Khổng Tử là triết gia lỗi lạc bậc nhất Á Đông. Ông còn được biết đến là nhà khai sáng Nho Giáo, một trường phái có ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục, văn hóa của Á Đông trong nhiều thời kỳ lịch sử. Khổng Tử còn được hậu thế tôn vinh là bậc thánh nhân trong việc giáo hóa cho nhiều thế hệ.
Ý Nghĩa Sống xin giới thiệu đến độc giả những điều đặc biệt của Khổng Tử làm nên chân dung của bậc thánh nhân. Bao gồm phẩm hạnh đáng kính, nhân cách đáng kính của ông. Bên cạnh đó Ý Nghĩa Sống cũng chia sẻ thêm về quan điểm về đối nhân xử thế, quan điểm về ngũ thường, quan điểm – tư tưởng chính trị của vị thánh nhân này.
Giới thiệu về Khổng Tử – chân dung bậc thánh nhân
Khổng Tử hay còn gọi là Khổng Phu Tử là danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khâu (551 TCN – 479 TCN) tự Trọng Ni. Ông được cho là nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất Á Đông.
Khổng Tử cùng với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (563 TCN – 483 TCN) và Lão Tử được coi là 3 nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất tới Văn hóa Á Đông, và có một sự trùng hợp là cả 3 người đã sống trong cùng một thời kỳ lịch sử.
Trí tuệ và công đức của Khổng Tử được đúc kết trong mỹ tự Vạn thế sư biểu (Bậc thầy của muôn đời sau) hoặc Đại thành chí thánh tiên sư hay như có thơ rằng “Thiên bất sinh Trọng Ni, vạn cổ như trường dạ” (Trời không sinh Trọng Ni, muôn đời như đêm dài).
Hậu thế của Khổng Tử đến nay vẫn còn được duy trì dòng dõi. Theo sách Kỷ lục Guinness ghi nhận vào năm 2005 thì gia tộc họ Khổng được ghi nhận là dòng dõi có lịch sử lâu dài nhất trên thế giới. Họ Khổng (tính đến năm 2005) được ghi chép là có 86 thế hệ con cháu trải dài trên 2500 năm lịch sử.
Hậu thế của Khổng Tử không chỉ được kế thừa nguồn tri thức của ông để lại, mà trong nhiều triều đại vẫn được các bậc vua chúa Trung Hoa cho hưởng lộc quan như là một phần tri ân đến những công lao vĩ đại mà ông để lại.
Luận Ngữ là một tác phẩm có giá trị rất lớn trong việc ghi nhận lại những bài giảng mà Khổng Tử dạy môn đệ của mình. Đây là một tập hợp những “mẩu chuyện cách ngôn ngắn”, được biên soạn nhiều năm sau khi ông qua đời do các học trò của ông ghi chép lại. Những bài học sâu sa được thể hiện qua những lời hỏi đáp rất gần gũi giữa ông và học trò, đến nay vẫn được truyền tụng.
Trong gần 2.000 năm ông được cho là người biên soạn hoặc tác giả của Ngũ Kinh: Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu. Đây là bộ năm tác phẩm kinh điển không chỉ nổi tiếng trong Nho Giáo. Mà bộ năm tác phẩm này còn là các trụ cột tri thức mang tính giáo hóa cho rất nhiều triều đại trong lịch sử Trung Hoa nói riêng, châu Á nói chung.
Phẩm hạnh đáng kính của Đức thánh Khổng Tử:
Khổng Tử là người rất thông minh, luôn luôn ham học. Bất cứ việc gì, ông cũng để ý xem xét rất kỹ lưỡng để biết cho cùng tận mới thôi.
Tính ông ôn hòa, nghiêm trang, khiêm tốn, làm việc gì cũng hết sức cẩn thận, đề cao lễ nhạc, luôn luôn tin vào Thiên mệnh. Ông tin rằng con người được sinh ra trên đời này là có lý do, bản thân ông được Trời giao cho sứ mệnh góp sức xây dựng nên một xã hội quý trọng đạo đức và lòng hiếu học, và ông đã dành cả đời nỗ lực cho sứ mệnh đó.
Ông là người nhân hậu, khiêm nhường, giản dị, chân thành, giàu tình cảm, ôn hòa mà nghiêm túc, uy nghi nhưng không thô bạo, cung kính mà an nhàn. Ông sống thanh đạm, trọng nghĩa khinh tài. Khổng Tử nói “Ăn cơm gạo thô, uống nước lã, khi ngủ co cánh tay mà gối đầu, niềm vui cũng ở trong đó rồi. Còn như dùng phương pháp không chính đáng để đạt được giàu có và phú quý, ta coi như đám mây trôi vậy“.
Nhân cách đáng kính của Khổng Tử
Khi Khổng Tử ở nhà dáng dấp rất thoải mái, trên mặt biểu lộ thần thái hết sức hoài vui.
Khi ăn uống ở nhà có tang, Khổng Tử không bao giờ ăn no. Hôm nào ông đi phúng viếng đám tang, thì suốt ngày hôm đó không đàn hát nữa.
Ông đối xử với các học trò bằng tình thương như cha đối với con còn các học trò kính trọng ông như người cha thứ hai của họ. Trong quan hệ thầy trò, ông gần gũi với họ và hết sức chân thành. Ba việc mà Đức Khổng Tử hết sức thận trọng là trai giới, chiến tranh và bệnh tật.
Khổng Tử được tôn vinh là thánh nhân còn bởi ông là người thông kim bác cổ nhưng chưa bao giờ tự nhận mình là người hiểu biết nhiều, ông biết rằng hiểu biết của một người chỉ là hạt cát so với kho tàng kiến thức của nhân loại.
Quan điểm đối nhân xử thế của Khổng Tử
Khổng Tử khi ở quê hương, đứng trước mặt cha anh, bạn bè thì hết sức khiêm tốn, kính cẩn vâng lời, chẳng hề tranh với ai điều gì.
Khổng Tử rất ít nói, có lúc tựa như chẳng biết nói năng gì. Nhưng khi ra nơi tông miếu triều đình, giải quyết công việc, ông ăn nói rất lưu loát, mạch lạc, chững chạc đâu ra đấy; duy có điều lời lẽ rất cẩn thận, không tùy tiện bao giờ.
Ở triều đình, khi nói chuyện với quan đại phu dưới quyền, Khổng Tử rất cương nghị, thẳng thắn; khi nói chuyện với quan đại phu bậc trên luôn luôn giữ thái độ hòa nhã.
Thánh nhân này đã tuyên bố rõ nguyên tắc nổi tiếng, “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Theo đó, người quân tử nên dùng tấm lòng thành để đối đáp với người xung quanh, không nên làm tổn thương hay xâm hại đến lợi ích hay danh dự, uy tín của người khác.
Quan điểm về ngũ thường của Khổng Tử
Khổng Tử cũng luôn lấy những điều tốt đẹp trong quá khứ ra làm chuẩn mực, và khuyên người Trung Hoa, đặc biệt là tầng lớp cai trị, tự đổi mới mình dựa trên những hình mẫu những vị vua hiền trong quá khứ.
Khổng Tử chú trọng vào sự tu dưỡng đạo đức cá nhân trước tiên, sau đó nuôi dưỡng gia đình, rồi mới đến cai trị thiên hạ bằng lòng nhân từ: “Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình Thiên hạ”.
Vị thánh nhân này nhấn mạnh vào Ngũ thường: “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Ông cho rằng đây là năm phẩm chất quan trọng mà người quân tử phải có.
Nhân là lòng thương người. Nghĩa là làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm. Lễ là phép tắc trong việc đối nhân xử thế giữa người với người. Trí là trí tuệ, là khai trí (tức là làm gì cũng phải suy xét kỹ lưỡng, phải không ngừng học tập để khí tuệ ngày càng được khai sáng). Tín là sự uy tín, thực hiện những điều đã cam kết.
