HỒNG MÔN YẾN ván cờ sinh tử giữa HẠNG VŨ Và LƯU BANG trong tiểu thuyết Hán Sở Diễn Nghĩa

HỒNG MÔN YẾN ván cờ sinh tử giữa HẠNG VŨ Và LƯU BANG trong tiểu thuyết Hán Sở Diễn Nghĩa

Tiểu thuyết Hán Sở Diễn Nghĩa của tác giả Châu Hải Đường đã mô tả chi tiết về con đường lập nghiệp xưng Tây Sở Bá Vương của Hạng Vũ cũng như công cuộc dựng nghiệp của Hán Cao Tổ Lưu Bang

Giữa năm 209 TCN và 206 TCN, nhiều cuộc nổi dậy nổ ra khắp Trung Quốc để lật đổ Triều đại nhà Tần. Một số lực lượng nổi dậy tuyên bố sẽ khôi phục lại sáu nước bị sáp nhập vào nước Tần trong một loạt các cuộc chiến từ năm 230 đến 221 TCN. Lưu Bang và Hạng Vũ là hai nhà lãnh đạo nổi bật nhất trong các lực lượng nổi dậy. Năm 208 TCN, Hạng Vũ và chú là Hạng Lương lập Sở Nghĩa Đế lên làm người cai trị trên danh nghĩa của nước Sở trong khi họ thực sự là những người nắm quyền. Vào cuối năm 208 TCN, Hạng Lương tử trận trong trận Định Đào nên quân đội nước Sở nằm dưới quyền kiểm soát của Sở Nghĩa Đế. Sở Nghĩa Đế phái Hạng Vũ và Lưu Bang chỉ huy hai lực lượng riêng biệt để tấn công vùng đất trung tâm của nhà Tần ở Quan Trung và hứa rằng bất cứ ai tiến vào khu vực đó đầu tiên sẽ được phong làm “Quan Trung vương”.

Vào cuối năm 207 TCN, quân nổi dậy của Lưu Bang chiếm Vũ Môn và nắm quyền kiểm soát Quan Trung và Hàm Dương. Hoàng đế cuối cùng của nhà Tần là Tử Anh đầu hàng Lưu Bang, đánh dấu sự kết thúc của nhà Tần. Sau khi chiếm Hàm Dương, Lưu Bang đã cấm binh lính cướp bóc thành phố và làm tổn hại đến dân chúng. Lưu Bang cũng đưa quân đến đồn trú tại Hàm Cốc quan để ngăn không cho Hạng Vũ tiến vào Quan Trung. Cũng trong khoảng thời gian này, quân của Hạng Vũ vừa đánh bại đội quân Tần của Chương Hàm trong trận Cự Lộc. Khi Hạng Vũ đến Hàm Cốc quan, ông trở nên không hài lòng khi biết rằng Lưu Bang đã chiếm được Quan Trung, do vậy đã cho quân tấn công và chiếm cửa ải này, rồi áp sát phía tây của Hí Thủy. Quân đội của Lưu Bang khi đó đang dựng trại tại Bá Thượng. 

Thực hiện theo kế sách của Phạm Tăng, Hạng Vũ cho tổ chức Hồng Môn Yến ngoài mặt để ăn mừng cho công cuộc trừ diệt bạo Tần đã thành công, mặt khác nhân cơ hội để luận tội và trừ khử Lưu Bang. Cho nên có thể nói đây là một trong những lần hiếm hoi trong cuộc đời của Lưu Bang khi đi ăn tiệc mà mang một nỗi kinh sợ khủng khiếp. Vậy một loạt các kế sách của Phạm Tăng để khai tử Lưu Bang là gì? làm thế nào mà Lưu Bang đã thoát khỏi ải quỷ môn này.

Sau đây xin mời Quý vị cùng theo dõi.

Rất mong bài viết sẽ mang đến cho Quý vị nhiều câu chuyện hay và nhiều bài học giá trị.

Ý Nghĩa Sống kính chúc Quý vị và gia đình những điều tốt đẹp nhất.

Theo tiểu thuyết Hán Sở Diễn Nghĩa mô tả, Phạm Tăng đã dự đoán được “chân mệnh thiên tử” của Lưu Bang nên Phạm Tăng đã hiến kế cho Hạng Vũ tổ chức Hồng Môn Yến để dụ Lưu Bang đến để trừ khử mối hậu họa sau này. Nếu Lưu Bang không đến thì càng có lí do để Hạng Vũ danh chính ngôn thuận khởi binh tiêu diệt vì quân số của quân đội Hạng Vũ đang rất hưng thịnh – hay nói cách khác là đang vô địch thiên hạ lúc bấy giờ.

Kế của Phạm Tăng dặn dò Hạng Vũ như sau: “Lưu Bang chính là cái họa trong tâm phúc, hôm nay nhân cơ hội này, chẳng lập tức trừ diệt đi, thì ngày sau ắt dưỡng thành phôi thai, bấy giờ minh công hối cũng đã muộn rồi. Tôi có ba kế: Một là mời Lưu Bang đến dự hội ở Hồng Môn, khi còn chưa vào tiệc, minh công lập tức lấy ba tội của Bang sau khi vào Quan Trung ra mà trách mắng, nếu như kẻ kia không thể đáp lại được, lập tức rút gươm chém đi, đó là thượng kế vậy; nếu như minh công không muốn tự tay làm, có thể sai hơn một trăm thủ hạ mai phục, đợi sau khi Bái công vào tiệc, tôi sẽ giơ miếng ngọc quyết đeo bên mình lên để làm hiệu, gọi phục binh lập tức xô ra tiêu diệt đi, đó là trung kế vậy; nếu như hai kế trên không thành thì cho một người chuốc rượu , mời Bái công uống thật say, sau khi uống say tất thất lễ, minh công nhân đó sai hạ thủ đi, đó là hạ kế vậy.”

Hạng Vũ và Lưu Bang

1.   Trương Lương tư vấn cho Lưu Bang cách chuẩn bị ứng phó

Thế là với lí do mở tiệc ăn mừng vì đã đánh Tần thắng lợi. Thư mời được gửi tới Lưu Bang, Lưu Bang quả nhiên đoán được đây chính là dụng ý của Phạm Tăng có quan hệ đến chuyện sinh tử của BANG làm Lưu Bang lo sốt vó “10 phần nghi ngại”, định bụng không đi. Nhưng nhờ có Trương Lương đứng ra đảm bảo: “Lương này tuy bất tài, nhưng xin theo hộ vệ minh công đến dự hội, khiến cho Phạm Tăng không thể dung được trí của mình, Lỗ công không thể dung được dũng của mình, giữ cho minh công được vô sự mà về, để ngày sau làm chủ thiên hạ. Thiết tưởng, Lỗ công sẽ không dám làm hại đâu” nên Lưu Bang vạn bất đắc dĩ phải tới. Lương lại hướng dẫn Bang cách ứng đáp trôi chảy các câu hỏi.

Luận bàn

Nếu theo chủ ý ban đầu của Lưu Bang thì ắt hẳn Lưu Bang sẽ không đi dự tiệc, càng trúng kế của Hạng Vũ, khi đó Hạng Vũ càng có lí do để tấn công Lưu Bang. Thật may cho Lưu Ban khi đã có quân sư tài giỏi Trương Lương phân tích phải trái và chuẩn bị sẵn các câu trả lời, ứng phó tình huống để Lưu Bang có phần thể hiện trôi chảy và thuận ý của Hạng Vũ, giúp Lưu Bang tránh được hoạ sát thân. Đây cũng chính là lí do mà các bậc quân vương đều cần có quân sư – hiền tài bên cạnh để hoạch định chiến lược, cố vấn cho quân vương kịp thời. Hiền tài là nguyên khí của quốc gia cũng là bởi như vậy.

2.   Trương Lương yết kiến thuyết phục Hạng Vũ cởi bỏ trụ giáp:

Việc tiếp đón của Lỗ công Hạng Vũ cũng khác hẳn các tiệc yến khác. Hạng Vũ cho dũng tướng Anh Bố với một toán binh mã giáo khiên sáng lóa, giáp sỹ hùng cường dẫn đường cho Bái công theo sau. Đến cửa viên, có Trần Bình ra đứng đón ở bên cạnh đường. Bái công vừa định bước vào thì thấy trong doanh uy vũ nghiêm trang, trống chiêng vang dậy làm cho Lưu Bang phải kinh sợ, mà dừng lại.

Thấy thế Trương Lương xin vào yết kiến Hạng Vũ trước, sau đó Lưu Bang hãy vào. Trương Lương vào trong, quả nhiên thấy Hạng Vũ mặc đủ giáp trụ, chống kiếm mà ngồi, thấy vậy Trương Lương đã dùng tài năng thuyết khách của mình để thuyết phục Hạng Vũ như sau:

“Tôi từng nghe, bậc minh vương cai trị thiên hạ, tỏ đức chứ không dương binh. Kẻ giỏi chế ngự ở đời, là ở đức chứ không ở hiểm. Cho nên buôn lớn thì giấu kỹ món hàng mà không để lộ, cự phú thì tích lũy của cái mà không xa xỉ, thế mạnh thì tỏ ra như yếu mà không hùng hổ, binh nhiều thì trú giấu đi mà không cho thấy, ấy mới là việc mà kẻ lão luyện nghĩ sâu, kiến thức cao xa làm vậy. Vừa rồi, thấy minh công thiết yến ở Hồng Môn, ước hội chư hầu, đúng là việc tốt đẹp một thời vậy. Tôi cứ nghĩ đến đây thì thấy tấu nhạc sênh ca, chủ khách mừng vui, mừng bách tính được yên bình, chúc bạo Tần đã trừ diệt, yến nhạc trọn ngày, thỏa say mới nghỉ. Chẳng ngờ lại thấy giáp sỹ vây quanh, giáo gươm san sát, chiêng trống vang rền, một bầu sát khí, đến nỗi khiến cho lòng người chẳng yên, ai nấy đều chỉ muốn tránh né đi. Huống chi minh công chín lần đánh bại Chương Hàm, chế phục thiên hạ, nào ai chẳng hay, nào ai chẳng sợ. Chẳng cần phải cậy mạnh mới tự mạnh, chẳng cần phải nói dũng mà tự dũng, lại cần chi phải khoa trương thanh thế mà mới khiến người thấy uy vũ ư? Hiện nay chư hầu ở ngoài, thấy minh công chẳng hề có lễ chủ khách, cho nên sợ hãi mà không dám vào. Tôi không tránh đao búa dám vào doanh tiến kiến thế này, mong minh công xét cho”.

Lỗ công nghe thấy nói có lý, liền cho dũng sỹ lui hết ra phía sau, cách doanh hơn một dặm, chiêng trống đều nghỉ bớt, cởi bỏ giáp trụ và bảo kiếm, đổi mặc quan phục, rồi mời các chư hầu vào doanh. Bọn Đinh Công dặn dò các tiểu hiệu, truyền lệnh không cho phép mang theo nhiều tùy tòng, chỉ cho phép đem 1 người văn thần hoặc võ tướng theo hầu, bằng lòng cho Bái công đem theo Trương Lương vào tấn kiến.

Luận bàn

Phạm Tăng quả là cao tay khi đã xác định được đối thủ cạnh tranh lợi hại nhất sau này của Hạng Vũ chính là Lưu Bang. 3 kế của Phạm Tăng quả là 3 vòng xử trảm Lưu Bang, 3 kế này sẽ áp dụng thành công nếu không có sự xuất hiện của Trương Lương. Đúng là cao nhân thì có cao nhân trị. 

Hạng Vũ rõ ràng không phải chuẩn bị yến tiệc mà là chuẩn bị pháp trường luận tội và thừa cơ xử trảm Lưu Bang, khiến cho “chân mệnh thiên tử” như Lưu Bang khi mới bước vào đã rùng mình mà không dám bước tiếp. Thế mà thật ngạc nhiên vì Trương Lương vẫn bình tĩnh và vào đối mặt với Hạng Vũ. Trương Lương là ai mà có khí chất đỉnh cao đến vậy?

Trương Lương chính là người đã tổ chức và trực tiếp tham gia vụ phục kính chặn đánh Tần Thủy Hoàng để báo thù cho Hàn vương (tức là chủ cũ của Trương Lương), chỉ tiếc là nhờ Chương Hàm cứu giá kịp thời mà Tần Thủy Hoàng bảo toàn tính mạng. Bản thân là mưu sĩ nhưng lại gan dạ, dũng cảm nơi sa trường đối mặt với đội quân mạnh nhất lúc bấy giờ, dám đối đầu với vị hoàng đế tàn bạo nhất lúc bấy giờ là Tần Thủy Hoàng thì hẳn nhiên bản lĩnh của Trương Lương vốn không phải hạng tầm thường. Chính bản lĩnh ấy, cùng với tài năng thương thuyết của Lương đã thay đổi hành động của Hạng Vũ.

 Thuyết pháp của Lương phải thuộc diện thượng thừa khi vừa nói ra định hướng của Hồng Môn Yến là hướng đến an dân, an quân, ăn mừng khi đã trừ diệt bạo Tần, ca ngợi công lao của ba quân tướng sĩ là một việc nên làm và nhất thiết phải làm; đồng thời ca ngợi uy danh của Hạng Vũ uy trấn thiên hạ, người người đều thán phục nên không cần phải làm việc dư thừa như mặc giáp trụ trong tiệc yến.

Mặt khác lại hướng Hạng Vũ đến việc muốn thu phục các chư hầu thì hãy thể hiện sự uy tín và nhân nghĩa của bản thân để thu phục thiên hạ, để các chư hầu khác nhìn vào mà theo về, không nên “bức dây động rừng”, không nên “tham bát bỏ mâm” vì 1 Lưu Bang mà bỏ lỡ cả thiên hạ. Hàm ý chỉ có vậy nhưng lại đánh động vào tinh thần trượng nghĩa, hào sảng của Hạng Vũ hướng Hạng Vũ vào cách cư xử như những bậc anh hùng đại trượng phu. Lại như nhắc nhở Hạng Vũ công việc thu phục các chư hầu cũng rất quan trọng, và việc tạo uy tín của Hạng Vũ cũng nên bắt đầu từ Hồng Môn Yến. Cho nên Hạng Vũ không có cách nào mà không bị thuyết phục cho được.

3.   Thực hiện kế thứ 1: Hạng Vũ luận tội Lưu Bang trước khi tiệc Hồng Môn Yến bắt đầu

Lỗ công Hạng Vũ luận tội Bái công Lưu Bang: “Túc hạ có 3 tội, có biết không? Túc hạ chiêu nạp hàng vương Tử Anh, rồi bèn thả ra, chỉ biết tự làm theo ý mình mà không biết đến vương mệnh, ấy là một tội; muốn mua chuộc lòng người, mà sửa đổi pháp luật nhà Tần, ấy là hai tội; sai tướng chặn giữ cửa quan, ngăn cản quân của chư hầu, ấy là ba tội. Có ba tội như thế làm sao lại không biết?”.

Bái công đáp: “Xin cho Lưu Bang được nói một câu để tỏ bày tâm ý. Phàm hàng vương Tử Anh một lòng quy hàng, nếu lại lập tức đem xử tử đi, thì ấy là mới chuyên quyền vậy. Bang đang tạm cho thuộc lại coi giữ, để đợi minh công xử trí, chứ không dám thả. Pháp luật nước Tần tàn bạo, bách tính đều như nằm trong vạc nấu, mong mỏi được cứu vớt, nếu không mau chóng sửa đổi thì luật ấy còn một ngày là dân chúng chịu khổ hại một ngày, Bang nóng lòng sửa đổi, chính là muốn tuyên dương ân đức của minh công, khiến cho bách tính chẳng ai không nói rằng: ‘quân tiền khu mở đường đến đây mà còn biết thương vỗ dân chúng như vậy, thì vương sư không biết còn yêu thương dân chúng thế nào nữa?’.

Còn như việc sai quân chặn cửa quan thì không phải là ngăn trở tướng quân mà là lo sợ dư đảng quân Tần lại đến đánh, nên chẳng thể không phòng bị vậy. Hôm nay, không ngờ lại gặp minh công ở đây, ấy là điều may mắn cho Bang này vậy. Nếu minh công nghĩ đến điều tốt đẹp trước nay mà rủ ban thương xót, thì ấy là độ lượng của kẻ làm chúa người, Bang há dám vờ rằng không biết ư?”

Hạng Vũ vốn là người tính khí cương cường, thích được nịnh nọt, nghe thấy những lời ấy bèn không truy cứu Lưu Bang nữa, mà cho đánh trống thổi tù, nổi nhạc trong quân để mời rượu.

Luận bàn

Kế luận tội của Phạm Tăng coi như đã thất bại vì Trương Lương đã lường trước mà nói Lưu Bang chuẩn bị sẵn nội dung ứng phó. Lời lẽ rạch ròi, chặt chẽ, mang tính thuyết phục, lại tỏ rõ sự phục tùng Hạng Vũ của Lưu Bang nên Hạng Vũ thuận tai. Đến đây chúng ta lại càng yêu mến tài năng tiên đoán, cũng như tài năng đàm phán, Thuyết khách đỉnh cao của Trương Lương. Nhờ đó mà đã cứu Lưu Bang vượt cửa tử đầu tiên tại Hồng Môn Yến.

4.   Thực hiện kế thứ 2 “sau khi Bái công vào tiệc, tôi sẽ giơ miếng ngọc quyết đeo bên mình lên để làm hiệu, gọi phục binh lập tức xô ra tiêu diệt đi, đó là trung kế vậy”

Phạm Tăng thấy kế thứ nhất không thành lại thấy Lỗ công không có ý muốn trừ khử Bái công nữa, Phạm Tăng bèn cầm miếng ngọc quyết đeo bên mình giơ lên ba lần liền nhưng Hạng Vũ không theo kế của Tăng nữa vì nghĩ rằng “Một người như Lưu Quý sao có thể làm nên đại sự được, nếu ta hạ thủ hắn thì sẽ khiến chư hầu cười chê ta vô năng”.

Luận bàn

Thế mới biết “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Mưu sự do Phạm Tăng chuẩn bị kỹ là thế, trước đó Hạng Vũ còn chuẩn tấu, thế mà đến khi tác nghiệp thì Hạng Vũ không muốn thực hiện nữa. Phạm Tăng dẫu có giơ ngọc quyết lên ba lần nhưng Hạng Vũ cũng chẳng để vào mắt nữa.

5.   Thực hiện kế thứ 3: “cho một người chuốc rượu, mời Bái công uống thật say, sau khi uống say tất thất lễ, minh công nhân đó sai hạ thủ đi, đó là hạ kế vậy”

Tăng đưa mắt ra hiệu, Trần Bình liền nâng bình rượu đi đến trước mặt Bái công mời, Trần Bình nhìn kỹ Bái công thấy mũi cao mặt rồng, có nghi biểu của bậc thiên tử nên nghĩ ngày sau Bái công nhất định sẽ đại quý nên có ý muốn cứu giúp. Vì thế Trần Bình rót rượu cho Hạng vũ thì nhiều, mà Lưu Bang thì ít. Bái công hiểu ý của Bình bèn không đến nỗi thất lễ.

Luận bàn

Trần Bình rõ ràng đã hành động theo ý riêng của mình mà trái quân mệnh. Qua đó cho thấy nhân sự bên phe Hạng Vũ chưa có sự đồng lòng, cũng như chưa thống nhất được kế hoạch tác chiến, kế hoạch hành động. Việc này đầu tiên phải kể đến chính Hạng Vũ là người không thực hiện theo kế hoạch đã nhất trí với Phạm Tăng trước đó, như câu nói “trên không thuận thì dưới ắt loạn”. Trần Bình rót rượu cho Hạng Vũ thì nhiều càng làm cho Hạng Vũ mau say và sao nhãng ván cờ hôm nay. Trần Bình rót rượu cho Lưu Bang thì ít nên Lưu Bang không dễ say, càng không dám thất lễ thì khiến Hạng Vũ càng không thể tìm kế để bắt tội Bang được. 

Lại khen cho Lưu Bang chỉnh chu về dung mạo lại cư xử chừng mực được lòng đối thủ nên vượt qua được đại nạn mà không hề hấn gì, lại được người người giúp đỡ. 

6.   Kế back-up bổ sung của Phạm Tăng: cho tráng sĩ Hạng Trang vào múa kiếm để tiện thủ tiêu Lưu Bang

Hạng Trang là nhân vật mới phát sinh ngoài kế hoạch ban đầu của Phạm Tăng, thú vui ngày xưa thường múa kiếm trong lúc thưởng rượu. Trương Lương thấy Hạng Trang trong khi múa kiếm có ý muốn hạ thủ Lưu Bang, bèn vội đưa mắt nhìn Hạng Bá. Hạng Bá hiểu ý Trương Lương nên xin được múa kiếm đôi với Hạng Trang, chính là muốn lấy thân mình ra mà che chắn cho Lưu Bang. Trương Lương thấy vậy bèn kiếm cớ ra ngoài để gọi Phàn Khoái xông vào “cứu Lưu Bang như Thân Khoái cứu Trang công, phất phát mà quên mình, dũng cảm chẳng tiếc mạng”.

Phàn Khoái lấy lí do đói khát xô ngã lính canh cửa, xông vào xin Hạng Vũ một bữa, được Hạng Vũ ban rượu và thịt, nhân tiện nói: “Nhà Tần lòng dạ hổ lang, hại người như chẳng thể hại hết được, hành hình người như sợ không dùng đủ hình phạt, thiên hạ đều chống lại. Vua Hoài Vương có giao ước với các tướng: “Ai phá được Tần, vào Hàm Dương thì phong vương”.

Ngày nay Bái Công là người đầu tiên phá được Tần, vào Hàm Dương, tơ hào không dám phạm, niêm phong các cung thất, đem quân về đóng ở Bá Thượng để chờ đại vương đến. Bái Công sai tướng giữ cửa ải là chỉ để đề phòng bọn trộm cướp ra vào và những việc bất trắc mà thôi. Bái Công khó nhọc mà công to như vậy, nhưng vẫn chưa được phong thưởng gì! Nay đại vương nghe lời bọn tiểu nhân, muốn giết kẻ có công, tức là noi theo đường lối nhà Tần đã mất! Tôi trộm nghĩ đại vương không nên làm như vậy. Hiện hai võ sỹ đang múa kiếm, ý là nhằm hại Bái công tôi, tôi chẳng tiếc mạng, mạo muội xông vào tiệc, một là vì đói khát mà đến, hai là vì Bái công mà bày tỏ ấm ức ấy, dẫu có phải chịu tội tử tôi cũng không dám từ vậy”.

Hạng Vũ khen Phàn Khoái và hạ lệnh không cho múa kiếm nữa, chẳng mấy chốc Hạng Vũ say lắm, Lưu Bang nhân cơ hội giả say đi vệ sinh để ra về với sự hỗ trợ của Trần Bình. Các tướng Phàn Khoái, Cận Hấp, Kỷ Tín, Hạ Hầu Anh cùng tùy tòng đến đón Bái công chạy về Bái Thượng.

Lại nói đến Trương Lương ở lại tiệc yến để tường trình cho Hạng Vũ nguôi giận, bèn thuyết phục Hạng Vũ nhận ngọc tỷ cùng đồ trân bảo từ chỗ Lưu Bang dâng lên để có danh chính ngôn thuận làm chủ Quan Trung từ tay nước Tần chứ chẳng nên dùng hạ sách thủ tiêu Lưu Bang tại bàn tiệc sẽ làm kinh động đến chư hầu cũng như làm đời sau chê cười. Sau đó Trương Lương lại thuyết phục Lưu Bang rằng

“Có được thiên hạ là ở đức chứ chẳng phải ở ấn báu. Nếu minh công lại bủn xỉn mà không cho thì tất gây ra việc đao binh, rốt cũng vẫn bị kẻ kia lấy được. Chi bằng nên lấy lòng Lỗ công, sáng sớm mai cho tôi đem đến dâng cho ông ta, ông ta thấy thế tất mừng, phàm mọi việc sẽ không so đo nữa, ta sẽ được ung dung mưu đồ đại sự. Ấy chính là bỏ nhỏ mà lấy lớn vậy”. Bái công cho là phải.

Luận bàn

Mặc dù là ván cờ sinh tử mà Hạng Vũ dành cho Lưu Bang nhưng thực chất là cuộc đối đầu của hai vị quân sư giỏi nhất thời Hán Sở diễn nghĩa lúc bấy giờ chính là Trương Lương và Phạm Tăng. Hai vị quân sư lão làng này đều rất giỏi trong việc đọc vị đối phương và đều có phương án tác chiến khôn ngoan. Trương Lương theo Lưu Bang vì muốn mượn tay Lưu Bang để diệt Tần báo thù cho chủ cũ.

Theo lẽ đó, Hạng Vũ lại càng không nghi ngại Trương Lương vì nghĩ rằng Lưu Bang không phải là chủ của Lương. Trương Lương là nhà hoạch định chiến lược tài năng khi đã thuyết phục được Lưu Bang thực hiện theo kế của mình hay nói cách khác là Lưu Bang hiểu được thế cục và dành niềm tin tưởng gần như hoàn toàn vào Trương Lương nên biết mình vào nơi nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân vào. Còn Phạm Tăng một lòng phục tùng Hạng Vũ nhưng lại không thể thuyết phục Hạng Vũ thực hiện theo sách lược của mình, bởi lẽ Hạng Vũ vô tình ở giữa hai luồng tư tưởng đối lập của hai thuyết khách là Phạm Tăng, và Trương Lương nên chẳng trách Hạng Vũ lưỡng lự muốn tấn công nhưng lại mềm lòng “thả hổ về rừng”. Hạng Vũ có Phạm Tăng tài giỏi kế bên hiến kế nhưng lại không tin dùng kế, thì cũng là bài học nhãn tiền cho Trương Lương vì đã là mưu sĩ mà “nói không được nghe, hiến kế mà không được dùng” thì hiền tài không dám quy phục về với Hạng Vũ.

Trương Lương ra sức khen ngợi tài năng võ thuật của Hạng Vũ danh trấn thiên hạ “sức có thể nâng được đỉnh, thế có thể bạt núi, thiên hạ chẳng ai địch nổi, chín lần thắng Chương Hàm, sức hơn mọi đệ tử, chư hầu các nước đều phủ phục mà gặp” rất hợp ý với Hạng Vũ, lại ra sức chê bai Lưu Bang việc gì cũng đợi Hạng Vũ, không dám chuyên quyền, không có chí hướng lớn lao gì càng làm cho Hạng Vũ hả hê và tin lời xu nịnh của Trương Lương. Một bậc quân vương mà không phân biệt được lời của hiền thần và lời xảo ngôn của địch thủ thì nguy lắm.

Điều đáng lưu ý ở đây là thuộc hạ thân cận của Hạng Vũ như Trần Bình, Hạng Bá lại mở đường, che chắn, bảo vệ cho Lưu Bang. Mọi nỗ lực của Phạm Tăng thành ra đơn độc, không đủ sức thay đổi cục diện của Lưu Bang – Hạng Vũ. Sau này quả nhiên Trần Bình phản Sở theo Hán, còn Hạng Bá cũng rời bỏ Hạng Vũ để thoát thân và đầu quân cho Lưu Bang khi thấy binh lực của Hạng Vũ suy yếu và bị Hán bao vây. Hạng Vũ đâu biết được trước khi tiệc Hồng Môn diễn ra thìchú của Hạng Vũ là Hạng Bá đang đêm chạy sang doanh trại của Lưu Bang để báo mật tin cứu Trương Lương để trả ân, lại được dịp được Lưu Bang sử dụng thuật đắc nhân tâm hứa hẹn làm thông gia với Hạng Bá. Nói cách khác là Lưu Bang đã “mua chuộc” Hạng Bá để làm nội ứng cho mình.

Cuộc gặp gỡ giữa Lưu Bang và Hạng Bá chính là do sự sắp đặt của Trương Lương để Lưu Bang có thêm phao cứu sinh cho mình, kế hứa hẹn làm thông gia cũng là do Trương Lương hiến kế cho Lưu Bang. Trương Lương bèn cầm vạt áo của Hạng Bá và vạt áo của Bái công Lưu Bang kết lại với nhau, rồi cầm kiếm cắt đôi ra cho mỗi người giữ một nửa, Hạng Bá chỉ còn cách vâng theo. Thật là một sự sắp xếp chu toàn.

Với khả năng xem tướng cùng tài chiêm tinh của Trương Lương và Hạng Bá theo mô tả trong tiểu thuyết, ắt Trương Lương vừa muốn bảo vệ cho Lưu Bang người được gọi là có tướng “chân mệnh thiên tử” của Trung Quốc, vừa muốn tạo đường lui cho Hạng Bá để lỡ sau này Lưu Bang có làm vua thật thì Hạng Bá dùng vật đính ước trên để kết thông gia với Lưu Bang mà tránh được họa sát thân, lại còn có ân cứu giá mà được ban bổng lộc. Cũng là vẹn tình nghĩa bạn bè giữa Trương Lương và Hạng Bá.

Lưu Bang có 1 quân sư giỏi giang và bản lĩnh thượng thừa như Trương Lương, lại có tham thừa hộ vệ vì nghĩa quên mình như Phàn Khoái, lại được Trần Bình, Hạng Bá cứu giúp nên an lành vượt qua ải quỷ môn.

Lưu Bang cũng thể hiện sự khôn ngoan khi dùng kế “của đi thay người” của Trương Lương nhượng lại ngọc tỷ của nhà Tần cho Hạng Vũ an tâm thu phục thiên hạ Trung Quốc, vì thế mà tránh được mối họa binh đao từ Hạng Vũ. 

Vì sao gọi Hồng Môn Yến là ván cờ sinh tử giữa Hạng Vũ và Lưu Bang? Vì đi chuyến này, Lưu Bang cảm nhận được nguy hiểm rình rập có thể mất mạng. Và quả thật Hạng Vũ đã cho trùng điệp quân sĩ áo trụ, khiên giáo để luận tội Lưu Bang, và đây cũng là cơ hội hiếm hoi để hạ thủ Lưu Bang nhưng rất tiếc Hạng Vũ đã làm vuột mất cơ hội ấy. Sau này cái giá Hạng Vũ phải trả là bị vây khốn và tử tiết tại trận Ô Giang trước tướng lĩnh của nhà Hán.

Jessica Thảo Nguyễn

Tham khảo: Hán Sở Diễn Nghĩa

Xem thêm:

5 bước đi khác biệt của Hàn Tín trong việc đào tạo quân đội nhà Hán

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Tiktok Jessica Thảo Nguyễn

Fanpage Jessica Thảo Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang