Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 4)

Phần 4: Kiều Rơi Vào Tay Tú Bà & Mã Giám Sinh (Câu 805 – 1056)

Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 4) đã khắc họa tâm trạng, tình cảnh của Thúy Kiều một cách rõ nét sau khi Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh để chuộc cha và em trai. Mã Giám Sinh sau đó bán nàng vào lầu Ngưng Bích, Kiều rơi vào tay Tú Bà. Đây cũng là một bước ngoặc lớn trong cuộc đời Kiều trong 15 năm lưu lạc. Khoảng thời gian này khiến Kiều phải trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, những khó khăn của cuộc sống đã vùi dập, giam giữ tuổi xuân của Kiều một cách tàn nhẫn.

805.Chẳng ngờ gã Mã Giám Sinh,
Vẫn là một đứa phong tình đã quen.
Quá chơi lại gặp hồi đen,
Quen mùi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa.
Lầu xanh có mụ Tú Bà,
810.Làng chơi đã trở về già hết duyên.
Tình cờ chẳng hẹn mà nên,
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường.
Chung lưng mở một ngôi hàng,
Quanh năm buôn phấn bán hương đã lề.
815.Dạo tìm khắp chợ thì quê,
Giả danh hầu hạ dạy nghề ăn chơi.
Rủi may âu cũng tại trời,
Đoạn trường lại chọn mặt người vô duyên.
Xót nàng chút phận thuyền quyên,
820.Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn.
Mẹo lừa đã mắc vào khuôn,
Sính nghi rẻ giá nghênh hôn sẵn ngày.
Mừng thầm: Cờ đã đến tay!
Càng nhìn vẻ ngọc càng say khúc vàng.
825.Đã nên quốc sắc thiên hương,
Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa.
Về đây nước trước bẻ hoa,
Vương tôn quý khách ắt là đua nhau.
Hẳn ba trăm lạng kém đâu,
830.Cũng đà vừa vốn còn sau thì lời,
Miếng ngon kề đến tận nơi,
Vốn nhà cũng tiếc của trời cũng tham.
Đào tiên đã bén tay phàm,
Thì vin cành quít cho cam sự đời!
835.Dưới trần mấy mặt làng chơi,
Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa.
Nước vỏ lựu máu mào gà,
Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên.
Mập mờ đánh lận con đen,
840.Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền mất chi?
Mụ già hoặc có điều gì,
Liều công mất một buổi quỳ mà thôi.
Vả đây đường xá xa xôi,
Mà ta bất động nữa người sinh nghi.
845.Tiếc thay một đóa trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về.
Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương.
Đêm xuân một giấc mơ màng,
850.Đuốc hoa để đó, mặc nàng nằm trơ.
Giọt riêng tầm tã tuôn mưa,
Phần căm nỗi khách phần dơ nỗi mình:
Tuồng chi là giống hôi tanh,
Thân nghìn vàng để ô danh má hồng.
855.Thôi còn chi nữa mà mong?
Đời người thôi thế là xong một đời.
Giận duyên tủi phận bời bời,
Cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh.
Nghĩ đi nghĩ lại một mình:
860.Một mình thì chớ hai tình thì sao?
Sao dầu sinh sự thế nào,
Truy nguyên chẳng kẻo lụy vào song thân.
Nỗi mình âu cũng giãn dần,
Kíp chầy thôi cũng một lần mà thôi.

Kiều quyết định quyên sinh
Kiều quyết định quyên sinh

865.Những là đo đắn ngược xuôi,
Tiếng gà nghe đã gáy sôi mái tường.

Lầu mai vừa rúc còi sương,
Mã Sinh giục giã vội vàng ra đi.
Đoạn trường thay lúc phân kỳ!
870.Vó câu khấp khểnh bóng xe gập ghềnh.
Bề ngoài mười dặm trường đình,
Vương ông mở tiệc tiễn hành đưa theo.
Ngoài thì chủ khách dập dìu,
Một nhà huyên với một Kiều ở trong.
875.Nhìn càng lã chã giọt hồng,
Rỉ tai nàng mới giãi lòng thấp cao:
Hổ sinh ra phận thơ đào,
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong?
Lỡ làng nước đục bụi trong,
880.Trăm năm để một tấm lòng từ đây.
Xem gương trong bấy nhiêu ngày,
Thân con chẳng kẻo mắc tay bợm già!
Khi về bỏ vắng trong nhà,
Khi vào dùng dắng khi ra vội vàng.
885.Khi ăn khi nói lỡ làng,
Khi thầy khi tớ xem thường xem khinh.
Khác màu kẻ quý người thanh,
Ngẫm ra cho kỹ như hình con buôn.
Thôi con còn nói chi con?
890.Sống nhờ đất khách thác chôn quê người!
Vương bà nghe bấy nhiêu lời,
Tiếng oan đã muốn vạch trời kêu lên.
Vài tuần chưa cạn chén khuyên.
Mái ngoài nghỉ đã giục liền ruổi xe.
895.Xót con lòng nặng trì trì,
Trước yên ông đã nằn nì thấp cao:
Chút thân yếu liễu tơ đào,
Rớp nhà đến nỗi giấn vào tôi ngươi.
Từ đây góc bể bên trời,
900.Nắng mưa thui thủi quê người một thân.
Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân,
Tuyết sương che chở cho thân cát đằng.
Cạn lời khách mới thưa rằng:
Buộc chân thôi cũng xích thằng nhiệm trao.
905.Mai sau dầu đến thế nào,
Kìa gương nhật nguyệt nọ dao quỉ thần!
Đùng đùng gió giục mây vần,
Một xe trong cõi hồng trần như bay.
Trông vời gạt lệ chia tay,
910.Góc trời thăm thẳm đêm ngày đăm đăm.
Nàng thì dặm khách xa xăm,
Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây.
Vi lô san sát hơi may,
Một trời thu để riêng ai một người.
915.Dặm khuya ngất tạnh mù khơi,
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.
Rừng thu từng biếc xen hồng,
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn.

Kiều bị giam lỏng tại lầu Ngưng Bích
Kiều bị giam lỏng tại lầu Ngưng Bích

Những là lạ nước lạ non,
920.Lâm Truy vừa một tháng tròn tới nơi.
Xe châu dừng bánh cửa ngoài,
Rèm trong đã thấy một người bước ra.
Thoắt trông nhờn nhợt màu da,
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao!
925.Trước xe lơi lả han chào,
Vâng lời nàng mới bước vào tận nơi.
Bên thì mấy ả mày ngài,
Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi.
Giữa thì hương án hẳn hoi,
930.Trên treo một tượng trắng đôi lông mày.
Lầu xanh quen lối xưa nay,
Nghề này thì lấy ông này tiên sư,
Hương hôm hoa sớm phụng thờ.
Cô nào xấu vía có thưa mối hàng,
935.Cởi xiêm lột áo sỗ sàng,
Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm.
Đổi hoa lót xuống chiếu nằm,
Bướm hoa bay lại ầm ầm tứ vi!
Kiều còn ngơ ngẩn biết gì,
940.Cứ lời lạy xuống mụ thì khấn ngay:
Cửa hàng buôn bán cho may,
Đêm đêm Hàn thực ngày ngày Nguyên tiêu.
Muôn nghìn người thấy cũng yêu,
Xôn xao oanh yến rập rìu trúc mai.
945.Tin nhạn vẩn lá thư bài,
Đưa người cửa trước rước người cửa sau.
Lạ tai nghe chửa biết đâu,
Xem tình ra cũng những màu dở dang.
Lễ xong hương hỏa gia đường,
950.Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay.
Dạy rằng: Con lạy mẹ đây,
Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia.
Nàng rằng: Phải bước lưu ly,
Phận hèn vâng đã cam bề tiểu tinh.
955.Điều đâu lấy yến làm oanh,
Ngây thơ chẳng biết là danh phận gì?
Đủ điều nạp thái vu qui,
Đã khi chung chạ lại khi đứng ngồi.
Giờ ra thay mặt đổi ngôi,
960.Dám xin gửi lại một lời cho minh.
Mụ nghe nàng nói hay tình,
Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên:
Này này sự đã quả nhiên,
Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi.
965.Bảo rằng đi dạo lấy người,
Đem về rước khách kiếm lời mà ăn.
Tuồng vô nghĩa, ở bất nhân,
Buồn mình trước đã tần mần thử chơi.
Màu hồ đã mất đi rồi,
970.Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma!
Con kia đã bán cho ta,
Nhập ra phải cứ phép nhà tao đây.
Lão kia có giở bài bây,
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe.
975.Cớ sao chịu tốt một bề,
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao?
Phải làm cho biết phép tao!
Chập bì tiên rắp sấn vào ra tay.
Nàng rằng: Trời thẳm đất dày!
980.Thân này đã bỏ những ngày ra đi.
Thôi thì thôi có tiếc gì!
Sẵn dao tay áo tức thì giở ra.
Sợ gan nát ngọc liều hoa!
Mụ còn trông mặt nàng đà quá tay.
985.Thương ôi tài sắc bậc này,
Một dao oan nghiệt đứt dây phong trần.

Nỗi oan vỡ lở xa gần,
Trong nhà người chật một lần như nêm.
Nàng thì bằn bặt giấc tiên,
990.Mụ thì cầm cập mặt nhìn hồn bay.
Vực nàng vào chốn hiên tây,
Cắt người coi sóc chạy thầy thuốc thang.
Nào hay chưa hết trần duyên,
Trong mê dường đã đứng bên một nàng.
995.Rỉ rằng: Nhân quả dở dang,
Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?
Số còn nặng nợ má đào,
Người dầu muốn quyết trời nào đã cho.
Hãy xin hết kiếp liễu bồ,
1000.Sông Tiền đường sẽ hẹn hò về sau.
Thuốc thang suốt một ngày thâu,
Giấc mê nghe đã dàu dàu vừa tan.
Tú bà chực sẵn bên màn,
Lựa lời khuyên giải mơn man gỡ dần:
1005.Một người dễ có mấy thân!
Hoa xuân đương nhụy, ngày xuân còn dài.
Cũng là lỡ một lầm hai,
Đá vàng sao nỡ ép nài mưa mây!
Lỡ chưn trót đã vào đây,
1010.Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non.
Người còn thì của hãy còn,
Tìm nơi xứng đáng là con cái nhà.
Làm chi tội báo oán gia,
Thiệt mình mà hại đến ta hay gì?
1015.Kề tai mấy mỗi nằn nì,
Nàng nghe dường cũng thị phi rạch ròi.
Vả suy thần mộng mấy lời,
Túc nhân âu cũng có trời ở trong.
Kiếp này nợ trả chưa xong,
1020.Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau!
Lặng nghe, thấm thía gót đầu,
Thưa rằng: Ai có muốn đâu thế này?
Được như lời, thế là may,
Hẳn rằng mai có như rày cho chăng!
1025.Sợ khi ong bướm đãi đằng,
Đến điều sống đục, sao bằng thác trong!
Mụ rằng: Con hãy thong dong,
Phải điều lòng lại dối lòng mà chơi!
Mai sau ở chẳng như lời,
1030.Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi.
Thấy lời quyết đoán hẳn hoi,
Đành lòng, nàng cũng sẽ nguôi nguôi dần.
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung.
1035.Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng.
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
1040.Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ?
1045.Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm?
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
1050.Hoa trôi man mác, biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồị
1055.Chung quanh những nước non người,
Đau lòng lưu lạc, nên vài bốn câu.

Phần 4 của Truyện Kiều – Nguyễn Du đã vẽ ra cuộc sống của Kiều sau khi bán mình chuộc cha. Sau khi bán mình cho Mã Giám Sinh, nàng bị hắn ta lừa gạt, làm nhục và bán lại cho Tú Bà ở lầu Ngưng Bích. Tại đây, Kiều bị Tú Bà ép phải tiếp khách làng chơi, nếu không sẽ bị bà ta mắng nhiếc một cách nặng nề. Không cam chịu với cuộc sống đau đớn, uất ức, tủi nhục ấy, Kiều quyết định rút dao tự vẫn nhưng thất bại.

Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 4) dựng nên tâm trạng cô đơn, bất hạnh, đáng thương, không nơi nương tựa của Kiều. Khi tuổi xuân còn đang phơi phới, nàng bị giam lỏng tại lầu Ngưng Bích, mọi sự xấu hổ khi bị Mã Giám Sinh lừa vào lầu xanh, sự tủi thẹn khi cảm thấy mình không còn xứng đáng với tình cảm mà Kim Trọng mong chờ đã dần giam cầm tinh thần nàng tại nơi đây. Dù đã bán mình chuộc cha trong tình cảnh ‘Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai’ nhưng Kiều vẫn luôn nặng trĩu nỗi nhớ cha mẹ.

Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 4) giúp ta hiểu rõ hơn về số phận bi kịch của Thúy Kiều nói riêng và số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa nói chung. Dù cho có tài hoa, có nhan sắc nhưng lại bạc mệnh, họ không được tự quyết định cho cuộc sống của mình, phải trải qua vô vàn bi kịch gia đình, tình duyên.

Dù thời gian trôi qua đã rất lâu rồi nhưng Truyện Kiều – Nguyễn Du vẫn là áng thơ nổi tiếng, xứng đáng là ‘quốc hồn quốc túy’ vì đã đem lại nhiều giá trị nghệ thuật cho nền văn học nước nhà. Đây cũng là tập thơ quen thuộc gắn liền với thời học sinh của bao thế hệ.

Vậy chuyện gì sẽ tiếp tục xảy đến trong cuộc đời của nàng Kiều? Mời các bạn cùng đón xem Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 5) ở những bài viết tiếp theo nhé.

Nguyễn Dương Thị Ngọc Ánh tổng hợp và biên tập.

Xem thêm:

100 câu nói tinh hoa của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Truyện Kiều – Nguyễn Du (phần 3)

Khóa học Đánh Thức Năng Lực Giao Tiếp Trong Bạn

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang