Kính thưa bạn đọc của Ý Nghĩa Sống,
Lưu Bị (161-223) hay còn gọi là Hán Chiêu Liệt Đế, hay Chiêu Liệt Hoàng Đế, là một vị thủ lĩnh quân phiệt, hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Lưu Bị là một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Trong tác phẩm này La Quán Trung xây dựng Lưu Bị là nhân vật chính diện, có lòng nhân từ bác ái, thương dân như con của một vị vua hiền đức (Tuyệt nhân là Lưu Bị, tuyệt gian là Tào Tháo, tuyệt trí là Khổng Minh). Sau khi thất bại nặng nề trong cuộc công phá Đông Ngô đối đầu với Đại Đô Đốc Ngô là Lục Tốn, dưới sự giải vây và hộ tống của hổ tướng Triệu Vân, Lưu Bị lui về thành Bạch Đế để tránh sự truy đuổi của quân Đông Ngô. Tại đây Lưu Bị cho đổi tên nơi ở thành cung Vĩnh An, lâm trọng bệnh và để lại những lời căn dặn cuối cùng của ông cho bá quan văn võ và các con.
Cổ nhân có câu: “Con chim trước khi chết thì tiếng kêu ai oán, người ta sắp mất thì lời nói khôn ngoan”. Đây cũng là dịp mà chúng ta thấy được tài năng đỉnh cao của Hán Chiêu Liệt Đế trong việc nhìn người, cũng như nhìn thấu nội tâm, thu phục nhân tài và khiến họ một lòng trung thành với mình. Đồng thời đây cũng là dịp hé lộ cách dạy con rất hợp ý với bậc thánh nhân của Lưu Bị.

Sau khi mộng thấy Vân Trường và Trương Phi nói rằng sắp cùng Lưu Bị hội ngộ, Lưu Bị liền biết bản thân không thọ được bao lâu nữa. Bèn sai sứ về Thành Đô mời thừa tướng Gia Cát Lượng, Lý Nghiêm, các con trai thứ của Thục Chủ Lưu Bị là Lỗ vương Lưu Vĩnh và Lương Vương Lưu Lý đến cung Vĩnh An (trong thành Bạch Đế), để Thái Tử Lưu Thiện ở lại giữ Thành Đô.
Khổng Minh đến cung Vĩnh An, thấy Lưu Bị bệnh đã nguy lắm, vội vàng lạy phục dưới long sàng. Lưu Bị mời Khổng Minh lên ngồi cạnh sập vàng, vỗ vào lưng mà bảo rằng:
“Trẫm từ khi gặp được thừa tướng, may thành đế nghiệp. Không ngờ trí thức nông nổi, không biết nghe lời thừa tướng, đến nỗi thua nặng thế này, hối hận thành bệnh, chưa biết sống chết lúc nào! Con nối trẫm thì ngu hèn, vậy trẫm đem việc lớn ủy thác cho thừa tướng.”
Nói đoạn, nước mắt chảy ròng ròng. Khổng Minh cũng khóc mà rằng: “Xin bệ hạ giữ gìn long thể để thỏa lòng trông mong của thiên hạ”. Lưu Bị liếc mắt trông xung quanh, thấy có em Mã Lương là Mã Tốc đứng cạnh giường, liền truyền cho Mã Tốc lui ra ngoài, rồi bảo Khổng Minh rằng: “Thừa Tướng coi tài Mã Tốc thế nào?” Khổng Minh nói: “người ấy cũng là bậc giỏi đời nay”. Lưu Bị nói: “Không phải, trẫm coi người ấy, nói thì nhiều mà làm thì kém, không nên dùng vào việc to, thừa tướng phải xét kỹ mới được”.
Dặn dò xong, lại cho triệu cả các quan vào cung, sai lấy giấy bút, viết một tờ di chiếu, đưa cho Khổng Minh và than rằng: “Trẫm không được học mấy, chỉ biết đại khái mà thôi. Thánh nhân có câu: “con chim sắp chết thì tiếng kêu ai oán, người sắp mất, lời nói khôn ngoan”. Trẫm cùng các ngươi, thề nhau giết giặc Tào để giúp nhà Hán, chẳng may nửa đường lìa rẽ. Vậy phiền thừa tướng cầm tờ chiếu này, giao cho thái tử Thiện, bảo hắn chớ coi làm thường và cũng nhờ thừa tướng dạy bảo thêm cho mới được”.
Khổng Minh khóc lạy xuống đất mà tâu rằng: “xin bệ hạ tĩnh dưỡng long thể, chúng tôi xin hết sức khuyển mã để báo đền ơn tri ngộ ấy”. Lưu Bị sai nội thị đỡ Khổng Minh dậy, một tay gạt nước mắt, một tay cầm tay Khổng Minh mà nói rằng: “Trẫm nay nguy mất, có lời tâm phúc xin ngỏ với thừa tướng. Tài thừa tướng gấp mười Tào Phi, tất yên định được nhà nước làm nên việc to. Đối với con trẫm, có thể giúp được thì giúp, bằng không thì ngươi nên làm chủ Thành Đô đi!”. Khổng Minh nghe nói mà rụng rời, mồ hôi đổ ra khắp mình, lạy xuống đất khóc lóc mà nói rằng: “Chúng tôi đâu dám chẳng hết sức chân tay, dốc niềm trung trinh, kỳ cho đến chết mới thôi!”. Nói đoạn dập đầu xuống đất, máu chảy đầy mặt. Lưu Bị mời Khổng Minh lên giường, gọi Lưu Vĩnh, Lưu Lý đến trước mặt dặn rằng: “các con phải nhớ lời cha, khi cha mất rồi, ba anh em các con phải coi thừa tướng như cha, không được khinh nhờn”. Nói đoạn sai hai người lạy Khổng Minh. Khổng Minh nói: “Tôi dẫu gan óc lầy đất, cũng không đền báo được cái ơn tri ngộ này!”. Lưu Bị lại bảo với các quan rằng: “Trẫm đã giao con trẫm cho thừa tướng rồi, dặn thái tử phải coi thừa tướng như cha. Các ngươi cũng chớ có coi thường mà phụ mất lòng mong mỏi của trẫm.”.
Lại dặn Triệu Vân rằng: “Trẫm với ngươi cùng nhau trong lúc gian nan, không ngờ đến đây ly biệt, ngươi nên nghĩ tình cố giao, sớm tối trông nom con trẫm, chớ phụ lời trẫm”. Vân khóc lạy mà tâu rằng: “Chúng tôi đâu dám không hết sức khuyển mã hay sao?”. Lưu Bị lại bảo các quan rằng: “này bách quan, trẫm không thể dặn dò từng người được, vậy xin các ngươi ai nấy hãy yêu lấy cái thân mình”. Nói xong Lưu Bị liền thăng hà, thọ 63 tuổi. Bấy giờ là ngày 24/4 mùa hạ, năm Chương Võ thứ ba (222). Các quan văn võ không ai không thương xót.
Khổng Minh dẫn các quan rước linh cữu vua về Thành Đô. Thái Tử Lưu Thiện ra đón rước linh cữu vào trong chính điện, làm lễ cử ai, rồi tuyên đọc tờ di chiếu. Chiếu rằng:
“Khi trẫm mới mắc bệnh, chỉ có đi lị mà thôi, về sau mỗi ngày một nặng thêm, chuyển ra bệnh khác, biết rằng khó khỏi. Trẫm nghe có câu rằng: “Người ta sống được 50 tuổi cũng đã gọi là thọ”. Nay trẫm đã hơn 60 tuổi, chết cũng không còn oán hận gì nữa, nhưng chỉ lo về anh em các con thôi! Các con! Phải cố gắng lên mới được! Chớ thấy điều ác nhỏ mà cứ làm, chớ thấy điều thiện nhỏ mà không làm! Có hiền có đức, mới phục được lòng người. Đức của cha con mỏng manh, chớ nên bắt chước! Các con cùng làm việc với thừa tướng, phải đối đãi như cha, chớ có lười, chớ có quên! Anh em các con phải làm thế nào cho có tiếng khen mới được! Gắn bó mấy lời, nhớ lấy! nhớ lấy!”. Sau đó thái tử Thiện lên ngôi hoàng đế, cải niên hiệu là Kiến Hưng, táng đức tiên chủ ở Huệ Lăng, tôn tên thụy gọi là Chiêu Liệt hoàng đế”.
Jessica luận bàn
Lưu tiên chủ quả nhiên có lí do khi vừa nhìn Mã Tốc đã nhắc Gia Cát Lượng rằng Mã Tốc là người giỏi nói mà không giỏi làm, không phải là người làm đại sự. Sau này, Gia Cát Lượng giao Mã Tốc thống lĩnh đội quân mạnh để đánh trận Nhai Đình mang tính quyết định, đối đầu với Tư Mã Ý và Trương Cáp nhưng Mã Tốc không nghe theo chỉ đạo chiến lược của Gia Cát Lượng trong việc dựng trại nên dẫn đến thất bại thảm hại, làm suy yếu đáng kể lực lượng Thục Hán ngay trong lần xuất quân đánh Ngụy đầu tiên, làm cho đại quân Thục Hán không thể tiến được nữa, buộc phải lui về Hán Trung. Gia Cát Lượng vì giữ nghiêm quân mệnh nên sau đó phải theo quân pháp mà xử chém Mã Tốc. Trước đó không lâu, Lưu Bị từng dặn Trương Phi “trẫm vẫn biết ngươi trong khi say rượu, thường hay hung hăng đập đánh quân sĩ, mà lại cho nó hầu cận tả hữu, đó là con đường gây vạ. Từ rầy phải khoan hòa, chớ có như trước nữa nhé!”. Nào ai ngờ Lưu Bị lại có khả năng nhìn người và nhìn sự việc mà tuyên đoán kết quả chuẩn xác đến thế, chỉ trong vòng vài ngày sau quả nhiên Trương Phi bị hai tướng dưới trướng là Phạm Cương, Trương Đạt sát hại trong lúc đang say rượu ngủ lí do cũng vì họ bị Trương Phi đánh đập, thúc ép công việc may áo tang cho ba quân quá gấp. Như vậy Lưu Bị chẳng phải ngẫu nhiên mà nhìn người, nhìn sự việc đúng như vậy, mà là do tài năng thiên bẩm về đắc nhân tâm cũng như kinh nghiệm dày dặn của ông mới làm nên nghiệp lớn như vậy.
Lưu Bị muốn cậy nhờ Gia Cát Lượng phò trợ con trai mình như khi phò trợ Lưu Bị, nhưng lại chọn cách nói ca ngợi tài năng của Gia Cát Lượng hơn Tào Phi 10 lần, lại còn bảo Gia Cát Lượng nếu giúp con của Lưu Bị thì giúp không thì tự làm chủ Thành Đô. Lời ấy vừa như thể hiện sự trọng dụng của Chiêu Liệt hoàng đế đối với Gia Cát Lượng, vừa như thử lòng Lượng xem có 2 lòng hay không. Gia Cát Lượng trước thấy nhà Thục Hán trọng tài năng của mình như vậy thì bậc quân tử càng không dám hai lòng, nhất là lại trước mặt bá quan, làm sao mà không cam kết lòng trung, cúc cung tận tụy cho được. Quân tử nhất ngôn tứ mã nan truy, coi như lời cam kết này càng không thể phạm, nếu Gia Cát Lượng sau này vi phạm lời trung thì coi như là kẻ phi nghĩa, không thể được thiên hạ trọng dụng nữa. Như vậy, quả nhiên “người trước khi mất thường nói lời khôn”, Lưu Bị dùng từ ngữ thì ít mà hiệu quả sâu sắc vô cùng.
Lưu Bị lại cho hai con quỳ lạy, gọi Gia Cát Lượng là cha, lại lập Di Chiếu cho thái tử Lưu Thiện đối đãi với Gia Cát Lượng như cha thì Gia Cát Lượng làm sao mà không hết lòng chăm non, hi sinh cho Lưu Thiện và các con của Lưu Bị như con mình cho được. Tài năng đắc nhân tâm của Lưu Bị chính là như vậy, không những trọng đãi về bổng lộc, tước vị mà còn cung kính với hiền tài, làm cho hiền tài gắn bó với gia đình mình như người nhà.
Người ngoài có thể cho rằng Lưu Bị đang đóng vai ngụy quân tử, dùng lời khách khí, dùng lễ nghĩa để người tài hết lòng phục vụ cho mình và cho con mình. Nhưng đến khi nghe đến lời dạy con của Lưu Bị thật ngắn gọn trong vài dòng thì chúng ta có thể thấy rõ tấm lòng của Lưu Bị là thật “Chớ thấy điều ác nhỏ mà cứ làm, chớ thấy điều thiện nhỏ mà không làm! Có hiền có đức, mới phục được lòng người.” Đó là những lời dạy từ tâm, rất hợp với ý của bậc thánh nhân như lời dạy của Lão Tử:
Chấp đại tượng thiên hạ vãng.
Văng nhi bất hại an bình.
Đại nhạc dữ nhị quá cách chỉ.
Cố đạo chi xuất ngôn dã,
Viết đạm hề kỳ vô vị dã.
Thị chi bất túc kiến dã,
Thính chi bất túc văn dã,
Dụng chi bất khả ký dã.
Nắm giữ được thể lớn (của Đạo) thì thiên hạ tự tìm đến. Thiên hạ tìm đến thì không hề có hại mà lại được thanh bình yên ổn. Thánh nhân cầm gương lớn, cho thiên hạ theo. Theo mà chẳng hại, lại an ổn, thanh bình. Âm nhạc và đồ ăn làm Khách qua đường dừng lại, nhưng khi khách về rồi thời hết. Đạo ra khỏi miệng thời nhạt nhẽo như thể là vô vi, nhìn thì không thấy, lắng thì không đủ nghe, nhưng đem dùng thì vô tận, không bao giờ hết.
chăm lo làm việc thiện, tích thiện cho dù là điều thiện nhỏ nhất, tránh xa điều ác dù là điều ác nhỏ nhất ấy chính là Đạo lý đơn giản của một con người, cũng là nền tảng của con người. Hiền đức mới thu được lòng người, chẳng những thu được lòng của hiền tài trong thiên hạ, mà còn thu phục được lòng dân trong thiên hạ, nơi nào có nhân dân ủng hộ thì nơi đó bậc đế vương mới xây được đại nghiệp. Chỉ có tấm lòng lương thiện, nhân nghĩa mới có thể trường tồn cùng thời gian, nếu tấm lòng không lương thiện, không nhân nghĩa thì lớp vỏ ngoài có dày cỡ mấy cũng không thể che dấu mãi được. Lành thay, hợp thay lời dạy con của Chiêu Liệt Hoàng Đế cũng có điểm chung với tác giả Liễu Phàm về việc tích thiện, làm điều thiện lành, cho dù là điều nhỏ nhất, cuốn sách Liễu Phảm Tứ Huấn đến nay đã tồn tại hơn 400 năm, lại được coi là cuốn sách nền tảng trước khi người học bước vào thế giới tu hành Nho Giáo và Phật Giáo. Thế mới biết sự học, tầm hiểu biết của Lưu tiên chủ đã vượt xa cảnh giới của người thường.
Lưu Bị mất năm 63 tuổi, cậy nhờ Khổng Minh gánh vác, phò trợ cho con mình. Ấy vậy mà 11 năm sau thì Khổng Minh mất năm 54 tuổi, lại chẳng thọ bằng Lưu Bị.
Sau Khổng Minh, thì Triệu Vân là người được Lưu Bị đặc biệt dặn dò. Triệu Vân vốn là người vào sinh ra tử hết lòng trung thành với Lưu Bị, nhiều lần cứu con của Lưu Bị, trong lúc Lưu Bị trong biển lửa sinh tử thì cũng chính nhờ tiếng hét của Triệu Vân mà làm lui quân giặc, rồi chính ông là người hộ tống – giải cứu cho Lưu Bị, bảo sao mà Lưu Bị không dành tình cảm đặc biệt cho Thường Sơn Triệu Tử Long cho được. Chính vì sự trung thành tuyệt đối và cũng vì Triệu Tử Long luôn có mặt đúng lúc và kịp thời để giải cứu cha con Lưu Bị, nên Lưu Bị đặc biệt nhờ Tử Long trông nom bảo vệ cho con của Lưu Bị. Vừa là hàm ơn, vừa là chọn mặt gửi vàng chính là đây.
Như vậy có thể thấy Lưu Bị đặc biệt coi trọng Khổng Minh và Triệu Vân nên mới dành những lời trăn trối quý giá lúc lâm chung cho 2 nhân vật này.
Lưu Bị trước khi mất cho gọi những người quan trọng, cho gọi 2 con thứ mà không cho gọi Thái Tử Lưu Thiện vào là lí do vì sao? Có thể kể đến nguyên nhân là do Lưu Bị lúc ấy đang ở cung Vĩnh An ở thành Bạch Đế, cách xa Thành Đô. Người xưa thường không để Thành Đô vắng chủ bao giờ nhằm tránh các cuộc tấn công đánh chiếm kinh thành trong lúc diễn ra tang sự. Lưu Bị chính là học gương người xưa mà liệu chuyện tương lai chu toàn cho triều đình Thục Hán. Nói chuyện về nước Ngụy do không tính toán chu toàn như trên nên kinh thành đã bị cướp trong nháy mắt. Cụ thể, Năm 249, khi Tào Sảng dẫn Ngụy Phế Đế đi viếng miếu Liệt Tổ của tiên hoàng Ngụy Minh Đế, Tư Mã Ý bèn nổi dậy, đem quân tiến chiếm kinh thành, buộc Quách thái hậu ban chiếu kể tội Tào Sảng lộng quyền làm bại hoại chính sự. Tào Sảng mất hết uy quyền, rồi bị giết chết. Từ đó, Tư Mã Ý chính thức nắm quyền trong triều.
Càng phân tích chúng ta càng thấy ngưỡng mộ về sự sáng suốt của Chiêu Liệu Hoàng Đế Lưu Bị, lúc lâm chung mà vẫn tuệ mẫn vô cùng. Ngẫm thấy nếu như Khổng Minh nghe theo lời dặn của Lưu Bị không cho Mã Tốc cầm quân trong trận Nhai Đình, hay Trương Phi bỏ tính say rượu ép người thì lịch sử Thục Hán có thể đã sáng hơn rất nhiều.
Trên đây là bài phân tích về lời căn dặn trước khi mất của Lưu Bị trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, xin cám ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết!
Tham khảo: Tam Quốc Diễn Nghĩa
Xem thêm:
Lục Tốn Dùng Mưu Lạ Kết Thúc Sự Nghiệp Của Lưu Bị
Những câu nói khôn ngoan của Tư Mã Ý Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa