Chu Văn An là nhà giáo lỗi lạc của nước Đại Việt (cuối đời nhà Trần). Ông luôn đặt sự nghiệp giáo dục lên trên tất cả, không màng danh lợi mà sẵn lòng đem kiến thức đến với đông đảo người dân, tư tưởng giáo dục tiến bộ với quan điểm học đi đôi với hành.
Ý Nghĩa Sống xin chia sẻ đến Quý Vị những mốc son lịch sử trong cuộc đời của nhà giáo Chu Văn An, cả thời gian ông tham gia vào chốn quan trường, cùng với những đóng góp của ông cho sự nghiệp giáo dục của nước Việt ta.
Tiểu sử Chu Văn An
Chu Văn An (1292 – 1370) sinh ra tại huyện Thanh Đàm (nay là huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Ông có tên thật là Chu An, hiệu Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt.
Chu Văn An ngay từ hồi còn trẻ đã nổi tiếng là một người cương trực, sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, ham học hỏi, thích đọc sách.
Cuộc đời Chu Văn An đã để lại một niềm tự hào to lớn cho nền giáo dục của Việt Nam.
Tư tưởng “gieo chữ cho dân” của Chu Văn An
Chu Văn An từng đỗ Thái Học Sinh (tương đương với Tiến Sĩ) nhưng ông không làm quan.
Ông quan điểm rằng tri thức cổ nhân cốt răn dạy lòng dân hướng thiện, chi bằng gieo chữ khắp nơi cho bá tánh được khai sáng đạo thánh hiền để cùng giúp cho nước nhà cường thịnh.
Chính tư tưởng trên đã định hình cho cuộc đời sau này của Chu Văn An. Một cuộc đời vĩ đại của một nhà giáo lỗi lạc, một bậc hiền triết khai tâm mở trí cho dân chúng nước Việt.
Mở trường tư thục Huỳnh Cung để mở mang tri thức cho dân.
Chu Văn An mở trường dạy học tại làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch, trường học có nhiều lớp, có thư viện.
Theo một số tư liệu, hồi bấy giờ nước ta rất hiếm các trường học, cả nước chỉ có một trường quốc lập là Quốc Tử Giám (Hà Nội) dành cho con vua, con quan học. Sau này có mở rộng cho những người tài trong nhân dân theo học, các gia đình bình dân rất khó có điều kiện cho con em mình theo học.
Theo đó, Tư Thiện Đường, Toát Trai Đường (Nam Định) chỉ dành cho con em tôn thất nhà Trần. Trường Yên Tử (Quảng Ninh), Hương Sơn (Hà Tây cũ) dành cho nhà chùa.
Do vậy, trường Huỳnh Cung là trường tư thục do Chu Văn An mở ra đã thu hút rất nhiều sĩ tử, đến khoảng 3000 người theo học, nhờ vậy mà đông đảo tầng lớp nhân dân ta mới có dịp mở mang tri thức, khai tâm mở trí.
Chủ trương khai sáng của Chu Văn An giống quan điểm dạy học của Khổng Tử rằng “hữu giáo vô loại”. Bất cứ ai ham học, ông đều nhận làm học trò, không phân biệt giai cấp, quý tiện, sang hèn.
Nội dung giảng dạy của thầy Chu Văn An
Nội dung chủ đạo trong việc giảng dạy của Chu Văn An là truyền đạt những kiến thức kinh điển của Nho Giáo (do Khổng Tử sáng lập).
Nội dung giáo dục của Nho Giáo bao gồm những kiến thức cần có của bậc thánh hiền: đạo đức, lễ nghĩa, luân thường đạo lý, điều hay lẽ phải, đạo của người quân tử, tư tưởng trị quốc an dân, triết lý nhân sinh,…
Chu Văn An là người có công to lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức của Khổng Tử vào Việt Nam. Nên sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đánh giá Chu Văn An là ông tổ của các nhà Nho của nước Việt ta.
Vào năm 1314, trường Huỳnh Cung của Chu Văn An có hai học trò đỗ Thái Học Sinh (tương đương học vị tiến sĩ). Sự kiện này đã giúp tên tuổi của Chu Văn An và trường Huỳnh Cung được cả nước biết đến, cũng là mốc son đánh dấu sự thành công của trường học tư thục nói riêng, của nền giáo dục nói chung trong lịch sử phát triển giáo dục của nước Việt ta.
Chu Văn An được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp của trường Quốc Tử Giám
Sau khi trường Huỳnh Cung có hai học trò đỗ Thái Học Sinh, Chu Văn An được vua Trần Minh Tông mời làm Tư nghiệp của trường Quốc Tử Giám, đồng thời sau đó còn đảm trách nhiệm vụ giảng dạy cho thái tử Trần Vượng. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đánh giá thái tử Trần Vượng là người “tư trời tinh anh, thông minh sáng suốt”.
Vào năm 1329, thái tử Trần Vượng lên ngôi vua Trần Hiến Tông khi mới 10 tuổi, khi đó Chu Văn An có nhiều thời gian hơn cho công việc giảng dạy của trường Quốc Tử Giám. Ông viết “Tứ Thư Thuyết Ước” để tóm tắt bốn bộ sách lớn là Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại học và Trung Dung để làm giáo trình dạy học tại trường. Bộ sách “Tứ Thư Thuyết Ước” bao gồm 10 quyển nhưng rất tiếc bộ sách này sau này bị thất lạc.
Chu Văn An tham gia chính sự, dâng “thất trảm sớ”.
Vào năm 1341, vua Trần Hiến Tông qua đời (năm 22 tuổi).
Vua Trần Dụ Tông (em trai vua Trần Hiến Tông) lên thay, thời gian đầu việc chính sự đều do Thượng Hoàng Trần Minh Tông chấp chính.
Sau khi Thượng Hoàng Trần Minh Tông qua đời (1357), vua Trần Dụ Tông đích thân chấp chính (năm 21 tuổi). Nói về giai đoạn này, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết “Dụ Tông ham chơi bời lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, Dụ Tông không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là “Thất trảm sớ”. Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê.” Ông thích núi Chí Linh, bèn đến ở đấy. Khi nào có triều hội lớn thì đến kinh sư. Dụ Tông đem chính sự trao cho ông, ông từ chối không nhận. Hiến Từ thái hoàng thái hậu bảo: “Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta?”. Vua sai nội thần đem quần áo ban cho ông. Ông lạy tạ xong, liền đem cho người khác hết. Thiên hạ đều cho là bậc cao thượng.”
Theo đó, Chu Văn An sau khi trình “thất trảm sớ” không thành, ông đã cáo quan về dạy học nơi thôn dã.
Chu Văn An từ quan, về dạy học nơi thôn dã
Từ lúc về núi Phượng Hoàng (Chí Linh), Chu Văn An chuyên tâm dạy học, làm thơ, viết sách để khai sáng tri thức cho môn đệ. Ông còn trồng thêm cây thuốc, làm thầy thuốc cứu người.
Mặc dù ở nơi thôn dã nhưng những người hiếu học tìm đến ông để theo học vẫn rất đông. Thầy Chu Văn An đã làm dấy lên phong trào học tập ở vùng đất Chí Linh, vùng đất này từ đấy về sau có truyền thống hiếu học, và sản sinh ra nhiều tiến sĩ.
Trong sự nghiệp văn chương, ông có viết: “Tiều Ẩn thi tập” và “Quốc ngữ thi tập” nhưng đến nay đều bị thất lạc. Người đời sau chỉ còn ghi lại được 11 bài, trong đó có 2 câu được truyền tụng nhất vì thể hiện rõ nhất tư tưởng làm người, cũng như sự tĩnh lặng trong tâm trí của Chu Văn An:
“Thân dữ cô vân trường luyến tụ,
Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan.”
Nghĩa là:
“Đời như đám mây lẻ, ngừng mãi trong không gian,
Lòng như giếng nước xưa, không bao giờ gợn sóng”.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: “Đến khi Dụ Tông băng, quốc thống suýt mất, nghe tin các quan đến lập vua, ông mừng lắm. Chống gậy đến xin bái yết, xong lại xin trở về quê, từ chối không nhận chức gì. Khi ông mất Vua sai quân đến tế, ban tặng tên thụy, ít lâu sau có lệnh cho tòng tự ở Văn miếu.” Thầy Chu Văn An mất năm 78 tuổi.
Bạn tham khảo video của Ý Nghĩa Sống về cuộc đời của thầy Chu Văn An tại đây nhé:
Cả cuộc đời thầy Chu Văn An là tấm gương sáng về sự hiếu học và sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác “trồng người”, theo đúng quan điểm của nhà sáng lập Nho Giáo – Khổng Tử rằng “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (học không biết chán, dạy người không biết mỏi).
Ý Nghĩa Sống mong rằng những thông tin về cuộc đời làm thầy giáo, cũng như thời gian tham gia chốn quan trường của Chu Văn An giúp độc giả nhìn nhận được công lao to lớn của ông.
Khi làm quan thì hết lòng trung vì nước. Khi làm thầy giáo thì hết lòng giáo hóa môn sinh. Bền lòng “gieo cái chữ cho người dân” không phân biệt sang, hèn. Siêng năng trồng cây cứu người. Quả là những việc làm cao quý của nhà giáo Chu Văn An.
Ý Nghĩa Sống tổng hợp và biên tập.
Xem Thêm:
Chu Văn An | phong cách dạy học, chân dung “vạn thế sư biểu”
136 câu nói uyên bác của Khổng Tử
Cảm ngộ 12 bài học về “Đạo” của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh
20 câu nói tinh tuý của Quỷ Cốc Tử