Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 5)

Truyện Kiều – Nguyễn Du (Phần 5): Kiều Mắc Lừa Sở Khanh (Câu 1057 – 1274)

Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 5) đã cho ta thấy thêm được phần nào hoàn cảnh của Kiều khi phải sống một mình giữa khoảng không rộng lớn ấy và tâm trạng của Kiều khi được người giang tay giúp đỡ. Nàng như một người chết đuối vớ được cọc, nàng vội vàng tin vào lời Sở Khanh lừa gạt, cùng hắn bỏ trốn sau đó rơi vào chiếc bẫy của Tú Bà giăng sẵn nhằm nhốt Kiều vĩnh viễn ở chốn lầu xanh này. Khi bị bắt lại, Kiều thấy xót xa cho số phận mình và đành phải quy phục.

Ngậm ngùi rủ bước rèm châu,
Cách tường, nghe có tiếng đâu họa vần.
Một chàng vừa trạc thanh xuân,
1060.Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng.
Nghĩ rằng cũng mạch thư hương,
Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh.
Bóng Nga thấp thoáng dưới mành,
Trông nàng, chàng cũng ra tình đeo đai.
1065.Than ôi! sắc nước hương trời,
Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây?
Giá đành trong nguyệt trên mây,
Hoa sao, hoa khéo đọa đày bấy hoa?
Tức gan riêng giận trời già,
1070.Lòng này ai tỏ cho ta, hỡi lòng?
Thuyền quyên ví biết anh hùng,
Ra tay tháo cũi, sổ lồng như chơi!
Song thu đã khép cánh ngoài,
Tai còn đồng vọng mấy lời sắt đanh.
1075.Nghĩ người thôi lại nghĩ mình,
Cám lòng chua xót, nhạt tình chơ vơ.
Những là lần lữa nắng mưa,
Kiếp phong trần biết bao giờ mới thôi?
Đánh liều nhắn một hai lời,
1080.Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân.
Mảnh tiên kể hết xa gần,
Nỗi nhà báo đáp, nỗi thân lạc loài.
Tan sương vừa rạng ngày mai,
Tiện hồng nàng mới nhắn lời gửi sang.
1085.Trời tây lãng đãng bóng vàng,
Phúc thư đã thấy tin chàng đến nơi.
Mở xem một bức tiên mai,
Rành rành tích việt có hai chữ đề.
Lấy trong ý tứ mà suy:
1090.Ngày hai mươi mốt, tuất thì phải chăng?
Chim hôm thoi thót về rừng,
Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành.
Tường đông lay động bóng cành,
Rẽ song, đã thấy Sở Khanh lẻn vào.
1095.Sượng sùng đánh dạn ra chào,
Lạy thôi, nàng mới rỉ tai ân cần.
Rằng: Tôi bèo bọt chút thân,
Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh.
Dám nhờ cốt nhục tử sinh,
1100.Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau!
Lặng nghe, lẩm nhẩm gật đầu:
Ta đây phải mượn ai đâu mà rằng!
Nàng đà biết đến ta chăng,
Bể trầm luân, lấp cho bằng mới thôi!
1105.Nàng rằng: Muôn sự ơn người,
Thế nào xin quyết một bài cho xong.
Rằng: Ta có ngựa truy phong,
Có tên dưới trướng, vốn dòng kiện nhi.
Thừa cơ lẻn bước ra đi,
1110.Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn.
Dù khi gió kép, mưa đơn,
Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì!
Nghe lời nàng đã sinh nghi,
Song đà quá đỗi, quản gì được thân.
1115.Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu!

Kiều bỏ trốn cùng Sở Khanh
Kiều bỏ trốn cùng Sở Khanh

Cùng nhau lẻn bước xuống lầu,
Song song ngựa trước, ngựa sau một đoàn.
Đêm thâu khắc lậu canh tàn,
1120.Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương.
Lối mòn cỏ nhợt mù sương,
Lòng quê đi một bước đường, một đau.
Tiếng gà xao xác gáy mau,
Tiếng người đâu đã mái sau dậy dàng.
Nàng càng thổn thức gan vàng,
Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào!
Một mình khôn biết làm sao,
Dặm rừng bước thấp, bước cao hãi hùng.
Hóa nhi thật có nỡ lòng,
1130.Làm chi dày tía, vò hồng, lắm nau!
Một đoàn đổ đến trước sau,
Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời.
Tú bà tốc thẳng đến nơi,
Hầm hầm áp điệu một hơi lại nhà.
1135.Hung hăng chẳng nói chẳng tra,
Đang tay vùi liễu, giập hoa tơi bời.
Thịt da ai cũng là người,
Lòng nào hồng rụng, thắm rời chẳng đau.
Hết lời thú phục, khẩn cầu,
1140.Uốn lưng thịt đổ, cất đầu máu sa.
Rằng: Tôi chút phận đàn bà,
Nước non lìa cửa, lìa nhà, đến đây.
Bây giờ sống chết ở tay,
Thân này đã đến thế này thì thôi!
1145.Nhưng tôi có sá chi tôi,
Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu?
Thân lươn bao quản lấm đầu,
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa!
Được lời mụ mới tùy cơ,
1150.Bắt người bảo lĩnh làm tờ cung chiêu.
Bày vai có ả Mã Kiều,
Xót nàng, ra mới đánh liều chịu đoan.
Mụ càng kể nhặt, kể khoan,
Gạn gùng đến mực, nồng nàn mới tha.
1155.Vực nàng vào nghỉ trong nhà,
Mã Kiều lại ngỏ ý ra dặn lời:
Thôi đà mắc lận thì thôi!
Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh?
Bạc tình, nổi tiếng lầu xanh,
1160.Một tay chôn biết mấy cành phù dung!
Đà đao lập sẵn chước dùng,
Lạ gì một cốt một đồng xưa nay!
Có ba mươi lạng trao tay,
Không dưng chi có chuyện này, trò kia!
1165.Rồi ra trở mặt tức thì,
Bớt lời, liệu chớ sân si, thiệt đời!
Nàng rằng: Thề thốt nặng lời,
Có đâu mà lại ra người hiểm sâu!
Còn đương suy trước, nghĩ sau,
1170.Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào.
Sở Khanh lên tiếng rêu rao:
Rằng nghe mới có con nào ở đây.
Phao cho quyến gió rủ mây,
Hãy xem có biết mặt này là ai
1175.Nàng rằng: Thôi thế thì thôi!
Rằng không, thì cũng vâng lời là không!
Sở Khanh quát mắng đùng đùng,
Sấn vào, vừa rắp thị hùng ra tay,
Nàng rằng: Trời nhé có hay!
1180.Quyến anh, rủ yến, sự này tại ai?
Đem người giẩy xuống giếng khơi,
Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay!
Còn tiên tích việt ở tay,
Rõ ràng mặt ấy, mặt này chứ ai?
1185.Lời ngay, đông mặt trong ngoài,
Kẻ chê bất nghĩa, người cười vô lương!
Phụ tình án đã rõ ràng,
Dơ tuồng, nghỉ mới kiếm đường tháo lui.
Buồng riêng, riêng những sụt sùi:
1190.Nghĩ thân, mà lại ngậm ngùi cho thân.
Tiếc thay trong giá trắng ngần,
Đến phong trần, cũng phong trần như ai!
Tẻ vui cũng một kiếp người,
Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru!
1195.Kiếp xưa đã vụng đường tu,
Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi!
Dù sao bình đã vỡ rồi,
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong!

Kiều bị Tú Bà bắt
Kiều bị Tú Bà bắt

Vừa tuần nguyệt sáng, gương trong,
1200.Tú bà ghé lại thong dong dặn dò:
Nghề chơi cũng lắm công phu,
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều.
Nàng rằng: Mưa gió dập dìu,
Liều thân, thì cũng phải liều thế thôi!
1205.Mụ rằng: Ai cũng như ai,
Người ta ai mất tiền hoài đến đây?
Ở trong còn lắm điều hay,
Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung.
Này con thuộc lấy nằm lòng,
1210.Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề.
Chơi cho liễu chán, hoa chê,
Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời.
Khi khóe hạnh, khi nét ngài,
Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa.
1215.Đều là nghề nghiệp trong nhà,
Đủ ngần ấy nết, mới là người soi.
Gót đầu vâng dạy mấy lời,
Dường chau nét nguyệt, dường phai vẻ hồng.
Những nghe nói, đã thẹn thùng,
1220.Nước đời lắm nỗi lạ lùng, khắt khe!
Xót mình cửa các, buồng khuê,
Vỡ lòng, học lấy những nghề nghiệp hay!
Khéo là mặt dạn, mày dày,
Kiếp người đã đến thế này thì thôi!
1225.Thương thay thân phận lạc loài,
Dẫu sao cũng ở tay người biết sao?
Lầu xanh, mới rủ trướng đào,
Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm người.
Biết bao bướm lả, ong lơi,
1230.Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió, cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
1235.Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân?
Mặc người mưa Sở, mây Tần,
1240.Những mình nào biết có xuân là gì!
Đôi phen gió tựa, hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!
1245.Đòi phen nét vẽ, câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa,
Vui là vui gượng kẻo mà,
Ai tri âm đó, mặn mà với ai?
Thờ ơ gió trúc, mưa mai,
1250.Ngẩn ngơ trăm nỗi, giùi mài một thân.
Ôm lòng đòi đoạn xa gần,
Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau!
Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.
1255.Dặm ngàn, nước thẳm, non xa,
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!
Sân hòe đôi chút thơ ngây
Trân cam, ai kẻ đỡ thay việc mình?
Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
1260.Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?
Khi về hỏi liễu Chương đài,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.
Tình sâu mong trả nghĩa dày,
Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?
1265.Mối tình đòi đoạn vò tơ,
Giấc hương quan luống lần mơ canh dài.
Song sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn, đã lại mai hôn hoàng.
Lần lần thỏ bạc ác vàng,
1270.Xót người trong hội đoạn tràng đòi cơn!
Đã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân!
Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!

Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 5) đã góp phần làm rõ hơn về diễn biến tâm trạng của nàng Kiều khi bị giam lỏng tại lầu Ngưng Bích. Đó là những ngày tháng vô vị, bị buộc phải sống một mình trong khoảng không gian rộng lớn, không gia đình, không tình yêu, không một ai bên cạnh để thấu hiểu cho tâm trạng của nàng. Vì thế cho nên khi gặp Sở Khanh – một gã có ‘hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng’, nói với nàng vài lời mật ngọt về việc sẽ giúp nàng thoát khỏi nơi này thì Kiều vội tin ngay mà không một chút nghi ngờ gì.

Khi Kiều tin hắn ta và trốn thoát khỏi nơi giam cầm ấy thì vô tình nàng lại rơi vào cái bẫy của Tú Bà. Một chiếc bẫy được giăng ra một cách tỉ mỉ nhằm buộc Kiều phải ở lại nơi này mãi mãi. Chưa kịp trốn thoát thì bà ta đến, khi này Kiều mới biết được bộ mặt thật của Sở Khanh – một tên lợi dụng tình thế của Kiều để lừa gạt.

Bị bắt lại, tâm trạng nàng như người tưởng như thoát khỏi đáy vực lại bị đẩy xuống trở lại – xót xa, đau lòng cho chính bản thân mình. Sự xót xa ấy càng đậm hơn khi bị Tú Bà đánh đập, ép phải hứa sẽ không trốn chạy, cũng như không được giữ tiết hạnh nữa. Không còn cách nào khác, Thúy Kiều đành phải quy phục và thương cho thân phận mình.

Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 5) miêu tả tâm trạng nhân vật rất khéo léo – từ đơn côi, vội vã tin người, được trao hi vọng, rồi lại bị dập tắt hi vọng đó, dẫn đến sự xót xa, buộc phải quy phục để giữ mạng sống cho chính mình.

Dù thời gian trôi qua đã rất lâu rồi nhưng Truyện Kiều – Nguyễn Du vẫn là áng thơ nổi tiếng, xứng đáng là ‘quốc hồn quốc túy’ vì đã đem lại nhiều giá trị nghệ thuật cho nền văn học nước nhà. Đây cũng là tập thơ quen thuộc gắn liền với thời học sinh của bao thế hệ.

Vậy chuyện gì sẽ tiếp tục xảy đến trong cuộc đời của nàng Kiều? Mời các bạn cùng đón xem Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 6) ở những bài viết tiếp theo nhé.

Nguyễn Dương Thị Ngọc Ánh tổng hợp và biên tập.

Xem thêm:

100 câu nói tinh hoa của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 4)

Khóa học Đánh Thức Năng Lực Giao Tiếp Trong Bạn

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang