tôn vũ binh pháp tôn tử

Tôn Vũ (cha đẻ của Binh Pháp Tôn Tử) và 5 trận chiến lưu danh thiên cổ

Nói đến Binh Pháp Tôn Tử là người ta nghĩ ngay đến Tôn Vũ (vị quân sư tài ba của Nước Ngô thời Xuân Thu). Ông được dân gian tôn xưng là “Thủy tổ binh học phương đông”, “ông thánh về Binh Học”. Ít ai biết rằng trước khi Tôn Vũ lập được đại công trên sa trường, nhiều quan lại trong triều Ngô từng cho rằng dù binh pháp của Tôn Vũ có hay cỡ nào cũng chỉ là “bàn việc quân trên giấy”, chưa có kinh nghiệm thực chiến. Tương truyền rằng, chỉ vài năm sau đó, sau những trận thắng lừng danh của Tôn Vũ, khiến cho quân địch chỉ cần nghe đến đại danh của ông cũng có thể bị “hồn bay phách lạc”. Vậy thiên tài quân sự này đã từng thống lĩnh bao nhiêu trận đánh? Thiên tư trác tuyệt của ông đã được bồi dưỡng qua thời thơ ấu như thế nào? Hãy cùng chúng tôi nghiên cứu về Tôn Vũ và 5 trận chiến lưu danh thiên cổ của Tôn Vũ sau đây

1. Thời thiếu niên hiếu học của Tôn Vũ

Theo ghi chép của “Tả truyện”, tổ tiên của Tôn Vũ thực ra không phải họ Tôn, mà là họ Cơ, là hậu duệ của công tử Huệ Tôn nước Vệ thời kỳ Xuân Thu. 

Tôn Vũ có cha là Tôn Thư, ông nội là Tôn Khoái, sau này lánh nạn đến nước Tề cho đến khi trưởng thành. Là tác giả viết ra “Binh pháp Tôn Tử”, cuốn binh thư nổi tiếng thế giới, Tôn Vũ tự Trưởng Khanh, người Lạc An, nước Tề, là nhà quân sự, nhà chính trị nổi tiếng thời kỳ Xuân Thu ở Trung Quốc, được mệnh danh là bậc thánh của binh pháp. 

Sau này, Tôn Vũ được người đời gọi là Tôn Tử, suy tôn làm thầy của binh gia muôn đời, thủy tổ của nghiên cứu binh pháp phương Đông.

Càng lớn, Tôn Vũ càng tỏ ra yêu thích quân sự và có thiên bẩm đặc biệt. Tôn Vũ từ nhỏ đã thông minh, cơ trí, nhanh nhạy hơn người, siêng năng hiếu học, giỏi suy xét, giàu sáng kiến, yêu thích những câu chuyện hành quân đánh trận.

Mỗi khi cha xong việc trên triều đình về nhà, Tôn Vũ đều quấn quít lấy cha, lắng nghe cha kể những câu chuyện trên chiến trường. 

Ngoài đặc biệt hứng thú với chuyện chiến trường, Tôn Vũ còn rất yêu thích binh thư, đọc đến chỗ nào không hiểu là ông liền hỏi thầy giáo hay các bậc cha chú.

Trước khi chính thức dẫn quân đánh trận, Tôn Vũ đã khảo sát những chiến trường xưa kia trong lịch sử, nhờ vậy mà ông đã tích lũy được tư liệu thực tế phong phú để viết nên cuốn “Binh pháp Tôn Tử” nổi tiếng sau này.

Nghiên cứu về binh pháp Tôn Tử

Tôn Tử binh pháp được dịch ra 29 loại ngôn ngữ trên thế giới, các ấn phẩm bổ sung mở rộng lên tới hơn 700 bản. Thế kỷ 18, cuốn Tôn Tử Binh Pháp được truyền nhập vào châu Âu, ngay lập tức gây ra náo động đối với giới quân sự phương Tây. Nhà lý luận quân sự nổi tiếng người Anh, người đặt nền móng lý luận “đại chiến lược” Lydern Hatill không chỉ tự mình dịch toàn bộ nguyên bản cuốn Tôn Tử Binh Pháp ra tiếng Anh mà ông còn viết thêm một quyển “Luận chiến lược” để dẫn giải và tường thuật lại. Hatill cho biết, trong tác phẩm quân sự của ông, giải nghĩa rất nhiều quan điểm tìm thấy qua nguyên bản cuốn Tôn Tử Binh Pháp từ hơn 2500 năm trước.

2. Lịch sử quan trường của Tôn Vũ

Tôn Vũ tên chữ là Trưởng Khanh, (chưa rõ năm sinh, có quan điểm cho rằng sinh vào khoảng những năm 545 TCN, tức năm Chu Linh Vương thứ 27, Tề Cảnh Công năm thứ 3 ngày 28 tháng 8), người Lạc An nước Tề. Vì nội loạn nên gia đình phải chạy đến La Phù Sơn ở ngoại thành Cô Tô là kinh đô của nước Ngô, cầy cấy dệt cửi để sinh sống, ông để tâm nghiên cứu binh pháp.

Thời gian này Tôn Vũ với Ngũ Tử Tư (trọng thần nước Ngô) kết thành mối quan hệ bằng hữu gắn bó. Năm 515 TCN, Tôn Vũ hiến kế cho Ngũ Tử Tư (hay còn gọi là Ngũ Viên), dùng thích Khách để hành thích Ngô Vương Liêu, giúp công tử Quang lên ngôi. 

Công Tử Quang mời Ngô vương Liêu đến dự tiệc rồi sai dũng sĩ Chuyên Chư hành thích. Vì vệ sĩ của Ngô Liêu rất nhiều, công tử Quang phải giả cách đau chân, bước vào nhà hầm trốn. Chuyên Chư giấu sẵn lưỡi dao trong bụng cá, khi bưng cá đến gần Ngô vương bèn rút dao ra bất ngờ tấn công Ngô vương. Ngô vương qua đời tại chỗ, Chuyên Chư cũng bị các vệ sĩ của Ngô Liêu tiêu diệt.

Sau khi công tử Quang lên ngôi lấy hiệu là Ngô Vương Hạp Lư hay Ngô Hạp Lư, Tôn Vũ được Ngũ Tử Tư tiến cử. Đích thân vua Ngô mang lễ vật vào tận núi sâu mời Tôn Vũ ra giúp sức. Cũng bắt đầu từ đây, một vị quân sư dụng binh như thần, nghìn thu ghi nhớ xuất hiện.

Tôn Vũ dâng 13 chương binh pháp lên Ngô vương là Hạp Lư, được Ngô vương rất tán thưởng. Tuy nhiên, nhiều quan lại trong triều cho rằng dù binh pháp của Tôn Vũ có hay cỡ nào cũng chỉ là “bàn việc quân trên giấy”, chưa có kinh nghiệm thực chiến.

Theo đề nghị của Ngô vương Hạp Lư, Tôn Vũ dùng ngay các cung nữ để diễn tập binh pháp, chém mỹ nhân để thị uy, khiến Ngô vương rất nể vì, lệnh cho làm thượng tướng quân, rồi phong làm quân sư. Tôn Vũ sau đó cùng với Ngũ Tử Tư trợ giúp Ngô vương cải cách chính sự, tăng cường quốc lực.

Trong bộ sử ký của mình, Tư Mã Thiên có viết về tài năng quân sự của Tôn Vũ (Tôn Tử) như sau: “Tôn Vũ phía tây đại phá nước Sở mạnh, phía Đông dẹp yên Tề – Tần uy danh lừng lẫy khắp chư hầu, làm tướng như thế thật khó ai so bì”. Quả thật trong 30 năm sự nghiệp quân sự của mình, Tôn Vũ đã lập nhiều chiến công hiển hách và luôn xứng đáng với những lời tôn vinh trong sử sách. Tuy nhiên có một vấn đề luôn gây ra sự tranh cãi kịch liệt từ trước đến nay đó là: rốt cuộc Tôn Vũ đã thân chinh chỉ huy bao nhiêu trận đánh. Vừa qua giới nghiên cứu lịch sử cổ đại Trung Quốc khi đã nghiên cứu, đối chiếu, tổng hợp, so sánh từ các sử liệu như: “Ngô việt Xuân Thu”, “Việt sắc thư”, “Tả truyện”, “Sử ký” đã đưa ra kết luận: Trong sự nghiệp quân sự của mình, Tôn Vũ chỉ trực tiếp chỉ huy 5 trận đánh và chính 5 trận chiến “để đời” này đã góp phần đưa tên tuổi của ông bất hủ cùng thời gian.

3. Năm trận đánh nổi tiếng của Tôn Vũ

Lần chỉ huy thứ nhất: Diệt 2 nước chư hầu của nước Sở là Chung Ngô và nước Từ

Xảy ra vào tháng 12 năm 512 trước công nguyên, khi đó Ngô Vương là Hạp Lư ra lệnh cho Tôn Vũ chỉ huy quân tiêu diệt 2 nước nhỏ là Chung Ngô và nước Từ. Trong lần cầm quân đầu tiên này, Tôn Vũ đã xuất sắc hạ gọn 2 nước trên đồng thời thừa thắng chiếm được đất Thư thuộc nước Sở lập công lớn được Ngô Vương ban thưởng.

Vua Ngô muốn thừa thắng xông lên, tiến quân về kinh thành nước Sở (tức kinh đô Sính) nhưng Tôn Vũ ngăn cản, vậy là quân Ngô toàn thắng rút quân về nước. Ở đây có thể thấy bản lĩnh điềm tĩnh của Tôn Vũ, dù thắng không kiêu, điềm nhiên suy xét thiệt hơn của đại cục. Dù sao thì nước Sở tuy bại nhưng quân lực vẫn hùng mạnh, quân số đông hơn quân Ngô gấp bội.

Lần chỉ huy thứ hai: Chiếm xứ Lục và xứ Tiềm của nước Sở

Tôn Vũ vị quân sư tài ba

Theo lệnh của Hạp Lư, năm 511 trước công nguyên, Tôn Vũ lại thống lĩnh ba quân cùng Ngũ Tử Tư, Bạch Hỷ đi chinh phạt nước Sở bởi lý do “Sở Vương từ chối không chịu trao thanh bảo kiếm Trạm Lô cho Hạp Lư”. Dưới quyền chỉ huy của Tôn Vũ – quân Ngô đánh hai trận thắng cả hai, chiếm gọn 2 xứ Lục và Tiềm thuộc đất Sở.

Lần chỉ huy thứ ba: Đánh bại 16 vạn đại quân nước Việt

Xảy ra vào năm 510 trước công nguyên, lúc này giữa nước Ngô và nước Việt lần đầu tiên xảy ra cuộc chiến tranh quy mô lớn mà sử sách còn ghi lại đó là cuộc “Đại chiến Huề-Lý”. Trong cuộc chiến này lần đầu tiên Tôn Vũ đưa ra cách dụng binh “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” trong đánh trận do vậy chỉ với 3 vạn quân với phép dụng binh tài tình của Tôn Vũ đã đánh bại 16 vạn quân nước Việt. 

Sang năm 510 TCN, quân Ngô lại đụng độ và đánh bại quân Sở.

Lần chỉ huy thứ tư

Vào năm 509 trước công nguyên xảy ra cuộc “đại chiến Dự Chương” giữa hai nước Ngô và Sở. Khi đó vua Sở sai con trai là công tử Tử Thường và công tử Tử Phàm dẫn đại quân tiến đánh nước Ngô, nhằm báo thù nỗi nhục mất đất năm xưa. Một lần nữa Ngô Vương Hạp Lư lại giao cho Tôn Vũ cầm quân chống giặc.

Tôn Vũ mang quân đón đánh ở Dự Chương, phá tan quân Sở, thừa thắng tiến lên chiếm đất Cư Sào.

Lần này Tôn Vũ khôn khéo đánh vòng tránh đội quân chủ lực của công tử Thường, dùng lối đánh vu hồi tập kích doanh trại bắt sống công tử Phàm, quân Sở từ thế mạnh, chuyển sang yếu cầm cự chưa đầy một tháng phải rút chạy về nước.

Lần chỉ huy thứ năm: Đại chiến Ngô – Sở

Tôn Vũ đước tôn xưng là ông thánh về Binh học

Vào ngày 18-11-506 trước công nguyên, 2 nước Ngô-Sở một lần nữa xảy ra chiến tranh, sử sách gọi đây là “cuộc chiến Bách Cử”. Đây là cuộc chiến lớn nhất trong lịch sử 2 nước. Lần này quân Sở huy động 25 vạn quân tiến đánh nước Ngô, khí thế báo thù rất sôi sục.

Theo kế của Tôn Vũ và Ngũ Tử Tư thì sẽ thực hiện “chính sách ngoại giao liên minh”, theo đó vua Ngô bí mật liên kết với 2 nước nhỏ là Đường và Thái làm thành liên minh đánh Sở.

Năm 506 TCN, nhân lúc nước Đường và nước Thái oán hận nước Sở, Hạp Lư liên minh với hai nước này mang đại quân đánh Sở. 

Khi tác chiến, Tôn Vũ triệt để tận dụng địa hình thuận lợi của 2 nước “đồng minh” để triển khai chiến thuật “Khống chế chính diện”, “Tập kích vu hồi mạn sườn” của mình. Khi quân Ngô tiến đến sông Hán Thủy vừa mệt do hành quân thì quân Sở đón đánh. Em Hạp Lư là Phu Khái mang quân bản bộ tập kích đánh úp quân Sở. Quân Sở thua chạy.

Năm 504 TCN, Tôn Vũ lại cùng với Ngũ Tử Tư đem quân đánh Sở, bắt sống tướng chỉ huy thủy quân Sở là Phan Tử Thần và Tiểu Duy Tử cùng với 7 quan đại phu làm cả nước Sở kinh hoàng, phải dời đô từ Ảnh đến Nhược.

Kế Vu Hồi là gì?

Nếu người đi xa bị cản bởi núi đá cao ở trước mặt, tất phải tìm cách đi vòng hoặc nghĩ ra con đường tránh. Hành động này trong giao tế là đi vòng đạt đến mục đích, nói cách khác là không đi đường thẳng mà đi đường vòng. Chính là Kế Vu Hồi.

Có một số người khó tiếp cận thì không thể không gặp núi mở đường, gặp sông bắc cầu. Không rõ trong hồ lô người ta có món gì thì phải ném đá thăm dò, mò ra chân tướng. Có lúc để giảm bớt ý định của đối phương, khiến họ lơ là mất cảnh giác, ta phải đi đường vòng, thậm chí dùng chiến thuật vu hồi “chỉ Trương Tam nói Lão Tứ” Trong cuộc sống không ít người “thẳng ruột ngựa”, cứng nhắc trong xử thế, dù có đổ tường cũng không thèm quay đầu lại, mười trâu cũng không lôi lại được. Đối với những người này phải biết thuật vu hồi, động não tìm lối đi quanh co để khắc phục. Nói một câu: Quanh co mấy vòng nhất định đạt được lợi ích thực tế lớn nhất trong quan hệ người với người.

“Kế vu hồi mạn sườn” của Tôn Tử chính là kế đánh vòng để tập kích mạn sườn tấn công nước Sở là vậy.

 TỔNG KẾT

Sau 5 lần giao chiến với quân Sở, Tôn Vũ đều giành thắng lợi. Cuối cùng 3 vạn quân Ngô đã phá tan 25 vạn quân Sở tiến vào kinh đô nước Sở buộc Sở vương phải tháo chạy. Với 5 trận đánh “để đời” này, uy danh và tài thao lược quân sự của Tôn Vũ (Tôn Tử) lừng lẫy khắp thiên hạ. Thêm vào đó là bộ “Tôn Tử Binh Pháp” dài 13 thiên bất hủ của ông đã khiến cho tên tuổi của Tôn Vũ nổi tiếng khắp thế giới cho tới ngày nay.

Nhưng sau khi lập được công lao ông không muốn làm quan, cố tình về núi làm dân thường, mai danh ẩn tích, không rõ kết cục. Cuốn sách Việt tuyệt thư nói rằng: ở mười dặm ngoài thành Cô Tô có mộ Tôn Vũ, thực giả ra sao cũng khó xác định. Cuối đời Tôn Tử viết lại binh pháp của mình, hoàn thiện những điều mà 13 cuốn binh pháp còn thiếu thành 82 quyển và 9 trận đồ hình. Ngô vương Phù Sai muốn chiếm đoạt làm của riêng nhưng Tôn Vũ không muốn tâm huyết cả đời của mình rơi vào tay những kẻ không hiểu và không vận dụng được cho việc trị nước nên quyết định đốt hết 82 quyển binh pháp và 9 trận đồ. Chỉ khi sau này cùng Vương Hủ chu du thiên hạ ông mới viết lại một lần nữa nhưng lúc này ông đã quy ẩn thâm sơn, tung tích 82 quyển binh pháp và 9 trận đồ cũng thất truyền.

Hơn một trăm năm sau đó, có Tôn Tẫn… Tôn Tẫn là con cháu đời sau của Tôn Vũ… Tôn Vũ xuất hiện chói lọi trong lịch sử rồi lại thầm lặng rời khỏi vũ đài giống như một vệt sao băng băng ngang qua bầu trời Xuân Thu. 

Có thể thiên tài này đã tiên liệu được kết cục không mấy tốt đẹp của nước Ngô khi Hạp Lư say sưa vì thắng lợi, và con trai Ngô Phù Sai chìm đắm trong cuộc sống sa đoạ để chuốc lấy thảm bại trước nước Việt hơn mười năm sau đó? Cho nên ông cũng hành động giống như Phạm Lãi của nước Việt sau này, kịp thời rời bỏ tước lộc sau khi phò tá Việt Vương là Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô? Tác phẩm binh pháp của Tôn Vũ đã lưu truyền và được ca ngợi khắp thế giới. Danh hiệu “Thủy tổ binh học phương đông” “thủy tổ binh học thế giới”, “ông thánh về binh học” hoàn toàn xứng đáng với ông. Đúng như nửa sau câu nói của Mao Nguyên Nghi: “… Hậu Tôn Tử giả, bất năng di Tôn Tử” (Những người sau Tôn Tử, không thể bỏ qua được Tôn Tử). 

Tham khảo:

Binh Pháp Tôn Tử

Wikipedia

Jessica Thảo Nguyễn

Mọi ý kiến đóng góp xin được để lại dưới commment hoặc gửi qua email: jessica.thaont@gmail.com. Xin cám ơn!

Xem thêm video tại đây:

Xem thêm:

20 câu nói tinh tuý của Quỷ Cốc Tử

Lý Thường Kiệt và 6 trận đánh đỉnh cao binh pháp

Binh Pháp Ngô Quyền – Đại thắng trên sông Bạch Đằng

Luận bàn về Quan Vũ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

Facebook Ý Nghĩa Sống

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Tiktok Jessica Thảo Nguyễn

Fanpage Jessica Thảo Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang