Hàn Tín được cho là vị nguyên soái giỏi nhất trong thời Hán Sở. Vì xuất thân hàn vi nên con đường công danh của Hàn Tín cũng gập nhiều trắc trở.
Sau khi Hàn Tín được Trương Lương phát hiện tài năng và được Trương Lương thuyết phục bỏ Sở theo Hán, đồng thời Trương Lương còn đưa Thư Tiến Cử cho Hàn Tín để Hàn Tín đưa cho Lưu Bang phong Hàn Tín làm Nguyên Soái phá Sở.
Thế nhưng Hàn Tín nghĩ rằng “nếu ta đến tướng phủ gặp Tiêu Hà, đem lá thư của Trương Lương trình lên thì họ sẽ dựa vào sự tiến cử của Trương Lương, chứ chẳng thấy được hoài bão trong lòng ta.
Vậy ta hãy tạm giấu bức thư đi đã, trước hết vào gặp Đằng công, rồi sau sẽ gặp Tiêu Hà, đem hết sở học thường ngày của ta mà thể hiện cho người thấy, khiến người ta biết rõ tài mình, chứ bất tất phải tâu lên Hán vương.
Sau đó ta mới trình bức thư này lên, để người biết rằng ta chẳng phải chỉ là chăm chăm nhờ người mà thành sự vậy. Cổ nhân từng nói, khó tiến dễ lui, nếu tiến mà dễ dàng, thì rốt chẳng được dùng vào việc lớn. Tất là nên ban đầu thực khó, để kẻ sau không dám coi thường mình”. Do vậy Hàn Tín viết rõ họ tên quê quán để đến Chiêu Văn Quán bắt đầu tham gia vòng phỏng vấn gắt gao của nhà Hán. Đồng thời đây cũng là dịp để Hàn Tín thi triển tài năng, thể hiện rõ quan điểm của mình về Đạo Làm Tướng.
Xin mời Quý vị cùng theo dõi.
Rất mong chương trình sẽ mang đến cho Quý vị nhiều bài học giá trị.
1. Hàn Tín dấu Thư Tiến Cử của Trương Lương, tham gia vòng phỏng vấn với Đằng công Hạ Hầu Anh
Hàn Tín đến Chiêu Văn Quán, sau vài câu nói giao lưu xã giao với Đằng Công Hạ Hầu Anh, Tín nói ra nguyện vọng ứng tuyển của mình làm cho Đằng Công giật mình xuống thềm đưa tay dắt Hàn Tín lên sảnh và cúi đầu vái chào. Vị trí ứng tuyển của Hàn Tín được Tín mô tả như sau:
“Tài kiêm văn võ, học suốt trời người, ra tướng võ vào tướng văn, ngồi trấn Trung Nguyên, giữ an Hoa Hạ, bách chiến bách thắng, lấy thiên hạ dễ như trở bàn tay, đáng làm nguyên soái Phá Sở”. Đó chính là môn trong 13 vị trí tuyển dụng của Chiêu Văn Quán chưa nói tới. Tín lại nói tiếp: “Nếu như ngài muốn hỏi, Tín xin lấy cái đó mà nói để minh công hay, đó chính là việc Tín giỏi làm vậy”.
Sau khi Đằng công dùng vài lời khách khí để hỏi kế sách phá Sở, Hàn Tín nói:
“Những kẻ làm tướng ở đời, chỉ biết binh pháp mà không giỏi dùng thì dẫu thuộc lòng Tôn, Ngô, ngày nói thao lược, cũng chẳng có gì đáng kể vậy. Mà tất phải là hiểu binh pháp mà giỏi dùng, thì sau đó mới có thể làm lương tướng được. Xưa, nước Tống có bài thuốc chống nẻ tay, giữa tiết đông đại hàn mà tay không cóng nẻ.
Có một nhà nọ, mấy đời ở bên sông, sống bằng nghề giặt vải, dù ngày đông tháng giá, tay cũng không hề cóng nẻ, nhờ thế mà làm ăn thịnh vượng, nhưng không truyền bí quyết cho người ngoài. Gặp khi có hai vị khách đi qua, xin đưa 100 lạng bạc mà mua lấy bí phương ấy. Người nhà bàn bạc với nhau rằng, trọn ngày giặt giũ, chẳng qua cũng chỉ đủ được ăn no mặc ấm, chứ làm sao tích luỹ được nhiều bạc mà nuôi gia đình như thế? Chi bằng đem bí quyết ấy truyền cho hai vị khách biết.
Sau, hai người khách mua được bí quyết ấy rồi, đến nước Ngô, gặp đúng khi Việt vương đem quân đánh Ngô, thời tiết lạnh giá, quân Ngô bị rét không thể cử binh được, hai người khách ấy bèn hiến kế dùng thuốc nẻ cho quân sỹ bôi tay chân. Quân Ngô liền không sợ cóng giá nữa, đánh một trận thắng quân Việt, mà thành đại công.
Ngô vương mừng lắm, trọng thưởng cho hai người khách. Đều chỉ là một bài thuốc chống nẻ mà người nước Tống chỉ dùng vào việc giặt vải, còn hai người khách đem dùng thì đủ để phá giặc vậy. Tức cũng như cái đạo làm tướng, chẳng phải đọc binh thư mà còn phải giỏi dùng binh pháp vậy”.
Đằng công nói: “Hiền sỹ có đại tài như vậy mà ở Sở lại không được dùng vào việc lớn, là cớ làm sao?”. Tín nói: “Xưa, Bách Lý Hề ở nước Ngu không được dùng cho nên nước Ngu mất, ở nước Tần được dùng nên nước Tần thành bá nghiệp. Bậc hiền giả chưa từng vô ích với nước bao giờ, chỉ là ở chỗ ông vua nước ấy dùng hay không dùng mà thôi. Tín khi ở Sở đã nhiều lần dâng lời, nhưng Sở rốt không thể dùng. Sau, Phạm Tăng lại mấy phen tiến cử, mà Hạng vương vẫn cố chấp không dùng. Tôi biết rằng Hạng vương rốt cuộc sẽ chẳng thể dùng mình cho nên mới bỏ Sở theo Hán, mà mong ra sức vậy”.
Đằng công nói: “Hiền sỹ ở Sở không được dùng, cho nên không bộc lộ được tài năng. Nếu nay được Hán vương dùng thì hiền sỹ có sách lược gì chăng?”. Tín nói: “Nếu Hán vương dùng tôi, tôi ắt thống lĩnh quân đội trong nước, tuyên xướng danh nghĩa cử binh tiến sang phía đông phạt Sở. Trước hết lấy Tam Tần, thứ đến thu sáu nước, khiến cho Hạng vương bị mất hết vây cánh, Phạm Tăng phải thúc thủ vô sách, chỉ mấy tháng là lấy lại được Hàm Dương dễ như trở bàn tay vậy! Chỉ e rằng minh công không thể tiến cử, mà Hán vương cũng chẳng thể dùng thôi”.
Đằng công nói: “Hiền sỹ nói lời đại ngôn, chỉ e không có thực học! Hạng vương chỉ cần một tiếng thét, cũng khiến muôn người bạt vía, chỉ trong 3 năm, tung hoành thiên hạ, các bậc vũ dũng tự cổ xưa tới nay chưa có ai sánh được bằng Hạng vương, thế mà hiền sỹ lại nói dễ dàng như vậy, chẳng cũng khoa trương lắm sao?”.
Tín nói: “Không phải thế, tôi mạo hiểm tới đây, lặn lội ngàn dặm, nếu không có kiến thức thực sự mà chỉ phí miệng lưỡi, đem lời khoác lác mà lừa người, thì ấy là cuồng vọng mà phải tội vậy. Với con mắt người Hán mà nhìn thì Hạng vương thật đáng gờm, nhưng tôi thì thấy chẳng bằng 1 đứa trẻ con vậy, sao có thể nói là vũ dũng quán cổ kim được?”.
Đằng công nói: “Hiền sỹ có thể nói như thế, hẳn đã từng đọc qua các sách thao lược rồi?”. Tín nói: “Muốn có tài làm tướng, ắt phải đọc khắp thi thư, biết rõ thành bại, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, chẳng một việc gì không biết, chẳng một vật gì không hiểu, há chỉ đọc thao lược mà thôi sao?”.
Đằng công bèn lấy từ trên giá sách trong quán ra mấy cuốn sách Lục Thao Tam Lược, bảo Tín đọc thuộc. Hàn Tín bèn từ đầu chí cuối, đọc thuộc như nước chảy, thao thao bất tuyệt. Lại lấy các sách âm dương, y, bốc bảo Tín đọc thuộc, Hàn Tín cũng chẳng chữ nào không nhớ. Lại đem các loại binh khí ra hỏi Tín xem cách sử dụng thế nào, Hàn Tín lại đem căn nguyên của từng thứ binh khí cùng cách chế tác, sử dụng, nhất nhất trình bày, chẳng loại nào không biết. Đằng công từ sáng tới chưa cùng nghị luận với Tín tới hàng trăm hàng ngàn lời, mà không có chút sai sót nào.
Đằng công nói: “Hiền sỹ thật là một bậc kỳ sỹ trong thiên hạ, cổ kim hiếm có vậy”. Đằng công định tâu với Hán vương để tiến cử Hàn Tín, nhưng Tín góp ý nên để gặp thừa tướng Tiêu Hà trước khi gặp Hán vương.
Luận bàn
Đầu tiên Hàn Tín đã làm cho người ta phải ngạc nhiên về sự tự tin thượng thừa. Tự tin vì có Thư Tiến Cử như lá bùa hộ mệnh chưa cần dùng đến mà muốn sử dụng tài năng của mình để cảm phục Đằng công và tướng quốc. Vào thời điểm lúc ấy, chiếu theo lịch sử công tác thì Hàn Tín đảm nhiệm vị trí chấp lang kích là cao nhất, chưa từng làm tướng lĩnh, càng chưa làm Nguyên Soái bao giờ nhưng Hàn Tín lại dõng dạc khẳng định với Đằng công rằng việc Tín giỏi nhất là làm nguyên soái.
Điều đó cũng gần giống như 1 anh bảo vệ khẳng định điều anh ấy giỏi nhất là làm Tổng Giám Đốc ở thời điểm hiện đại ngày nay. Điều này sẽ làm nhiều người cổ hũ chê cười, nhưng xét thấy trong cuộc sống điều gì cũng có thể xảy ra như câu nói “Nothing is impossible – Không gì là không thể”.
Ví như Lưu Bang? Chẳng phải trước khi làm Hán vương thì Lưu Bang chỉ là 1 đình trưởng ham mê tửu sắc và bài bạc hay sao, theo như lời Lưu Bang tự nhận với Lã Văn (tức cha của Lã Trĩ, vợ của Lưu Bang) thì “Bang có 3 điều chưa lập nên được: một là nhỏ đã thất học, hai là sức yếu vô dũng; ba là nghèo chẳng đủ tiền” ? Tiêu Hà thì sao? Chẳng phải trước đây Tiêu Hà cũng chỉ là 1 huyện lại của huyện Bái theo Lưu Bang để chống Tần hay sao? Nếu như Lưu Bang, Tiêu Hà có thể làm nên điều khác biệt thì Hàn Tín cũng có thể vậy.
Có thể không loại trừ khả năng nhờ có Thư Tiến Cử của Trương Lương mà Hàn Tín tự tin hơn hẳn, từ cách ăn nói, quy cách đều ra dáng của 1 vị đại tướng. Hàn Tín nói chuyện với Đằng Công thì câu chữ đơn giản, ví dụ tường tận để Đằng Công dễ hiểu, rằng Tín là người không những thuộc lòng binh pháp mà còn giỏi vận dụng binh pháp.
Hàn Tín rất khéo léo điển tích “Xưa, Bách Lý Hề ở nước Ngu không được dùng cho nên nước Ngu mất, ở nước Tần được dùng nên nước Tần thành bá nghiệp.” lấy điển tích xưa để ngầm nói cho tình hình nay rằng “Hàn Tín ở nước Sở không được dùng thì kiểu gì nước Sở cũng sớm bị thôn tính, ở nước Hán nếu mà được dùng thì nước Hán sẽ sớm thành bá nghiệp”, theo kiểu “người khôn chỉ nói nửa lời, làm cho người dại nửa mừng nửa lo”.
Đằng Công sẽ mừng vì nếu quả Hàn Tín là hiền tài thì nước Hán coi như được cứu, lo là vì nếu Hàn Tín không phải là hiền tài thì sẽ uổng phí mất cơ hội của nhà Hán rồi.
Đằng Công 2 lần hỏi về sách lược phá Sở nhưng khi được Tín trả lời dùng kế phá Tam Tần, chia rẽ các nước chư hầu, chặt đứt vây cánh để cô lập Hạng Vũ, rồi mới dễ dàng công phá Hạng Vũ thì Đằng Công lại hoài nghi và cho rằng những lời ấy là lời cuồng ngôn không thực. Vì rằng Đằng Công cho rằng Hạng vương Hạng Vũ là bậc vũ dũng tự cổ chí kim không có. Đấy là chưa kể Hạng Vũ lúc bấy giờ có Phạm Tăng làm quân sư, còn có Long Thư, Anh Bố, Trung Ly Muội, Quý Bố, Hạng Bá, Chu Lan,… là những dũng tướng tài kiêm văn võ. Điều này cho thấy nhà Hán vốn đã bị Hạng Vũ làm cho sợ hãi mất rồi.
May sao Đằng Công còn thực hiện các biện pháp khảo bài cơ bản như lật sách binh pháp, âm dương, y, bốc, cách sử dụng các loại binh khí mà giật mình phát hiện ra tài năng đọc thuộc nằm lòng không sót 1 chữ của Hàn Tín, một chút nữa là Đằng công đã sẩy mất một bậc kì sĩ trong thiên hạ vậy. Đến đây chúng ta cùng chúc mừng Hàn Tín đã vượt qua vòng phỏng vấn đầu tiên với Đằng Công Hạ Hầu Anh.
2. Hàn Tín dấu thư Tiến Cử của Trương Lương, tham gia vòng phỏng vấn với Tướng quốc Tiêu Hà
Hàn Tín vào tới dưới nhà, đã thấy Tiêu Hà ra ngoài hiên, cầm tay dắt vào trong. Trong nhà không để ghế ngồi, hai người cùng đứng mà trò chuyện.
Hà nói: “Đằng công rất khen ngợi học thức của ông, hôm nay được gặp thật là may mắn”.
Tín nói: “Tín tôi khi ở Sở đã được nghe Hán vương thánh minh, thừa tướng hiền đạt, cầu kẻ sỹ như người khát tìm nước, chẳng nề lễ tiết, cho nên tôi không quản ngại từ ngàn dặm tới đây. Đến nơi mấy hôm mới gặp Đằng công, hôm qua vừa cùng tương kiến, vẫn chưa nói hết lòng mình. Nay gặp thừa tướng rồi, tôi liền muốn lại quay về quê cũ, đành cam lòng với tuyền thạch, không khuất chí theo dưới trướng người nữa”.
Hà nói: “Hiền sỹ còn chưa cho thấy tài năng giấu kín lâu nay, làm sao lại vừa gặp mặt đã đổi ý làm vậy?”.
Tín nói: “ Chưa gặp khó khăn, chưa từng minh thệ, há có thể bộc lộ tài năng mà tự tiến cử ư?”. Hà nói: “Hà tôi xin được kính cẩn nghe lời cao đàm của hiền sỹ.”
Tín nói: “Xưa, Tề vương thích nghe đàn cầm, nước Tấn có người hiền sĩ giỏi đàn, nên vương đã mấy lần thỉnh mời. Một hôm, hiền sỹ đến nước Tề, vương ngồi dưới nhà, muốn hiền sỹ gảy đàn cho nghe.
Hiền sỹ không vui, bảo: “Nếu như đại vương không thích đán thì thần sao dám tới điện của đại vương mà gặp mặt đại vương trong gang tấc? Còn như đại vương thích đàn mà muốn nghe, thì nên đốt hương, ban cho chỗ ngồi, rồi nghe thần đánh đàn, thì thần tất hết lòng mà gảy để đại vương nghe. Nay, đại vương ngồi, còn thần thì đứng, chả khác gì kẻ nô lệ, hỏi rằng thần lại tự khinh rẻ mình mà mua vui cho đại vương ư?”
Kẻ gảy đàn còn thấy thẹn vì phải đứng trước mặt vua, huống chi là thừa tướng đang ở lúc phải nhả cơm nắm tóc, trong thời buổi vì nước cầu hiền, muốn nghe yếu chỉ trị quốc, mà lại ngạo mạn để tiếp đãi hiền sỹ ư? Cho nên Tín này phải quay về quê mà không muốn lưu lại ở quý quốc nữa vậy.”
Tiêu Hà nghe Tín nói vậy, lập tức mời lên ngồi ghế trên, rồi bái mà nói rằng: “Hà không biết nên đãi khách thất lễ, dám mong thứ tội cho”. Tín nói: “Thừa tướng tìm kiếm kẻ sỹ, thực là vì quốc gia, tôi đến gặp mặt, ý cũng muốn ngỏ hết nỗi lòng, để mong báo đáp, chẳng phải là việc riêng của một người”.
Luận bàn
vì sao Hàn Tín lại câu nệ hình thức tiếp đón của thừa tướng Tiêu Hà. Người xưa có câu “đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Tiêu Hà là tầm vóc thừa tướng, vốn là người có học thức cao, chức vị cao thì Hàn Tín càng phải tỏ ra mình là người am hiểu lễ nghĩa tiếp khách, cầu hiền. Vừa thể hiện cái khí chất của mình, cũng vừa để dò lòng đối phương có thực là người trọng hiền tài hay không? Dù gì Tín cũng đã từng trải qua những chuỗi ngày gian khổ vì tài năng không được Hạng Võ trọng dụng.
Qua đây, Hàn Tín cũng vừa khéo léo thể hiện kiến thức của mình về cổ nhân thông qua câu chuyện Tề vương nghe đàn. Trong đoạn hội thoại trên, Hàn Tín có nói tới cụm từ “nhả cơm nắm tóc”, ý nói rằng thấy người hiền tài đến thì đang ăn cũng nhả miếng cơm, đang gội đầu cũng nắm lấy tóc để ra đón tiếp vì sợ để mất hiền nhân trong thiên hạ. Cụm từ này được lấy từ điển tích Chu công nói với Bá Cầm trong Sử ký rằng: “Ta đi tắm mà ba lần phải nắm lại tóc, bữa cơm 3 lần nhả miếng ăn, để đứng dậy tiếp kẻ sỹ, mà còn sợ để mất hiền nhân trong thiên hạ”.
Trở lại đoạn hội thoại, Tiêu Hà bèn chắp tay hỏi Tín rằng: “Mong hiền sỹ luận hình thế của thiên hạ, quyết an nguy của thiên hạ, tỏ trị loạn của thiên hạ, xét mạnh yếu của thiên hạ, để rồi sau đó có thể mưu tính lấy thiên hạ?”.
Tín nói: “Quan Trung là nơi núi sông hiểm trở, là chốn kho trời, đất dựng đô của đế vương từ xưa. Hạng vương bỏ chỗ ấy không ở mà thiên đô về Bành Thành, đó là để mất hình thế của thiên hạ vậy! Hán vương tuy bị biếm ở Bao Trung nhưng nuôi dưỡng tinh nhuệ, là cái thế hổ báo trên non, khiến cho kẻ trí cũng không dùng mưu với mình được, chẳng cũng là đắc thế ư? Hạng vương đi đến đâu cũng vô địch, nhưng chư hầu thiên hạ chỉ là sợ sức mạnh mà thôi, chứ cái tâm bội phản đã ẩn giấu không thể lường hết được, bên ngoài tựa hồ yên ổn, nhưng trong đó đã sẵn ẩn hoạ, lại không bằng Hán ở nơi xa xôi vắng vẻ mà thu phục được nhân tâm, dưỡng hiền chăm dân, chư hầu chẳng thể xâm nhiễu vậy.
Hạng vương giết Nghĩa đế trên sông, mặc tình vô đạo, khiến dân chúng Kinh, Tương, Hồ Nam muốn hợp nhau hỏi tội, chẳng bao lâu sẽ có đại loạn vậy! Kẻ kia nếu vẫn hồ đồ không hay biết, mà tự cho mình là mạnh thì đó là cái dũng của kẻ thất phu, làm sao đủ để mong có được nhân tâm thiên hạ? Hán vương giảm bớt pháp luật chỉ còn 3 điều, trừ bỏ chính sự hà khắc của nhà Tần, dẫu bị biếm đến Nam Trịnh, nhưng thiên hạ vẫn ngưỡng vọng, nếu như cử binh tiến sang phía đông thì trăm họ chẳng ai không đến theo. Thiên hạ chẳng có một ai là không muốn Hán vương làm Tần vương.
Bọn Chương Hàm ba người bị dân Tần oán hận tận xương tuỷ mà Hạng vương lại phong làm Tam Tần vương để ngăn chặn quân Hán, thực là giúp lợi cho nước đối địch vậy. Nếu như ta tiến về phía đông thì trăm họ sẽ đều vì ta mà chiến đấu, đất Tam Tần có thể truyền hịch mà định được vậy. Hình thế, an nguy, trị loạn, mạnh yếu trong thiên hạ như thế chẳng cần được bậc trí giả suy luận cũng có thể biết được vậy. Thừa tướng còn điều gì lo lắng nữa?”.
Hà nói: “Theo như lời hiền sỹ nói, nước Sở có thể đánh được chăng?”. Tín nói: “Hiện lúc này đây, Hạng vương dời đô sang phía đông, chư hầu rời bỏ, trăm họ ta oán, mong mỏi có người làm chủ, đất Tam Tần không đề phòng nghiêm ngặt, chính là lúc quân Hán nên khởi binh vậy. Để lỡ mất cơ hội này không đông chinh, sẽ khiến cho Tề, Nguỵ, Triệu, Yên nếu có kẻ trí giả nói một lời, mà đem quân sang phía Tây, trước tiên lầy Hàm Dương, thứ đến lấy Tam Tần, chặn giữ nơi trọng yếu, thì quân Hán đến khi già mất ở đây cũng không thể ra khỏi Bao Trung vậy”.
Luận bàn
Khác với Đằng Công Hạ Hầu Anh chỉ hỏi những câu hỏi mang tính lý thuyết học thuật, thì Thừa tướng Tiêu Hà tập trung hỏi thẳng vào vấn đề: hình thế thiên hạ và các đánh Sở. Nếu không phải là người có tầm nhìn chiến lược và giỏi hoạch định chiến lược thì không trả lời được câu hỏi này.
Qua đó Hàn Tín đã chỉ ra tầm quan trọng của việc đóng kinh đô, tầm quan trọng của lòng dân (hay nói cách khác là của bà con trăm họ), rồi đến nhân sự chủ chốt tại các vị trí then chốt, lý lẽ chính đáng để chứng minh cuộc khởi nghĩa của Hán vương Lưu Bang chính nghĩa hợp lẽ hơn so với Tây Sở Bá Vương Hạng Võ. Thế mà chung quy: hình thế ấy, an nguy ấy, trị loạn ấy, mạnh yếu ấy đều có lợi cho nhà Hán lắm thay trong khi người của nhà Hán thì đang ngưỡng mộ trước sức mạnh uy vũ thiên hạ của Hạng Võ.
Hàn Tín còn nêu ra chi tiết thời điểm để đánh Sở chính là ngay lúc này khi Sở đang bận rộn với việc dời đô thì việc tấn công bất ngờ sẽ làm quân Sở bị động, mất thế phòng bị. Hàn Tín ở trong lòng nước Sở một thời gian dài nên hiểu hết tình hình của Sở, hiểu cả về văn hóa, tính cách của Hạng Võ, cũng như mạnh yếu của Sở.
Nói đến đây, lại có chút xót xa vì Hàn Tín lại chọn đi đầu quân cho nhà Hán để quay lại đánh quê hương của chính mình, ắt là những oan ức của Hàn Tín tại Sở quả là không nhỏ, đặc biệt đỉnh điểm là việc Hạng Võ cho hành hình bậc trung thần như Hàn Sinh khi Hàn Sinh dùng tính mạng để ba lần can ngăn Hạng Vũ không nên dời đô từ Quan Trung sang Bành Thành. Hàn Sinh không những bị bêu rếu trước chợ mà còn bị nấu chín trong vạc dầu, quả là một hành động sai lầm nặng nề của Hạng Vũ trong lúc nóng giận mất khôn. Hành động này đã khiến cho nhiều bậc trung thần, hiền sĩ đều tìm cách xa rời Hạng Vũ, thậm chí là họ tìm cách liên minh với đối thủ của Hạng Vũ để đối đầu với Hạng Vũ, cũng là tìm cho mình cách thoát thân để nương tựa lâu dài, xa lìa nơi “đất dữ” của Hạng Vũ.
Vua sáng thì mới có tôi hiền, vua mà làm hại tôi hiền rồi thì ai còn dám làm tôi hiền nữa. Một niềm an ủi cho Hàn Tín là sau này Hàn Tín được sắc phong làm Sở vương mặc dù thời gian không lâu nhưng cũng là đã thể hiện được chí làm trai, niềm an ủi đối với quê hương.
Lại nói về Tiêu Hà thấy Hàn Tín nói hết tâm can của mình ra như thế làm cho Tiêu Hà như bừng tỉnh cơn mê vì chính ông cũng chưa thể nhìn thấy được cái lợi của hình thế thiên hạ trước mắt như vậy.
Nói đến đây, ngẫm lại Binh Pháp Tôn Tử ta mới thấy Hàn Tín đã trả lời Tiêu Hà rất trọn vẹn đúng tầm của một chiến lược gia uyên bác về binh pháp. Binh pháp Tôn Tử nói rằng “để tìm hiểu tình thế thắng bại trong chiến tranh thì phải phân tích được:
1.- Một là Đạo.
2.- Hai là Thiên.
3.- Ba là Địa.
4.- Bốn là Tướng.
5.- Năm là Pháp.”
Phải xem xét:
1. Vua bên nào có nền chính trị được lòng dân hơn?
2. Tướng soái bên nào có tài năng hơn?
3. Thiên thời địa lợi bên nào tốt hơn?
4. Pháp lệnh bên nào được quán triệt hơn?
5. Thực lực quân đội bên nào mạnh hơn?
6. Binh sỹ bên nào được huấn luyện thành thục hơn?
7. Thưởng phạt bên nào nghiêm minh hơn?
Căn cứ vào những điều đó, ta có thể tính toán mà biết trước được ai thắng ai thua.”
Như vậy Hàn Tín đã phân tích và cho thấy Lưu Bang được lòng dân hơn Hạng Vũ. Thiên thời địa lợi đang phù trợ cho Lưu Bang vì đất Bao Trung ở thế chẳng dễ tấn công vì con đường duy nhất mà người ta thường biết đến là sạn đạo đã được Trương Lương thiêu rụi, Hạng Vũ lại đang rối bời việc dời đô, sắp tới còn bị các chư hầu chia rẽ do tài thuyết pháp của Trương Lương. Pháp lệnh của bên Hán vương Lưu Bang với tài tể tướng của Tiêu Hà được giản ước còn 3 điều, người dân đang có cuộc sống thật an lành, người thấy của rơi không nhặt, cho thấy pháp lệnh của nhà Hán đang được quán triệt hơn.
Còn các mục 2,5,6 Hàn Tín tự tin có thể đảo bảo sức mạnh của quân đội nhà Hán dựa trên Đạo Làm Tướng và tài cầm quân của Hàn Tín. Thế thì việc tính toán biết ai sẽ thắng ai sẽ thua chẳng phải đã quá rõ ràng và thuyết phục rồi hay sao, việc Lưu Bang thôn tính Hạng Vũ là chuyện ắt sẽ xảy ra chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Tài đắc nhân tâm của Hà còn được thể hiện qua việc mời Hàn Tín về nhà riêng để khoản đãi yến tầm, lại có thêm thời gian mà thỏa sức khai thác trí tuệ quân sự kiệt xuất của Tín, Hà hỏi: ‘Phàm tướng là người nắm tính mệnh của ba quân, an nguy quốc gia trông cậy vào đó, hiền sỹ có thể nói cho ta nghe cái đạo của kẻ làm tướng được chăng?”.
Tín nói: “Tướng có năm tài, mười lỗi. Năm tài ấy là nhân, trí, tín, trung, dũng. Nhân thì biết yêu người, trí thì không thể dối lừa, tín thì không thất hứa, trung thì không hai lòng, dũng thì không thể phạm.
Kẻ làm tướng mà có năm tài này, thì mới có thể làm tướng được. Mười lỗi ấy là: dũng mà coi thường cái chết, gấp mà có lòng muốn nhanh, tham mà hiếu lợi, nhân mà không nỡ lòng sát sinh, trí mà nghĩ chẳng nhanh, tín mà giữ tín bừa bãi, liêm khiết mà không yêu mến người, mưu mà trong lòng trì hoãn, theo cách riêng mà tự ý, hèn mà thích sai khiến người. Kẻ làm tướng mà có một trong 10 lỗi này thì không đáng để làm tướng vậy”.
Hà nói: “Kẻ làm tướng ngày nay như thế nào?”. Tín nói: “Những kẻ làm tướng ngày nay, hoặc hữu dũng mà vô mưu, hoặc hữu mưu mà vô dũng, hoặc cậy tài mình mà chẳng thể dung người, hoặc bề ngoài ôn tồn cung kính mà trong lòng khinh mạn coi rẻ, hoặc ngạo mạn ngôi cao mà ghét người thấp kém, hoặc tính kiêu căng mà cho hỏi kẻ dưới là nhục, hoặc khoe sở trường của mình để lấp cái hay của người hoặc giấu lỗi bản thân mà bày cái sai của người, ấy đều là cái tệ của kẻ làm tướng, mà ngày nay chẳng mấy ai không vướng vào, cho nên không giỏi làm tướng vậy”.
Hà nói: “Nếu hiền sỹ làm tướng thì thế nào?”, Tín nói: “Nói không phải là tự khoe mình, nhưng nếu Tín được làm tướng thì thực sẽ theo như binh pháp xưa, mà chẳng ai có thể biết vậy! Lấy văn mà dùng, lấy võ mà nghiêm, lấy tĩnh mà thủ, lấy động mà phát, quân khi chưa đi thì như núi non, quân đã đi thì như sông chảy, biến hóa như trời đất, hiệu lệnh như sấm sét, thưởng phạt đúng kịp như bốn mùa.
Vận trù quỷ thần, có thể khiến mất mà lại còn, chết mà thành sống, nhu mà có thể cương, nguy mà có thể an, họa mà nên phúc, cơ biến khôn lường, quyết thắng ở ngàn dặm. Từ ở trên trời, cho chí dưới đất, chẳng gì không hay. Từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, chả gì có sai trái. Đội lớn gấp mười, quân đông trăm vạn, chẳng gì không phân biệt. Hoặc ngày mà như đêm, hoặc đêm mà như ngày, chẳng gì không kiêm bị.
Phạm vi khúc chiết, mọi điều điều đến chỗ cực tinh diệu. Mà lại còn thông đạt cổ kim, tinh minh Dịch học, định lẽ an nguy, quyết cơ thắng bại, thông thạo quyền vận dụng, cất giấu trí vô cùng, kỳ chính đan xen, âm dương sau trước, rồi sau đó lấy nhân mà dung, lấy lễ mà lập, lấy dũng mà chơi, lấy tín mà thành. Như thế thì dẫu Y Doãn của Thành Thang, Phó Duyệt của Vũ Đinh, Tử Nha ở Vị Thủy, Nhạc Nghị ở Yên Sơn, đều là thầy tôi vậy. Đó là cái đạo làm tướng của Tín này, đã bồi dưỡng suốt bấy lâu, chẳng dám không nói thực vậy”.
Luận bàn: Có thể nói đây là vòng phỏng vấn cực phẩm nhất trong lịch sử của nhà Hán sơ lúc bấy giờ. Đến cả như Lưu Bang phỏng vấn Trương Lương mà còn không hỏi nhiều đến như vậy. Tướng quốc Tiêu Hà đã quá kỹ lưỡng và quá nhọc lòng với vị trí ứng tuyển nguyên nhung này rồi. Tiêu Hà vừa như ngầm phỏng vấn nhưng chính ra lại là được học một buổi kiến thức sâu sắc của nhà binh về Đạo Làm Tướng, về Đánh giá các tướng ngày nay và được học hỏi Đạo Làm Tướng của Hàn Tín. Riêng phần trả lời về Đạo Làm Tướng của Hàn Tín qua câu hỏi
“Nếu hiền sỹ làm tướng thì thế nào?” đã thể hiện trí tuệ của Hàn Tín còn vượt hơn cả sự khôn ngoan. Tầm trí tuệ ấy được gói gọn trong câu “nếu Tín được làm tướng thì thực sẽ theo như binh pháp xưa, mà chẳng ai có thể biết vậy! Lấy văn mà dùng, lấy võ mà nghiêm, lấy tĩnh mà thủ, lấy động mà phát, quân khi chưa đi thì như núi non, quân đã đi thì như sông chảy, biến hóa như trời đất, hiệu lệnh như sấm sét, thưởng phạt đúng kịp như bốn mùa.”
Theo Binh Pháp Tôn Tử mà nói chỉ có người giỏi dùng binh thì mới có thể biến hoá khôn lường, làm cho đối thủ không theo kịp như vậy. Kế hoạch hành động của Hàn Tín không hề được định nghĩa theo việc làm cụ thể thế nào mà thuận theo quy luật của trời đất của âm dương của vũ trụ, không dễ bị đối phương đọc vị, càng không để lộ ra sơ hở để bị bắt bài vì chẳng ai có thể biết, nhưng lại thể hiện sự tinh diệu của tri thức lẫn khả năng thực chiến theo chuẩn binh pháp. Dẫu Tiêu Hà, hay Đằng công hay Lưu Bang có muốn thay Hàn Tín thực hiện chiến lược trên thì quả khó như lên trời vì theo như Hàn Tín nói
“Binh gia theo cơ mà động, tuỳ thời thông biến, chẳng thể nói trước, chẳng thể liệu xa, như nước chảy theo địa hình, nhân chiến mà biết thắng, quỷ thần chẳng thể lường hết tinh diệu, cha con chẳng thể nói rõ yếu chỉ, đến lúc lâm sự, sẽ tự có diệu toán”. Việc Hàn Tín tạm giấu Thư của Trương Lương để tham gia vòng phỏng vấn với Đằng công và Tiêu Hà tuy rằng có làm con đường công danh của Hàn Tín bị chậm một chút nhưng lại giúp cho Hàn Tín kết thân với Đằng công, Tiêu Hà.
Sau này chính Tiêu Hà là người đã hiểu được thực tài của Tín, nhiều phen bảo vệ Hàn Tín trước mặt Lưu Bang để Lưu Bang giao cho Tín toàn quyền đào tạo binh quyền cũng như chủ động hoạch định chiến lược bình định các nước chư hầu.
Quả nhiên
3. Vượt qua Vòng phỏng vấn của Lưu Bang tại lễ bái tướng
Sau khi Tiêu Hà 3 lần tiến cử Hàn Tín lên chức nguyên soái không được Lưu Bang nhận lời, chỉ khi Hàn Tín xuất trình Thư Tiến Cử của Trương Lương thì Lưu Bang mới làm lễ bái tướng sắc phong cho Hàn Tín làm nguyên soái phá Sở (còn gọi là Phá Sở Đại Tướng Quân).
Có thể nói duy nhất trong lần tiến hành lễ bái tướng này, Lưu Bang mới bắt đầu có cuộc đối thoại đúng nghĩa với Hàn Tín để hỏi Hàn Tín về sách lược. Sau khi làm xong lễ bái tướng, Lưu Bang trao hổ phù ngọc tiết, ấn vàng gươm báu trao cho Hàn Tín và nói những lời theo nghi lễ quân thần, Lưu Bang hỏi: “Thừa tướng mấy bận nói đến tài năng của tướng quân, chẳng hay tướng quân có sách lược gì dạy bảo quả nhân?”.
Tín bái tạ, hỏi Hán vương “nay, đại vương tiến sang phía đông tranh giành thiên hạ, há chẳng phải là muốn đối địch với Hạng vương hay sao?”.
Lưu Bang trả lời: “Đúng vậy”.
Hàn Tín hỏi: “Đại vương thử tự liệu xem dũng, mãnh, nhân, cường, so với Hạng vương thế nào?”
Lưu Bang trầm ngâm hồi lâu rồi trả lời: “Không bằng được”.
Tín nói: “Thần cũng cho rằng đại vương không bằng vậy. Nhưng thần từng theo giúp Hạng vương, xin cho thần nói với đại vương mấy câu thế này: Hạng vương chỉ cần 1 tiếng hét cũng khiến cho muôn người bạt vía, nhưng chẳng biết nhậm dụng hiền tướng, ấy thực là cái dũng của kẻ thất phu vậy;
Hạng vương gặp người hiền từ cung kính, nói năng nhẹ nhành, ai có bệnh tật thì rơi nước mắt mà sẻ đồ ăn cho, nhưng với kẻ có công đáng được phong tước thì đến khi ấn phong tước đã mòn hỏng cũng chẳng muốn trao cho, đó gọi là cái lòng nhân của đàn bà vậy; Hạng vương tuy bá chủ thiên hạ, thần phục chư thần, song chẳng ở Quan Trung lại dời đô về Bành Thành, đuổi Nghĩa Đế, những nơi đi qua chẳng đâu không bị tàn diệt, danh tuy là bá nhưng thực đã mất lòng thiên hạ.
Nay nếu đại vương thực có thể làm ngược lại cách ấy, mà nhậm dụng những kẻ vũ dũng trong thiên hạ thì có gì mà chẳng diệt trừ? Đem thành ấp trong thiên hạ phong cho công thần, thì nơi nào chẳng phục theo? Lấy nghĩa binh là những người muốn về đông thì nơi nào chẳng phá được? Vả, Tam Tần vương mấy năm nay đã giết hại con em nước Tần không biết bao nhiêu mà kể, lại lừa dối quân chúng ra hàng chư hầu, đến khi Hạng vương chôn sống 20 vạn quân Tần, duy chỉ có Chương Hàm, Tư Mã Hân, Đổng Ế được thoát thì các bậc cha anh nước Tần đều oán hận xương tuỷ, thế mà cường Sở lại lấy uy mà phong vương cho ba kẻ ấy ở Tần, chứ dân Tần đều chẳng yêu mến vậy.
Đại vương vào Quan Trung, không xâm phạm mảy may gì, lại bãi bỏ luật pháp hà khắc, giản ước luật pháp còn ba điều cho dân Tần, dân Tần chẳng ai không muốn đại vương làm Tần vương cả. Nay đại vương cử binh sang phía đông thì Tam Tần có thể chỉ truyền hịch mà định được”.
Hán vương nghe nói mừng bảo: “Thực hận có được tướng quân muộn quá”.
Luận bàn
Có thể nói phần hùng biện trên đây của Hàn Tín là phần phân tích đầy đủ nhất về hình thế thiên hạ. Những lời ấy trước đây Hàn Tín đã trình phần ý chính trong tấu chương trình Hạng Vũ nhưng bị Hạng Vũ xé nát. Lần này Hàn Tín nói lại cho Lưu Bang nghe thì Lưu Bang như mở cờ trong bụng, vui mừng đón nhận cho thi triển.
Cho thấy sự khác nhau giữa hai bậc quân vương dẫn đến kết quả đã giúp hoán đổi vị trí của Lưu Bang thay cho Hạng Vũ. Điều đáng lưu ý là Hàn Tín nhấn mạnh về việc thưởng phạt cần phải được thực hiện nghiêm minh (tương ứng tiêu chí số 7 trong phân tích hình thế thiên hạ theo Binh Pháp Tôn Tử), đây là mảnh ghép cuối cùng để giúp nhà Hán thực hiện kế hoạch đông chinh. Điều này Hàn Tín chẳng phải để nói cho riêng bản thân mình mà là nói cho Lưu Bang cần áp dụng cho cả triều đình nhà Hán thì mới thu phục và giữ chân nhân tài, tránh trường hợp nhân tài “nhảy việc”.
Hàn Tín còn cho thấy khả năng am hiểu nhân tâm khi biết rất nhiều tướng sĩ trong đội ngũ nhà Hán luôn mong chờ được về nhà ở phía Đông bởi sạn đạo đã bị đốt nên họ chẳng thể về nhà, Hàn Tín kiến nghị Lưu Bang nên đặc biệt chọn lọc nghĩa binh là những người muốn về đông để tăng thêm sĩ khí cho quân đội, điều này rất hợp với Binh Pháp.
Ngoài ra, qua cuộc đối thoại giữa Hàn Tín và Hán vương Lưu Bang chúng ta nhận ra rằng tính cách của Hàn Tín quá đỗi thẳng thắn khi nói rằng Tín cũng cho rằng về dũng, mạnh, nhân, cường thì Lưu Bang không thể bằng Hạng Vũ được, điều này có thể chạm đến cái tôi, lòng tự ái của bậc đế vương nhất là khi cả hai cùng đang đối thoại trên đàn tế với xung quanh là ba quân tướng sĩ đông như vậy.
Lưu Bang ngoài mặt thì nói nhân nghĩa, đại xá thiên hạ nhưng khi gặp chuyện thì vẫn ghi trong lòng. Hàn Tín quan tâm đến việc lớn nhưng lại chưa chú ý đúng mực cho các chi tiết nhỏ, sau này cũng chính vì những chi tiết nhỏ này mà mối quan hệ giữa Lưu Bang và Hạng Vũ ngày thêm đổ vỡ. Lúc cần tài năng của Hàn Tín thì Lưu Bang bấm bụng phong thưởng theo lời đề xuất của Trương Lương, nhưng đến khi thiên hạ thái bình thì Lưu Bang luận từng tội của Hàn Tín mà cho Lã Trĩ (tức vợ của Lưu Bang) thẳng tay thanh trừ.
Trải qua những vòng phỏng vấn gây cấn, Hàn Tín xứng đáng được ngợi ca và chúc mừng vì đã thoả chí nam nhi, tài năng được ghi nhận, chinh phục Tiêu Hà, Đằng công bằng chính tài năng thực sự của mình. Gặp được thời cơ, lại có quý nhân là Trương Lương giúp đỡ, gặp được minh chúa là Lưu Bang chọn mặt gửi vàng, giao cho toàn quyền thống lĩnh ba quân, tạo điều kiện cho Hàn Tín có đất dụng võ. Từ đây Hàn Tín đã lập nên những chiến công hiển hách đi vào lịch sử Trung Quốc. Mặc dù về sau Hàn Tín bị Lưu Bang thanh trừ nhưng người đời sau vẫn phải công nhận về mối quan hệ cộng sinh giữa hai nhân vật này rằng nếu không có Lưu Bang thì sẽ không có sự thành công lừng lẫy của Hàn Tín và ngược lại.
Tham khảo: Hán Sở Diễn