Chu Văn An dạy học trò đạo nhân

Chu Văn An | phong cách dạy học, chân dung “vạn thế sư biểu”

Chu Văn An được gọi là “Ông Tổ của các nhà Nho nước Việt”. Tư tưởng giáo dục của ông đã đi trước thời đại khi áp dụng “học đi đôi với hành”. Phong cách dạy học và chân dung của người thầy vĩ đại này để lại cho chúng ta nhiều sự thán phục.

Ý Nghĩa Sống xin chia sẻ đến Quý Vị chân dung thầy giáo Chu Văn An, cũng như phong cách dạy học của ông thông qua sử liệu và đánh giá của nhiều thế hệ ở Việt Nam.

Chân dung Chu Văn An “vạn thế sư biểu”, người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nói về Chu Văn An.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nói về Chu Văn An.

Đại Việt sử kí toàn thư viết: “An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. 

Như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy.”

Đoạn trích dẫn trên của Đại Việt sử ký toàn thư đã phần nào lột tả được tài trí và tinh thần ham học hỏi của Chu Văn An.

Ý Nghĩa Sống cho rằng phẩm chất của Chu Văn An là tiêu biểu cho phẩm chất của những nhà Nho yêu nước lúc bấy giờ. Nêu cao đức hạnh. Không để danh lợi làm chi phối đến tiết tháo. 

Cứ nhìn vào cách học trò dành sự tôn kính với Chu Văn An, chúng ta hiểu rằng ông không chỉ dạy “chữ” mà còn dạy “lễ”, “tinh thần tôn sư trọng đạo”.

Dạy “chữ” mà môn đệ đỗ đạt đại khoa, nhậm chức vụ cao vào chính phủ làm việc. Ấy gọi là thầy Chu Văn An đã hun đúc ra thế hệ tài năng, có tính ứng dụng thực tiễn cao, được xã hội ghi nhận.

Dạy “lễ” mà môn đệ không chỉ kính cẩn trước thầy, mà còn cầu thị xin thầy “vài lời”. Ấy là thầy Chu Văn An đã hun đúc ra thế hệ có phẩm hạnh tốt, biết khiêm nhường, ham học hỏi, luôn biết lắng nghe để sửa mình.

Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào”, cho thấy thầy Chu Văn An rất nghiêm khắc trong việc đào tạo ra môn đệ phải biết phân biệt phải – trái, đúng – sai. Khi biết phân biệt rồi thì đừng làm sai. Nếu có lỡ làm sai thì phải biết tìm cách để sửa lỗi. Quả là một người thầy ngay thẳng, chất phác và nghiêm nghị đến chuẩn mực.

Chu Văn An – ông tổ của các nhà nho nước Việt

Chu Văn An dạy học trò về Đạo Nhân.
Chu Văn An dạy học trò về Đạo Nhân.

Quản Trọng, vị chính khách kiệt xuất của thời Xuân Thu từng nói trong sách Quản Tử rằng: “Kế cho một năm thì không gì bằng trồng lúa; kế cho mười năm thì không gì bằng trồng cây; kế cho suốt đời thì không gì bằng đào tạo con người. Trồng một mà lợi ích một đó là lúa; trồng một mà lợi ích mười, đó là cây; đào tạo một mà lợi ích một trăm đó là con người. Nếu chúng ta chú trọng đào tạo con người, thì hiệu dụng như thần, làm việc mà thu được hiệu quả thần kì thì chỉ có con đường của bậc vương giả mới có thể làm được.”. 

Nước Việt ta có một bậc vĩ nhân đã xuất hiện vào giai đoạn cuối nhà Trần, mà với tài hoa, trí tuệ, sự chính trực, và những đóng góp quan trọng của ông đối với nền giáo dục nước nhà đã được nhân dân ta tôn vinh ông là “Vạn thế sư biểu”, tức là người thầy của mọi thời đại. 

Người thầy vĩ đại ấy chính là thầy Chu Văn An. 

Chu Văn An là nhà giáo lỗi lạc, luôn đặt sự nghiệp giáo dục lên trên tất cả, không màng danh lợi mà sẵn lòng đem kiến thức đến với đông đảo người dân, tư tưởng giáo dục tiến bộ với quan điểm học đi đôi với hành. 

Ông được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đánh giá là ông tổ của các nhà Nho nước Việt. Tư tưởng Nho Giáo của Khổng Tử đã được Chu Văn An tiến hành Việt hóa, đưa vào dân gian theo ngôn từ dễ hiểu. Theo đó, Chu Văn An không chỉ là người học trò xuất sắc của Khổng Tử mà còn là một sự tiếp nối tinh thần giáo hóa dân chúng của Khổng Tử.

Chu Văn An – danh nhân văn hóa thế giới

Chu Văn An được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới vì những cống hiến vượt bậc của ông cho sự nghiệp mở mang tri thức cho nước nhà.

Ý Nghĩa Sống cho rằng thầy Chu Văn An đã làm rạng danh cho nền giáo dục của nước Việt ta. Những nhà giáo sau này đều nhìn vào tấm gương của thầy Chu Văn An mà học hỏi.

Dưới đây Ý Nghĩa Sống xin chia sẻ những điều nổi bật trong phong cách dạy học của thầy Chu Văn An.

Phong cách dạy học của Chu Văn An

Chu Văn An dạy học trò về ý nghĩa của việc học.
Chu Văn An dạy học trò về ý nghĩa của việc học.

Chu Văn An dạy học trò là Tú Sĩ rằng: “Phàm học thành đạt cho mình là để thành đạt cho người, công đức tới dân, ân huệ để lại đời sau, đấy đều là phận sự của nhà Nho chúng ta”. 

Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam viết Chu Văn An là người thầy giỏi nhưng nghiêm khắc, trọng tài năng của học trò và ghét những người cậy giàu ham chơi. 

Học trò của ông có nhiều người giỏi, có công giúp nước như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, hai quan lớn của triều Trần. Sinh thời, ông được dân chúng tôn là “Vạn thế sư biểu”, nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Liên Hương, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Quốc Tử Giám cho biết: “Chu Văn An có tư tưởng về giáo dục rất tiến bộ, là người Thầy tiêu biểu của mọi thời đại. Ông đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp dạy học với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với hành và học tập suốt đời, học để biết, học để làm việc và để cống hiến cho xã hội, rất gần với giáo dục thời đại ngày nay mà UNESCO đã đúc kết và đề xuất, đó là “học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người”.

Truyền thuyết Chu Văn An dạy con của Thủy Thần

Tương truyền nước Việt ta có truyền thuyết kể về quá trình thầy Chu Văn An về quê dạy học, thì có con của Thủy Thần cũng đến theo học. 

Một trong những bài học của thầy Chu Văn An về đạo thánh hiền là “Nếu thịnh đức của trời đất là sinh thành, thì cái gốc của đạo lý con người là đạo đức, luân lý con người là nhân, người có đạo nhân là bậc quân tử. Nước có đạo nhân thì bền vững như núi sông”.

Đến năm nọ, khí hậu hạn hán, dẫn đến mất mùa, bá tánh lầm than, đói kém khắp nơi. Người học trò (là con Thủy Thần) đã quyết định hi sinh thân mình để làm mưa cứu dân vì ông đã được học về Đạo Nhân do thầy Chu dạy. 

Nhờ vậy mà bá tánh thoát được hạn hán. Câu chuyện truyền thuyết trên như một minh chứng dễ hiểu cho việc học đi đôi với hành theo quan điểm của thầy Chu.

Những đánh giá của nhân loại về thầy Chu Văn An

Khi Chu Văn An ra phụ trách trường Quốc Tử Giám, quan tướng quốc Trần Nguyên Đán đã nói về ông: “Bể học xoay triều sóng, phong tục trở về thuần hậu, trường học lớn trong nước có vị thần như sao Bắc Đẩu, như núi Thái Sơn”. 

Còn Phan Huy Chú, nhà sử học lớn của Việt Nam đã ca ngợi “Làng nho nước Việt, trước sau chỉ có một Chu Văn An, các người khác không ai so sánh được”.

Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài khẳng định “Chu Văn An có ảnh hưởng lớn tới nền giáo dục Việt Nam. Tư tưởng nổi bật của ông là tự học, tự lập, học tập suốt đời và là tấm gương tôn sư trọng đạo.”

Theo nhận định của sử thần Ngô Sĩ Liên, tấm gương Chu văn An đã góp phần tích cực cải tạo đạo đức xã hội: “Hãy lấy Văn Trinh mà nói, thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lí, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập được hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ, thì ai biết thụy hiệu của ông xứng đáng với con người của ông. Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu”.

Trên đây là phần chia sẻ của Ý Nghĩa Sống về thầy giáo Chu Văn An. Phong cách dạy học của Chu Văn An quả là tấm gương cho nhiều nhà giáo noi theo. 

Ông dạy học trò không phải theo lối học thuộc, mà là phải có tính ứng dụng vào cuộc sống. Lấy tài đức của mình để “giáo dân” và “dưỡng dân”. Dùng lòng nhân và trí tuệ của mình để giúp cho người thành đạt, góp phần giúp cho đất nước được thịnh vượng. Công đức tới dân chúng không chỉ cho đời này, mà còn cho nhiều thế hệ sau nữa.

Bạn tham khảo video của YouTube Ý Nghĩa Sống về thầy Chu Văn An tại đây nhé:

Ý Nghĩa Sống mong rằng qua nội dung trên sẽ giúp cho nhiều sĩ tử hiểu được chân dung “ông tổ của các nhà Nho Việt Nam”. Lịch sử Việt Nam đã có một người thầy như thế. Tài cao, học rộng. Một lòng trung trinh với quê hương. Lan tỏa tri thức rộng rãi đến dân chúng. Đào tạo ra nhiều thế hệ để tiếp nối sự nghiệp “giáo dân”, lan tỏa công đức đến dân. Đức hạnh đáng kính. Ngạo nhiên chi khí. Tư tưởng giáo dân hướng thiện vững như núi Thái Sơn, không gì có thể lay chuyển. Chu Văn An xứng đáng là “vạn thế sư biểu”, người thầy của muôn đời của nước Việt ta.

Ý Nghĩa Sống xin được khép lại chương trình với câu thơ nổi tiếng để tôn vinh tinh thần hiếu học: 

“Ngọc bất trác bất thành khí. 
Nhân bất học bất tri lý”.

(Ngọc không mài không thành bảo vật.
Người không học không biết lẽ phải).

Ý Nghĩa Sống

Xem thêm:

Chu Văn An | cuộc đời nhà giáo vĩ đại của Đại Việt

Khổng Tử | nhân cách, quan điểm làm nên thánh nhân

Cảm ngộ 12 bài học về “Đạo” của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh

15 ứng dụng thông thái về Đạo của Lão Tử trong cuộc sống

20 câu nói tinh tuý của Quỷ Cốc Tử

Những câu nói khôn ngoan của Tư Mã Ý trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

20 câu nói tinh hoa của Gia Cát Lượng

Luận bàn lí do Lưu Bang bình định thiên hạ thành công

20 câu nói kinh điển nổi tiếng của Tào Tháo

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Tiktok Jessica Thảo Nguyễn

Fanpage Jessica Thảo Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang