Mặc dù có tài năng vượt trội về binh pháp, nhưng trong suốt thời gian đầu quân cho Hạng Lương, Hạng Vũ nhưng Hàn Tín đều không được trọng dụng vì quá khứ hàn vi bị khinh rẻ vì đã từng nhường nhịn, chui qua đũng quần của 1 tên ác đồ ngoài chợ cá, Hàn Tín còn từng nhận cơm của Phiếu mẫu để sống qua ngày. Khi còn dưới trướng của Hạng Lương (tức chú của Hạng Vũ), Hàn Tín đã từng hiến kế cho Hạng Lương trong trận công chiến với Chương Hàm nhưng rất tiếc Hạng Lương không nghe mà còn miệt thị Hàn Tín dẫn đến Hạng Lương bị thất bại thảm hại và bị tử trận.
Khi còn dưới trướng của Hạng Vũ, mặc dù Phạm Tăng nhiều lần tiến cử nhưng Hạng Vũ không dùng chỉ cho Hàn Tín làm một chân chấp lang kích. Hàn Tín từng viết tấu chương để phân tích “thế thiên hạ”, “cơ thiên hạ” và đề xuất chính sách trị quốc, bình thiên hạ nhưng bị Hạng Vũ xé nát tấu chương, lại còn định hỏi tội, may được Hạng Bá khuyên can mới giữ được mạng.
Cuộc đời Hàn Tín đã rẽ sang 1 bước ngoặt quan trọng khi được Trương Lương phát hiện ra tài năng và tiến cử Hàn Tín chức nguyên soái phá Sở của nước Hán. Dưới đây chính là cuộc gặp gỡ định mệnh đấy, theo đó Trương Lương đã giả làm người bán kiếm để tiếp cận và thuyết phục Hàn Tín bỏ Sở theo Hán như câu nói:
“Con chim khôn lựa cây mà đậu, kẻ tôi hiền chọn chúa mà phò”. “gặp được chân chúa hiểu biết nghe lời dùng kế, xoay chuyển trời đất, biến hoá phong vân, ngồi trấn Trung Nguyên, ra vào có tiền hô hậu ủng, được hưởng vinh hoa cửu tập, tột quý hiển bề tôi, chẳng còn phải khó nhọc như ngày nay nữa vậy”.
Dưới đây là phần phân tích của kênh dựa trên cốt truyện của tiểu thuyết Hán Sở Diễn Nghĩa.
Rất mong sẽ mang đến cho Quý vị nhiều bài học giá trị.
Ý NGHĨA SỐNG kính chúc quý vị và gia đình những điều tốt đẹp nhất.
Hàn Tín được Trương Lương phát hiện tài năng
Theo tiểu thuyết Hán Sở Diễn Nghĩa mô tả Tử Phòng (Trương Lương) trong lúc thực hiện kế hoạch để Hạng Vũ dời đô từ đất Quan Trung về Bành Thành với việc tự đặt ra câu giao ngôn rồi cho trẻ em đọc giao ngôn để đánh động lên Hạng Vũ rằng đấy là ý của ông trời, câu giao ngôn ấy như sau:
“Có người trong vách rung chuông;
Tiếng thì nghe vậy, ai tường hình dong.
Giàu sang mà chẳng hoàn hương;
Khác chi áo gấm, anh chàng đi đêm”.
Chẳng ngờ Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ lại tin rằng ý trời đã giáng xuống muốn Hạng Vũ trở lại cố hương Bành Thành để dựng đô, nếu không thì chẳng khác nào mặc áo gấm mà đi đêm thì ít người cảm được vẻ đẹp.
Lúc bấy giờ có gián nghị đại phu Hàn Sinh can gián Hạng Vũ không nên dời đô vì đất Quan Trung vốn là chốn kho trời với trăm hai quan ải, ba tám núi sông, ruộng đất phì nhiêu ngàn dặm. Quan Trung từ xưa là đất dựng đô, núi che song bọc, bốn ải cùng ngăn một mặt. Phía đông có Hoàng Hà, cửa Hàm Cốc, bến Bồ Tân; phía Tây có cửa Đại Lũng, huyện Sơn Lan; phía nam có Chung Nam, Vũ Quan, Nghiêu Quan; phía bắc có Thiểm Hà, sông Kinh, sông Vị, Đồng Quan.
Nhưng rất tiếc Hàn Sinh khuyên can không thành bèn buông lời bất kính với Hạng Vũ dẫn đến bị trừng phạt bằng cách bị nấu chín bằng vạc dầu trước chợ.
Hàn Tín lúc bấy giờ được giao nhiệm vụ áp giải Hàn Sinh ra chợ, trong lúc trò chuyện với Hàn Sinh trước lúc hành hình thì Hàn Tín nói rằng “Để ta chỉ cho ông biết kẻ bịa đặt giao ngôn ấy, chính là người đã thiêu rụi sạn đạo, đang đứng trong đám đông ở đây. Kẻ ấy quyết đang ở đây! Nếu bắt ra được sẽ biết ngay manh mối!”
Nghe Hàn Tín nói mạnh như vậy, Tử Phòng giật mình đứng nấp sau lưng người khác. Đến gần tối, Hàn Tín mới về nhà. Tử Phòng bèn bám theo sau, ghi nhớ chỗ Hàn Tín ở. Hôm sau Tử Phòng bèn lấy cây bảo kiếm lần trước tìm được trong cung nhà Tần đeo vào bên lưng rồi qua cửa vào thành, tìm đến trước nhà Hàn Tín với lí do là đồng hương ở Hoài Âm đến bán kiếm cho Hàn Tín.
Luận bàn: việc chọn nơi đóng đô vốn dĩ chỉ những bậc hiền sĩ mới phân tích, biết được tầm quan trọng của vị trí địa lý của nơi đóng đô. Đây là một trong 3 việc quan trọng mà Trương Lương đã từng phân tích với Lưu Bang. Nơi đóng đô không những thuận lợi về lương thảo mà còn phải tiện lợi cho việc phòng thủ phòng khi bị kẻ địch tấn công, và phải tiện lợi khi cần tập trung binh lực để tấn công kẻ thù. Hàn Tín không những biết được tầm quan trọng của việc đóng đô sẽ quyết định vận mệnh của quốc gia mà còn biết được kẻ bịa đặt ra câu giao ngôn xúi dại Hạng Vũ cũng chính là kẻ đã thiêu rụi sạn đạo để Hạng Vũ sao nhãng việc đề phòng mũi tấn công từ Hán vương ở Bao Trung. Tuyệt vời hơn nữa là Hàn Tín còn biết kẻ ấy đang đứng trong đám đông ở chợ này. Chính điều này đã làm quân sư Trương Lương bị doạ một phen hú vía phải giật mình đứng nấp sau lưng người khác.
Sự thật có phải chỉ do 1 câu nói trên của Hàn Tín mà đã khiến cho Trương Lương quyết định tiến cử Tín thành nguyên soái phá Sở của Hán, làm cho Lương phải thân chinh tới tận nhà nhân tài để thuyết pháp hay chăng?
Trong hồi thứ 39 của tiểu thuyết Hán Sở Diễn Nghĩa, Trương Lương đã tận tay tận mắt thấy bản tấu chương thể hiện đỉnh cao của trí tuệ của Hàn Tín được đặt trong tủ sách của nhà Hạng Bá, còn được Hạng Bá kể lại tường tận chuyện Hàn Tín không được Hạng Vũ trọng dụng, thậm chí còn suýt mất mạng vì tấu chương hùng hồn thể hiện tầm nhìn vĩ mô và tài chiến lược của Hàn Tín. Khi đọc xong tấu chương, Lương đã cảm thán rằng “ngôn ngữ vượt hẳn mọi người, lập ý vô cùng thâm viễn, sợ rằng Hạng vương sẽ nhậm dụng người này, mừng là nếu khiến cho bậc kì sĩ này theo Lưu Bang làm nguyên soái mà phá Sở thì mối thù hại Hàn vương có thể báo thù, cơ nghiệp nhà Hán cũng có thể hưng được, mà Hạng Vũ từ đây thế là xong”. Như vậy, văn tấu đã đọc, tận mắt đã chứng kiến tài năng của Hàn Tín thì Trương Lương sao có thể bỏ qua một bậc hào kiệt như vậy.
Dưới ánh trăng sáng, Hàn Tín trông thấy người ấy thanh nhã tuấn tú, vẻ mặt cũng quen quen, không dám hỏi ngay bèn mời lên sảnh, ai nấy cùng thi lễ, phân ngôi chủ khách mà ngồi. Sau vài câu hỏi han, giao lưu, Tử Phòng nói: “Tôi tuy là đồng hương với tướng quân nhưng lâu nay đi xa ở ngoài. Ông cha đời trước của tôi từng để lại ba thanh bảo kiếm, thực là một vật quý hiếm có ở đời, không dám nói đến giá cả, chỉ đi tìm khắp anh hùng hào kiệt trong thiên hạ, trước tiên quan sát con người, thứ đến mới là bán kiếm này. Tôi đã bán 2 thanh kiếm cho hai người rồi, chỉ còn một thanh kiếm này vẫn chưa có chủ nhân. Nghe nói tướng quân là đồng hương với tôi, lại là bậc anh kiệt trong thiên hạ, nên đắc ý đến đây bán bảo kiếm này, chẳng phải để khen suông mà thực sự bản tâm suy nghĩ vậy. Cây kiếm này mang ngầm xuống nước giao long khóc; đeo giấu lên non quỷ mị kinh. Chôn giấu đã ngàn vạn năm, trị giá tới mấy ngàn lạng. Nếu như gặp bậc nam tử kỳ vĩ, tất tự phát ra tiếng leng keng. Đâu cần phải bỏ tiền túi ra, mà vật nào cũng đều tự tìm đến chủ nhân của nó. Nếu như ngài được thanh kiếm này thì uy lệnh sẽ ngập tràn trời đất.”
Tín cầm lấy kiếm, rút ra khỏi vỏ mà xem, dưới ánh đèn chỉ thấy bảo khí xông lên tận mây, ánh kiếm bắn tới sao Đẩu. Tín vô cùng yêu mến chỉ hận là trong túi không có tiền nên chẳng dám hỏi giá.
Luận bàn
Hàn Tín chẳng phải tự nhiên mà nhìn thấy Tử Phòng nhìn quen mắt, mà kì thực hai hào kiệt này đã từng có lúc gặp mặt nói chuyện bâng quơ mà chưa kịp hỏi tên nhau tại Hồng Môn Yến. Khi đó, Trương Lương đã giải cứu cho Lưu Bang ra khỏi tiệc Hồng Môn, Trương Lương đã vô tình gặp Hàn Tín đang ở sau trướng vỗ kích ở doanh trại của Hạng Vũ với câu thơ cười nhạt mà rằng: “Gấu đói mà xuống sườn non; Lật đá thấy kiến, nuốt luôn tức thì. Bật ho kiến lại thoát đi. Nguy sao nguy bấy, kìa kìa có hay”.
Trương Lương hỏi “tráng sỹ làm sao lại cười nhạt như thế?”
Hàn Tín đáp “Phạm lão uổng phí tâm cơ, Trương Lương giỏi biết chân chúa. Hôm nay thoát nạn Hồng Môn, ngày sau trấn giữ hoàn vũ”. Sau đó Tín rời đi, không nói thêm câu nào nữa. Lương lúc bấy đã cảm thấy tài năng xuất chúng của Tín, cảm than rằng “thực là hiền sỹ”. Tiếc là lúc ấy không kịp hỏi han họ tên của Tín.
Trong lần thân chinh đến nhà Hàn Tín này, Tử Phòng lấy cớ là đồng hương Hoài Âm của Tín, kỳ thực chẳng phải vậy. Tử Phòng vốn là người nước Hàn. Vì sao Tử Phòng lại giả bán kiếm? Ắt hẳn Tử Phòng đã tìm hiểu rất kỹ về Hàn Tín thấy rằng Tín rất yêu thích kiếm, lúc ở Hoài Âm cũng chính vì Hàn Tín luôn đeo cây kiếm bên mình mà gặp 1 tên ác đồ gây chuyện, vì chẳng muốn phiền phức cũng không muốn lấy mạng của tên ác đồ ấy mà Tín chịu nỗi nhục chui qua đáy quần của hắn.
Tử Phòng trong lúc giao tiếp luôn miệng khẳng định Hàn Tín là bậc hào kiệt trong thiên hạ, trong khi đương chức Hàn Tín chỉ làm chấp lang kích vô danh tiểu tốt bị khinh rẻ đến tiền mua kiếm cũng chả có, há chẳng phải Tử Phòng đang làm chí anh hùng của Hàn Tín thêm thoả hay sao, tinh thần của Hàn Tín theo đó mà càng phấn chấn vì được tin tưởng ghi nhận tài năng. Đây cũng là một trong những kỹ năng giao tiếp khôn ngoan của các bậc thuyết khách, biết ca ngợi ưu điểm của đối phương, dẫn đối phương vào chuyện theo cách tự nhiên và nhẹ nhàng.
Tín hỏi “Ngài có 3 bảo kiếm, vậy 2 thanh trước bán được giá bao nhiêu”.
Lương trả lời: “Nếu gặp đúng người thì lập tức đem bảo kiếm mà tặng ngay, cần gì phải nói đến giá. Nếu không xứng thì dẫu có trả muôn lạng vàng tôi cũng không dám khinh dễ mà bán vậy. Từ lâu đã nghe tướng quân là bậc hào kiệt trong thiên hạ, nên tôi mang kiếm này đặc biệt tới đây gặp mặt. Bảo kiếm đã có chủ rồi vậy”.
Tử Phòng còn nói thêm:
+ Thanh kiếm thứ 1 là kiếm thiên tử: còn gọi là Bạch Hồng Tử Điện. Người muốn sở hữu kiếm này phải có 8 đức của thiên tử: nhân, hiếu, thông, minh, kính, cương, kiệm, học vậy”. Kiếm thiên tử đã bán cho Lưu bái công ở Phong Trạch vì Tử Phòng cho rằng Bái công có biểu hiện “đức lớn đường đường, long nhan khác lạ, thần mẫu đêm khóc, Mang Đãng mây lành, bèn dựng cờ đỏ, năm sao tụ hội, đại lượng khoan nhân, khác hẳn kẻ khác.
+ Thanh kiếm thứ 2 là kiếm tể tướng: còn gọi là Long Tuyền Thái A. Người muốn sở hữu kiếm này phải có 8 đức của Tể Tướng: trung, chính, minh, biện, thứ, dung, khoan, hậu vậy. Kiếm tể tướng đã bán cho Tiêu Hà ở huyện Bái vì theo Tử Phòng thì Tiêu Hà có chứng nghiệm: giúp rập công đầu, kinh luân Hán thất, không dụng can qua, toàn nhờ nhân nghĩa, giản phép giúp dân, sông ngòi cứu rộng, áo vải đồng lòng, dấy tự Phong Bái. Ông ấy có đại tài của bậc tể tướng, khi trước ở Quan Trung đã bãi bỏ pháp luật hà khắc của nhà Tần, giản ước xuống còn ba điều.
+ Thanh kiếm thứ 3 là kiếm Nguyên Nhung: còn gọi là Can Tương Mạc Da. Người muốn sở hữu kiếm này phải có 8 đức của Nguyên Nhung: liêm, quả, trí, tín, nhân, dung, nghiêm, minh vậy. Tử Phòng đang muốn bán kiếm nguyên nhung cho Hàn Tín.
Luận bàn: Tử Phòng nói đến việc bán kiếm mà còn phải xem người mua kiếm có đức độ và tài năng tương ứng với tên kiếm thì mới bán. Chính là đang muốn khéo léo ca ngợi Lưu Bang chính là bậc quân vương tương lai, Tiêu Hà chính là bậc tể tướng xứng danh.
Chúng ta cùng bình luận 8 đức thiên tử: nhân (trong chữ nhân hậu, thương người), hiếu (trong chữ hiếu thảo), thông (trong chữ thông tuệ, sáng suốt), minh (trong chữ minh bạch, minh triết, minh chúa, vua sáng), kính (trong chữ kính cẩn, hiếu kính), cương (trong chữ cương trực, thẳng thắn), kiệm (trong chữ cần kiệm), học (trong chữ hiếu học).
8 đức tể tướng: trung (trung thành, trung với nước), chính (chính trực), minh (minh triết, minh bạch), biện (hùng biện, kính trọng, kính mộ, phân biệt rõ), thứ (giúp đỡ, biết trên biết dưới), dung (bao dung, tha thứ), khoan (rộng rãi, khoan hồng, khoan dung), hậu (sâu sắc, hậu phương, đồng lòng).
8 đức của Nguyên Nhung: liêm (thanh liêm), quả (quả cảm), trí (trí tuệ), tín (uy tín), nhân (nhân hậu), dung (dung thứ), nghiêm (nghiêm nghị), minh (minh triết, minh bạch).
Đến đây làm người ta thật ngưỡng mộ Tử Phòng, chỉ đi bán kiếm mà giúp người khai thông biết bao nhiêu là trí tuệ ở đời. Dẫu biết mục đích chính của Tử Phòng là thuyết phục Hàn Tín nhưng quả thật cách dẫn đề tài rất logic, vừa để giới thiệu kiếm tốt lại vừa nói khéo về đạo làm vua, làm tể tướng, làm đại nguyên soái để hệ tư tưởng của Tử Phòng thống nhất và gần gũi với hệ tư tưởng của Hàn Tín.
Vì sao Tử Phòng lại muốn bán kiếm Nguyên Nhung (nguyên soái) cho Hàn Tín vì theo Tử Phòng giải thích “cứ như những gì tướng quân học tập tu dưỡng thì dẫu Tôn, Ngô, Nhương Tư thuở xưa cũng chẳng thể hơn được. Chỉ là chưa gặp bậc chân chúa biết đến mình. Xưa, thiên lý mã chưa gặp Bá Nhạc, cũng chỉ đứng lẫn trong máng ăn, rơi vào tay kẻ nô lệ, chẳng khác gì lũ ngựa xoàng. Kịp tới khi gặp được Bá Nhạc mới biết đó là thứ ngựa kỳ ngựa ký ngàn dặm, hí vang kêu dài, đuổi chớp dứt bụi, là thứ ngựa tốt trong thiên hạ vậy. Cho nên người xưa có câu rằng: ‘Ngoảnh bắc kêu dài ngoài cõi thẳm; gò cương trước gió góc trời về’. Tức cũng như nay tướng quân đang khó nhọc đứng sau kẻ khác; chưa gặp được chúa biết mình, chẳng biết ấy là bậc nguyên nhung vậy! Nếu gặp được chân chúa hiểu biết, nghe lời dùng kế, xoay chuyển đất trời, biến hoá phong vân, ngồi trấn trung nguyên, ra vào có tiền hô hậu ủng, được hưởng vinh hoa cửu tập, tột quý hiển bề tôi, thì sẽ chẳng còn phải khó nhọc như ngày nay nữa vậy”.
Hàn Tín quả nhiên bất giác thở dài, xúc động trong lòng, bèn nói: “nghe lời tiên sinh nói mà như tỏ cả ruột gan, Tín này ở đây đã lâu, chẳng thi triển được một điều gì, trăm kế đều khó nói. Khi trước đã nhiều phen dâng biểu mà Bá vương chẳng nghe, nay lại muốn dời đô, thì đại sự hỏng mất rồi! Tín này không lâu nữa cũng sẽ quay về quê cũ, sống qua năm tháng mà thôi”.
Lương nói: “Tướng quân sai rồi, con chim khôn lựa cây mà đậu, kẻ tôi hiền chọn chúa mà phò. Với hoài bão của tướng quân, há có thể lại náu chân ở chốn cửa tre, làm một kẻ đi câu ở Hoài Âm ư?”.
Tín lại thở dài nói: “Tiên sinh tối nay đến gặp, nói năng lay động, nghị luận hơn người, chẳng phải chỉ là bán kiếm, mà quyết có thâm ý vậy”. Dưới ánh trăng sáng, trước ngọn đèn khêu, tôi đã xem kĩ cử động, tiên sinh chẳng phải là Trương Tử Phòng người nước Hàn đó ư?”.
Tử Phòng bèn đứng dậy đáp tạ và nhận mình đúng là Trương Lương vì mến mộ tài năng của Hàn Tín mà đến.
Hàn Tín cả cười nắm lấy tay Trương Lương: “Tiên sinh là bậc hào kiệt trong thiên hạ, là con rồng giữa nhân quần vậy! Tôi muốn bỏ chỗ này mà về theo Hán chẳng hay tiên sinh có điều chi dạy bảo”.
Lương bèn ca ngợi Lưu Bang là bậc trưởng giả, tạm chịu khuất ở Bao Trung nhưng rốt sẽ làm nên đại sự, còn đưa Thư Tiến Cử Hàn Tín làm Nguyên soái “ngày trước khi tôi từ biệt Hán vương và Tiêu Hà đã từng có hẹn rằng nếu như tôi tiến cử nguyên soái thì lấy bức thư này làm bằng, nếu thấy ai có thư thì phải nên trọng dụng”. Đồng thời Lương còn trao cho Tín tấm bản đồ bí mật theo đường Trần Thương “bản đồ này có đường tắt qua núi, từ đường dốc vào cửa Trần Thương, rẽ sang dãy Cô Vân Lĩnh, núi Vũ Cước, vòng đến núi Kê Đầu rồi đi thẳng xuống Bao Trung, gần 200 dặm. Ngày sau tướng quân phá Tam Tần, nên theo lối này mà ra. Chỗ này người Hán cũng không biết, tướng quân nên bí mật, chớ có dễ dàng cho người khác thấy”.
Trương Lương ở lại 1 tối, cùng ngủ 1 giường với Hàn Tín, đến hôm sau thì từ biệt rời khỏi Hàm Dương, đến các nước du thuyết chư hầu, Hàn Tín chuẩn bị hành trang, viết 1 bức thư nhà, dặn dò gia đồng chuẩn bị lộ phí, về Hoài Âm tham gia đình.
Luận bàn
Tử Phòng chuyển từ đề tài về chính trị vĩ mô của chính trường lúc bấy giờ sang tình hình vi mô của Hàn Tín, tức là lấy xa để nói gần, chạm đến cảm xúc và bao nỗi niềm của Hàn Tín, mới thấy Tử Phòng thuyết khách đi vào lòng người. Hàn Tín cũng tài năng không kém khi biết cách dùng nước để đẩy thuyền. Vừa nói ra xúc cảm thật, vừa giả như muốn từ quan về quê để sống kiếp nông nhàn để cho Tử Phòng có cơ hội hối thúc Hàn Tín bỏ nơi bất công tìm về nơi minh triết, hay nói theo cách của Tử Phòng là bỏ Sở theo Hán.
Như vậy Tử Phòng lấy lí do đồng hương để tiếp cận Tín, lại lấy việc bán kiếm trở thành đề tài bình luận thiên hạ, sau đó lại tặng miễn phí kiếm quý cho Hàn Tín. Quả là vô cùng đắc nhân tâm với Tín vậy! Tử Phòng thể hiện ngay khả năng chốt Deal đỉnh cao bằng cách nhanh nhạy mang ra Thư Tiến Cử Hàn Tín làm Nguyên Soái của Hán để Hàn Tín đưa cho Lưu Bang, đồng thời chuẩn bị sẵn bản đồ bí mật để mở đường thoát thân cho Hàn Tín, lại còn phím trước cho Hàn Tín nhân tố quan trọng để Hàn Tín lập công đầu cho nhà Hán bằng cách dùng lối Trần Thương để công phá Tam Tần, mở đường bình định Quan Trung.
Xong việc thuyết phục nhân tài thì Tử Phòng hoàn toàn có thể rời đi, nhưng tại sao Tử Phòng lại ở lại 1 tối, cùng ngủ 1 giường với Hàn Tín? Dường như đây là cách thể hiện tình cảm tri kỷ của cổ nhân, trước đây Lưu Bang cũng dùng cách này với Trương Tử Phòng, sau này Lưu Bị cũng dùng cách này với Gia Cát Lượng. Thế mới thấy, Tử Phòng muốn Hàn Tín biết rằng ông đã xem Hàn Tín là tri kỷ, và muốn Hàn Tín nhất tề theo quan điểm mà cả hai đã thống nhất. Tử Phòng còn không ngại chia sẻ kế hoạch đi du thuyết của ông để thuyết phục các nước chư hầu chống lại Hạng Vũ, chia bớt thế lực của Bá vương, thực hiện kế “dương đông kích tây” khiến cho Hạng Vũ lo ứng phó với các nước chư Hầu này mà không còn có ý lại nhòm ngò sang phía tây nữa thì khi đó Hàn Tín đồng thời khởi binh tuỳ ý đánh hạ Tam Tần, chiếm cứ Hàm Dương mà bình định thiên hạ Trung Quốc lúc bấy giờ.
Đến đây Tử Phòng đã hoàn thành xuất sắc chiến lược thu hút nhân tài và hoạch định chiến lược đồng tác chiến, liên hoàn kế. Một kế hoạch phối hợp nhịp nhàng giữa vị quân sư giỏi nhất bấy giờ với vị nguyên soái giỏi nhất bấy giờ đã tạo thành chiến thắng huy hoàng sau này cho Hán vương Lưu Bang đăng quang hoàng đế Trung Hoa.Nói thêm đến 1 chi tiết đáng lưu ý nữa, đó là Trương Lương dường như đã đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào lời hẹn với Lưu Bang nên hành động chắc nịch, và quả thật Lưu Bang chưa từng làm cho Tử Phòng thất vọng. Sau này khi Hàn Tín đến đất Bao Trung mặc cho Tiêu Hà ra sức tiến cử nhưng vì chưa thấy Thư Tiến Cử của Trương Lương thì nhất định Lưu Bang không phong chức Nguyên Soái phá Sở này cho bất cứ ai.
Ngay khi Hàn Tín đưa Thư Tiến Cử của Trương Lương, Lưu Bang đã lập đàn tế phong chức Nguyên Soái phá Sở cho Hàn Tín để bố cáo thiên hạ theo đúng lời hẹn với Trương Lương mặc dù không có mặt Trương Lương ở đó. Điều này thể hiện sự kính trọng và niềm tin tưởng tuyệt đối của Lưu Bang dành cho Trương Lương. Qua đó mới thấy, kẻ tôi hiền, các bậc hiền sĩ nếu được sự tin tưởng và ủng hộ của vua sáng thì đại sự mới thành. Nếu như Lưu Bang nuốt lời thì há chẳng phải bao công lao của Trương Lương đều đã công cốc rồi sao.
Tham khảo: Hán Sở Diễn Nghĩa