Lục Tốn dùng mưu lạ kết thúc sự nghiệp của Lưu Bị

Lục Tốn dùng mưu lạ kết thúc sự nghiệp của Lưu Bị

Lục Tốn (183 – 245), biểu tự Bá Ngôn là 1 tướng lĩnh quân sự và chính trị gia của nhà Đông Ngô sống vào cuối đời Hán, đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Khi còn trẻ, ông phụ giúp Đại đô đốc khi ấy của Đông Ngô là Lã Mông, và tham gia trong trận chiến Kinh Châu, trận chiến đã giúp Đông Ngô đánh bại và giết chết được đại tướng Thục Hán là Quan Vũ

Sau khi Quan Vũ và Trương Phi là 2 em kết nghĩa của Lưu Bị lần lượt qua đời, để báo thù cho hai em, Lưu Bị đã huy động lực lượng quân đội lớn nhất trong lịch sử nước Thục Hán để tấn công vào Đông Ngô cùng tham vọng trước lấy Đông Ngô sau lấy Tào Nguỵ. Trước đại thanh thế của quân Thục Hán dưới sự thống lĩnh của Lưu Bị, quân đội Đông Ngô liên tiếp thua trận. 

Được sự tiến cử của tướng Hám Đức Nhuận, Tôn Quyền lập tức làm lễ bái tướng sắc phong Lục Tốn làm Đại Đô Đốc để ngăn chặn thế lực của Thục Hán. Mặc dù được gắn mác là “Đại đô đốc thư sinh” nhưng Lục Tốn đã thể hiện khả năng quân sự thiên tài của mình khi đưa sử dụng một loạt các binh pháp dẫn đến thất bại thảm hại cho nhà Thục Hán. 

Lưu Bị may mắn được hổ tướng Triệu Tử Long giải vây, lại được Bát Trận Đồ bằng đá của quân sư Gia Cát Lượng ngăn chặn quân địch đuổi đánh, mặc dù vậy Lưu Bị cũng qua đời không lâu sau đó tại thành Bạch Đế, kết thúc sự nghiệp chính trị của Lưu Bị tại đây.

Vậy binh pháp mà Lục Tốn sử dụng tại trận Di Lăng là gì, làm thế nào mà Lục Tốn đã đại phá quân Thục hùng cường? Xin mời Quý vị cùng theo dõi.

Rất mong chương trình sẽ mang đến cho Quý vị thật nhiều bài học giá trị.

Kính chúc Quý vị và gia đình những điều tốt đẹp nhất!

1.    Bối cảnh Lưu Bị đem đại quân đánh Đông Ngô

Tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa mô tả: Sau khi Quan Vũ qua đời, nghĩ đến lời thề vườn đào năm xưa, lại thêm sự khẩn thiết cầu xin của Trương Phi, Hán Trung vương Lưu Bị quyết vì báo thù riêng cho Quan Vũ mà khởi hết cả quân trong nước đi đánh Đông Ngô. Mặc dù Gia Cát Lượng và các quan đại thần hết lời khuyên can nhưng Lưu Bị quyết không thay đổi quyết định, bèn sai thừa tướng là Gia Cát Lượng trông nom thái tử ở nhà giữa hai Xuyên; sai phiêu kị tướng quân Mã Siêu và em là Mã Đại hiệp trợ với trấn bắc tướng quân Nguỵ Diên giữ Hán Trung để địch quân Nguỵ; sai hổ tướng quân Triệu Vân làm hậu ứng, và đốc thúc lương thảo; Hoàng Quyền, Trình Kỳ làm tham mưu; Mã Lương, Trần Chấn coi việc văn thư; Hoàng Trung làm tiền bộ tiên phong; Phùng Tập, Trương Nam làm phó tướng; Phó Đống, Trương Dực làm trung quân hiệu úy; Triệu Phong, Trương Thuần làm hợp hậu. Tướng ở Xuyên vài trăm viên, cùng với tướng tốt ở rợ Ngũ Khê, cả thẩy 75 vạn quân, khởi đại quân xuất hành vào mùa thu, tháng 8, năm Chương Vũ thứ nhất (220) ra quân. 

Riêng Trương Phi vì quá nôn nóng ra trận, hay say xỉn, nay lại chèn ép thời gian may áo gấp gáp, đánh đập người dưới nên bị hai tướng dưới trướng là Phạm Cương, Trương Đạt lấy mạng khi đang ngủ say. Con trai của Trương Phi là Trương Bào, cùng con trai của Quan Vũ là Quan Hưng sau đó cùng được Lưu Bị phong làm hộ giá cho tiên phong Ngô Ban.

Đối ngoại:

Tôn Quyền sai Gia Cát Cẩn (anh trai của Gia Cát Lượng) sau này sai thêm đại phu Trình Bỉnh sang thuyết phục Lưu Bị hòa hiếu, khi đó Đông Ngô sẽ trả lại Kinh Châu, đưa phu nhân Tôn Thượng Hương về cho Lưu Bị, trói hàng tướng đem nộp cho Lưu Bị nhưng Lưu Bị coi khinh và từ chối, thậm chí còn định chém sứ giả. 

Tôn Quyền thấy vậy vội vàng cho đại phu Triệu Tư dâng biểu cho Tào Phi hòng nhờ Ngụy đánh úp Hán Trung. Tào Phi xem xong biểu thì sai Hình Trình mang chiếu sắc đi với Triệu Tư đến Đông Ngô phong cho Tôn Quyền làm Ngô vương.

2.    Tình hình Thục – Ngô trước khi Lục Tốn làm Đại Đô Đốc của Đông Ngô

Lưu Bị liên tiếp giành được thắng lợi trước các tướng của Đông Ngô như: 

Trận thứ 1: (5 vạn quân lục thủy Đông Ngô): tả đô đốc Tôn Hoàn thua chạy rút về cố thủ tại thành Di Lăng. Chém đầu các tướng: Lý Di, Tạ Tinh, Đàm Hùng, Thôi Vũ.

Trận thứ 2: (10 vạn quân Đông Ngô): tướng Hàn Đương, phó tướng Chu Thái, tiên phong Phan Chương, hợp hậu Lăng Thống, cứu ứng Cam Ninh bị thua chạy toán loạn.

Riêng hổ tướng Hoàng Trung tử trận vào mùa xuân năm 221 do bị trúng tên của Mã Trung ngay vào giữa vai trong trận này, mặc dù được Quan Hưng, Trương Bào giải cứu và giữ gìn Hoàng Trung đưa về doanh trại nhưng vì tuổi già đã ngoài 70, khí lực đã kém, bị tên đau nặng nên hổ tướng Hoàng Trung mất ngay trong đêm hôm ấy.

Trận thứ 3: (Quân Thục chia quân làm 8 đường thủy bộ kéo sang Ngô): chém Hạ Tuân, Chu Bình, Phan Chương. Bắt sống Hàn Đương, Chu Thái. Cam Ninh tử trận, quân Ngô tan tác.

Các tướng bên Ngô tự nguyện đầu hàng: My Phương (ông ngoại của A Đẩu), Phó Sĩ Nhân chém đầu Mã Trung để xin hàng nhưng bị Lưu Bị hành đại hình để tế Quan Công.

Bấy giờ oai danh của Lưu Bị lừng lẫy xa gần, người Giang Nam ai cũng hết vía, kêu khóc đêm ngày. 

Lưu Bị cho quân cắm trại từ Vu Giáp, Kiến Bình đến thẳng Di Lăng, dài hơn 700 dặm, trước sau cất hơn 40 đồn trại liên tiếp nhau.

3.    Kế sách của Lục Tốn

Lục Tốn
Lục Tốn

Tôn Quyền làm lễ bái tướng:

Sau khi được Hám Trạch tiến cử, Tôn Quyền làm đàn bái tướng, sắc phong cho Lục Tốn làm đại đô đốc, hữu hộ quân trấn tây tướng quân, ban cho bảo kiếm ấn thụ nếu ai không tuân lệnh thì được quyền chém trước tâu sau, coi cả công việc trong 6 quận 81 châu, kiêm lĩnh các đạo quân mã Kinh Sở. Ngày bái tướng, Ngô vương Tôn Quyền dặn rằng: “Tự cửa khổn trở vào thì cô làm chủ, tự cửa khổn trở ra, mặc tướng quân trông nom”. Các bậc quân vương thời xưa hay tự khiêm nhường mà gọi mình là cô, là quả nhân.

Lục Tốn lĩnh mệnh xuống đàn, sai Từ Thịnh, Đinh Phụng làm hộ vệ, ngay hôm ấy cất quân đi.

Kế sách của Lục Tốn nói với Hàn Đương:

“Lưu Bị từ khi cất quân sang đông, được luôn mươi trận, nhuệ khí đang thịnh lắm. Nay ta chỉ nên ngồi cao thủ hiểm, chớ nên đánh, nếu đánh chắc là bất lợi. Hãy nên khuyên bảo tướng sĩ, tìm hiểu cách mà giữ gìn cho vững, để xem bên kia rồi ra thế nào. Bọn họ rong ruổi ở giữa đồng bằng, đang lúc đắc chí; ta giữ vững không ra, họ muốn đánh không được, tất phải dời đồn vào đóng trong rừng rậm, bấy giờ ta sẽ dùng mưu lạ mà phá là được”.

Luận bàn

Binh pháp nói “nóng giận là một trong 5 cái nguy của kẻ làm tướng soái”. Lục Tốn chính là biết cách kiểm sóat sĩ khí của bản thân để tránh cái nguy ấy. Binh pháp nói: “Liệu địch chế thắng, tính sự hiểm ách xa gần, đó là cái đạo của viên thượng tướng”, cho thấy Lục Tốn đã làm đúng cái đạo của Người thống lĩnh ba quân. 

Theo Binh Pháp Tôn Tử còn nói “Người giỏi dùng binh thì tránh cái khi nhọn sắc, đánh cái khí trễ biếng muốn về, ấy là trị khí đó.” Có nghĩa là ta nên tránh cái sĩ khí đang thịnh của quân địch, đợi khi quân địch trễ nải, mệt mỏi thì lấy cái sĩ khí hào hùng của quân ta mà đánh cái khí uể oải của địch. Khi nào quân địch mệt nhọc và có địa thế bất lợi thì ta mới chớp lấy thời cơ mà xuất quân ra đánh, gọi là “dĩ dật đãi lao”.

Lưu Bị sai tiền đội đến khiêu chiến, chửi bới sỉ nhục trăm điều. Tốn sai bịt tai lại không nghe, mà cũng nhất định không cho ra đánh. Lại đi khắp các nơi quan ải, khuyên dụ tướng sĩ, đóng giữ vững vàng. 

Luận bàn: Đây là kế khích tướng của Lưu Bị cũng nằm trong binh pháp, đây là kế mà Gia Cát Lượng thường xuyên sử dụng nhất là trong các trận đánh với Chu Du, nhằm làm đối phương tức tối mà xông quân ra khỏi thành, phá vỡ thế phòng thủ của đối phương. Nhưng Lục Tốn khác với Chu Du như câu nói mà Lục Tốn đã từng nói với các tướng: “Ta tuy là một kẻ học trò, nhưng được đội ơn chúa thượng, giao phó việc lớn, vì ta cũng có một chút dùng được, nghĩa là ta biết nhịn nhục, chịu đựng nặng nề. Các ngươi phải giữ vững các cửa ải và nơi hiểm yếu, không được làm bừa; hễ trái lệnh, ta chém đầu đó”.

Như lời nhận định của Lục Tốn, trời nắng chang chang, cả đoàn quân của Lưu Bị như ở trong lò lửa, đường lấy nước nôi rất bất tiện.

Lưu Bị sai Ngô Ban dẫn hơn vạn quân già yếu, đóng đồn sát trại Ngô, ngày đêm khiêu khích để dụ Ngô ra khỏi thành; Khi đó, Lưu Bị thì dẫn 8000 tinh binh, phục ở trong hang núi. Nếu Đông Ngô đuổi theo, Lưu Bị sẽ dẫn phục binh ra chặn đường về. 

Nói về Hàn Đương, Chu Thái biết tin Lưu Bị dời trại, vội vàng báo lại với Lục Tốn. Tốn mừng lắm, dẫn quân đến xem động tĩnh thế nào, chỉ thấy ở giữa cánh đồng có một ngọn đồn, ước chừng hơn 1 vạn quân canh giữa mà phần nhiều già yếu cả. Có 1 lá cờ hiệu to đề 4 chữ “Tiên phong Ngô Ban”. Hôm sau, Ngô Ban dẫn quân đến trước cửa ải khiêu chiến, diễu võ dương oai, chửi mắng om sòm. Nhiều người cởi cả áo giáp, mình trần trùng trục, có người nằm ngũ, có người ngồi chơi, ý khinh quân Đông Ngô hèn nhát. Tốn cười nói: “các ông chỉ cậy có sức khỏe, chưa biết diệu pháp Tôn, Ngô. Đó là mẹo dụ địch đấy, sau 3 ngày sẽ thấy rõ là giả dối”.

Luận bàn

Hầu như đây là lần hiếm hoi Lưu Bị không dùng đến các quân sư bày mưu, mà tự mình họa sẵn các thế trận. Với kinh nghiệm lão luyện của người cầm quân lâu năm, lại thêm việc tiếp thu các trận pháp học từ Gia Cát Lượng nên Lưu Bị đã có sự tính toán khá tốt trong việc bảo vệ cho quân chủ lực không bị tấn công trong lúc dời trại, với việc bố trí kỳ binh hùng mạnh để yểm trợ cho chính binh dụ giặc.

Tuy nhiên, thật không may cho Lưu Bị vì đối thủ lần này là Lục Tốn lại là một thiên tài quân sự, những thủ thuật này thật khó lòng qua được mắt của Lục Tốn. Binh pháp Tôn Tử nói: việc binh lấy trá mà thành. Lưu Bị muốn dời trại ắt phải có đội quân để cầm chân của Đông Ngô. Muốn cầm chân Đông Ngô chi bằng đóng quân gần thành của giặc, muốn đóng quân mà không cần giao chiến chi bằng càng khích tướng địch, nếu họ nóng giận mà trúng kế mở thành ra đánh thì ta lại sẵn có phục binh để yểm trợ, bắt sống tướng giặc.

Nếu giặc vẫn kiên định không dám ra đánh thì ta cũng chẳng mất gì, mà lại đạt được mục đích chính là cầm chân giặc, bảo vệ việc dời trại diễn ra trong an toàn. Lục Tốn vốn sớm đoán được Lưu Bị ắt có phục binh nên Tốn không cho quân ra tiếp chiến. Ấy là Tốn nhìn ở tầm cao hơn, địch đang nhàn thì cho họ nhọc vì chờ đợi mỏi mòn không được giao chiến, trời từ xuân qua hạ càng khắc nghiệt, lại làm cho quân địch mệt mỏi, bận rộn với việc dời trại. Quân Đông Ngô nhờ vậy ngày càng giữ lợi thế hơn với Thục Hán về sĩ khí và về sức nhàn. Cái lợi nữa đó là quân Thục ngày càng khinh địch và có phần trễ nải.

Lưu Bị sai dời dinh trại vào các nơi cây cối um tùm trong rừng, men theo chỗ có khe suối, đợi qua hạ sang thu, rồi sẽ gộp sức lại mà tiến. Hơn 40 dinh trại dài suốt 700 dặm, quân Thục đã dời cả vào rừng rậm, để tiện nước nôi và thêm mát mẻ.

Lưu Bị đem hết cả thủy quân ở Hào Đình, thuận dòng xuôi xuống, cắm trại ven sông, vào sâu mãi bờ cõi nước Ngô.

Luận bàn

Nhận định về vị thế đóng quân hạ trại của Lưu Bị, sau khi được quân do thám báo cáo tình hình, Ngụy chủ Tào Phi ngẩng mặt lên trời cười và đoán chắc Lưu Bị sẽ thua, rằng: “Lưu Huyền Đức không biết binh pháp; có lẽ đâu cắm trại liên tiếp bảy trăm dặm mà cự được giặc bao giờ? Bao bọc cả các nơi hiểm trở, chỗ cao chỗ thấp mà đóng đồn, đó là một điều tối kị trong phép dùng binh. Lưu Bị tất thua chạy về tay Lục Tốn Đông Ngô! Chỉ trong mươi hôm nữa sẽ có tin tức”. Mặc dù Gia Cát Lượng được Mã Lương vào Xuyên báo cáo hơi muộn, sau khi xem bản địa đồ bèn thốt lên rằng:

“Khổ chưa! Ai xui chủ thượng cắm trại thế này? Nên chém người ấy đi!”. Sau khi Mã Lương nói rằng đều do Lưu Bị cả, không ai xui đâu thì Khổng Minh than rằng: “Khí số nhà Hán hỏng mất rồi”. Hai cao thủ binh pháp là Gia Cát Lượng và Tào Phi cùng có nhận định như nhau thì ắt là việc dựng trại của Lưu Bị đã phạm điều đại kị của binh pháp quá rồi. Sự thua của Lưu Bị là điều không thể cứu vãn nổi.

Lại nói, Lục Tốn thấy quân Thục có ý trễ nải, không giữ gìn cẩn thận như trước, mới hội cả các tướng lại nhưng chỉ chọn gọi một tên tướng nhỏ ở dưới thềm là Thuần Vu Đan và dặn rằng: “Ta cho ngươi 5000 quân, sang lấy ngọn đồi thứ tư ở phía nam bờ sông, do tướng Thục Phó Đồng đóng giữ. Làm sao đêm nay phải thành công. Ta sẽ tự cầm quân lại tiếp ứng.

Lại gọi Từ Thịnh, Đinh Phụng đến dặn rằng: “Hai ngươi, mỗi người dẫn 3000 quân, đóng cách ngoài trại 500 dặm, hễ Thuần Vu Đan bị quân Thục đuổi theo chạy trở về thì đổ ra cứu, nhưng cũng không nên rượt đánh.”

Trời vừa sẩm tối, Thuần Vu Đan dẫn quân đi. Cuối canh ba đến trại Thục, Đan sai quân khua trống hò reo kéo vào. Phó Đồng mở trại ra đánh. Đang sai quân khua trống hò reo kéo vào. Phó Đồng mở trại ra đánh. Đan địch không nổi, quay ngựa chạy. Bỗng đâu nổi tiếng reo ầm ĩ, rồi có một toán quân xông ra chặn đường, tướng đi đầu là Triệu Dong. Đan tháo đường chạy thoát, tổn hại già nửa quân. Khi đang chạy, lại gặp một đội quân Man ở sau núi kéo ra, tướng đi đầu chính là Sa Ma Kha. Đan cố đánh mới thoát chết. Sau lưng lại có ba đạo quân nữa đuổi theo, Đan chạy đến gần thành, may có Từ Thịnh, Đinh Phụng, hai mặt đổ ra đánh cứu được. .

Luận bàn

Theo cách bày kế trên có thể thấy rằng mục đích thực sự của Lục Tốn không hẳn chỉ là xem hư thực của địch, mà còn muốn làm cho quân địch thêm kiêu ngạo mà thêm trễ nải, khinh địch. Quả nhiên hôm sau Lục Tốn cho quân công phá doanh trại của Lưu Bị thì Lưu Bị còn chủ quan nói rằng: “Đêm qua Quân Ngô bị giết sạch cả rồi, nay họ còn đâu dám đến nữa”, rồi khi thấy quân Ngô men sườn núi kéo đến thì Thục chủ còn cho là nghi binh. Ấy là Thục chủ đã rơi vào bẫy tâm lý do Lục Tốn sắp xếp rồi. Mới thấy, Lưu Bị lần trước cho quân chửi bới trước Đông Ngô nhưng lại chẳng thể đoạt lòng của Tốn được, nay lại bị Tốn đoạt lòng mất rồi. Binh pháp nói “Tướng quân có thể đoạt lòng” là như vậy. Trên lơ là thì dưới ắt trễ nải.

Lại nói về Lục Tốn hội cả tướng sĩ lớn nhỏ lại, truyền lệnh rằng:

“Chu Nhiên tiến quân đi mặt thủy, cuối giờ ngọ ngày mai có gió nam nổi to, phải dùng thuyền chất cỏ khô, theo kế mà làm. Hàn Đương dẫn 1 toán quân đánh phía bắc bờ sông; quân sĩ hai đường ấy, phải mỗi người mang một bó cỏ, chứa lưu hoàng, diêm tiêu, các thứ dẫn lữa, cầm gươm dao, kéo thẳng cả đến trại Thục, thuận chiều gió mà đốt lửa. Quân Thục có bốn mươi đồn, chỉ cần đốt hai mươi đồn; cách một đồn đốt một đồn. Quân sĩ mang sẵn lương khô đi ăn, phải ngày đêm cố sức đuổi đánh, không được lui về, kỳ bắt cho được Lưu Bị mới thôi”.

Các tướng nghe lệnh xong, ai nấy sắm sửa cất quân đi.

Khi quân Ngô men sườn núi kéo hết về phía đông, Thục chủ còn cho là nghi binh, yêu cầu quân sĩ chớ có khinh động. Bèn sai Quan Hưng, Trương Bào mỗi người dẫn 500 quân kỵ đi tuần các nơi. Khi Quan Hưng về tâu rằng: “ở Giang Bắc, dinh trại bốc cháy”. Lưu Bị vội sai Quan Hưng qua Giang Bắc, Trương Bào qua Giang Nam, dò xét tình hình hư thực và dặn: “Hễ quân Ngô kéo đến, phải lập tức về báo”.

Hai tướng lĩnh mệnh đi ngay. Đầu canh một, gió đông nam nổi to chỉ thấy đồn tay trái ngự dinh bốc cháy; quân sắp sửa đến cứu thì đồn tay phải lại cháy. Gió mạnh lửa hồng, cây cối đều cháy rụi, tiếng hò reo như sấm. Hai đồn quân mã nhất tề xông vào ngự dinh. Quân sĩ trong dinh giày xéo lên nhau chết vô số. Phía nam, quân Ngô đánh tới, không biết nhiều ít thế nào. Lưu Bị vội vàng lên ngựa chạy đến trại Phùng Tập thì trại này cũng đang bốc cháy đùng đùng. Hai bờ Giang Nam, Giang Bắc sáng rực như ban ngày. Phùng Tập hoảng sợ, nhảy lên ngựa dẫn vài chục quân kỵ chạy, gặp ngay toán quân Từ Thịnh bên Ngô chặn lại đánh giết. Lưu Bị thấy thế quất ngựa chạy về phía Tây.

Từ Thịnh bỏ Phùng Tập, dẫn quân đuổi theo. Lưu Bị đang lo sợ thì trước mặt lại bị một tóan quân Ngô là Đinh Phụng ra chặn đường. Hai toán đánh ập vào. Thục chủ sợ quá, bốn mặt không còn đường nào. Bỗng đâu, tiếng hò reo nổi lên ầm ĩ, một cánh quân đánh vào vòng vây, trông xem là Trương Bào. Bào cứu được Thục chủ rồi dẫn quân ngự lâm chạy miết. Đang chạy lại toán quân Thục do Thục Đồng hợp vào.

Đến núi Mã Yên thì lại gặp đại đội binh mã của Lục Tốn vây chặt bốn phía. Trương Bào, Phó Đồng cố chết giữ vững cửa núi. Khắp đồng lửa cháy, thây chết kín sông. Hôm sau quân Ngô lại phóng lửa đốt núi, may thay có Quan Hưng xông vào đánh thốc lên hộ tống Lưu Bị về thành Bạch Đế. Quan Hưng đi trước, Trương Bào đi giữa, Phó Đồng đi chặn hậu. Đang trong lúc nước sôi lửa bỏng, lại gặp cánh quân Ngô do Chu Thiên từ bờ sông đánh lên, chặn mất đường đi. Quan Hưng, Trương Bào đều bị trọng thương. Mé sau tiếng reo vang dậy là quân của Lục Tốn từ trong hang núi đuổi đến. Thục chủ kinh hoảng vô cùng, may thay có Thường Sơn Triệu Tử Long từ Giang Châu trong Xuyên kéo quân đến. 

Lục Tốn nghe tiếng Triệu Vân, vội vàng ra lệnh rút quân. Chu Thiên xông vào bị Triệu Vân đâm cho trúng thương ngã ngựa. Triệu Vân cứu được Lưu Bị chạy thục mạng về thành Bạch Đế.

Quân Thục đại bại.

Lục Tốn đại thắng dẫn quân đuổi theo về phía Tây, lại bị lạc vào bát trận đồ bằng đá của Gia Cát Lượng bày từ lần Gia Cát Lượng vào Xuyên lần trước. May có cha vợ của Gia Cát Lượng dẫn ra khỏi thạch trận, thoát chết.

Lục Tốn cho rút quân về trại mà than rằng: “Khổng Minh quả thực là Ngọa Long, ta không sao bằng được”. Phần vì phòng quân Ngụy thừa hư đánh úp nên phải rút quân về phòng ngự, không truy đuổi Lưu Bị nữa.

Luận bàn

Binh pháp Tôn Tử nói: “Phàm hỏa công có 5 cách: 1 rằng đốt người, 2 rằng đốt lương, 3 rằng đốt xe, 4 rằng đốt kho, 5 rằng đốt đội”. Thế mà Lưu Bị lại dồn hết 5 yếu tố trên vào 1 lập thành doanh trại kéo dài 700 dặm nên Lục Tốn đánh một trận hỏa công “đại khai sát giới” không phải chừa cách nào trong 5 cách trên nữa.

Trong thiên Thiên Hỏa Công, Tôn Tử nói:

“Làm cuộc đốt tất phải có nhân, đồ để đốt tất phải sắm sẵn. Phát hỏa có lúc, khởi hỏa có ngày. Lúc là lúc trời khô ráo. Ngày là khi mặt trăng đóng vào phận các sao Cơ, Bích, Dực, Chuẩn. Phàm trăng đóng vào chỗ những sao ấy, là ngày có gió nổi. Phàm hỏa công, tất nhân sự biến đổi của 5 cách đốt mà ứng tiếp: Lửa phát ở trong thì sớm ứng ở ngoài; lửa bùng mà binh lặng, đợi mà đừng đánh; hết sức của lửa nên theo thì theo, không nên theo thì thôi; lửa có thể đốt ở ngoài, không đợi ở trong, cần cho phải lúc; Lửa đốt ở đầu gió, đừng đánh ở cuối gió”.

Cho thấy cái tài quân sự của Lục Tốn đã quá rõ ràng, tất cả những điều trên Tốn đều đã dặn dò cho ba quân chuẩn bị trước, cũng đúng với chiến lược ban đầu mà Tốn đã vạch ra khi mới nhận chức Đại đô đốc. Mặc dù vậy Lục Tốn vẫn khiêm nhượng nói rằng: “mẹo này của ta không che mắt được Gia Cát Lượng, nhưng may sao người ấy không có ở đây, thực là trời giúp ta thành công chuyến này.”Quân Thục trước đây hung hãn bao nhiêu thì trận này tan tác bấy nhiêu, nhờ có kế này của Lục Tốn mà cứu được quân dân Giang Nam thoát khỏi họa xâm lược và giảm sự hi sinh.

Nói đến Lưu Bị thì lại cảm thấy thật tiếc cho Thục chủ gần cả đời nhường nhịn mà chiêu mộ được bao nhiêu nhân tài mà xây dựng nên cơ đồ.

Vừa đăng quang lên ngôi Hoàng đế, ghế ngồi chưa ấm chỗ mà Lưu Bị đã vội vàng thân chinh dẫn đại quân đi tấn công vào Giang Nam phá vỡ thế tam quốc mà không dẫn theo vị quân sư tài năng nào để cố vấn chiến lược kịp thời thì thật đáng tiếc bởi người xưa từng nói: “chịu nghe người thì sáng, chỉ cậy một mình thì tối”. Chỉ tiếc Gia Cát Lượng ở quá xa đến khi biết cách lập trại của Thục chủ mà cố vấn thì đã không kịp trở tay, trước đó Gia Cát Lượng đã hết lời can gián Thục chủ không nên tham gia trận chiến này tuy nhiên Thục chủ không nghe, mới biết là không tránh khỏi số trời.

Đến đây lại thấy tài năng dự báo của Gia Cát Lượng khi ông đã biết trước Thục chủ sẽ bại trận mà lập bát trận đồ bằng đá để giải vây cho Thục chủ. Ngày trước có truyền thuyết Hán Cao Tổ Lưu Bang chém mãng xà (tức con của Bạch Đế hóa thành), ngày sau Lưu Bị qua đời tại thành Bạch Đế mới thấy quả nhiên có liên quan đến nhân quả. Như vậy, sau khi Quan Vũ mất, Lưu Bị khởi binh đánh Đông Ngô và mất thêm 2 hổ tướng nữa là Trương Phi và Hoàng Trung. Đây là trận chiến hao tổn nhất của nhà Thục Hán.

Jessica Thảo Nguyễn

Tham khảo: Tam Quốc Diễn Nghĩa

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Tiktok Jessica Thảo Nguyễn

Fanpage Jessica Thảo Nguyễn

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *