Chung Ju yung chủ tịch Hyundai

Chung Ju Yung – Vị chủ tịch huyền thoại của tập đoàn Hyundai

Khi nói đến Hyundai là chúng ta nghĩ ngay đến hãng xe hơi nổi tiếng đến từ Hàn Quốc. Hyundai dịch sang tiếng Việt có nghĩa là Hiện Đại. “Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách” là câu nói nổi tiếng của ông Chung Ju Yung, vị chủ tịch huyền thoại của tập đoàn Hyundai, một Chaebol Tài phiệt của xứ xở Kim Chi. Ít ai biết rằng khi còn nhỏ, ông Chung Ju-yung đã từng lấy trộm tiền bán bò của cha và chú để làm lộ phí lên Seoul tìm kiếm cơ hội. Cuộc đời ông là vô số những thăng trầm và đầy biến động gắn liền với một giai đoạn lịch sử của Hàn Quốc thời chiến lúc bấy giờ. Nhưng trong mọi tình huống, ông Chung đều nỗ lực vươn lên, không chịu đầu hàng trước số phận để thành lập và phát triển nên thương hiệu Hyundai, một tài phiệt đình đám của Hàn Quốc. Câu chuyện về cuộc đời của ông truyền động lực, và nguồn cảm hứng to lớn đối với mọi lứa tuổi, nhất là đối với những bạn trẻ đang khởi nghiệp. Dưới đây là những câu chuyện đắt giá và những sự kiện tiêu biểu về chân dung vị chủ tịch huyền thoại của tập đoàn Hyundai và những lần vượt khó của ông.

Chung Ju Yung - Vị chủ tịch của Hyundai
Chung Ju Yung – Vị chủ tịch của Hyundai

Xem thêm những bài viết về những câu chuyện thành công:

Ông tổ của phương thức kinh doanh kiểu Nhật (Matsushita Konosuke)

Vua Hamburger (Ray Kroc) – Con đường xây dựng đế chế McDonald’s

Vua bán lẻ Sam Walton – Con đường xây dựng đế chế bán lẻ Walmart

Coco Chanel – Con đường trở thành Bà Hoàng ngành Thời Trang

Ông chủ KFC Harland Sanders – Khởi nghiệp không phân biệt tuổi tác

Bạn cũng có thể xem video về bài viết này dưới đây:

Chung Ju yung sinh năm 1915, mất năm 2001, là một trong những nhà công nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn nhất Hàn Quốc.

Tuổi thơ cơ cực trong gia đình có truyền thống làm nông

Sinh ra trong gia đình nông dân, là con trưởng của gia đình có 8 người con. Bắt đầu lao động từ năm 10 tuổi. Ngày nào cũng đúng 4 giờ sáng là ra đồng làm việc vất vả và không ngơi nghỉ cùng cha. Cuộc sống cơ cực, bấp bênh “không tránh khỏi con đường ăn cháo vỏ đậu của nông thôn” là lí do Chung Ju yung muốn tìm kiếm con đường mưu sinh khác để thoát khỏi cảnh nghèo. Đây là giai đoạn ông học tập và thừa hưởng đức tính quý nhất của cha mẹ đó là cần cù, chịu thương chịu khó.

Ba lần trốn nhà lên phố để mưu cầu lập nghiệp

14 tuổi tốt nghiệp tiểu học, cũng là lúc ông phải đảm đương những công việc nặng nhọc của nhà nông, cũng trong giai đoạn này ông đã 2 lần trốn nhà đi lên thành phố để tìm việc nhưng cả 2 lần đều bị cha đến tận nơi để gọi về. Lần thứ 3, ông liều lĩnh lấy trộm tiền bán bò của cha và chú để làm lộ phí lên Seoul và đóng tiền học Khóa kế toán 6 tháng, nhưng chỉ mới học 2 tháng thì cha ông đi bộ lên tận nơi để thuyết phục ông về nhà gánh vác trách nhiệm của người con trưởng trong gia đình nông dân. Vì quá thương cha, nên ông đành theo về. 

Được ông chủ cho thừa kế của hàng gạo năm 22 tuổi – bước ngoặt lớn của cuộc đời

Quá tam ba bận, cảnh mất mùa đói kém ở quê lại nung nấu ông phải đi kiếm tiền, lần này ông quyết định rủ và mượn tiền của 1 người bạn giàu có (là con của địa chủ) để làm lộ phí lên Incheon, rồi lên Seoul, kinh qua đủ công việc nặng nhọc như bốc xếp hàng hóa ở cảng, làm nông, rồi khuân vác đá gỗ cho các công trình, làm công nhân nhà máy. May mắn nhất là khi ông trở thành nhân viên phân phối gạo lẻ cho cửa hàng gạo “Phục hưng thương hội”, tiền lương chính là cơm ngày ba bữa và nửa bao gạo, đây chính là cơ hội quan trọng giúp thay đổi cuộc đời của ông.

Nhờ vào sự cần cù, thật thà và uy tín, Chung Ju yung đã được trả lương rất cao thời đó với thu nhập là 20 bao gạo trên năm, đồng thời được ông chủ tiệm gạo cho thừa kế toàn bộ cửa hàng gạo sau 4 năm cật lực làm việc tại đây. Chung Ju-yung chính thức trở thành ông chủ vào lúc 22 tuổi, là một sự kiện gây kinh ngạc vì ông chủ tiệm gạo mặc dù có con trai nhưng ông lại tin tưởng hoàn toàn và giao lại sự nghiệp cho ông Chung. Công việc tại cửa hàng gạo rất phát đạt và ngày càng mở rộng cho đến năm 1937 sau sự kiện “Lư Câu Kiều” (quân Nhật và quân Trung Quốc đụng độ với nhau) lan rộng. Đến cuối năm 1939, chính phủ Hàn Quốc ban bố chế độ phân phối gạo, tất cả cửa hàng gạo trong cả nước phải đóng cửa. Chung Ju-yung về quê mua khoảnh đất lớn tặng cha kèm ít tiền vốn, và làm đám cưới cho mình trong giai đoạn này.

Bén duyên với ngành ô tô

Một năm sau, ông Chung lại mang 1 số vốn ít ỏi còn lại lên Seoul, và có cơ may gặp lại người khách quen là Lee Ul Hak giới thiệu về việc mua lại nhà máy sửa chữa ô tô Ando Service. Ông Chung, nhờ vào uy tín bao năm xây dựng, đã được các đối tác cũ hỗ trợ cho vay vốn, đồng thời được Le Ui Hak hứa sẽ tập hợp đủ công nhân cho nhà máy. Chiến lược của ông Chung là thay vì khách hàng phải chờ 10 ngày, thì Ando Service sẽ giao cho khách chỉ trong vòng 4 ngày. Nhà máy được chuyển giao hoạt động với khách hàng đều đặn chẳng bao lâu thì nhà máy bị cháy. Mặc dù vậy sau 3 năm, Chung Ju-yung cũng đã thu được khoản tiền lời rất lớn sau khi trang trải hết các khoản nợ. 

Mỗi lần gặp khó khăn, ông lại nghĩ ngay đến hình ảnh của chú ếch xanh, chuyện kể rằng chú ếch xanh muốn leo lên cành liễu nhưng vì cao quá nên chú liên tục thất bại, thế mà chú cứ nhảy mãi đến hơn 30 lần thì nhảy được lên cành liễu. Con ếch mà còn dám kiên trì để chinh phục mục tiêu, ta làm sao mà để thua nó được? Khi bế tắc, ông lại nhớ đến những con rệp ở cảng Inchon, khi ông còn làm nhân viên bốc xếp, để tránh rệp ông đã nằm lên bàn cao để ngủ, thế mà rệp vẫn leo lên cắn ông; ông bèn để các chân bàn vào các tô nước để rệp sợ đuối nước mà không qua. Thế mà rệp đã tìm cách leo lên tường và rơi từ trần nhà xuống bàn để cắn ông, loài rệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn thế mà chúng còn tìm ra được con đường, thế thì làm sao mà ta để thua chúng được.

Năm 1942, Nhật gây chiến ở khu vực Thái Bình Dương, ngay năm sau đó chính phủ Hàn Quốc ra lệnh chỉnh đốn doanh nghiệp. Năm 1943, Chung Ju-yung buộc phải sáp nhật doanh nghiệp của mình vào cty sửa chữa Iljin ở Chongro, ông Chung cũng rút chân khỏi liên doanh này. Sau đó, nhờ tham gia vào việc vận chuyển quặng mà ông Chung thu về 50.000 won rời khỏi mỏ quặng Holdong với gia đình, vừa hay sau 3 tháng sau thì mỏ quặng Holdong phải đóng cửa do Nhật Bản bại trận.

Một tháng sau khi Hàn Quốc dành độc lập, Chung Ju-yung quay lại Seoul làm việc tại xưởng chế luyện Choksan. Sau đó ông mua mảnh đất số 106 ở phường Chochung, và thành lập “công ty công nghiệp xe hơi Hyundai” vào tháng 4.1946 cùng em rể và một số người bạn. Số nhân viên tăng từ 30 người lên 80 người sau 1 năm. 

Vào năm 1947, Hyundai mở rộng từ lĩnh vực lắp ráp xe hơi thành công ty xây dựng cơ bản Hyundai.  Khi bắt đầu một việc gì, ông luôn tin 90% việc sẽ thành, 10% tự tin mình nhất định làm được. Trong năm đầu tiên, Hyundai đã ký hợp đồng sửa chữa với quân đội Mỹ với giá 1.530.000 won.

Lấn sân sang lĩnh vực xây dựng – tạo nên những kỳ tích

Ngày 25.6, xe tăng Bắc Hàn đã vào tới dốc Miari. Vì em trai In Yong là biên tập viên tờ báo nước ngoài Đông Á Nhật Báo, nên Chung Ju-yung đã hộ tống em trai mình đi chạy nạn. Vượt qua nhiều khó khăn, In Yong xin làm chân thông dịch cho trung úy Mac Alister của quân đội Mỹ nên đã giúp Hyundai có được hợp đồng xây dựng béo bở ở Busan. Trong thời gian này Hyundai nhận thực hiện rất nhiều hợp đồng xây dựng cho quân đồng minh tại Busan như nơi ở, nghĩa trang,…

Năm 1953, Hiệp định đình chiến được ký kết tạm thời, quân đội Mỹ bắt đầu rút sang Nhật. Hyundai chuyển sang xây dựng cầu Koriong cho nhà nước Hàn Quốc, để giữa uy tín, công trình này làm Hyundai thua lỗ nặng 65 triệu Hwan (trong khi số tiền ký hợp đồng chỉ là 54,8 triệu hwan) vì thiếu thiết bị, lạm phát tăng cao, lãi suất nặng.

Năm 1954, các công trình phục hồi tái thiết phát triển một cách mạnh mẻ do có vốn viện trợ của Mỹ. Hyundai đã tận dụng cơ hội này và dùng uy tín của mình có được nhiều hợp đồng, mang về lợi nhuận lên tới 40%, thoát khỏi gánh nặng từ dự án cầu Koriong, Hyundai lọt vào danh sách 6 công ty lớn nhất Hàn Quốc. Hyundai tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực sản xuất xi măng với nhãn hiệu “con hổ” góp phần vào việc giảm giá thành cho thị trường, và trở thành công ty ưu tú trong lĩnh vực này.

Sau sự kiện 19/4/1960 với sự thành lập chính phủ mới, Hyundai thực hiện cách mạng kỹ thuật, chấp nhận mạo hiểm để đặt chân ra thị trường nước ngoài. Năm 1965, Hyundai nhận thầu con đường cao tốc Pattani Narathiwat tại Thái Lan, , căn cứ quân sự Cam Ranh của Việt Nam, nạo vét sông Mê Kông. Kinh nghiệm tại Thái Lan và Việt Nam là tiền đề giúp Hyundai phát triển và trưởng thành trong các dự án đấu thầu ở nước ngoài liên quan đến xây dựng cao tốc và nạo vét. Sau đó Hyundai nhận thầu vét cảng của Úc, xây dựng khu đô thị và công trình nạo vét cảng Vĩnh Long, Công trình cầu trong vùng núi ở môi trường âm 40 độ của Alaska tại Nhật, công trình quân sự và nhà ở tại đảo Guam, công trình trạm phát điện thủy lực dưới đất ở Papua New Guinea. Trong đó, đáng lưu ý là Hyundai đưa ra sáng kiến xây dựng đập bằng sỏi đá tốt hơn đập làm bằng xi măng cho sông Soyang đã giảm được 30% giá thành và được tổng thống Park Chung Hee tán thành. Đây là tiền đề cho Hyundai đảm nhiệm những dự án lớn khác như: dự án đường cao tốc Seoul – Busan va công trình đường hầm Tangche phức tạp.

Đặc biệt Hyundai trúng thầu dự án cao tốc Seoul – Busan với giá thành là 43 tỷ won so với con số của Bộ Giao Thông vận tải dự toán là 68 tỷ won, có thể nói Hyundai đã mang đến giải pháp siêu tiết kiệm mà rất hiệu quả cho Hàn Quốc. Sau này kinh phí trên có tăng thêm 10 tỷ won vì đường từ Deajon đến Teagu tăng từ 2 làn sang 4 lần. 290 ngày (chưa đến 10 tháng) sau ngày khởi công 11/9/1969, toàn bộ con đường cao tốc nối Seoul – Busan dài 428km đã hoàn toàn được khai thông. Trên tấm bia kỉ niệm đường cao tốc được khắc dòng chữ “bằng tài nguyên, kỹ thuật và sức người của Hàn Quốc, chúng ta đã xây dựng thành công con đường cao tốc với thời gian ngắn nhất trong lịch sử xây dựng đường cao tốc của thế giới”. Sự kiện này đã chính thức xác nhận vai trò huyền thoại của ông Chung Ju-yung đối với Hyundai và ngành xây dựng của Hàn Quốc. Sau đó, việc Hyundai trúng thầu dự án Cảng công nghiệp Dubai, công trình lớn nhất của thế kỷ 20 với tổng kinh phí dự kiến là 930 triệu USD, tương ứng 460 tỷ won trong năm 1976, đã giúp Hàn Quốc thoát khỏi nguy cơ phá sản vì nợ nước ngoài.

Triết lý kinh doanh của Hyundai cũng được Chung Ju-Yung khẳng định mạnh mẽ trong giai đoạn này:

Không vi phạm pháp luật, đảm bảo uy tín, theo đuổi lợi nhuận, tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho xã hội và đất nước. Chiến lược kinh doanh của Hyundai: rút ngắn thời gian thi công, giảm kinh phí thi công xuống tối thiểu. Muốn làm được điều đó thì phải đốc thúc tại nơi làm việc để giảm tiền lương, giảm tiền lãi vay, thực hiện cơ giới hóa công trình (đầu tư mua máy móc, thiết bị).

Dưới sự lãnh đạo của huyền thoại Chung Ju-yung, Hyundai tiếp tục lấn sân sang Lĩnh vực đóng tàu đạt được nhiều kỳ tích.

Không dừng lại ở đó, Hyundai tiếp tục dự án ngăn nước biển ở vùng biển phía Tây Nam để có thêm mảnh đất màu mỡ cho Hàn Quốc giúp mở rộng lãnh thổ. Vào năm 1988 khu vực khai hoang Sosan lột xác thành mảnh đất nông nghiệp cơ khí hóa với quy mô lớn giúp tăng công ăn việc làm cho người dân; cổ động đăng cai thế vận hội Olypics 88 về Seoul, các dự án làm xanh nước sông Hàn. Riêng đối với lĩnh vực sản xuất xe ô tô, định hướng của Chung Ju-yung cho Hyundai là luôn nỗ lực để sản xuất ra ô tô tốt nhất thế giới.

Chung Ju-yung  luôn cố gắng tạo ra những chiếc ô tô tốt nhất thế giới
Chung Ju-yung luôn cố gắng tạo ra những chiếc ô tô tốt nhất thế giới

Jessica Thảo Nguyễn

Xem thêm:

Cảm ngộ 3 câu nói thâm thuý của người Do Thái

9 THÓI QUEN ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG CUỘC SỐNG

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Tiktok Jessica Thảo Nguyễn

Fanpage Jessica Thảo Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang