Lưu Bang (còn được gọi là Lưu Quý, Hán Vương, Bái Công, Hán Cao Tổ) được biết đến trong lịch sử Trung Hoa với vai trò là vị hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông ở ngôi Hoàng đế được 8 năm (từ năm 202 TCN đến 195 TCN), nếu tính cả thời gian đầu (từ năm 206 TCN lúc ông mới xưng Vương) thì thời gian ở ngôi tổng cộng là 12 năm.
Lưu Bang có xuất thân từ gia đình nông dân, lại có những tính cách thuộc “tứ đổ tường” như: ham mê rượu chè, cờ bạc, háo sắc thế nhưng Lưu Bang lại có những bước chuyển mình đột phá khi tham gia vào cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Tần, giao tranh nhiều năm với kẻ mạnh nhất lúc bấy giờ là Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ và cuối cùng đã giành chiến thắng ngoạn mục khi thống nhất được Trung Quốc và lập ra triều đại nhà Hán.
Theo tiểu thuyết Hán Sở Diễn Nghĩa mô tả, Lưu Bang đã có buổi đàm đạo – luận lí do bình thiên hạ thành công của ông. Vậy lí do giúp ông thành công là gì? Ý Nghĩa Sống xin mời Quý vị cùng chúng tôi luận bàn nhé.
Bạn đọc có thể xem thêm một số nhân vật nổi tiếng thời xưa dưới đây:
6 lần thần cơ diệu toán tiêu biểu của Gia Cát Lượng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
Tôn Vũ (cha đẻ của Binh Pháp Tôn Tử) và 5 trận chiến lưu danh thiên cổ
Luận bàn về Quan Vũ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
9 thuật sử dụng địa hình đỉnh cao trong Binh Pháp Tôn Tử
Bạn cũng có thể xem video về bài viết này dưới đây:
Trong tiểu thuyết Hán Sở Diễn Nghĩa, tác giả Chân Vĩ, theo bản dịch cuả Châu Hải Đường mô tả: “mùa hạ, tháng 5, Hán đế bày rượu ở Nam Cung tại Lạc Dương, yến thưởng quần thần. Rượu được mấy tuần, đế nói: “Liệt hầu chư tướng, chớ có giấu giếm, ai nấy hãy nói hết ý mình, bởi đâu mà ta lại có được thiên hạ? Bởi đâu mà họ Hạng lại mất thiên hạ?”
Cao Khởi, Vương Lăng đáp rằng: “Bệ hạ ngạo mà khinh người, Hạng Vũ nhân mà yêu người, song bệ hạ sai người đánh thành cướp đất, ai quy hàng lại đều trao cho cả, cùng chung lợi với thiên hạ. Hạng Vũ thì ghét hiền tài, người có công thì hại, người hiền thì nghi, chiến thắng mà không trao công cho người, được đất mà không trao lợi cho người, vì thế mà mất thiên hạ vậy”.
Đế nói: “Các ông mới biết một mà chưa biết hai. Phàm, tính liệu trong nơi màn trướng, quyết thắng ở ngoài ngàn dặm thì ta không bằng Tử Phòng; coi trấn quốc gia, ngoài vỗ yên trăm họ, cung ứng ăn uống, không tuyệt lương thảo, thì ta không bằng Tiêu Hà; liên kết trăm vạn quân, đánh là tất thắng, công là tất hạ, thì ta không bằng Hàn Tín. Ba người ấy đều là những bậc nhân kiệt vậy. Ta có thể dùng họ, vì thế cho nên có được thiên hạ vậy. Hạng Vũ có một Phạm Tăng mà chẳng thể dùng, vì thế mà bị ta bắt vậy.”
Nghe đế nói xong, quần thần đều lạy phục nói: “thực đúng như lời bệ hạ nói”. Bèn ai nấy lại uống rượu, quần thần một nhà hào hứng, vô cùng vui vẻ”.
Luận bàn về lí do Lưu Bang thành công
Có thể thấy, Cao Khởi, Vương Lăng cô đọng sự thành công của Lưu Bang trong 2 lí do:
“Ai quy hàng lại đều trao cho cả, cùng chung lợi với thiên hạ”
Có thể thấy trong các trận đánh của Lưu Bang trong cuộc chạy đua với Hạng Vũ để chiếm được vùng đất Quan Trung, do quân ít, và nhờ có các bậc hiền tài dưới trướng hiến có kế hay nên Lưu Bang dần dần thu phục được các thành mà rất ít phải đổ máu. Như vậy đôi bên cùng có lợi mà không phải hao binh tổn sĩ.
“Hạng Vũ thì ghét hiền tài, người có công thì hại, người hiền thì nghi, chiến thắng mà không trao công cho người, được đất mà không trao lợi cho người, vì thế mà mất thiên hạ vậy”
Vì sao Vương Lăng lại nói như vậy, công cuộc giữ hiền tài của Hạng Vũ có vẻ không được hữu hảo cho lắm chăng. Có thể thấy được các nhân tài trước đây đều trong hàng ngũ của Hạng Vũ, sau đó lại chuyển về phe của Lưu Bang như: Hàn Tín, Trần Bình, riêng Anh Bố trúng gian kế của Tuỳ Hà mà theo Lưu Bang.
Đến người tâm phúc của Hạng Vũ là Phạm Tăng, mặc dù từng được Hạng Vũ phong làm Á Phụ để đắc nhân tâm và bày tỏ lòng thành kính, thế nhưng Hạng Vũ lại trúng gian kế của Trương Lương sinh ra nghi ngờ Phạm Tăng hai lòng nên để ông về quê, sau đó Phạm Tăng bị bệnh qua đời không lâu sau đó.
Về phần Hàn Tín chẳng phải không có tài năng khi còn dưới trướng của Hạng Vũ. Phạm Tăng, Trương Lương, Hạng Bá đều thấy được tài năng siêu việt của Hàn Tín qua bài tấu văn của Hàn Tín. Riêng Trương Lương phải đọc lại một lượt nữa và kinh ngạc thốt lên: “Người này chính là Tử Nha ở Bàn Khê, Y Doãn ở Sằn Dã, thực là có tài đại tướng, là bậc kỳ sỹ trong thiên hạ vậy”. Nguyên văn bản tấu ấy như sau:
“Thần nghe, đạo cai trị thiên hạ, quý ở chỗ xét được thế thiên hạ, biết rõ cơ thiên hạ. Thế là, rõ mạnh yếu, xét hư thực, biết lợi hại, tường được mất, rồi sau đó mới có thể trị lý được thiên hạ vậy. Nếu không thì tuy mạnh thắng một lúc, chẳng qua cũng là cậy vào dũng lực, rốt tất thua bại, chẳng đủ để đọ thế cùng vậy.
Cơ là, biện hưng vong, định trị loạn, thấy huyền vi, rõ ẩn hiện, rồi sau đó mới có thể mưu tính được thiên hạ vậy. Nếu không thì láo nháo sơ hốt, cẩu thả được nước, rốt khó mà yên ổn dài lâu, chẳng đủ để nắm cơ ấy vậy.
Nay bệ hạ tuy làm bá ở Quan Trung, nhưng lòng người chưa phục, căn cơ chưa lập, dân chúng chỉ là sợ sức mạnh thôi, ngại uy vũ thôi, cảm ngoài mặt thôi. Nhưng sức mạnh có thể yếu đi, uy vũ có thể đè xuống, ngoài mặt chẳng phải trong lòng, ba điều ấy lại là chỗ dưa cậy của bệ hạ, nếu như đến một khi mấy thứ đó đuối đi không phấn chấn lên nổi nữa, thì thiên hạ chẳng thể giữ nổi trong một buổi vậy!
Muốn thịnh trị dài lâu, há có thể được sao? Đó chính là điều thần đau đáu trong lòng, mà lo sợ cho bệ hạ vậy. Vả, Lưu Bang khi trước còn ở Sơn Đông, tham tài háo sức như vậy, nhưng nay vào Quan Trung, sửa sang chính sự thi hành nhân nghĩa, của cải không lấy bừa, đàn bà không đả động, giản ước pháp luật còn ba điều, thu phục nhân tâm, khiến dân chúng đều vui phục, vẫn oán hận không được làm chủ Quan Trung vậy.
Còn bệ hạ sau khi vào Quan Trung, chưa từng nghe nói có chính sự tốt gì, mà chỉ thấy giết chóc, nghe theo những lời gian tà, tiếp nối tệ cũ của Vong Tần, giết Tử Anh, quật Ly Sơn, thiêu A Phòng, khiến dân chúng thất vọng, ấy là chẳng biết rằng thế có thể lập, cơ có thể xét, mà nhầm ác mối tệ đã ẩn sẵn khắp thiên hạ chỉ là còn chưa dậy vậy.
Một khi Lưu Bang xướng lên, chư hầu ứng theo, chằng mong mạnh mà tự mạnh, chẳng mong thắng mà lại thắng, những điều bệ hạ vẫn chưa dựa cậy, Lưu Bang lại thành người có được. Ví như gần đây, Bang thiêu rụi sạn đạo, khiến bệ hạ không nghi ngờ rằng Bang sẽ quay về miền đông, khiến Tam Tần không hề phòng bị gì, rồi sau đó mới thu dụng dân Ba, Thục, lại ra chiếm lấy Quan Trung, đó chính là xét thế thiên hạ, biết cơ thiên hạ, Lưu Bang đã sớm thấy những điều giống như trong lòng thần nghĩ, mà bệ hạ vẫn mơ hồ không hay biết gì vậy.
Tả hữu tướng sỹ, chỉ biết dụng võ, mà chiều theo ý trên. Bệ hạ lại chỉ thấy mình đang thắng, cho là thiên hạ vô địch, mà không biết cái cơ bại vong, đã manh nha trong sự khôn lường. Đây chính là thần không ngại bị mọi người mỉa mai, mà dám nói ra cho bệ hạ hay vậy. Kế sách bây giờ, chẳng gì bằng nghiêm quân phòng bị, tuần tiễu biên quan, gọi ba người bọn Chương Hàm về triều dùng vào việc khác, mà chọn lấy kẻ trí dũng, chặn giữ quan ải, lại bắt gia quyến Lưu Bang, câu lưu ngay trong triều. Ban bố nhân nghĩa, chỉnh đốn binh mã, huấn luyện đội ngũ, trong tìm hiền tướng, ngoài chọn nguyên nhung, chế phục chư hầu, thi hành chính sự như nhà Chu, như vậy thì Lưu Bang sẽ không dám quay về phía đông nữa, mà xã tắc sẽ vững chãi như bàn thạch vậy. Thần thực kinh thực sợ, dập đầu khấu thủ, kính tâu”.
Phạm Tăng đã hết lời tiến cử Hàn Tín cho Hạng Vũ, tiếc rằng Hạng Vũ bỏ ngoài tai. Bài tấu chương hay và chân thật và giá trị như thế nhưng đã bị Bá Vương xé nát ra Khi Phạm Tăng dâng bản tấu này cho Hạng Vũ, lại còn định hỏi tội, may được Hạng Bá khuyên can mới khỏi tội tử. Phạm Tăng phải dặn dò nước cuối với Hạng Vũ rằng “nếu dùng kẻ ấy thì nên trọng dụng; còn nếu không dùng kẻ ấy thì nên khử đi để trừ hậu hoạ” nhưng rất tiếc Trương Lương đã thuyết Hàn Tín đầu quân cho nhà Hán và Hàn Tín đã về Hán thành công.
Trái ngược với Tây Sở, thì ở đất Bao Trung, Hán vương Lưu Bang thực hiện chiến lược chiêu mộ hiền tài trên khắp các nha môn. Cụ thể, tại Nha môn của Hán vương tại đất Bao Trung thì có bảng “Chiêu Hiền Quán”. Cụ thể nội dung chiêu hiền như sau: “Hai bên đều có bảng văn, viết rõ 13 công việc, hiểu dụ cho quân nhân đều được biết:
Một là ai hiểu biết binh pháp, thông tỏ thao lược, có thể làm nguyên nhung; hai là, ai kiêu dũng hơn người, chém tướng nhổ cờ, có thể làm tiên phong; ba là ai võ nghệ xuất chúng, có tài cưỡi ngựa đánh xe, có thể làm tán kỵ; bốn là, ai am hiểu thiên văn, giỏi xem thời tiết, có thể làm tán hoạ (phụ giúp bày mưu tính kế); năm là, ai biết rõ địa lý, tinh thông nơi hiểm dễ, có thể làm hướng đạo; sáu là, ai tâm thuật công bằng, là người chính trực, có thể nắm việc ghi chép; bảy là ai cơ biến tinh minh, giỏi lo liệu công việc, có thể cùng bàn việc quân; tám là, ai nói năng hoạt bát, đủ thuyết phục được người khác, có thể làm thuyết khách; chín là, ai tinh thông toán pháp, không sai sót mảy may, có thể nắm thư ký; mười là, ai đọc nhiều thi thư, đủ để hỏi han, có thể làm bác sỹ; mười một là, ai hiểu biết y học, thần linh công hiệu, có thể làm quốc thủ (tức là người có tài năng đứng hàng đầu trong nước về lĩnh vực kỹ nghệ nào đó); mười hai là, ai giỏi cưỡi ngựa, thám thính cơ mật, có thể làm gián điệp; mười ba là, những người nắm giữ tiền lương, xuất nhập rành mạch, đủ để có thể coi giữ quân lương.
Phàm người nào có thể thông hiểu một việc trong 13 việc trên, lập tức vào Chiêu Hiền Quán báo danh, đợi để được kiểm tra, nếu quả thực xứng như vậy, sẽ được tấu thỉnh trọng dụng. Tiến cử người hiến bất luận ở đâu, chẳng nệ quý tiện, chỉ cần tận tâm với việc vua, một lòng ra sức báo đáp, gắng lập công trạng, sẽ được đề bạt vượt bậc, phong hầu bái tướng, thảy ở một phen này, nay kính cáo thị cho biết.” Lại giao Đằng Công Hạ Hầu Anh nắm giữ việc chiêu hiền, là người rất chuộng hiền đãi sỹ, không câu nệ tiểu tiết.
Thế mới thấy thấm thía câu nói của người xưa: “chim khôn lựa cây mà đậu, kẻ tôi hiền chọn chúa mà phò”. Sự khác biệt giữa hai văn hoá ứng xử cũng như văn hoá chiêu mộ hiền tài của Sở và Hán chẳng trách vì sao Hán vương Lưu Bang có thể chiêu mộ được nhiều nhân tài đến vậy.
Còn đối với Lưu Bang. Lí do thành công của ông được thể hiện rất rõ 2 ý
Ý thứ nhất: ca ngợi tài năng của 3 người: Tử Phòng, Tiêu Hà, Hàn Tín.
“Phàm, tính liệu trong nơi màn trướng, quyết thắng ở ngoài ngàn dặm thì ta không bằng Tử Phòng; coi trấn quốc gia, ngoài vỗ yên trăm họ, cung ứng ăn uống, không tuyệt lương thảo, thì ta không bằng Tiêu Hà; liên kết trăm vạn quân, đánh là tất thắng, công là tất hạ, thì ta không bằng Hàn Tín. Ba người ấy đều là những bậc nhân kiệt vậy”.
Ý thứ 2: khéo léo ca ngợi tài lãnh đạo của Lưu Bang khi có thể thu phục và sử dụng tài năng của 3 bậc nhân kiệt trên cho nhà Hán.
“Ta có thể dùng họ, vì thế cho nên có được thiên hạ vậy. Hạng Vũ có một Phạm Tăng mà chẳng thể dùng, vì thế mà bị ta bắt vậy.”
Một câu “ta có thể dùng họ” mà biết bao nhiêu là tinh tuý trong đó.
Chúng ta cùng lược lại những lần tiêu biểu mà Lưu Bang sử dụng chiến lược của 3 nhân kiệt trên và gặt hái kết quả đáng kinh ngạc như thế nào nhé:
1. Những lần sử dụng kế sách tiêu biểu của Tử Phòng (Trương Lương)
Khi Lưu Bang cùng đoàn tuỳ tùng đi về Bao Trung nhận đất phong vương, thì Tử Phòng tâu lên rằng “Thần từ biệt bệ hạ quay về miền đông, tuy là thăm chủ cũ, nhưng thực là đi làm ba việc đại sự cho bệ hạ. Một là thuyết phục Bá vương dời đô về Bành Thành; hai là, thuyết phục chư hầu phản Sở theo Hán, và khiến Bá vương không có ý tây chinh nữa; ba là, tìm một vị đại nguyên soái giúp bệ hạ hưng Lưu diệt Sở”. Ba việc trên đều là ba việc lớn mang lại lợi ích cho Hán vương nên Lưu Bang không thể không đồng ý”.
Quả nhiên sau đó Tử Phòng đã làm theo chiến lược lớn trên, đã làm cho Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ dời đô về Bành Thành. Đồng thời thuyết các chư hầu phản Sở theo Hán, tiêu biểu Trương Lương khuyên Hán vương đi dụ các tướng Anh Bố và Bành Việt ở nước Lương. Đồng thời ứng cử Hàn Tín thống lĩnh ngôi vị đại nguyên soái cho Hán vương. Cả 3 sự kiện tiêu biểu này đã tạo thành bước ngoặt quan trọng và mang tính quyết định để nâng tầm sức mạnh của nhà Hán trước các đối thủ.
Khi Lưu Bang dành chiến thắng, các quan thần – tướng lĩnh dưới trướng Lưu Bang còn đang rối bời về việc phong thưởng thì Trương Lương hiến kế ban thưởng và phong hầu cho Ung Xỉ nhằm mục đích vừa để xoá bỏ hiềm khích cũ, vừa chứng tỏ sự vị tha – quảng đại của Lưu Bang khi có lòng nhân quan tâm đến cả những người đã từng làm phản.
Huyền thoại về tài trí của Trương Lương đó là trong trận quyết chiến ở Cai Hạ. Hạng vương tuy bị Hàn Tín, Anh Bố làm cho khốn đốn nhưng với uy dũng của Hạng vương và 8000 quân Sở còn lại, quân Hán cũng khó bề thắng thế, Hàn Tín hỏi ông kế mau diệt quân Sở.
Vốn biết người Sở yêu quê hương, thích ca hát, nên vào 1 đêm tối, ông trực tiếp thổi tiêu, lại cho quân Hán hát vang bài bi ca của nước Sở với thanh hoà buồn thảm, như oán thán, thấu tận dạ sầu, cảm động ly tình, khiến lệ nhỏ ngàn hàng, trăm kế chẳng xua đi nổi. Quân Sở vốn theo Hạng Vương chinh chiến nhiều năm chưa được về, mệt mỏi vì chiến tranh, nay lại bị vây khốn ở đây, lương thực cạn kiệt, thêm tác động tâm lý, nên nhanh chóng bị tan rã. Hạng vương chỉ còn 800 quân kỵ trung thành, sáng hôm sau bị quân Hán truy sát đến Ô Giang, phải tự vẫn.
Trương Lương đồng thời cũng là bậc trung thần, chính trực khi dám can gián Lưu Bang như sau: “Phàm, trong thì mê đắm về nữ sắc, ngoài thì mê đắm về săn bắn, tiệc rượu ca múa, tường trạm gác cao, chỉ cần một trong những điều ấy thì chưa dám chắc sẽ chẳng nguy vong vậy. Vì nhà Tần, thiên hạ chưa định, mà chúa công đã muốn ở đây để làm vui, đến khi chư hầu vào Hàm Dương tất sẽ chẳng dung tha, lại vì thế mà tương tranh vậy. Vả, lời trung thì trái tai nhưng lợi cho hạnh, thuốc tốt thì đắng miệng nhưng chữa khỏi bệnh, xin chúa công nghe theo lời Phàn Khoái, chớ lưu luyến chỗ này”.
2. Những lần sử dụng kế sách tiêu biểu của Tiêu Hà
Đầu tiên phải kể đến sự tham mưu của Tiêu Hà khi Lưu Bang xuất số lượng quân ít ỏi tiến vào Quan Trung, phải đi qua rất nhiều thành trì. Nếu dùng kế tấn công trực diện thì ắt hao binh, tổn tướng và tàn phá nguồn lực ít ỏi hiện tại của quân đội bên phía Lưu Bang. Tiêu Hà đã tham mưu cho Lưu Bang kế sách ngoại giao – thuyết phục đối phương quy hàng, đồng thời thể hiện sự cao thượng – nhân từ của Lưu Bang với tướng sĩ nhà Tần.
Kế sách mang tính quyết định của Tiêu Hà đã giúp Lưu Bang ban bố ân đức, khoan dung trăm họ, thể hiện tấm lòng nhân hậu, của bậc đế vương khi mới vào Quan Trung như sau: bãi bỏ các sắc lệnh nghiêm ngặt của nhà Tần, đồng thời giản lược luật lệ chỉ còn trong 3 điều: “kẻ nào sát nhân phải tội tử; làm bị thương người cùng trộm cắp phải trị tội; còn những tội khác thì lượng tình nặng nhẹ mà xử trí”.
Tiêu Hà đã hiến Kế sách phát triển kinh tế tại Bao Trung: kích thích nông nghiệp phát triển, thu hút nhân tài.
Tiêu Hà là người chịu trách nhiệm chuẩn bị và dự trữ lương thực cho nhà Hán trong suốt thời gian ban sơ đến khi chinh phục được các nước chư hầu, giành chiến thắng quyết định trước Hạng Vũ.
3. Những lần sử dụng kế sách tiêu biểu của Hàn Tín
Các kế sách của Hàn Tín phần nhiều thể hiện qua việc đào tạo tướng lĩnh, binh sĩ, và thiên tài binh pháp thể hiện qua các trận đánh bình định Tam Tần, chặn đứng quân Sở ở Huỳnh Dương cứu Lưu Bang, diệt nước Nguỵ, lấy nước Triệu, thuận tay thu nước Yên, chinh phạt nước Tề, tiêu diệt Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ.
Ngoài ra, Lưu Bang còn thể hiện khả năng đắc nhân tâm lợi hại của mình khi quyết tâm mượn Trương Lương từ Hàn vương về. Khi mượn được Trương Lương về đội quân của Bái công (chức danh đầu tiên của Lưu Bang thuở mới khởi nghĩa), dọc đường tiến quân, Lưu Bang luôn ăn cùng bàn, ngủ cùng giường với Trương Lương.
Tiểu thuyết Hán Sở Diễn Nghĩa còn mô tả: Trương Lương giảng thuyết lục thao tam lược, trình bày tường tận, hỏi đâu đáp đó, Bái công hiểu thấu chẳng chữ nào không thông suốt, hệt như đã từng nghiên cứu qua rồi. Tử Phòng phải khen Lưu Bang rằng: “Ta từ khi được Hoàng Thạch công dạy bảo, không có người giảng luận, mờ mịt không rõ. Kịp nay nói với Bái Công, chẳng một chữ nào vướng ngại, tuy ta mất mấy năm học thuộc, cũng không thể hiểu rõ được như thế, thật là thông minh trời phú, chẳng mượn sức người, thực là bậc chúa anh minh nhân trí vậy” rồi lấy làm mừng trong dạ.
Qua đó chúng ta có thể thấy được sự tài trí của Lưu Bang cũng như sự cầu thị học tập và lắng nghe của Lưu Bang trước kiến thức từ những bậc quân sư lỗi lạc trong thiên hạ.
Lưu Bang còn thể hiện khả năng đắc nhân tâm của mình với việc chuẩn y lời kiến nghị của Tiêu Hà về việc làm lễ bái tướng chỉnh chu – trang trọng cho Hàn Tín, chọn ngày trai giới 3 ngày, lập đàn tế cáo trời đất như Hoàng Đế phong cho Phong Hậu, Vũ vương thăng cho Lã Vọng. Lưu Bang đồng thời phong cho Hàn Tín làm Phá Sở đại tướng quân.
Trên đây là một số lí do mà chúng tôi cho rằng Lưu Bang nhờ vậy mà bình hạ các nước chư hầu thành công, còn bạn thì sao? Hãy để lại comment phía dưới để chia sẻ ý kiến của bạn về lí do thành công của Lưu Bang nhé.
Tham khảo: Hán Sở Diễn Nghĩa
Xem thêm:
20 câu nói tinh tuý của Quỷ Cốc Tử
Cảm ngộ 3 câu nói thâm thuý của người Do Thái
Những câu nói khôn ngoan của Tư Mã Ý trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
100 câu nói tinh hoa của triết gia Hy Lạp vĩ đại Aristotle
Lý Thường Kiệt và 6 trận đánh đỉnh cao binh pháp
Những câu nói khôn ngoan của Tư Mã Ý trong Tam Quốc Diễn Nghĩa