Khi nói đến vị võ tướng có đặc điểm: mặt đỏ, râu dài, mặc áo bào xanh, tay cầm Thanh Long Đao, cưỡi trên lưng ngựa Xích Thố là người ta có thể đoán ngay ra đó chính là nói về nhân vật Quan Vũ thời Tam Quốc. Không chỉ được khắc hoạ rất thành công trong danh tác Tam Quốc Diễn Nghĩa, hình tượng nhân vật Quan Vũ đã trở thành biểu tượng và là hình mẫu của các bậc đại anh hùng hào kiệt ngoài đời thực “đầu đội trời chân đạp đất”, trọng nghĩa khinh của, một lòng trung kiên, oai phong lẫm liệt trải qua bao đời nay tại Trung Quốc và các nước Đông Á. Đến thần y Hoa Đà cũng phải thốt lên rằng “Ta cả đời làm nghề thầy thuốc, chưa từng thấy ai gan to như ngài, ngài quả là có khí phách phi phàm của người nhà trời”. Không chỉ có tài thực chiến, ông còn rất giỏi về mưu lược. Vậy tài năng mưu lược của ông được thể hiện qua các trận đánh như thế nào? Có quan điểm cho rằng Quan Vũ chết vì khinh địch, vậy điều này có đúng hay không? Xin cùng đến với phần luận bàn của chúng tôi về Quan Vũ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa dưới đây.
Quan Vũ (sinh vào khoảng những năm 162-220), tự Vân Trường, còn gọi là Quan Công, là một vị tướng nổi tiếng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Ông là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán.
Quan Vũ được cho là người có trí dũng song toàn, đứng đầu trong Ngũ Hổ Tướng.
Nhờ Thanh Thái Tổ là người hâm mộ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, vào thế kỷ 17 Quan Vũ được các hoàng đế nhà Thanh (1636–1912) tôn vinh là Võ thánh (ngang với Văn thánh Khổng Tử). Ông cũng là vị võ tướng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc có 1 điện thờ riêng tại Đế vương miếu (được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, trong đó thờ những vị quan văn, võ tướng tài năng và tận trung nhất qua các triều đại), và phần lớn các võ miếu ở các làng xã Trung Quốc đều có tượng thờ ông với hình mẫu là mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây thanh long yển nguyệt đao và/hoặc cưỡi ngựa xích thố.
Quan Vũ là được đánh giá là vị tướng có tài năng, võ nghệ dũng mãnh, “sức địch vạn người, hổ thần một thời, có phong độ quốc sĩ” “có tài và có nghề”.
Đặc điểm của ông là lòng can đảm, tôn sùng lễ giáo, hào hiệp trượng nghĩa, sự kiên cường và lòng trung thành tuyệt đối, những ưu điểm này được người dân đánh giá rất cao, ngay cả Tào Tháo cũng khâm phục và coi ông là một “nghĩa sĩ thiên hạ”. Ông được người đời sau coi là một biểu tượng của những đức tính “Danh lợi không đổi lòng, Giàu sang không sa ngã, Nghèo hèn không nhụt chí, Oai vũ không khuất phục”.
1. Khả năng thực chiến đỉnh cao, vừa chơi cờ vừa cho thầy thuốc cắt thịt cạo xương của Quan Vũ
Nói về khả năng thực chiến của ông, người ta thường nhớ ngay đến uy danh lừng lẫy của Quan Vũ khi trảm Hoa Hùng, Nhan Lương, Văn Sú, rồi qua ải chém 6 tướng Nguỵ. Các trận đánh nổi tiếng nhất Tam Quốc như Quan Độ, Xích Bích đều có sự góp mặt của Quan Vũ trong vai trò của bên dành chiến thắng.
Tam Quốc Diễn Nghĩa miêu tả Quan Vũ vừa chơi cờ với Mã Lương, vừa cho thần y Hoa Đà cắt da cạo xương để lấy ra phần thuốc độc dính trên xương cánh tay của ông, khiến cho Hoa Đà cảm kích mà thốt lên “Ta cả đời làm nghề thầy thuốc, chưa từng thấy ai gan to như ngài, ngài quả là có khí phách của người nhà trời”.
Dân gian có lời khen cho thánh võ Quan Vũ và thần y Hoa Đà rằng:
Quan tướng người thần duy có một
Hoa Đà thuốc thánh cũng không hai”.
2. Mưu lược của Quan Vũ
Không chỉ oai phong lẫm liệt, giỏi thực chiến. Quan Vũ còn giỏi mưu lược, xứng đáng là bậc đại anh hùng “trí dũng song toàn”.
Kế Khơi Dòng Nước của Quan Vũ
Trong trận Phàn Thành, sau nhiều ngày giao đấu với Bàng Đức (cựu võ tướng của Tây Lương, từng phục vụ dưới trướng của Mã Siêu). Quan Vũ bấy giờ đã khoảng 58 tuổi, Mã Siêu cũng tròm chèm 49 tuổi. Hai vị võ tướng giao đấu nhiều ngày không phân thắng bại, lúc ấy Quan Vũ đã bị trúng tên do Bàng Đức bắn lén. Quan Công trong thời gian hoãn binh, đã nghiên cứu rõ địa hình, trèo lên gò cao để quan sát, thấy Vu Cấm không đóng quân ở chỗ rộng rãi mà lại tụ họp tại một chỗ hẻm ở trong cửa sông Khoái Khẩu. Ông bèn dùng kế Khơi Dòng Nước để cuốn trôi bảy đạo quân của Vu Cấm và Bàng Đức. Tranh thủ mấy trận mưa rào vào thu, nước sông Tương dâng cao, Quan Vũ cho người lấp các cửa sông, chờ khi nước to thì cho quân lên chỗ cao cho thuyền ra tháo nước tràn vào doanh trại của địch. Bắt sống võ tướng Vu Cấm và phó tướng Bàng Đức.
3. Anh dũng chống trọi liên hoàn kế của Ngô – Nguỵ
Có quan điểm cho rằng cái chết của Quan Vũ là do khinh địch tự phụ, vậy điều này có đúng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa?
Từ chối hôn ước của Tôn Quyền:
Tôn Quyền sai Gia Cát Cẩn làm sứ sang Kinh Châu thương lượng với Quan Vũ để mai mối con trai Tôn Quyền với con gái của Quan Vũ nhằm cho hai nhà kết hiếu với nhau, hiệp lực đánh Tào Tháo.
Tuy nhiên vốn là người trực tính, lại nghĩ đến việc Lưu Bị từng bị giam lỏng khốn cùng suýt mất mạng khi sang Đông Ngô lấy em gái của Tôn Quyền, Quan Vũ bèn hiểu ngay mưu kế của Đông Ngô nên ông không ngần ngại từ chối mà nói rằng: “Hổ nữ sao có thể gả cho khuyển tử”.
Xét về vai vế, Tôn Quyền cùng hàng với Lưu Bị, tức là bậc bề trên so với Quan Vũ, cho nên lời từ chối trên của Quan Vũ có phần nặng lời, xúc phạm đến danh dự của Đông Ngô. Tuy nhiên “anh hùng thường nói lời thẳng thắn”, nên khó trách Quan Vũ.
Nhưng nếu nói rằng do Quan Vũ từ hôn Đông Ngô nên mới để mất Kinh Châu thì cũng không phải lẽ. Con gái của Tào Nhân đã từng lấy em trai Tôn Quyền thế mà trận Xích Bích vẫn xảy ra đấy thôi. Con gái Tào Tháo đã làm hoàng hậu của vua Hán Hiến Đế nhưng Tào Tháo, sau này là Tào Phi vẫn không dừng lại bá mộng soán triều. Lưu Bị là bằng chứng rõ ràng nhất về việc liên hôn chính trị với Tôn Thượng Hương (em gái Tôn Quyền) nhưng ý định đoạt Kinh Châu của Tôn Quyền vẫn chưa bao giờ dừng lại. Cho thấy chính trị vẫn là chính trị, hôn nhân chính trị không phải yếu tố quyết định, cho nên Quan Vũ có từ hôn hay không thì cũng khó ngăn được việc Tôn Quyền đánh chiếm Kinh Châu.
Bị Đông Ngô, Tào Nguỵ giăng bẫy liên hoàn kế:
Mưu kế của Lã Mông, Lục Tốn, Tôn Quyền
Mặc dù Quan Vũ cho quân đi đánh chiếm Phàn Thành, nhưng ông vẫn dày công bày trận pháp ven sông khiến cho Lã Mông kinh sợ, chưa dám xuất binh vì trước dưới ven sông, cứ cách hai chục dặm, hoặc ba chục dặm, trên các gò cao, đều có ụ đốt lửa, quân mã Kinh Châu tề chỉnh, có sự chuẩn bị để phòng thủ. Lã Mông trước đó từng đề xuất Tôn Quyền phải đánh Kinh Châu ngay lúc Quan Vũ đi đánh Phàn Thành, nhưng nhìn thế trận này của Quan Vũ lại làm Lã Mông nao núng, giật mình không dám khinh suất. Lã Mông bèn giả bệnh để hoãn binh (tránh bị Tôn Quyền quở trách).
Nếu sự việc khép lại như vậy thì thật dễ cho Quan Vũ quá, nhưng tiếc thay Đông Ngô vốn nhiều nhân tài, sự xuất hiện của Lục Tốn như vị quân sư chắp thêm cánh cho Đông Ngô. Lục Tốn vốn lắm mưu nhiều kế, bèn ủng hộ kế hoạch giả bệnh của Lã Mông, một mặt Lục Tốn đóng vai thư sinh yếu kém giả thay vị trí của Lã Mông tại Lục Khẩu, hết lòng phỉnh nịnh Quan Vũ để che đậy quỷ kế, làm cho Quan Vũ tin rằng Lã Mông bị bệnh và đã về Kiến Nghiệp điều trị, còn hàng phòng ngự mới của Lục Tốn yếu kém không đáng ngại nên Quan Vũ hiển nhiên sẽ tập trung binh lực cho Phàn Thành.
Mặt khác, Tôn Quyền phong Lã Mông làm đại đô đốc, thống lĩnh các đạo quân mã, sai Tôn Hiệu đi sau tiếp ứng lương thảo. Đội quân của Lã Mông chia làm 2 cánh:
Cánh 1: Cho người đưa thư hợp tác với Tào Tháo: báo tin Quân Ngô sắp đánh úp Kinh Châu, xin Tào Tháo tiến binh để đánh Quan Vũ ở hai mặt.
Cánh 2: Tám mươi chiến thuyền tốt với Ba vạn quân phục sẵn trong khoang thuyền. Bảy đại tướng của Đông Ngô tiến binh lần lượt theo sau. Cho những thuỷ thủ lành nghề giả làm lái buôn giả gặp nạn, biếu quà cho quân sĩ canh ở đó để thuyền Ngô đỗ cả ven bờ sông rồi cho quân đột kích lên đánh úp, bắt trói hết toàn bộ lính canh ở các chốt hiểm yếu, làm cho không ai hay biết, lừa quân trong thành mở cửa, đốt lửa làm hiệu, chiếm gọn Kinh Châu.
Quân Đông Ngô khi vào Kinh Châu thì sử dụng kế đắc nhân tâm với quân sĩ của Thục Hán ở Kinh Châu và người dân, đặc biệt là người nhà của các quân sĩ này. Tôn Quyền cũng có mặt ngay để thực hiện kế sách yên dân như:
Tuyệt đối không được cướp của dân,
Không được quấy nhiễu dân
Trọng thưởng cho quân sĩ,
Đối đãi tử tế với người nhà của các tướng sĩ theo Quan Công ra đánh trận: không cho quân Ngô được quấy nhiễu, hàng tháng được cấp lương gạo, ai đau ốm có thầy thuốc đến chữa.
Ca ngợi chính sách trọng nhân của Tôn Quyền,
Cử Trọng Tường (bạn thân của Phó Sĩ Nhân) để thuyết phục Phó Sĩ Nhân ở Công An xin hàng,
Sau khi Phó Sĩ Nhân xin hàng, Tôn Quyền tiếp tục cử Phó Sĩ Nhân thuyết phục My Phương ở Nam Quận xin hàng.
Như vậy Tôn Quyền không những lấy thành công Kinh Châu, vừa có được sự ủng hộ của lòng dân, đặc biệt là sự ủng hộ của quân sĩ Thục Hán cũ ở Kinh Châu, đáng kể nhất là Phó Sĩ Nhân ở Công An và My Phương ỏ Nam Quận làm cho Quan Vũ không còn đường lui binh.
Mưu kế của Tào Tháo, Tào Nhân, Mãn Sủng
Tào Tháo sai Mãn Sủng làm sứ giả để thuyết phục hiệp ước với Đông Ngô rằng: Đông Ngô đánh Kinh Châu, Tào Nguỵ sẽ đánh Hán Xuyên, hai bên đánh dồn lại. Phá xong Lưu Bị, hai bên sẽ phân chia bờ cõi, không ai xâm phạm ai.
Trong lúc Hai cha con Quan Vũ dùng thuỷ triều để công phá Phàn Thành (nơi mà Tào Nhân đang canh giữ), thấy đội binh cuả Quan Vũ lấn át, còn bắt sống Vu Cấm, Bàng Đức khiến cho Tào Nhân sợ hãi liền muốn lui binh. Nếu sự việc theo ý Tào Nhân lúc này thì có lợi cho Quan Vũ quá, và đúng với tính toán ban đầu của Khổng Minh. Tuy nhiên, Ngay lúc ấy Mãn Sủng đã tham mưu cho Tào Nhân tiếp tục kiên định giữ thành vì lũ lụt sẽ không kéo dài lâu. Mặt khác, cho 500 cung thủ đứng trên thành nhất tề bắn ra một loạt mũi tên độc, chẳng may bắn vào cánh tay phải của Quan Công.
Khi Tào Tháo nhận được thư tín của Đông Ngô báo rằng Đông Ngô sắp đánh Kinh Châu, xin Tào Tháo tiến binh đánh Quan Vũ để cùng nhau 2 mặt tấn công và đề nghị Tào Tháo giữ bí mật tin này. Nhưng Tào Tháo cũng quỷ kế không kém Đông Ngô, sai người tung tin rằng Đông Ngô đã chiếm được Kinh Châu, làm cho Quan Vũ lo lắng phải rút khỏi Phàn Thành. Cho thấy, tuy Ngô – Nguỵ hợp binh đánh Kinh Châu nhưng mỗi bên đều lo riêng cho quyền lợi của mình trước. Một mặt Tào Tháo sai Từ Hoảng ra nghênh chiến với cha con Quan Vũ, mặt khác Tào Tháo tự mình dẫn đại quân đi tắt đường Lạc Dương đến gò Dương Lục để cứu Tào Nhân ở Phàn Thành.
Quan Vũ và con nuôi là Quan Bình nghênh chiến với Từ Hoảng thì lại gặp đội quân của Tào Nhân tràn ra. Hai cha con Quan Vũ sang sông Tương Giang, chạy về Tương Dương (Kinh Châu) thì hay tin Kinh Châu đã bị mất nên không thể về Kinh Châu, lại hay Phó Sĩ Nhân ở Công An cũng đã đầu hàng Đông Ngô, rồi lại hay tin My Phương ở Nam Quận cũng đã hàng Tôn Quyền. Quan Vũ nghe đến đây thì khí tức trào dâng, vết thương vỡ ra, ngã lăn xuống đất. Bèn sai Mã Lương, Y Tịch về Thành Đô cầu cứu.
Quan Vũ dẫn quân về Kinh Châu trước, Quan Bình, Liêu Hoá đi chặn hậu, dọc đường có nhiều quân sĩ bỏ trốn (do hay tin người thân của họ đang nằm trong tay của Lã Mông và còn được đối đãi tử tế). Trên đường đi Quan Vũ gặp các toán quân chặn đường của Tưởng Khâm, lại gặp đội quân của Hàn Đương ở mé trái của hang núi tấn công, lại gặp đội quân của Chu Thái ở mé phải kéo đến. Đội quân của Quan Vũ, Quan Bình, Liêu Hoá chạy đến Mạch Thành để cầu cứu thì Mạnh Đạt, Lưu Phong tạo phản, không cho quân đến cứu viện. Mong chờ mỏi mòn nhưng không quân cứu viện, Tình cảnh của Quan Vũ lúc này đúng như câu nói:
“Rồng lạc co ngòi, tôm cũng bỡn,
Phượng vào lồng lưới, sẻ coi thường”.
Có thể khẳng định rằng, trận chiến trên bất cân xứng về lực lượng và trí tuệ. Binh lực và trí tuệ siêu đẳng nhất của Ngô và Nguỵ đều tập trung toàn lực vào trận này, trong khi Thục Hán chỉ có một mình Quan Vũ và các tướng sĩ dưới trướng, sao có thể chống trọi được với Liên hoàn kế của Tôn Quyền, Tào Tháo, Lục Tốn, Lã Mông, Tào Nhân, Mãn Sủng. Quân Thục Hán lúc bấy giờ còn đang loay hoay củng cố lực lượng để quản lý vùng đất Hán Trung, Tây Xuyên chưa thể viện binh về kịp để giải vây cho Quan Vũ, nên trận này khó trách Võ Thánh cũng phải lâm nạn.
4. Tấm lòng trung kiên của Quan Vũ
Trước tình thế Quan Vũ bị bao vây khắp nơi, Tôn Quyền sai Gia Cát Cẩn đến khuyên Quan Vũ đầu hàng nhưng Quan Vũ “thà làm ngọc nát còn hơn làm ngói lành”. Như câu nói của ông, rằng “Ngọc tuy đập vụn được nhưng không sao đổi được sắc trắng; thân người tuy chết nhưng còn danh tiếng truyền mãi trong sử sách đời sau.”
Luận bàn về việc này, có ý kiến cho rằng: lúc này Quan Vũ chạy vào Mạch Thành cũng chẳng khác nào lúc lâm nguy tại Thổ Sơn, tại sao khi trước Quan Vũ lại nghe lời khuyên hàng của Trương Liêu, mà lần này lại khước từ lời của Gia Cát Cẩn?
Theo nhà bình luận Mao Tôn Cương thì hai trường hợp quả nhiên không giống nhau. Trước kia ở Thổ Sơn, Quan Vũ đầu hàng Hán chứ không phải hàng Tào, Quan Vũ chỉ biết có Hán chứ không biết có Tào. Nếu Tào Tháo không mượn danh phò Hán thì chẳng khi nào Quan Vũ chịu hạ khí giới. Bên cạnh đó, Quan Vũ trong tình thế phải bảo vệ 2 chị dâu, chờ tin của Lưu Bị nên hoà hoãn chính là để bảo vệ gia đình của Lưu Bị.
Tấm lòng trung kiên của Quan Vũ một lần nữa được khẳng định khi ông bị đội quân của Lã Mông tập kích bắt giữ giao cho Tôn Quyền. Tôn Quyền hai lần thuyết phục Quan Vũ không thành, mặc dù Tôn Quyền rất yêu mến tài năng cũng như tinh thần trung kiên của Quan Vũ và một lòng muốn Quan Vũ theo hàng nhưng Quan Vũ lòng vững như sắt đá nên Tôn Quyền đành phải nghe theo lời khuyên của các tướng Đông Ngô. Năm ấy là năm Kiến An thứ hai mươi tư (tức năm 220 dương lịch), tháng mười, mùa đông, hai cha con Quan Vũ bị hành hình, lúc ấy Quan Vũ 58 tuổi.
Anh hùng còn nhớ Giải Lương xưa,
Lẫm liệt Quan Công tiếng đến giờ.
Huynh đệ một ngày tình nghĩa nặng,
Đế vương muôn kiếp khói hương mờ,
Khí nghĩa ầm ầm, nổi gió mưa.
Đình miếu đến nay đâu chả có, Trải bao ngày tháng vẫn trơ trơ!
Tham khảo:
Tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung
Wikipedia
Mọi ý kiến đóng góp xin được để lại dưới commment hoặc gửi qua email: jessica.thaont@gmail.com. Xin cám ơn!
Xem thêm video tại đây:
Xem thêm:
9 thuật sử dụng địa hình đỉnh cao trong Binh Pháp Tôn Tử
Lý Thường Kiệt và 6 trận đánh đỉnh cao binh pháp
20 câu nói tinh tuý của Quỷ Cốc Tử
Cảm ngộ 3 câu nói thâm thuý của người Do Thái
Binh Pháp Ngô Quyền – Đại thắng trên sông Bạch Đằng
Tôn Vũ (cha đẻ của Binh Pháp Tôn Tử) và 5 trận chiến lưu danh thiên cổ
Cảm ngộ 12 bài học về “Đạo” của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh