cười như không.
1305.Mụ càng tô lục chuốt hồng,
Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê.
Dưới trăng quyên đã gọi hè,
Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông.
Buồng the phải buổi thong dong,
1310.Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa.
Rõ màu trong ngọc trắng ngà!
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
Sinh càng tỏ nét càng khen,
Ngụ tình tay thảo một thiên luật đường.
1315.Nàng rằng: Vâng biết ý chàng.
Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu.
Hay hèn lẽ cũng nối điêu,
Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang.
Lòng còn gửi áng mây Vàng.
1320.Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay.
Rằng: Sao nói lạ lùng thay!
Cành kia chẳng phải cỗi này mà ra?
Nàng càng ủ đột thu ba,
Đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh:
1325.Thiếp như hoa đã lìa cành,
Chàng như con bướm lượn vành mà chơi.
Chúa xuân đành đã có nơi,
Vắn ngày thôi chớ dài lời làm chi.
Sinh rằng: Từ thuở tương tri,
1330.Tấm riêng riêng những nặng vì nước non.
Trăm năm tính cuộc vuông tròn,
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.
Nàng rằng: Muôn đội ơn lòng.
Chút e bên thú bên tòng dễ đâu.
1335.Bình Khang nấn ná bấy lâu,
Yêu hoa yêu được một màu điểm trang.
Rồi ra lạt phấn phai hương,
Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng?
Vả trong thềm quế cung trăng,
1340.Chủ trương đành đã chị Hằng ở trong.
Bấy lâu khăng khít dải đồng,
Thêm người người cũng chia lòng riêng tây.
Vẻ chi chút phận bèo mây,
Làm cho bể ái khi đầy khi vơi.
1345.Trăm điều ngang ngửa vì tôi,
Thân sau ai chịu tội trời ấy cho?
Như chàng có vững tay co,
Mười phần cũng đắp điếm cho một vài.
Thế trong dầu lớn hơn ngoài,
1350.Trước hàm sư tử gửi người đằng la.
Cúi đầu luồn xuống mái nhà,
Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng.
Ở trên còn có nhà thông,
Lượng trên trông xuống biết lòng có thương?
1355.Sá chi liễu ngõ hoa tường?
Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh.
Lại càng dơ dáng dại hình,
Đành thân phận thiếp ngại danh giá chàng.
Thương sao cho vẹn thì thương.
1360.Tính sao cho vẹn mọi đường xin vâng.
Sinh rằng: Hay nói đè chừng!
Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao?
Đường xa chớ ngại Ngô Lào,
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.
1365.Đã gần chi có điều xa?
Đá vàng đã quyết phong ba cũng liều.
Cùng nhau căn vặn đến điều,
Chỉ non thề bể nặng gieo đến lời.
Nỉ non đêm ngắn tình dài,
1370.Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương.
Mượn điều trúc viện thừa lương,
Rước về hãy tạm giấu nàng một nơi.
Chiến hòa sắp sẵn hai bài,
Cậy tay thầy thợ mượn người dò la.
1375.Bắn tin đến mặt Tú bà,
Thua cơ mụ cũng cầu hòa dám sao.
Rõ ràng của dẫn tay trao,
Hoàn lương một thiếp thân vào cửa công.
Công tư đôi lẽ đều xong,
1380.Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai.
Một nhà sum họp trúc mai,
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.
Hương càng đượm lửa càng nồng,
Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen.
1385.Nửa năm hơi tiếng vừa quen,
Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng.
Giậu thu vừa nảy giò sương,
Gối yên đã thấy xuân đường đến nơi.
Phong lôi nổi trận bời bời,
1390.Nặng lòng e ấp tính bài phân chia.
Quyết ngay biện bạch một bề,
Dạy cho má phấn lại về lầu xanh.
Thấy lời nghiêm huấn rành rành,
Đánh liều sinh mới lấy tình nài kêu.
1395.Rằng: Con biết tội đã nhiều,
Dẫu rằng sấm sét búa rìu cũng cam.
Trót vì tay đã nhúng chàm,
Dại rồi còn biết khôn làm sao đây.
Cùng nhau vả tiếng một ngày,
1400.Ôm cầm ai nỡ dứt dây cho đành.
Lượng trên quyết chẳng thương tình,
Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi.
Thấy lời sắt đá tri tri,
Sốt gan ông mới cáo quì cửa công.
1405.Đất bằng nổi sóng đùng đùng,
Phủ đường sai lá phiếu hồng thôi tra.
Cùng nhau theo gót sai nha,
Song song vào trước sân hoa lạy quì.
Trông lên mặt sắt đen sì,
1410.Lập nghiêm trước đã ra uy nặng lời:
Gã kia dại nết chơi bời,
Mà con người thế là người đong đưa.
Tuồng chi hoa thải hương thừa,
Mượn màu son phấn đánh lừa con đen.
1415.Suy trong tình trạng nguyên đơn,
Bề nào thì cũng chưa yên bề nào.
Phép công chiếu án luận vào.
Có hai đường ấy muốn sao mặc mình.
Một là cứ phép gia hình,
1420.Một là lại cứ lầu xanh phó về.
Nàng rằng: đã quyết một bề!
Nhện này vương lấy tơ kia mấy lần.
Đục trong thân cũng là thân.
Yếu thơ vâng chịu trước sân lôi đình!
1425.Dạy rằng: Cứ phép gia hình!
Ba cây chập lại một cành mẫu đơn.
Phận đành chi dám kêu oan,
Đào hoen quẹn má liễu tan tác mày.
Một sân lầm cát đã đầy,
1430.Gương lờ nước thủy mai gầy vóc sương.
Nghĩ tình chàng Thúc mà thương,
Nẻo xa trông thấy lòng càng xót xa.
Khóc rằng: Oan khốc vì ta!
Có nghe lời trước chẳng đà lụy sau.
1435.Cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu.
Để ai trăng tủi hoa sầu vì ai.
Phủ đường nghe thoảng vào tai,
Động lòng lại gạn đến lời riêng tây.
Sụt sùi chàng mới thưa ngay,
1440.Đầu đuôi kể lại sự ngày cầu thân:
Nàng đà tính hết xa gần,
Từ xưa nàng đã biết thân có rày.
Tại tôi hứng lấy một tay,
Để nàng cho đến nỗi này vì tôi.
1445.Nghe lời nói cũng thương lời,
Dẹp uy mới dạy cho bài giải vi.
Rằng: Như hẳn có thế thì
Trăng hoa song cũng thị phi biết điều.
Sinh rằng: Chút phận bọt bèo,
1450.Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên.
Cười rằng: đã thế thì nên!
Mộc già hãy thử một thiên trình nghề.
Nàng vâng cất bút tay đề,
Tiên hoa trình trước án phê xem tường.
1455.Khen rằng: Giá đáng Thịnh đường!
Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân!
Thật là tài tử giai nhân,
Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn?
Thôi đừng rước dữ cưu hờn,
1460.Làm chi lỡ nhịp cho đòn ngang cung.
Đã đưa đến trước cửa công,
Ngoài thì là lý song trong là tình.
Dâu con trong đạo gia đình,
Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong.
1465.Kíp truyền sắm sửa lễ công,
Kiệu hoa cất gió đuốc hồng điểm sao.
Bày hàng cổ xúy xôn xao,
Song song đưa tới trướng đào sánh đôi.
Thương vì hạnh trọng vì tài,
1470.Thúc ông thôi cũng dẹp lời phong ba.
Huệ lan sực nức một nhà,
Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa.
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 6) là phần thơ nói về cuộc hành trình của Kiều khi được Thúc Sinh chuộc khỏi chốn lầu xanh. Thúc Sinh là người đã có vợ nhưng lại ‘mộ tiếng Kiều nhi’ từ lâu. Đây có lẽ là nhân vật đời thường nhất trong tác phẩm này qua cách nhìn Kiều – nâng nàng lên tầm thẩm mỹ. Vậy nên Kiều đã dần tự tin hơn và ham sống hơn, không muốn chôn chân ở nơi lầu xanh ấy nữa. Thúc Sinh đã biến mong muốn của Kiều thành hiện thực bằng cách chuộc nàng ra và đưa về làm vợ. Nhưng vì xuất thân là gái lầu xanh nên Kiều không nhận được sự chấp thuận của cha Thúc Sinh, bị ông đem lên quan để xét xử.
Vì không muốn quay lại kiếp sống lầu xanh một lần nữa nên Kiều cam tâm làm ‘phòng nhì’ cho Thúc Sinh. Thúc Sinh thấy Kiều vì mình mà chịu khổ nên đau khổ tột cùng. Quan thương tình nên cho Kiều viết bài thơ để bày tỏ nỗi niềm. Bài thơ ấy đã chạm đến tim quan nên quan khuyên cha Thúc Sinh hãy rộng lượng chấp nhận và cho Thúc Sinh cưới Kiều về làm vợ. Nhờ thế Kiều thoát khỏi kiếp là gái lầu xanh.
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 6) đã miêu tả hành trình thoát khỏi chốn lầu xanh của Kiều để trở thành vợ lẻ của Thúc Sinh. Nàng thà là vợ lẻ, chịu kiếp chồng chung với Hoạn Thư, tình cảm không trọn vẹn chứ không muốn quay lại nơi đó một lần nào nữa. Nhưng nàng không ngờ rằng không lâu sau đó nàng lại mắc vạ với Hoạn Thư.
Truyện Kiều – Nguyễn Du vẫn là một áng thơ nổi tiếng dù thời gian đã trôi qua rất lâu. Truyện Kiều cũng đã đem lại nhiều giá trị nghệ thuật cho nền văn học nước nhà.
Vậy chuyện gì sẽ tiếp tục xảy đến trong cuộc đời của nàng Kiều? Mời các bạn cùng đón xem Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 7) ở những bài viết tiếp theo nhé.
Nguyễn Dương Thị Ngọc Ánh tổng hợp và biên tập.
Xem thêm:
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 5)
Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 4)