Hồ Quý Ly bậc thầy cải cách đất nước

Hồ Quý Ly bậc thầy cải cách đất nước

Kính thưa Quý vị, Trong lịch sử Việt Nam có 1 vị vua nổi tiếng với tài năng cải cách đất nước, nổi bật với việc cho lưu hành tiền giấy (vào những năm 1396) thay cho tiền đồng, mở mang thêm 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, lập ra nước Đại Ngu (có nghĩa là sự yên vui, hòa bình). 

Tuy thời gian ông làm vua chỉ có 1 năm, 6 năm còn lại làm Thái Thượng Hoàng nhưng những đóng góp của ông cho nền kinh tế nước nhà không phải nhỏ. Vị vua đó chính là Hồ Quý Ly, ông  cho rằng ông là hậu duệ của Vua Ngu Thuấn. 

Hồ Quý Ly là bậc thầy cải cách đất nước
Hồ Quý Ly là bậc thầy cải cách đất nước

Công cuộc thoán-đoạt của ông, cụ thể là việc phế truất cháu ngoại là vua Trần Thiếu Đế để Hồ Quý Ly lên đăng cơ hoàng đế đã không nhận được sự ủng hộ của người dân, dẫn đến thất bại trước cuộc xâm lược của giặc Minh, Trung Quốc. 

Sau này Lê Lợi phải mất 10 năm sau mới đánh đuổi được giặc Tàu ra khỏi nước ta. Tuy nhiên những cải cách của Hồ Quý Ly cho nước nhà luôn là những bài học giá trị cho hậu thế trong việc cải cách đất nước.

Xin mời Quý vị cùng theo dõi chi tiết những cải cách trên.

Xem Thêm:

14 danh nhân, anh hùng dân tộc Việt Nam

Chu Văn An | phong cách dạy học, chân dung “vạn thế sư biểu”

20 câu nói tinh hoa của Gia Cát Lượng

Theo Việt Nam Sử Lược ghi lại những cải cách của Hồ Quý Ly khi còn làm phụ – chính thái sư của vua Trần Thuận Tông:

1.    Về Tài Chính

Quý Ly đặt ra một cách làm tiền giấy để thu tiến của dân: Tờ giấy ăn 10 đồng thì vẽ cây rêu bể; ăn 30 đồng thì vẽ cái sóng; ăn một một tiền thì vẽ đám mây; hai tiền thì vẽ con rùa; ba tiền thì vẽ con lân; năm tiền thì vẽ con phượng; một quan thì vẽ con rồng. Hễ ai làm giấy giả thì phải tội chém. Khi đã có dấu đóng rồi thì phát ra bắt dân phải tiêu, còn bao nhiêu tiền đồng thì thu nộp nhà vua; ai mà giấu giếm thì phải tội như là tội làm giấy giả vậy.

Việc ruộng đất thì khi trước những nhà tôn thất cứ sai đầy tớ ra chỗ đất bồi ở ngoài bể, đắp đê để một vài năm cho hết nước mặn, rồi khai khẩn ruộng, để làm tư trang. Nay, Quý Ly lập lệ rằng trừ những bậc đại vương, công chúa ra thì những thứ dân không được có hơn 10 mẫu, ai có thừa thì phải đưa nộp quan, và ai có tội thì được phép lấy ruộng mà chuộc tội.

Luận bàn: Sử cũ chép: mùa hạ, tháng 4 năm Bính Tý, niên hiệu Quang Thái năm thứ 9 (1396) (khi đó Hồ Quý Ly chưa cướp ngôi nhà Trần, tuy nhiên các vấn đề lớn nhỏ đều do Hồ Quý Ly quyết định) bắt đầu phát hành tiền giấy “Thông bảo hội sao”. In xong, hạ lệnh cho người đem tiền đến đổi, cứ 1 quan tiền đồng đổi lấy tiền giấy 1 quan 2 tiền.

Với chính sách phát hành và sử dụng tiền giấy, loại bỏ tiền kim loại triệt để trong giao thương có thể nói là Hồ Quý Ly đã đi trước thời đại. Trước đó mặc dù tiền giấy đã có mặt ở một số nước trên thế giới nhưng chỉ được sử dụng trong 1 bộ phận rất nhỏ, còn tiền kim loại vẫn đóng vai trò chính trong giao dịch. Cứ 1 quan tiền đồng thì được đổi lấy 1 quan 2 tiền giấy, như vậy người dân rõ ràng có lợi khi đổi tiền cũ lấy tiền mới.

Ở Trung Quốc vua Đường Cao Tông (650–683) phát hành tiền giấy lần đầu tiên, được công nhận là tiền tệ trong thế kỷ thứ 10. Vào khoảng năm 1300 tiền giấy cũng được ban hành ở Nhật Bản, Ba Tư và Ấn Độ. Năm 1023, triều đình Bắc Tống đã chiếm lấy quyền phát hành tiền giấy, lập Giao Tử Vụ tại Ích Châu, đến năm 1024 phát hành “Quan Giao Tử” từ 1 đến 10 quan. Năm 1033 Giao Tử cải lại làm hai loại: 5 quan và 10 quan. Năm 1068, Giao Tử lại cải thành hai loại: 1 quan và 500 đồng. Rồi ngày càng phát triển rộng ra. Năm 1069, lập Giao Tử vụ tại Lộ Châu, phát hành Giao Tử tại lộ Hà Đông. Năm 1071, phát hành Giao tử tại Thiểm Tây. Rồi Giao tử cải thành “Tiền dẫn”, thành “Hội tử”, thành “Giao sao”….

Tuy nhiên tiền giấy này thực chất mới chỉ là các “ngân phiếu”, nó không thay thế hoàn toàn cho tiền kim loại trong đời sống thường nhật. Nó cũng chỉ lưu hành trong một tầng lớp thương nhân và quý tộc giàu có bởi mệnh giá của nó rất lớn. Để trở thành một đồng tiền hoàn chỉnh như ngày nay thì còn có một khoảng cách rất dài. Tiếc rằng tiền giấy Trung Quốc đã không có nhiều cơ hội tiếp tục phát triển do những hạn chế về chính trị. Năm 1455, triều đại nhà Minh đã ban hành nhiều biện pháp hạn chế tiền giấy đồng thời đóng cửa nhiều trung tâm tài chính lúc đó.

Chính sách tiền giấy giúp tiết kiệm kim loại, và giúp cho giao dịch được thuận tiện, tuy nhiên để đạt được hiệu quả cần có cơ chế điều hành của hệ thống tài chính ngân hàng, những tiền đề kinh tế cần thiết để kiểm soát lạm phát, cũng như các cơ chế chống tiền giả để tạo uy tín cho người dân. Hồ Quý Ly ban hành chính sách sử dụng tiền giấy năm 1396 nhưng vào thời điểm lúc đó chưa nhận được sự ủng hộ của người dân, vào lúc đó chính sách tiền giấy chưa được đánh giá hiệu quả, các giao dịch hàng đổi hàng vẫn được diễn ra để mang đến sự an tâm cho người dân lúc đó. Năm 1429 khi Lê Lợi lên ngôi vua, thì cho lưu hành lại tiền kim loại trở lại.

Chính sách: “ai có tội thì được phép lấy ruộng để chuộc” của Hồ Quý Ly là một sáng kiến mang tính nhân văn giúp giảm các hình phạt hà khắc về thể xác cho người dân nói chung. Với chính sách này thì giới quý tộc giàu có rõ ràng có lợi thế hơn người dân thường, chính sách này có mặt tích cực khác nữa là giúp khuyến khích người dân có sự chạy đua về kinh tế. Do không có nhiều thông tin chi tiết nói về từng mức phạt đối với từng loại tội nên chúng ta không thể phân tích sâu hơn.

2.    Việc học hành

Chính Hồ Quý Ly đã dịch thiên Vô Dật ra chữ Nôm để dạy vua.

Từ trước thì phép thi không có định văn thể; bấy giờ định lại làm tứ trường văn thể và bỏ thi ám tả, nhất trường làm bài kinh nghĩa (có các đoạn phá đề, tiếp ngữ, tiểu giảng, nguyên đề, đại giảng, kết luận, từ 500 chữ trở lên); nhị trường làm bài thi phú; tam trường làm bài chiếu, chế, biểu (cũng từ 500 chữ trở lên); tứ trường làm bài văn sách (từ 1000 chữ trở lên). Còn như kỳ thi, thì năm trước thi Hương, năm sau thi Hội, ai đã trúng Hội thì vào thi một bài văn sách nữa để định cao thấp. Những quan làm giáo chức ở các lộ, phủ, châu thì được cấp ruộng: như ở các lộ thì có quan đốc – học; ở phủ và châu lớn thì quan giáo thụ được ruộng 15 mẫu, ở phủ và châu vừa được 12 mẫu, ở phủ và châu nhỏ thì được 10 mẫu. 

Sau khi Hồ Quý Ly lên ngôi hoàng đế thì việc học hành thi cử đều sửa sang lại, lấy toán học đặt thêm ra một trường nữa, nghĩa là trong những khoa thi, có đặt thêm ra một kỳ thi toán pháp. Còn những cách thi, thì những người đã đỗ Hương thi, sang năm sau phải vào bộ Lễ thi lại, ai đỗ thì mới được tuyển bổ, rồi qua năm sau nữa thì lại thi Hội, bấy giờ có đỗ, thì mới được là thái học sinh. 

Nhà Hồ lại sửa hình luật, và đặt ra y tu để coi việc thuốc thang.

Luận bàn

Chữ Nôm là bộ chữ gồm các chữ Hán để viết từ Hán-Việt và các chữ mới được tạo ra để viết từ vựng được gọi là từ thuần Việt. Theo ý này, chữ Hán là một tập hợp con của chữ Nôm. Ngoài ra, Chữ Nôm là bộ chữ riêng viết những từ vựng được gọi là từ thuần Việt mà trong bộ chữ Hán chưa có chữ để biểu đạt. Mặc dù chữ Nôm (còn gọi là chữ Quốc Âm, Quốc Ngữ) ra đời từ thế kỷ thứ 10, nhưng việc Hồ Quý Ly đưa vào việc dạy học cho vua và có khuynh hướng sử dụng trong văn thư hành chính cho thấy Quý Ly đã có tinh thần thượng tôn dân tộc Việt rất cao. 

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì tháng 11/1396 Quý Ly làm sách Thi Nghĩa (tức là Kinh Thi) bằng quốc âm cùng bài tựa, sai nữ sư dạy hậu phi và cung nhân học tập, bài tựa phần nhiều theo ý mình, không theo tập truyện của Chu Tử. Cho thấy, Quý Ly đang có nhiều cố gắng để lan truyền chữ Nôm trong nước.

Việc quy định thể lệ thi đối với từng cấp giúp việc học hành, thi cử được rõ ràng, dễ hiểu và có sự tập trung hơn. Việc cấp ruộng đất cho các quan làm giáo chức thể hiện sự trọng dụng của Hồ Quý Ly đối với ngành giáo dục. 

Sự khác biệt nhất của Hồ Quý Ly trong việc cải cách giáo dục đó là sự bổ sung môn toán vào việc học hành thi cử, điều này đóng vai trò quan trọng kích thích khả năng toán học của người dân để nâng cao dân trí, cũng như phát triển kinh tế. Giúp người học phát triển toàn diện cả về khả năng ứng đối, khả năng văn học lẫn khả năng toán học. 

Ngoài ra, Quý Ly đại biểu và thúc đẩy tư duy phản biện khi đưa ra quan điểm riêng cho rằng sách Luận Ngữ có 4 chữ ngờ và làm sách Minh Đạo 14.  Đây là quan điểm rất mới lạ nhất là trong xã hội phong kiến ngày xưa, người ta thường có xu hướng học răm rắp theo những người nổi tiếng, những danh nhân mà thiếu sự sàng lọc cũng như phản biện. Để thể hiện sự đồng tình với tư duy phản biện của Hồ Quý Ly, chúng tôi xin chia sẻ lời dạy của Đức Phật như sau:

“Các con đừng vội tin tưởng vào bất cứ điều gì, cho dù những điều ấy đã được chép trong kinh điển. Cũng đừng vội tin tưởng vào bất kỳ điều gì, cho dù điều ấy được nói ra từ những đạo sư danh tiếng. Với tất cả những điều được người khác rao giảng, các con phải dùng tâm mình.chánh kiến của mình để quán chiếu, tìm hiểu và phê phán, rồi ứng dụng nó vào đời sống hằng ngày, xem nó có giúp mình thoát khỏi khổ đau được không. Nếu được thì hãy tin.”

Bên cạnh đó, Việc quan tâm đến phát triển ngành y thông qua việc đặt ra y ty để coi việc thuốc thang, cho thấy Hồ Quý Ly coi trọng việc phát triển y tế, bên cạnh giáo dục, đều rất quan trọng và cần thiết cho người dân.

3.    Việc cai trị

Ở trong triều thì Quý Ly định lại phẩm phục của các quan; nhất phẩm mặc áo sắc tía; nhị phẩm sắc đỏ; tam phẩm sắc hồng; tứ phẩm sắc lục; ngũ, lục, thất phẩm sắc biếc; bát, cửu phẩm sắc xanh; vô phẩm và hoằng nô sắc trắng.

Ở ngoài thì cải các lộ làm trấn, và đặt thêm quan chức ở lộ, phủ,… Thanh Hóa đổi ra Thanh Đô trấn; Quốc Oai là Quảng Oai trấn; Đà Giang Lộ là Thiên Hưng trấn; Diễn Châu lộ là Vọng Giang trấn; Lạng Sơn phủ là Lạng Sơn trấn; Tân Bình Phủ là Tây Bình Trấn. Và bỏ các ty xã, chỉ để quản giáp như cũ mà thôi.

Ở các lộ, phủ, châu, huyện thì đặt lại quan chức. Lộ thì đặt chánh phó an phủ sứ; phủ thì đặt chánh phó trấn phủ sứ; châu thì đặt thông phán, thiêm phán, huyện thì đặt lĩnh úy, chủ bạ. Lộ coi phủ, phủ coi châu, châu coi huyện. Lộ nào cũng phải có một tập sổ sách về những việc đinh, điền, kiện tụng, đến cuối năm thì đệ về kinh để kê cứu.

Quý Ly lại phân nước ra từng hạt một, đặt chức đô đốc, đô hộ, đô thống, tổng quản, thái thú, để phong cho những người vây cánh của mình.

Luận bàn

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư “các quy chế về tiền giấy và mũ áo trên này đều là theo lời của thiếu bảo Vương Nhữ Chu cả”. Quy định về việc lưu trữ thông tin để cuối năm về kinh để kê cứu cũng giống như hình thức kiểm soát và quyết toán nhằm hạn chế sai sót trong quá trình vận hành.

4.    Việc Võ Bị

Sau khi Hồ Quý Ly lên ngôi hoàng đế: Việt Nam Sử Lược ghi nhận Nhà Hồ không làm vua được bao lâu nhưng mà công việc sửa sang cũng nhiều. Trước hết Hồ Quý Ly chỉnh đốn việc võ bị: bề ngoài tuy lấy lễ mà đối đãi với nhà Minh, nhưng vẫn biết nhà Minh có ý muốn dòm đất An Nam, cho nên thường cứ hỏi các quan rằng: 

“Ta làm thế nào cho có 100 vạn quân để đánh giặc Bắc”. Bèn lập ra hộ tịch bắt người trong nước cứ hai tuổi trở lên thì phải biên vào sổ, ai mà ẩn lậu thì phải phạt. Đến lúc hộ tịch làm xong rồi, số người từ 15 tuổi đến 60 tuổi hơn gấp mấy phần lúc trước. Từ đó số quân lại thêm ra được nhiều.

Còn như thủy binh để giữ mặt sông, mặt bể thì Quý Ly bắt làm những thuyền lớn ở trên có sàn đi, ở dưới thì để cho người chèo chống, thật tiện cho sự chiến đấu.

Quý Ly lại đặt ra bốn kho để chứa đồ quân khí và bắt những người xảo nghệ vào làm những đồ khí giới. Ở các cửa bể và những chỗ hiểm yếu ở trong sông lớn đều bắt lấy gỗ đóng cọc để ngự bị quân giặc.

Việc quân chế thì nam bắc phân ra làm 12 vệ, đông tây phân ra làm 8 vệ. Mỗi vệ có 18 đội, mỗi đội có 18 người. Đại quân thì có 30 đội, trung quân thì có 20 đội. Mỗi doanh có 15 đội, mỗi đoàn có 10 đội. Còn những cấm vệ, thì chỉ có 5 đội, có một người đại tướng thống lĩnh cả.

Luận bàn

Hồ Quý Ly vốn đã nhìn thấy rõ dã tâm của nhà Minh (Trung Quốc) nên ngày đêm bàn bạc với các quan để tăng cường sức mạnh quân sự cho nước ta. Có thể nói rằng đây là cái tâm của người lãnh đạo đất nước. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng ấy được thể hiện qua hành động cụ thể trong việc kiểm soát dân số, gia tăng quân số; chuẩn bị các phương tiện tàu thuyền lớn, đồ khí giới, đồ quân khí, cho người trông nom các cửa bể, lại còn đóng cọc theo Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo ngày xưa.

Việc quân chế cũng được quy định quy củ rõ ràng. Cho thấy Hồ Quý Ly có tầm nhìn chiến lược, chỉ tiếc rằng việc Hồ Quý Ly thay ngôi vua của cháu ngoại họ Trần không thuận lòng người nên không hợp được sức mạnh của quần chúng, lòng dân sau này dễ bị chia cắt bởi kế ly gián của nhà Minh TQ nên dẫu Hồ Quý Ly có quân đội hùng mạnh nhưng cũng không thể chống chọi lâu dài. Thế mới biết lời dạy của Trần Hưng Đạo thật đáng quý “phải biết khoan sức dân làm kế sâu rễ bền gốc” hay như câu “lật thuyền mới biết dân như nước”.

Nói đến việc không thuận lòng người, sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép “tháng 2 ngày 28, Lê Quý Ly ép vua nhường ngôi và bắt người tôn thất và các quan ba lần dâng biểu khuyến tiến, giả cách cố từ chối nói: “Ta sắp chết đến nơi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế dưới đất nữa”. Rồi thì tự lập làm đế, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, quốc hiệu là Đại Ngu, đổi lại họ làm họ Hồ. Việc đổi ngôi này tương tự như Tào Phi từng làm với Hán Hiến Đế, Hán Hiến Đế ba lần dâng biểu và ngọc tỷ để tỏ lòng tự nguyện nhường ngôi cho Ngụy vương Tào Phi.

Thành nhà Hồ (chu vi trên 3,5 km, rộng khoảng 150 hécta được xây dựng chỉ vỏn vẹn trong vòng 3 tháng) xây dựng ở vị trí đặc biệt hiểm yếu, nằm giữa hai con sông lớn là sông Mã và sông Bưởi, vây quanh là hệ thống núi non hiểm trở: Đốn Sơn, Yên Tôn, Hắc Khuyển, Xuân Đài, Trác Phong, Tiến Sĩ, Kim Ngọ, Ngưu Ngọa, Voi. Có lẽ Hồ Quý Ly cũng nhận ra rằng lòng dân – nhất là ở Thăng Long, không ủng hộ việc Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần nên đã lui về Tây Đô. Ngoài ra, việc dời đô còn nằm trong chiến lược phòng thủ đối với nhà Minh.

5.    Việc Sưu Thuế

Những thuyền đi buôn bán đều phải chịu thuế cả. Những thuyền hạng nhất mỗi chiếc phải 5 quan, hạng nhì 4 quan, hạng ba 3 quan. 

Thuế điền thì ngày trước nhà Trần đánh thuế ruộng tư mỗi mẫu 3 thăng thóc, ruộng dâu mỗi mẫu hoặc 9 quan, hoặc 7 quan. Thuế đinh thì mỗi người phải đóng 3 quan. Nay nhà Hồ định lại: ruộng tư điền thì phải đóng 5 thăng; còn ruộng dâu thì chia ra làm 3 hạng: hạng nhất 5 quan, hạng nhìn 4 quan, hạng ba 3 quan. Thuế đinh thì lấy ruộng làm ngạch: ai có 2 mẫu 6 sào trở lên thì phải đóng 3 quan, ai có kém số ấy thì được giảm bớt, ai không có ruộng, và những người cô nhi quả phụ thì được tha thuế.

Luận bàn

Cứ theo chính sách đánh thuế như trên thì thấy nhà Hồ tăng thuế đối với ruộng tư điền, mà sở hữu ruộng tư điền nhiều thì đa phần là thuộc về tầng lớp quan lại, hoàng thân, quốc thích. Đồng thời giảm mạnh (từ 44.4%-67%) đối với ruộng dâu, mà ruộng dâu thì đa phần thuộc về người dân. Những người càng ít ruộng thì đóng thuế càng ít theo tỉ lệ, đặc biệt miễn thuế đối với những người cô nhi quả phụ. Có thể thấy đây là chính sách rất nhân văn và giúp giảm khoảng cách giàu nghèo, cũng như có thêm sự hỗ trợ cho người dân bằng cách giảm thuế.

6.    Việc Giao Thiệp với Chiêm Thành

Năm Nhâm Ngọc (1402) tướng nhà Hồ là Đỗ Mãn đem quân sang đánh Chiêm Thành. Vua nước ấy là Ba Đích Lại sai cậu là Bồ Điền sang dâng đất Chiêm Động (phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) để xin bãi binh. Quý Ly lại bắt phải dâng đất Cổ Lụy (ngày nay là các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, và thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) rồi phân đất ra làm châu Thăng, châu Hoa, châu Tư, châu Nghĩa, và đặt quan an phủ sứ để cai trị bốn châu ấy. Lại bắt những dân có của mà không có ruộng ở các lộ khác đem vợ con vào để khai khẩn đất những châu ấy, bởi vì khi vua Chiêm nhường đất Chiêm Động và Cổ Lụy, người Chiêm đều bỏ đất mà đi cả.

Luận bàn

Năm 1402 là thời điểm tốt để Hồ Quý Ly đã giúp nước ta mở rộng thêm lãnh thổ xuống phía Nam, lại tạo cơ hội cho những người không có ruộng đến khai khẩn. Nếu chỉ dừng lại ở việc diễu vũ dương oai mà mở mang thêm được ruộng đất cho dân ta khai khẩn như trên mà không tiến hành chinh chiến Chiêm Thành trong những năm tiếp theo thì đã tránh được những tổn thất cho quân ta. 

7.    Việc giao thiệp với nhà Minh

Khi Hồ Hán Thương (con trai Hồ Quý Ly) mới lên ngôi, thì cho sứ sang nhà Minh nói dối rằng: vì chưng dòng dõi nhà Trần không còn người nào nữa, cho nên cháu ngoại lên thay để quyền lý việc nước. Đến khi vua Thái Tổ nhà Minh mất, hoàng thái tôn lên ngôi tức là vua Huệ Đế quyền to thế mạnh, có ý tranh ngôi của cháu, Yên Vương bèn khởi binh đánh lấy Kim Lăng rồi lên làm vua, tức là vua Thành Tổ đóng đô ở Yên Kinh (Bắc Kinh).

Khi Thành Tổ dẹp xong dư đảng nhà Nguyên ở phía Bắc rồi, có ý muốn sang lấy nước An Nam, cho nên nhân khi Hồ Hán Thương sai sứ sang xin phong, vua Thành Tổ sai quan là Dương Bột sang xem hư thực thế nào. Hồ Quý Ly bèn bắt những quan viên phụ lão làm tờ khai nói y như lời sứ An Nam đã sang nói. Vì thề cho nên Thành Tổ không có cớ gì mà từ chối, phải phong cho Hồ Hán Thương làm An Nam Quốc Vương.

Luận bàn

Đến đây chúng ta thấy sự sắp xếp của Hồ Quý Ly rất chu toàn, vì sao Hồ Hán Thương phải xin sắc phong làm An Nam quốc Vương từ nhà Minh? Đây là chính sách ngoại giao thời xưa để tránh không cho nhà Minh tìm lí do sang xâm chiếm nước ta, nhằm giúp nước ta tránh khỏi nạn binh đao của kẻ thù, chứ chẳng phải báu gì tước vị do giặc Tàu ban cả.

Xét thấy vua Thành Tổ (còn gọi là Vĩnh Lạc đế) nhà Minh là người đã khởi binh để tiêu diệt và giành ngôi vua của cháu trai là vua Huệ Đế, sự này cũng chẳng khác Hồ Quý Ly là mấy, chỉ có điều Hồ Quý Ly không tiến hành khởi binh như Vĩnh Lạc đế để tránh nạn binh đao cho dân chúng.

Theo Việt Nam Sử Lược, đến năm Giáp Thân (1404) có Trần Khang ở mạn Lão Qua đi đường Vân Nam sang Yên Kinh, đổi tên là Trần Thiêm Bình xưng là con vua Nghệ Tông rồi kể rõ sự tình Hồ Quý Ly tiếm nghịch, và kêu van với vua nhà Minh xin cho đem binh sang đánh báo thù. Vua Thành Tổ nhà Minh sai quan Ngự sử Lý Ỷ sang xét việc ấy. Từ đấy nhà Minh mượn tiếng đánh Hồ để lấy An Nam.

Luận bàn

Vĩnh Lạc đế lấy lí do đánh Hồ Quý Ly vì cho rằng Hồ Quý Ly làm điều tiếm nghịch, trong khi chính Vĩnh Lạc đế cũng làm điều tương tự. Theo tác giả Trần Trọng Kim của Việt Nam Sử Lược: “nhà Minh không phải có yêu gì nhà Trần mà sang đánh nhà Hồ, chẳng qua là nhân lấy cái cớ nhà Trần mất ngôi mà đem binh sang lấy nước Nam. Tại là cái nghĩa dân với nước ta không có mấy người hiểu rõ.

Cứ nghĩ rằng Nhà nào làm vua, cho cả nước là của riêng của nhà ấy; hễ ai lấy mất thì đi tìm cách lấy lại, lấy không được thì nhờ người khác lấy lại cho, chứ không nghĩ đến cái lợi chung trước cái lợi riêng, cái quyền nước trước cái quyền nhà, thế cho nên mình cứ dại mãi mà vẫn không biết là dại”.

Tổng kết

Nhìn chung về công cuộc cải cách đất nước của Hồ Quý Ly, chúng ta thấy được nỗ lực của ông trong việc cải cách và nâng cao chất lượng của ngành giáo dục, y tế, quân sự, ngoại giao, bộ máy hành chính, tài chính. Ngành giáo dục thì đưa chữ Nôm vào dịch thuật, giảng dạy cho vua và các quan thể hiện tinh thần thượng tôn dân tộc; đưa ra các quan điểm mới lạ, tư duy phản biện cho ngành giáo dục; đưa toán học vào thi cử.

Về y tế thì đặt ra các y ty để theo dõi việc thuốc thang. Về bộ máy hành chính thì quy định lưu trữ sổ sách, thông tin để hạn chế sai sót, cũng như giảm tình trạng quan sai. Về Quân sự thì tăng cường quân lực, khí giới, tàu thuyền, bày binh bố trận. Ngoại giao thì thu về được một số khu đất thuộc tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi từ Chiêm Thành. Duy trì chính sách mềm mỏng với nhà Minh Trung Quốc. Về Tài chính thì phát hành tiền giấy, giúp tiết kiệm kim loại, để ưu tiên sử dụng kim loại cho việc sản xuất khí giới bảo vệ đất nước.

Về Thuế thì tăng thu đối với tầng lớp nhà giàu có nhiều ruộng tư điền, giảm thuế đối với đất ruộng dâu cho dân, miễn thuế cho 1 số trường họp khó khăn. Cho phép dùng ruộng để giảm nhẹ hình phạt cho tội nhân.

Với những đóng góp như trên cho nước nhà, Hồ Quý Ly đã giúp rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng sống cho đại đa số người dân, xứng đáng được gọi là bậc thầy về cải cách đất nước, nói theo cách của tác giả Trần Trọng Kim thì “Hồ Quý Ly không phải là người tầm thường, ông ấy là người có tài kinh tế”.

Tham khảo: Việt Nam Sử Lược và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

Jessica Thảo Nguyễn

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Tiktok Jessica Thảo Nguyễn

Fanpage Jessica Thảo Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang