Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày Lễ Vu Lan (ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt.
Ý Nghĩa Sống xin chia sẻ đến các bạn ý nghĩa sâu xa của Lễ Vu Lan trong văn hóa người Việt Nam. Chúng tôi đồng thời chia sẻ về sự tích, nguồn gốc của Lễ Vu Lan. Quan trọng nhất là giúp mỗi người con hiểu được tại sao làm con phải có hiếu.
Lễ Vu Lan hướng mỗi người Việt Nam trở về với cội nguồn dân tộc
Lễ Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam chúng ta.
Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người”. Pháp hội Vu Lan còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với tiên tổ.
Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp khổ hạnh.
Nguồn gốc lễ Vu Lan báo hiếu
Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm.
Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải vào kiếp đọa đày, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi âm để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các kẻ khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
Mục Liên quay về tìm Đức Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”.
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: “Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này”. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
Tại sao làm con phải có hiếu?
Mỗi người chúng ta có mặt trên cõi đời này là nhờ vào tinh cha huyết mẹ. Mẹ cưu mang chín tháng mười ngày, nặng nhọc như đội núi, ngày đêm như bệnh nặng. Khi sanh nở thì gan ruột như bị xé rách đau đớn mê man, nên ơn sanh thành của cha mẹ kể sao cho xiết.
Người ta thường nói trong cuộc sống, không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ, và không có bất hạnh nào lớn hơn bất hạnh của kẻ mồ côi. Điều này khi ai đã trải qua mới thấy thấm thía. Không có mẹ bên cạnh ai lo bú mớm, tắm rửa, ẵm bồng, chăm sóc chúng ta?
Không có cha bên cạnh ai lo tảo tần làm việc kiếm tiền nuôi nấng dạy dỗ chúng ta?
Lúc còn nhỏ chúng ta cần cha mẹ mỗi phút mỗi giây ngay lúc khoẻ mạnh cũng như lúc trái gió trở trời đau ốm.
Khi lớn lên, ra đời, chúng ta chạy đua theo đời, mê say sự nghiệp, bận lo lắng tô bồi cho hạnh phúc lứa đôi, hay bận lo chăm sóc cho con cái của riêng mình quên bẵng đi cha mẹ. Vì bận rộn nên chúng ta không cảm nhận rõ sự cần thiết cha mẹ bên cạnh chúng ta.
Chỉ khi nào gặp cảnh ngộ không may, làm ăn thất bại, vợ bỏ, chồng bỏ, con hư, khi tám ngọn gió đời quật chúng ta nghiêng ngả, vùi dập chúng ta đến nỗi chúng ta không còn niềm tin đối với người xung quanh. Lúc đó chúng ta mới chợt tỉnh ra rằng, chúng ta còn cha mẹ.
Cha mẹ lúc nào cũng vẫn là chiếc nôi ấm áp cho chúng ta quay về nương tựa. Cha mẹ đón nhận chúng ta vô điều kiện dù chúng ta thành công hay thất bại, dù chúng ta hạnh phúc hay khổ đau. Ân sủng thiêng liêng ấy, tình cảm cho đi bao la bất tận ấy, ta có thể tìm được nơi đâu, ngoài cha mẹ của chúng ta?
Cho nên việc phụng dưỡng cha mẹ không phải chỉ là trách nhiệm và bổn phận của người làm con, mà đó là một sứ mệnh thiêng liêng. Dù nỗ lực để tận hiếu nhưng công ơn cha mẹ thật rất khó mà đáp đền.
Mùa Vu Lan là dịp để những người con tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ, tổ tiên, nhắc nhở mỗi người về bổn phận làm con, bày tỏ lòng biết ơn với đấng sinh thành qua những việc làm đơn giản và ý nghĩa. Những người con nên dành tất cả tâm huyết và những hành động cao quý nhất của mình để làm cho cha mẹ hãnh diện và tự hào vì có được những người con hiếu thảo.
“Nỗi đau lớn nhất đời người là con cái muốn báo hiếu nhưng cha mẹ không còn nữa! Bi kịch lớn nhất đời người là nhà chưa giàu người đã ra đi và đáng thương nhất đời người là vào lúc chiều tà mới ngộ ra mình đáng ra nên làm những gì.”.
Thế nên, Dù khó khăn về vật chất, mỗi tháng các con nên trích ra một phần thu nhập để cha mẹ được an hưởng tuổi già. Bày tỏ những lời thương yêu chân thành, truyền tải sự thương kính cha mẹ qua lời nói dịu dàng, chăm sóc những công việc trong gia đình để cha mẹ có thời gian an hưởng đúng nghĩa.
Ý Nghĩa Sống cho rằng “Đừng nên giới hạn ngày hiếu thảo vào rằm tháng 7, mùa hiếu thảo vào mùa Vu Lan. Tất cả những người con hiếu thảo phải thể hiện lời nói hiếu, hành động hiếu, ứng xử hiếu mọi lúc, mọi nơi. Làm được thế thì hạnh phúc trong cuộc đời sẽ dài lâu”. “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…” . Một thông điệp tuy nhẹ nhàng nhưng thấm thía, ai trong chúng ta khi nghe câu này đều cảm thấy thương cha mẹ vô cùng.
Những ai còn mẹ, những ai còn cha, những ai còn cả cha lẫn mẹ xin hãy trân trọng những gì mình đang có, xin đừng làm đau lòng các đấng sinh thành dù chỉ là một điều gì đó rất nhỏ.
Ý Nghĩa Sống tổng hợp và biên tập.
Cảm ngộ 12 bài học về “Đạo” của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh
15 ứng dụng thông thái về Đạo của Lão Tử trong cuộc sống
Cảm ngộ 3 câu nói thâm thuý của người Do Thái