Chủ đề câu chuyện thành công hôm nay Ý Nghĩa Sống xin chia sẻ là “Ông Tổ của Phương pháp kinh doanh kiểu Nhật Matsushita Konosuke”. Doanh nhân Matsushita Konosuke được nhận Huân Chương cao quý nhất của Nhật Bản, được coi là người hùng đã có ảnh hưởng to lớn giúp nền kinh tế Nhật Bản vực dậy sau thế chiến thứ 2. Ông là nhà sáng lập ra tập đoàn Matsushita với các thương hiệu điện gia dụng nổi tiếng như Panasonic, Quasar, Technics, National. Ông còn là người sáng lập ra trường tư thục kinh tế chính trị Matsushita, viện nghiên cứu PHP. Ông còn được ca ngợi là “Thánh Kinh Doanh của Nhật”, hay “Ông tổ của phương pháp kinh doanh kiểu Nhật” với phương châm luôn sản xuất ra sản phẩm chất lượng nhất, tốt nhất, dễ sử dụng nhất.

Ông còn là chủ nhân của hơn 5 vạn bằng sáng chế. Matsushita Konosuke còn được biết đến như một triết gia luôn vận dụng “chữ Nhân” vào doanh nghiệp. Ít ai biết rằng Matsushita từng có tuổi thơ khổ cực, chỉ tốt nghiệp tiểu học, phải mưu sinh từ năm 9 tuổi. Vậy đâu là bí quyết thành công của Matsushita Konosuke – ông tổ của kinh doanh kiểu Nhật?
Chung Ju Yung – Vị chủ tịch huyền thoại của tập đoàn Hyundai
Vua bán lẻ Sam Walton – Con đường xây dựng đế chế bán lẻ Walmart
Vua Hamburger (Ray Kroc) – Con đường xây dựng đế chế McDonald’s
Bạn đọc cũng có thể xem video về bài viết này dưới đây:
- Matsushita Konosuke tốt nghiệp tiểu học, 9 tuổi phải mưu sinh
- Matsushita Konosuke gây dựng sự nghiệp với việc mở cửa hàng bán đồ điện đầu tiên
- Mở rộng quy mô cửa hàng điện thành công xưởng matsushita
- Công ty công nghiệp điện khí matsushita ra đời
- Triết lý kinh doanh của Matsushita Konosuke
- Matsushita Konosuke mất trắng cơ nghiệp vì chiến tranh
- Trở thành công ty đa quốc gia có tầm ảnh hưởng thế giới
- Trở thành một trong những hãng lớn nhất thế giới
- Bài học rút ra từ cuộc đời kinh doanh của Matsushita Konosuke
Matsushita Konosuke tốt nghiệp tiểu học, 9 tuổi phải mưu sinh
Matsushita (1894-1989) sinh ra tại Nhật, trong gia đình có 7 anh chị em, có truyền thống làm nông. Vì cuộc sống mưu sinh, năm lên 9 tuổi, khi mới học hết bậc tiểu học, cậu bé Matsushita đã phải đi phụ việc để kiếm tiền lo từng bữa cơm cho gia đình. Cậu bé bươn trải đủ nghề, từ chân phụ việc cho một gia đình bán than đến chân phụ việc cho một cửa hàng bán xe đạp, rồi làm việc cho công ty đèn điện OSAKA cho đến năm 23 tuổi.
Trong thời gian làm việc tại cty đèn điện OSAKA, Matsushita Konosuke được thăng tiến lên nhiều vị trí. Năm 22 tuổi, ông được đề bạt làm kiểm tra viên điện lực. Chính trong thời gian này, Matsushita đã cố gắng giới thiệu với ông chủ của mình về phát minh cải tiến ổ cắm đèn mới mà ông đã hoàn thiện trong thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên, ông chủ của Matsushita Konosuke không nhiệt tình.
Matsushita Konosuke gây dựng sự nghiệp với việc mở cửa hàng bán đồ điện đầu tiên
Năm 23 tuổi, Matsushita mạnh dạn mở cửa hàng bán đồ điện với số vốn ít ỏi chỉ có 97 yên.
Ông mở cửa hàng ở tầng hầm của khu chung cư của mình. Cùng với vợ, anh rể và một số trợ lý, ông bắt đầu tạo ra một số mẫu sản phẩm của mình. Matsushita Konosuke đã cố gắng bán các mẫu thử cho những người bán buôn nhưng không thành công. Các trợ lý của Matsushita Konosuke đã rời khỏi cửa hàng, chỉ còn lại vợ và anh rể Toshio Iue, người đã tỏ ra là một người quản lý và bán hàng có năng lực.
Matsushita Konosuke cuối cùng đã phá sản nhưng ông đã được “cứu bởi một đơn đặt hàng bất ngờ cho một nghìn tấm cách điện cho quạt điện.”
Những năm đầu khó khăn tới mức ông phải bán cả chiếc áo Kimono (chiếc áo truyền thống của các cô gái Nhật) và toàn bộ nữ trang của vợ và những gì có thể để có tiền làm vốn kinh doanh.
Điều đó càng làm cho ông có thêm động lực và ngày đêm miệt mài làm việc. Có ai đó nói rằng “khó khăn là nấc thang cho bậc thiên tài” thật đúng với trường hợp của Matsushita lúc này. Thành quả nghiên cứu thành công đầu tiên của ông là chiếc đui đèn (còn gọi là chân cắm, ổ cắm đèn). Dùng loại đui này thì chỉ một dây đèn có thể nối ra thành mấy ngọn đèn cũng được.
Thời đó, giá tiền điện ở Nhật Bản còn tính khoán và mỗi nhà chỉ được kéo một đường dây đèn thôi. Nếu dùng đui đèn chĩa hai, có thể kéo thêm nhiều ngọn đèn khác, nên phụ kiện này bán khá chạy.
Từ đó, Matsushita đã có thể tiếp tục sản xuất ổ cắm đèn của mình. Chúng trở nên phổ biến khi những người bán buôn nhận ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn và rẻ hơn các sản phẩm tương đương trên thị trường.
Sản phẩm này đã nhận được sự quan tâm của khách hàng, và đã mang lại cho ông tấm bằng sáng chế đầu tiên trong số gần năm vạn tấm bằng sáng chế mà ông có được sau này.
Mở rộng quy mô cửa hàng điện thành công xưởng matsushita
Với năng lực sáng chế không ngừng nghỉ, cùng với sự hưởng ứng của đông đảo khách hàng, cửa hàng điện nhỏ bé ngày nào không ngừng mở rộng quy mô và hình thành nên công xưởng MATSUSHITA với sự tham gia của nhiều công nhân.
Vào năm 1931, công xưởng Matsushita đã được cả nước Nhật Bản biết đến với 200 loại sản phẩm điện các loại như: dụng cụ nối điện, dụng cụ nhiệt điện, máy thu thanh, radio, bóng đèn, pin, và nhiều sản phẩm điện khác. Số lượng công nhân làm việc tại công xưởng đã lên tới 1000 người. Đây quả là sự đền đáp dành cho sự nỗ lực vượt bậc của ông.
Công ty công nghiệp điện khí matsushita ra đời
Trước sự phát triển không ngừng của công xưởng MATSUSHITA, năm 1935, công xưởng Matsushita trở thành Công ty công nghiệp điện khí Matsushiata để kiện toàn bộ máy hoạt động, và chào đón những thách thức mới. Các sản phẩm của Matsushita ban đầu được bán trên thị trường với thương hiệu “National” và sau đó được chuyển sang các tên dễ nhận biết hơn như Panasonic, Quasar và Technics.
Năm 1938, ông chế tạo thành công mô hình máy thu hình.
Năm 1941 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của Công Ty Matsushita với số lượng công nhân lên tới 10.000 người.
Triết lý kinh doanh của Matsushita Konosuke
Để có những bước phát triển vượt bậc như vậy, Matsushita đã xác định rất mạnh mẽ và rất rõ ràng về sứ mệnh chân chính của Công ty Matsushita đó là “sản xuất những vật dụng có chất lượng cao và phổ biến cho người dân Nhật Bản và toàn thế giới.” Chất lượng là yếu tố tạo nên thương hiệu của Matsushita đối với thị trường trong nước Nhật Bản, và chất lượng cũng tạo thành niềm tin của khách nước ngoài khi nói về sản phẩm của Nhật.
“Tốt như hàng Nhật” có lẽ cũng bắt đầu từ sự thành công của Matsushita mà ra. “Tuyệt đối không hạ giá bán” cũng là triết lý kinh doanh của Matsushita, để vừa khẳng định chất lượng của sản phẩm với quá trình sản xuất nghiêm túc, vừa tạo niềm tin cho khách hàng đã mua sản phẩm, và kích thích khách hàng mới nhanh chóng mua hàng. Tinh thần này sau này đã trở thành hình mẫu của phương pháp kinh doanh kiểu Nhật.
Để cổ vũ tinh thần lao động hăng say của tập thể, Matsushita luôn phát động tinh thần thi đua làm việc với phương châm “xây dựng sản nghiệp là yêu nước”. Ông đã đưa tinh thần yêu nước gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của từng người lao động trong công ty mình.
Cho dù có khó khăn đi nữa, Matsushita luôn tạo dựng niềm tin với công nhân của mình với câu nói “tuyệt đối không giảm bớt công nhân và tiền lương của họ”. Điều này đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm của ông chủ Matsushita trước những người lao động đã đồng hành cùng chung con thuyền của mình. Chính sự quan tâm của Matsushita đã tạo nên rất nhiều những người công nhân trung thành, mà ngay cả ông cũng không thể nghĩ rằng họ chính là người ở lại bên ông tới cùng để khích lệ ông vượt qua những khó khăn sau này.
Ông hiểu rằng, một lời nói, một hành động của mình có thể ảnh hưởng đến thu nhập của hàng ngàn gia đình, cho nên vị thuyền trưởng Matsushita luôn tự nhắc nhở mình phải mạnh mẽ trong mọi trường hợp, ông xác định rõ với bản thân mình rằng “bất luận trong trường hợp nào cũng không thể để mất đi niềm tin”. Có lẽ chính tinh thần thép này đã giúp ông vượt qua những cơn bão đang chờ phía trước.
Matsushita Konosuke mất trắng cơ nghiệp vì chiến tranh
Thế chiến thứ 2 bùng nổ là điều không mong đợi của người dân, tuy nhiên chắc hẳn Matsushita cũng không thể nghĩ rằng ông bị thiệt hại nhiều đến vậy. Nhà máy, công xưởng, cơ sở sản xuất kinh doanh, hàng hóa, tiền mặt,…đều bị quân đội trưng dụng. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Matsushita rơi vào cảnh trắng tay.
Đây có lẽ là giai đoạn đen tối mà ông không muốn nhắc đến trong cuộc đời của mình, khi vừa mất trắng tài sản, vừa bị ghép vào tội giúp quân Nhật tham chiến bởi quân Đồng Minh (cụ thể là Mỹ). Ông kiên trì theo đuổi suốt ba năm trong việc giải trình những lời dèm pha trên là vô cớ. Tài liệu giải trình của ông có lúc lên đến 5000 trang, và hơn 1000 lần được gửi đến Bộ Tư Lệnh quân đội.
Thật may mắn vì ông được những anh em công nhân ủng hộ trong những cuộc điều trần này. Trong suốt ba năm đấu tranh với người Mỹ tại toà án, cuối cùng Matsushita giành chiến thắng và được quyền trở lại kinh doanh.
“Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là con người”, câu này đã đúng với trường hợp của Matsushita. Những anh em công nhân không những kiên cường ủng hộ giúp Matsushita chiến thắng trước toàn án Mỹ, giờ đây họ lại cùng ông bắt tay vào công cuộc tái thiết lại công ty từ mảnh đất hoang tàn.
Trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai, Matsushita có nguy cơ bị cắt chức chủ tịch nhưng đã được cứu bởi một bản kiến nghị có lợi do 15.000 nhân viên ký. Năm 1947, Kōnosuke cho anh rể Toshio mượn một nhà máy sản xuất không sử dụng để sản xuất đèn xe đạp, sau này là Sanyo Electric.
Năm 1951, công cuộc khôi phục đế chế Matsushita bắt đầu, Matsushita tiến hành những cuộc khảo sát thị trường tại Mỹ và Châu Âu. Hàng hóa Nhật lúc bấy giờ phải đối mặt với nguy cơ bị tẩy chay do làn sóng thù ghét Nhật lúc ấy vẫn còn mạnh. Thị trường xuất khẩu đã muôn vàn khó khăn, nhưng thị trường trong nước cũng cạnh tranh khốc liệt không kém vì miếng cơm manh áo.
Nếu không thay đổi bên ngoài được thì hãy thay đổi chính mình, Matsushita bèn tìm ra con đường hợp tác với hãng Philips (Hà Lan), đây là một hình thức khôn ngoan để “Co-branding” đồng thương hiệu với đối tác lớn của Hà Lan đồng hành, để mở đường cho việc tấn công vào thị trường nước ngoài trong bối cảnh hàng của Nhật đang đối đầu với nguy cơ bị tẩy chay ở thị trường nước ngoài.
Công cuộc tập trung nghiên cứu – cải tiến và sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất, đẹp nhất, dễ sử dụng nhất cũng được đẩy mạnh lên mức cao nhất. Matsushita cho rằng: “Sản phẩm được chấp nhận và hoan nghênh hay không là do những gì chúng ta cung ứng cho nhu cầu của đời sống, thỏa mãn được yêu cầu của mọi người. Điều sống còn là chúng ta phải coi trọng chất lượng sản phẩm chứ không hoàn toàn chỉ chú ý đến việc tiêu thụ. Chỉ cần sản phẩm có chất lượng tốt, thì dù có giá cao hơn một chút, người ta vẫn sẵn sàng mua”.
Đối với thị trường trong nước, Matsushita nhận ra ảnh hưởng của đại lý đến người mua hàng bởi uy tín của đại lý đó cũng như khoảng cách mua hàng. Matsushita đã triển khai hợp tác với nhiều đại lý để mở rộng và phát triển cửa hàng, thúc đẩy sản phẩm của ông đến gần với người tiêu dùng, ông nói: “Đại lý phải là một hiệu buôn có uy tín, khiến cho khách hàng cảm thấy an toàn khi mua hàng của chúng ta”.
Matsushita đã học được một bài học rất quan trọng về việc phát triển công ty khi ông đang cố gắng giới thiệu đèn xe đạp của mình cho những người bán buôn. Ông nhận ra rằng ngay cả khi ông có một sản phẩm vượt trội hơn bất cứ thứ gì trên thị trường, thì cũng chẳng là gì nếu anh ta không bán được sản phẩm đó.
Do đó, Matsushita bắt đầu nghĩ ra cách tạo ra các kênh bán hàng cho sản phẩm của mình bằng cách tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng lực lượng bán hàng, dẫn đến mạng lưới cửa hàng bán lẻ và cuối cùng đưa công ty của Matsushita lên bản đồ trong ngành sản xuất và bán lẻ điện của Nhật Bản.
Năm 1955 là thời điểm nở rộ của các sản phẩm điện gia dụng. Công ty Matsushita liên tục có nhiều phát minh sáng chế ra các sản phẩm điện gia dụng, đặc biệt với Phong trào Điện Hóa Gia Đình với “ba bửu bối”: TV, máy giặt và máy lạnh đã giúp công ty thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Cũng trong năm này, Matsushita trở thành người giàu nhất Nhật Bản. Mạng lưới kinh doanh cũng được mở rộng ra khắp thế giới từ đó.
Từ năm 1950 đến năm 1973, công ty của Matsushita trở thành một trong những nhà sản xuất đồ điện lớn nhất thế giới, được bán dưới các nhãn hiệu nổi tiếng bao gồm Panasonic và Technics.
Trở thành công ty đa quốc gia có tầm ảnh hưởng thế giới
Sau gần 10 năm vật lộn với những đổ nát do thế chiến thứ 2 để lại, những nỗ lực phi thường của Matsushita và cộng sự đã được ghi nhận khi vào năm 1960 Công ty Matsushita được xếp hạng thứ 74/100 công ty có sức ảnh hưởng nhất thế giới.
Tạp Chí Times của Mỹ đăng tin “Ông chủ Công ty Matsushita, một công ty có tiếng tăm trên thế giới, hàng hóa có chất lượng tốt nhất và sử dụng có hiệu quả cao nhất” cùng với việc đăng hình ảnh của Matsushita lên trang bìa đã làm thế giới kính nể vì là nhà doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên được lên trang bìa vào năm 1962.
Nói về nguyên nhân sự thành công của mình, Matsushita đã phát biểu tại hội nghị Hiệp hội các nhà quản lý thế giới rằng: “Trong công ty của chúng tôi, mọi người đều là chỉ huy”,”Mời người ta lúc khó khăn, rồi lại sa thải người ta lúc thịnh vượng là điều không thể chấp nhận được”.
Matsushita cho rằng “chữ Nhân” là yếu tố quyết định để phát huy sức mạnh nội bộ, tinh thần đoàn kết cao độ, “chữ Nhân” tạo ra cho chúng ta những người anh chị em có thể đồng hành giúp ta vượt qua khó khăn để vươn tới những nấc thang thành công.
Vào năm 1961, khi đã 67 tuổi, Matsushita nhường chức giám đốc điều hành cho con rể, còn ông thì giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Vào năm 1964, khi đã 70 tuổi, cũng giống như Henry Ford, Matsushita không nề hà tham gia với vai trò là giám đốc điều hành để vực dậy công ty khi công ty ông gặp khó khăn.
Matsushita Konosuke vẫn hoạt động trong các hoạt động của Công ty Matsushita cho đến khi ông nghỉ hưu hoàn toàn vào năm 1973.
Trở thành một trong những hãng lớn nhất thế giới
Cuộc đời của doanh nhân Matsushita và đế chế của ông đã truyền cảm hứng sâu sắc cho thế hệ doanh nhân Nhật Bản, ông trở thành nhân vật tượng trưng cho phương pháp kinh doanh kiểu Nhật, không ngừng phát triển, không ngừng cải cách để tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất, làm nâng cao định vị của hàng Nhật trong suy nghĩ của người tiêu dùng.
Nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của Matsushita cho nền kinh tế nước nhà, Chính phủ Nhật Bản đã trao tặng cho Masushita huân chương Mặt trời.
Khi nghỉ hưu, Matsushita tập trung vào việc phát triển và giải thích các triết lý xã hội và thương mại của mình và đã viết 44 cuốn sách đã xuất bản. Một trong những cuốn sách của ông, có tựa đề “Phát triển con đường đến hòa bình và hạnh phúc thông qua thịnh vượng”. Năm 1979, ở tuổi 84, ông thành lập Trường tư thục Kinh Tế Chính Trị Matsushita để đào tạo các chính trị gia và doanh nhân tương lai của Nhật Bản.
Vào năm 1984, lúc ông 90 tuổi, Công ty Matsushita được xếp hạng 19/100 hãng lớn nhất thế giới và được Thiên Hoàng Nhật Bản trao tặng Huân Chương HÚC NHẬT ĐẠI THỤY – huân chương cao quý nhất của đất nước Nhật Bản.
Năm 1987, ông được trao tặng Huân chương Hoa Paulownia Grand Cordon.
Doanh nhân huyền thoại Matsushita qua đời vào năm 1989 (khi ông 95 tuổi), ông đã trở thành ông tổ của phương pháp kinh doanh kiểu Nhật. Ông đã trở thành người hùng của Nhật Bản trong việc đưa nền kinh tế Nhật Bản sang một giai đoạn phát triển ở tầm cao mới, thoát khỏi đống tro tàn do thế chiến để lại.
Bài học rút ra từ cuộc đời kinh doanh của Matsushita Konosuke
- Không ngừng học hỏi
- Làm việc với tất cả đam mê
- Xây dựng uy tín và luôn là người uy tín
- Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là con người
- “Chữ Nhân” sẽ giúp bạn vượt qua những biến cố, hãy là người có lòng yêu mến và quan tâm đến nhân viên.
- Một vị thuyền trưởng luôn phải có tinh thần thép
- Giữ cho trái tim nóng, và cái đầu lạnh
- Nếu gặp khó khăn về vấn đề thương hiệu, xuất xứ thì hãy nghĩ đến phương án “Co-branding” hợp tác với những hãng lớn để đủ sức tấn công vào các thị trường lớn.
- Cuộc đời là chuỗi những biến động và thử thách, hãy luôn sẵn sàng để đương đầu.
- Đừng chỉ tham món lợi nhuận trước mắt, hãy quan tâm tới sự trường tồn của thương hiệu quốc gia, xây dựng để trường tồn.
Xem thêm:
20 câu nói tinh tuý của Quỷ Cốc Tử
10 BÀI HỌC THÀNH CÔNG TỪ STARBUCKS
9 THÓI QUEN ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG CUỘC SỐNG