Ý Nghĩa Sống xin chia sẻ thêm về quan điểm chính trị dựa trên tư tưởng đạo Đức của Khổng Tử ở phần dưới đây.
Quan điểm, tư tưởng chính trị của Khổng Tử:
Tư tưởng chính trị Khổng Tử dựa trên tư tưởng đạo đức của ông.
Ông cho rằng chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị bằng “Lễ nghĩa” và đạo đức tự nhiên của con người, chứ không phải bằng vũ lực và mua chuộc. Theo đó, bậc quân chủ dùng Lễ, Nghĩa để đối đãi với dân chúng thì thiên hạ sẽ quy về. Nền đạo Đức của ước nhà cũng vì thế mà được coi trọng. Nhân dân dùng Lễ, Nghĩa để đối đãi với bậc quân chủ thì thiên hạ thái bình, nền an ninh trật tự của nước nhà vì thế mà cũng an ổn.
Khổng Tử đã giải thích điều đó tại một trong những đoạn quan trọng nhất ở cuốn Luận Ngữ: “Dùng mệnh lệnh, pháp luật để dẫn dắt chỉ đạo dân, dùng hình phạt để quản lý dân, làm như vậy tuy có giảm được phạm pháp, nhưng người phạm pháp không biết xấu hổ, sỉ nhục. Dùng đạo đức để hướng dẫn chỉ đạo dân, dùng lễ nghĩa để giáo hóa dân, làm như vậy chẳng những dân hiểu được thế nào là nhục nhã khi phạm tội, mà còn cam tâm tình nguyện sửa chữa sai lầm của mình tận gốc từ mặt tư tưởng.”
Ý Nghĩa Sống cho rằng qua câu nói trên Khổng Tử đã thể hiện quan điểm trị quốc an dân phải đi đôi với việc giáo dân.
Sự “biết sỉ nhục” là sự mở rộng của trách nhiệm, nơi mà hành động trừng phạt đi trước hành động xấu xa, chứ không phải đi sau nó như trong hình thức luật pháp của Pháp gia.
Trong khi ủng hộ ý tưởng về một vị Hoàng đế đầy quyền lực, nguyên nhân là vì tình trạng hỗn loạn ở Trung Quốc thời Xuân Thu, các triết lý của Khổng Tử chứa đựng một số yếu tố hạn chế sự lạm quyền của những nhà cai trị.
Theo ông người cầm quyền phải có đạo đức, đặt nhân nghĩa lên hàng đầu và đặt lợi ích của dân chúng cao hơn lợi ích bản thân.
Khổng Tử cho rằng lời lẽ phải luôn ngay thật; vì thế tính trung thực có tầm quan trọng hàng đầu. Trung thực là phẩm chất quan trọng của người quân tử, là cơ sở của chữ Tín.
Sự thành thật có thể làm cảm động lòng người, quy tụ thiên hạ. Ông nói “Có lòng thành thật thì sẽ biểu hiện ra ngay. Hiện rõ ra rồi thì sẽ sáng chói. Sáng chói thì sẽ cảm động đến lòng người“.
Thậm chí Khổng Tử còn ca ngợi người lãnh đạo biết nhường quyền lực cho người tài đức hơn mình. Ông nói “Thái Bá là con người có đức hết mực. Nhiều lần ông ta đem thiên hạ nhường cho người khác, nhưng không để dân chúng biết mà ca ngợi công đức của mình“.
Ý Nghĩa Sống tổng hợp và biên tập.
Xem thêm
Cảm ngộ 12 bài học về “Đạo” của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh
20 câu nói tinh tuý của Quỷ Cốc Tử
Những câu nói khôn ngoan của Tư Mã Ý trong Tam Quốc Diễn Nghĩa