Lão Tử là một nhân vật chính yếu trong triết học Trung Quốc, ông được cho là nhà sáng lập ra Đạo Giáo (hay còn gọi là Đạo Lão, Lão Giáo, Tiên Giáo).
Đạo Giáo là một trong Tam giáo tồn tại từ thời Trung Quốc cổ đại, song song với Nho giáo và Phật giáo là 3 tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đến Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản.
Tại Trung Quốc, Đạo giáo đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, triết học, văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, dưỡng sinh, y khoa, hoá học, vũ thuật và địa lý.
Đạo Đức Kinh, tác phẩm triết học kinh điển, từng chia sẻ quan điểm về Đạo của Lão Tử rằng: “Đạo thường trống vắng mà tác dụng vô cùng. Thâm sâu như là chủ thể của vạn vật. Làm dịu cái sắc sảo, tháo gỡ những rối loạn. Hoà với cao quý, đồng với cát bụi. Không rõ rệt mà như luôn có mặt.”
“Đạo” có lẽ là từ đã khiến cho nhân loại tự cổ chí kim tốn rất nhiều giấy mực để định nghĩa, lý giải. Vậy Đạo rốt cuộc là gì? Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ đến bạn những góc nhìn, những khái niệm rất riêng và nhiều bài học giá trị về “Đạo” của Lão Tử thông qua 12 chương nói về Đạo của ông trong Đạo Đức Kinh.
1. Đạo là nơi trú ẩn của vạn vật (Chương 62)
Đạo giả vạn vật chi chú dã.
Thiện nhân chi bảo dã, bất thiện nhân chi sở bảo dã.
Mỹ ngôn khả dĩ thị, tôn hành khả dĩ gia nhân.
Nhân chi bất thiện dã hà khí chi hữu.
Cố lập thiên tử,
Trí tam khanh, tuy hữu cộng chi bích, dĩ tiên tứ mã,
Bất thiện toạ nhi tiến thử.
Cổ chi sở dĩ quý thử giả hà dã.
Bất vị cầu dĩ đắc, hữu tội dĩ miễn dữ.
Cố vi thiên hạ quý.
Đạo là nơi trú ẩn của vạn vật, là của báu của người lành và là nơi nương tựa của người bất thiện. Nhờ Đạo mà những lời hay được trọng vọng, những hành động tôn kính – những việc đẹp làm tăng phẩm cách cho người. Nhờ Đạo mà những người bất thiện không bị ruồng rẫy. Cho nên khi lập ngôi vua, dù bày ra tam khanh hai tay bưng ngọc bích đi trước xe tứ mã, cũng không bằng ngồi không mà dâng Đạo đó lên. Người xưa quý trọng Đạo là vì sao? Há chẳng có lời rằng: Cầu Đạo thời được, có tội thời được khỏi sao? Cho nên Đạo quí nhất thiên hạ.
Luận bàn
Vì sao Đạo là của báu của người lành? Chúng tôi cho rằng Vì làm những việc hợp Đạo thì thuận với tự nhiên, cuộc sống của người lành cũng vì thế mà thuận hơn, bình an hơn, đây chẳng phải là phước báu mà chúng ta mong muốn hay sao. Vì sao Đạo là nơi nương tựa của người bất thiện? Chúng tôi cho rằng Vì chưa thiện nên người bất thiện gây ra lỗi lầm và gặp nhiều trắc trở, nhưng vì thiên hạ có Đạo nên người bất thiện vì thế không bị ruồng rẫy, mà được người lành giúp đỡ để người bất thiện được nương tựa và có cơ hội trở thành người thiện. Cho nên dẫu con người có xấu xa mấy, thì sự xấu xa ấy cũng chỉ như mây mù che phủ mặt trời bản thể của họ mà thôi; họ vẫn có thể trở lại với bản tính nguyên thủy tốt đẹp của họ được.
Vì sao Nhờ Đạo mà những lời hay được trọng vọng, những hành động tôn kính – những việc đẹp làm tăng phẩm cách cho người? Vì Đạo là nguồn mạch sinh ra mọi lời hay, việc đẹp. Cho nên nhân loại có được những lời hay, có được những cử chỉ đẹp chính là nguồn Đạo ấy mà ra.
Những lời nói lành, những việc làm tốt đều mang lại giá trị hữu ích, giúp cho con người trở nên tốt hơn vì thế mà những người nói ra lời hay, làm những việc tốt sẽ được người khác kính trọng. Công danh địa vị dù có cao quý đến mấy thì cũng không tốt bằng việc được ngộ đạo, hay truyền đi cái hay cái đẹp của Đạo đến cho người khác cùng được khai sáng. Đạo còn được cảm ngộ là nguồn mạch hạnh phúc của con người nên người xưa vốn coi trọng Đạo là vậy. Đạo là cái quí báu nhất. Nhưng Đạo không phải là cái gì xa vời. Nếu chúng ta tha thiết tìm cầu, ta sẽ được Đạo. Được Đạo rồi thì bao tội lệ sẽ tiêu tan, bao oan nghiệp ta sẽ được hóa giải.
2. Đạo không có tên (Chương 1 – Đạo Đức Kinh)
Đạo khả đạo dã, phi hằng đạo dã.
Danh khả danh dã, phi hằng danh dã.
Vô danh vạn vật chi thuỷ dã.
Hữu danh vạn vật chi mẫu dã.
Cố hằng vô dục dã, dĩ quan kỳ diệu.
Hằng hữu dục dã, dĩ quan kỳ sở kiếu.
Lưỡng giả đồng xuất dị danh,
Đồng vị huyền chi hữu huyền,
Chúng diệu chi môn.
Đạo đã nói ra thì không còn là Đạo phổ biến. Một cái tên đã đặt ra (để chỉ một vật) thì không còn là cái tên chung thông thường. Vô danh là cái gốc của muôn vật. Hữu danh là mẹ của vạn vật (khi vạn vật đã ra đời thì mới có tên để gọi). Cho nên, ôm giữ “vô” thì thấy được sự kì diệu. Ôm giữ “hữu” thì thấy chi ly chi tiết. Cả hai đều cùng xuất hiện nhưng khác tên. Cả hai đã huyền diệu lại càng huyền diệu hơn. Đó là cánh cửa mở ra mọi điều huyền diệu.
Đạo bất biến, trường cửu, không thể diễn tả. Hữu và vô được dùng để tạm nói về Đạo. Vô danh cho ta mường tượng thấy cái bản chất trống vắng, huyền diệu. Còn hữu danh cho ta thấy được chỗ khác biệt, chi ly của vạn vật. Muốn thấy được cái kỳ diệu bao la, cùng khắp của Đạo, người ta phải trở về cái vô. Tìm về cái bản chất chung, đừng phân rẽ tranh chấp về cái tên khác biệt, cái phần ngọn ngành khác biệt, vốn là những gì luôn luôn bị ảnh hưởng bởi thời, thế, hoàn cảnh mà sinh khác biệt và có thể chống đối nhau.
Luận bàn
Đạo chính là nguồn gốc sinh xuất vũ trụ quần sinh. Đạo không có tên, cho nên dùng danh từ nào cũng bất xứng như nhau, kể cả việc dùng chữ “Đạo” như Lão Tử từng viết ở chương 25 Đạo Đức Kinh dưới đây: «Ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết đạo.» (Ta không biết tên ngài, ta gọi bằng Đạo.). Còn Trang Tử nhiều khi cũng đã nhân cách hóa Đạo và gọi bằng Tạo Hóa, Tạo vật giả, v.v. (theo Nam Hoa kinh, chương 6, F).
Đạo có thể ở vào một trong hai trạng thái: tĩnh và động. Tĩnh là trạng thái chưa hiển dương cho nên minh linh, ảo diệu, không biết đâu là bến bờ. Động là trạng thái đã hiển dương, cho nên mới thấy công trình vân vi, giới hạn. Nhưng hiển dương hay không hiển dương, vẫn chỉ là một đạo thể siêu vi. Tên gọi tuy khác nhau nhưng tựu trung vẫn là một thực thể. Đạo thể siêu vi ấy là cửa thiêng sinh xuất ra mọi điều huyền vi ảo diệu. Để cảm nhận về Đạo nên dùng tâm thức trong sáng, thinh lặng, đơn sơ, không tham, không tranh.
3. Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận tự nhiên (Chương 25)
Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh.
Tịch hề liêu hề, độc lập nhi bất cải, khả dĩ vi thiên địa mẫu.
Ngô bất tri kỳ danh dã, tự chi viết đạo.
Ngô cưỡng vị chi danh viết đại.
Đại viết thệ, thệ viết viễn, viễn viết phản.
Đạo đại, thiên đại, địa đại, vương diệc đại.
Quốc trung hữu tứ đại, nhi vương cư nhất yên.
Nhân pháp địa, địa pháp thiên.
Thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên.
Có một vật hỗn độn mà nên, sinh trước trời đất. Tĩnh lặng trống rỗng, đứng một mình không bao giờ thay đổi. Có thể gọi là mẹ của trời đất. Ta không biết tên của ngài. Tạm đặt tên là Đạo. Miễn cưỡng gọi là lớn. Lớn thì tuôn chảy, tuôn chảy thì chảy xa, chảy xa thì trở về. Đạo lớn, trời lớn, đất lớn, mà vua cũng lớn. Trong nước có bốn cái lớn, vua là một trong số đó. Người theo đất, đất theo trời, trời theo Đạo, Đạo thì tự nhiên.
Luận bàn
Chi tiết “có một vật hỗn độn mà nên, sinh trước trời đất” làm cho người hiện đại chúng ta liên tưởng đến vụ nổ Big Bang. Lý thuyết Vụ Nổ Lớn, thường gọi theo tiếng Anh là Big Bang, là mô hình vũ trụ học nổi bật miêu tả giai đoạn sơ khai của sự hình thành vũ trụ. Thuyết Vụ Nổ Lớn là một lý thuyết khoa học đã được kiểm chứng và được cộng đồng khoa học chấp nhận rộng rãi. Nó đưa ra cách giải thích hoàn thiện về nhiều loại hiện tượng quan sát thấy trong vũ trụ, bao gồm sự có mặt của những nguyên tố nhẹ, bức xạ nền vi sóng vũ trụ, cấu trúc vĩ mô của vũ trụ và định luật Hubble đối với siêu tân tinh loại Ia. Khuôn khổ cho lý thuyết Vụ Nổ Lớn dựa trên thuyết tương đối rộng của nhà vật lý Albert Einstein và trên giả thiết đơn giản về tính đồng nhất và đẳng hướng của không gian. Dựa vào phương trình trường Einstein, nhà vũ trụ học Alexander Friedmann đã tìm ra được các phương trình chi phối sự tiến hóa của vũ trụ.
Lão Tử sinh vào khoảng những năm 571 trước công nguyên mà đã có những kiến thức khổng lồ về vũ trụ mà mất hơn 2000 năm sau hậu thế mới có được phương pháp luận để thuyết phục cộng đồng khoa học thì mới thấy kiến thức về vũ trụ của Lão Tử thật rất đáng ngưỡng mộ.
Quan điểm về Đạo trong chương 25 này của Lão Tử có nhiều điểm tương đồng và thống nhất với quan điểm của ông nêu tại chương 1 – Đạo Đức Kinh ở trên. Theo đó nhất quán về Đạo là căn nguyên của vạn vật, là bất biến, là rộng lớn, là thuận theo tự nhiên. Bốn cái lớn mà Lão Tử đề cập ở đây chính là Đạo, Thiên, Địa, Nhân, theo đó “Nhân” tức là con người là một trong 4 cái lớn đó. Nhân theo Địa, Địa theo Thiên, Thiên theo Tự Nhiên.
4. Đạo ở khắp nơi, không mâu thuẫn mà hoà đồng với muôn vật (Chương 4)
Đạo xung nhi dụng chi hữu bất doanh dã.
Uyên hề tỷ vạn vật chi tông.
Toả kỳ nhuệ, giải ký phân.
Hoà kỳ quang, đồng kỳ trần.
Trạm hề tỷ hoặc tồn.
Ngô bất tri kỳ thuỷ chi tử dã.
Tượng đế chi tiên.
Đạo thường trống vắng mà tác dụng vô cùng. Thâm sâu như là chủ thể của vạn vật. Làm dịu cái sắc sảo, tháo gỡ những rối loạn. Hoà với cao quý, đồng với cát bụi. Không rõ rệt mà như luôn có mặt. Ta không biết Đạo sinh ra từ đâu. Có lẽ nó còn hiện hữu trước cả Thượng Đế.
Đạo trống vắng hư không mà tác dụng thì vô cùng. Đạo ở khắp nơi, không mâu thuẫn mà hoà đồng với muôn vật. Thánh nhân (người cao quý, bậc lãnh đạo) là người không có thành kiến và óc phân biệt phe phái. Thánh nhân hoà với cao quý mà vẫn đồng với bụi trần, luôn luôn hiện diện nhưng vẫn để mọi việc tự nhiên.
Luận bàn
Theo ý trên, Lão Tử muốn nói Đạo thường khó nhận biết, không rõ rệt, như hư không, luôn tồn tại có mặt mọi nơi, hài hoà vào với mọi vật kể cả những thứ cao quý cũng như những thứ nhỏ nhất, đơn giản nhất. Chính vì thế mà Đạo rộng lớn vô cùng, luôn trường tồn, dùng không bao giờ cạn. Thánh nhân (người cao quý, bậc lãnh đạo) muốn có sức ảnh hưởng rộng lớn thì nên học theo Đạo nên có tấm lòng rộng mở, hoà ái, loại bỏ thành kiến, loại bỏ phe phái để dung nạp nhiều típ người. Như Đạo của nước, như biển cả có thể dung nạp được hàng trăm con sông, thuận theo tự nhiên mà lớn mạnh.
5. Giềng mối của Đạo (Chương 14)
Thị chi nhi bất kiến, danh chi viết vi.
Thính chi nhi bất văn, mệnh chi viết hy.
Hôn chi nhi bất đắc, mệnh chi viết di.
Tam giả bất khả chí kế, cố hỗn nhi vi nhất.
Nhất giả, kỳ thượng bất kiểu, kỳ hạ bất hốt.
Tầm tầm hề bất khả danh dã.
Phục quy ư vô vật, thị vị vô trạng chi trạng.
Vô vật chi tượng, thị vị hốt vọng.
Tuỳ nhi bất kiến kỳ hậu, nghênh nhi bất kiến kỳ thủ.
Chấp kim chi đạo dĩ ngự kim chi hữu, dĩ tri cổ thuỷ.
Thi vị đạo kỷ.
Nhìn mà không thấy gọi là vi. Nghe mà không thấy gọi là hy. Sờ mà không nắm gọi là di. Ba điều đó không thể truy cứu rõ ràng. Chỉ thấy hỗn độn làm thành một. Cái một đó, trên thì không sáng; dưới thì không rõ. Mờ mờ không thể gọi tên được. Trở về nơi vô vật, gọi là cái trạng không có hình trạng, cái hình tượng của vô vật, gọi là cái thấp thoáng mờ mịt. Theo thì không thấy đuôi. Đón thì không thấy đầu. Nắm giữ được cái Đạo ngay trước mặt thì chế ngự được mọi việc hiện tại lẫn cả nguồn cơn xưa cũ. Đó là giềng mối của Đạo.
Luận bàn
Muốn nắm được Giềng mối của Đạo thì theo Lão Tử nên Giữ cái Đạo xưa để trị chuyện nay; biết cái đầu mối của thời xưa. Chương này Lão tử lại luận về Đạo thể. Đại khái Lão tử cho rằng Đạo thể huyền vi, mung lung, ảo diệu, thoát tầm kích quan năng của con người. Đại đạo vô hình tướng, nên không có đầu đuôi, dù đón trước theo sau cũng không truy lùng ra dáng dấp. Tuy nhiên, ta vẫn có cách biết được Đạo, nếu ta biết cách khảo sát đời sống các vị thánh nhân đời trước. Hiểu được thời cổ, tức là biết được chuyện nay, hiểu được Đạo thể. Nhưng những vị thánh nhân đời trước là ai thì Lão Tử không nói rõ.
6. Trở lại là cái động của Đạo (Chương 40)
Phản giả đạo chi động dã.
Nhược giả đạo chi dụng dã.
Thiên hạ chi vật sinh ư hữu,
Hữu sinh ư vô.
Trở lại là cái động của Đạo, mềm yếu là cái dụng của Đạo. Mọi vật trong trời đất sinh ra từ có, có sinh ra từ không.
Luận bàn
Muốn trở về với Đạo phải thuận theo các định luật tự nhiên, đừng cưỡng lại với trời đất, nhân tâm. Muốn trở về với Đạo, cần phải biết vươn lên trên những cái hữu hình, hữu tướng, để lên tới căn bản vô hình, vô tướng.
7. Đạo sáng, Đạo tiến, Đạo bằng phẳng (Chương 41)
Thượng sĩ văn đạo, cần năng hành chi.
Trung sĩ văn đạo, nhược tồn nhược vong.
Hạ sĩ văn đạo, đại tiếu chi.
Phất tiếu bất túc dĩ vi đạo.
Thị dĩ kiến ngôn hữu chi viết:
Minh đạo như phí, tiến đạo như thoái.
Di đạo như loại.
Thượng đức như dục, đại bạch như nhục, quảng đức như bất túc.
Kiến thức như thâu, thất chân như du.
Đại phương vô ngung, đại khí vãn thành, đại âm hy thanh,
Thiên tượng vô hình, đạo ẩn vô danh.
Phù duy đạo, thiện thuỷ thả thiện thành.
Người học cao nghe Đạo thì gắng sức thực hành theo. Người học bình thường nghe Đạo thì nửa tin nửa ngờ như còn như mất. Kẻ thấp kém nghe Đạo thì cười lớn. Nếu không cười thì Đạo không phải là Đạo nữa. Cho nên, lời xưa có nói: Đạo sáng thì như tối tăm, Đạo tiến thì dường như thoái, Đạo bằng phẳng thì dường như gập ghềnh. Đức cao thì như hang động, cao khiết thì dường như ô nhục, Đức rộng thì dường như thiếu thốn, Đức mạnh thì dường như yếu nhác, chất phác thì như trống rỗng. Hình vuông cực lớn thì không có góc, tài lớn thì chậm thành, âm lớn thì ít tiếng, vật lớn thì không có hình thể, Đạo thì lẩn khuất không tên. Cho nên chỉ có Đạo là khéo sinh và tác thành muôn vật.
Luận bàn
Nên người xưa nói: Sáng về Đạo, dường tăm tối. Tiến về Đạo, nhường như thụt lùi. Ngang với Đạo, dường như cục cằn. Đức cao dường như hang suối. Thật trong trắng dường như bợn nhơ. Đức dồi dào dường như không đủ. Đức vững chắc dường như cẩu thả. Chất thực dường như biến đổi. Cho nên những bậc chân nhân thì thường ẩn dật, khó tìm, khó nhận biết.
Đạo cả huyền vi, người có căn cơ mới thấy cái hay, cái đẹp của Đạo, nên quyết chí đem Đạo ra thi hành. Còn những người bình thường thì học Đạo, nhưng không thấy say sưa, thích thú, nghe đấy rồi quên đấy. Những người có căn cơ thấp khi nghe Đạo thì hay coi thường hoặc cười chê. Họ có cười chê Đạo, thì mới rõ Đạo là cao siêu, thật không dễ để hiểu và hành.
8. Đạo tuy chẳng có tên nhưng như sông biển, là chốn đi về của muôn vật (Chương 32)
Đạo hằng vô danh.
Phác duy tiểu nhi thiên hạ phất cảm thần.
Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự tân.
Thiên địa tương hợp dĩ du cam lạc.
Dân mạc chi lệnh nhi tự quân yên.
Thuỷ chế hữu danh.
Danh diệc ký hữu.
Phù diệc tương tri chỉ.
Tri chỉ sở dĩ bất đãi, thí đạo chi tại thiên hạ dã,
Du tiểu dục chi dư giang hải dã.
Đạo thường không có tên, chất phác nhưng không ai trong thiên hạ có thể coi thường được. Vua chúa nếu như có thể giữ được Đạo, thì muôn vật sẽ tự đến qui phục, Trời đất tương hợp khiến cam lộ rơi xuống Dân không cần lệnh mà tự chia đều (không tranh). Bắt đầu chia cắt mới thành tên. Đã có tên thì phải biết dừng. Biết dừng thì có thể tránh được nguy. Ví Đạo với thiên hạ thì như dòng suối nhỏ với sông biển vậy. Đạo tuy chẳng có tên nhưng như sông biển, là chốn đi về của muôn vật.
Luận bàn
Lão tử chủ trương nếu con người sống thuận theo Đạo, thuận theo lẽ tự nhiên, thiên hạ sẽ bình trị. Nói thế tức là bao lâu chúng ta còn đi sai đường lối của trời đất, bao lâu còn chưa thuận thiên thời, thủy thổ, vật lý, tâm lý, thiên lý, thì bấy lâu, cuộc đời chúng ta – bất kỳ là đời sống tư nhân, hay quốc gia, xã hội – vẫn chưa được ổn định. Người có thể giữ được Đạo, tức là lấy tấm lòng bao dung, độ lượng mà chan hoà với muôn người, thuận theo lẽ tự nhiên thì muôn người sẽ đến quy phục.
Để hiểu hơn về câu nói “Vua có thể giữ Đạo thì muôn vật sẽ tự đến quy phục” chúng tôi xin lấy ví dụ trong tiểu thuyết Hán Sở Diễn Nghĩa có nói tới chi tiết Trương Lương tư vấn cho Hạng Vũ về việc nên lựa chọn danh hiệu nào cho xứng với Hạng Vũ, đây là công việc vô cùng áp lực vì không khéo sẽ bị mất mạng, đầu tiên Trương Lương giải thích về Ngũ Đế: “Ngũ Đế bao gồm Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn. Đế tức là thiên hiệu vậy, đức sánh với trời đất, không theo việc can qua, không làm việc sát phạt, khiêm nhượng mà có thiên hạ, đại vương có thể xưng danh hiệu ấy không?”
Hạng Vũ bèn nghĩ “Ta đã xử tử Tử Anh, mà chinh phạt thiên hạ thật thẹn với Ngũ Đế, nhẽ danh hiệu ấy không thể xưng được”. Trương Lương tiếp tục giải thích về Tam Vương rằng “Sau thời Ngũ Đế thì có Tam Vương, tức là Hạ, Thương, Chu. Tam vương ấy, chăm chỉ kiệm cần, bồi nhân chuộng nghĩa, hậu đức hiếu sinh, không nghĩ cho riêng thân mình, mà chỉ vì bách tính, như khó nhọc trị thuỷ, chăm lo cầu mưa, can gián Trụ vương đến nỗi bị giam cầm, đều là đức lớn của Tam vương vậy, đại vương có thể xưng danh hiệu ấy không”.
Hạng Vũ nói: “Vương hiệu có thể xưng được, nhưng không biết dưới vương còn có danh hiệu gì?” Lương nói: “Dưới Vương có Ngũ Bá: Tề Hoàn Công, Tống Tương công, Tần Mục công, Tần Văn Công, Sở Trang Vương. Ngũ Bá này vì thiên hạ mà trừ tàn khử bạo, mỗi người làm bá một nước, mang nhân chuộng nghĩa, uy vũ lớn mạnh, người người đều sợ, đại vương có thể xưng danh hiệu ấy không?”
Hạng Vũ nói: “Vương hiệu tuy hợp với xưa nhưng chẳng hợp với nay, bá nghiệp tuy hợp với nay nhưng chưa trọn hết xưa. Nếu hợp cổ kim lại mà kiêm gồm lấy cả, chi bằng xưng Sở Bá Vương. Ta sinh ra ở Sở, từ sông Hoài trở lên phía tây bắc là Tây Sở, quần thần các ngươi hãy thảo chiếu, lấy tôn hiệu ta là Tây Sở Bá Vương mà ban hành ra thiên hạ”. Cho nên từ 3 cấp hiệu trên (Đế – Vương – Bá) chúng ta có thể thấy được rằng danh hiệu càng cao thì ân đức càng rộng lớn “đức sánh với trời đất, không theo việc can qua, không làm việc sát phạt, khiêm nhượng mà có thiên hạ” điều này rất hợp với tư duy của Lão Tử là vậy.
Chúng ta cùng trở lại phân tích các câu nói khác của Lão Tử trong chương 32 này có thể được hiểu rằng: Đạo khi chưa sinh ra vạn vật thì hồn nhiên nhất thể; đạo khi đã sinh vạn vật thì y như sẽ phân tán, chia phôi thành nhiều hình trạng và có nhiều danh hiệu khác nhau. Con người giác ngộ phải biết sống một cuộc sống không xa lìa Đạo thể, phải biết dừng chân nơi bến bờ hoàn thiện, thuần phác, vĩnh cửu.
Tìm ra được vĩnh cửu giữa vạn trạng phù du; tìm ra được tĩnh lặng giữa muôn vàn đợt sóng thế sự dạt dào; tìm ra được thiên chân giữa mọi hoàn cảnh tang thương, ảo hóa; tìm ra được viên mãn, thuần phác trong một thế giới đầy hỗn tạp, chểnh mảng dở dang. Có như vậy thì mới tránh được nguy hại.
Lão tử còn cho ta thấy rằng Đạo sinh ra muôn loài muôn vật, y thức như khe suối sinh ra sông biển. Đạo không lìa khỏi muôn loài muôn vật, cũng như khe suối chẳng bao giờ lìa khỏi sông biển. Nước khe suối tuôn ra sông biển, rồi nước sông biển lại thành mưa trở về nguồn.
9. Trùm Đạo tặc không phải là Đạo (Chương 53)
Sử ngã giới hữu tri, hành ư đại đạo, duy tha thị uý.
Đại đạo thậm di, dân thậm hảo giải.
Triều thậm trừ, điền thậm vu, xương thậm hư,
Phục văn thái, đái lợi kiếm, yểm thực nhi tư, tài hữu dư.
Thị vị đạo khoa.
Đạo khoa phi đạo dã tai.
Nếu ta có chút hiểu biết thì đi trên Đạo lớn. Chỉ sợ làm sai mà thôi. Đường lớn thật trơn tru, nhưng người ta lại thích đường núi chật hẹp. Triều đình thật lộng lẫy mà đồng ruộng đầy cỏ hoang, kho lẫm trống rỗng. Áo quần gấm thêu, đeo gươm sắc bén, đồ ăn thừa mứa, của cải dư thừa. Nhưng đó là đường của đạo tặc, đâu phải đường của đại đạo.
Luận bàn
Cũng là 1 chữ Đạo, nhưng nếu là Đạo Tặc thì không phải con đường của đại chính đạo. Nếu vua chúa chỉ chuyên lo phô trương thanh thế chuyên lo cho có nhà cao cửa rộng, cung điện sa hoa, bề ngoài đẹp đẽ, ăn uống xa xỉ, thì sẽ làm hại dân, hại nước, vì dân sẽ phải sưu cao thuế nặng, đi phu, đi phen, đến nỗi ruộng nương hoang phế kho lẫm trống trơn. Trị dân nước mà như vậy, thì là phường đạo tặc, chứ đâu phải là trị dân theo đúng lẽ Trời. Tóm lại trong chương này Lão tử vẫn nương theo chủ trương Vô vi mà khuyên ta không nên phô trương, không nên vẽ chuyện, mà trái lại trong đời tư cũng như đời công, phải sống sao cho tự nhiên, cho giản dị. Như vậy mới là sống hợp lẽ Trời, mới là trị dân thuận theo lẽ tự nhiên.
*Dưới đây tôi xin chia sẻ thêm về các tấm gương của các vị vua xưa:
+ Khổng Tử có đề cập trong Luận Ngữ về Vua nhà Hạ như sau “Vua Vũ nhà Hạ, ta chẳng chê trách được. Trong việc ăn uống, ngài giữ đạm bạc, nhưng trong việc cúng tế thì lại trọng hậu. Y phục ngài thường mặc thì xấu, nhưng áo ngài mặc trong dịp cúng tế thì lại rất đẹp. Cung thất của ngài thì nhỏ hẹp, nhưng ngòi lạch trong nước thì Ngài tận lực sửa sang…”.
+ Chiến Quốc Sách chép: Đời Vua Vũ có viên quan tên là Nghi Địch nấu rượu rất ngon, Nghi Địch dâng rượu lên vua. Vua Vũ uống vào rượu thấy rất ngon ngọt, phán rằng: “Đời sau ắt có vị vua vì rượu mà mất nước.” Ngài bèn xa lánh Nghi Địch và tự hậu chẳng hề uống rượu.
+ Chu Công nói: Văn Vương phục sức xoàng xĩnh, chỉ chăm việc canh nông và trị an. Ngài khiêm cung, nhu mì, thương yêu, bênh vực dân hèn, làm ơn cho kẻ góa bụa. Từ sớm đến trưa, từ trưa đến tối, vua không còn có thì giờ rảnh để ăn, mà mải mê lo cho muôn dân được vui hòa. Ngài không dám ham mê chơi săn. Thâu thuế các nước thì chỉ thâu cho chính đáng. Cho nên vua Văn chịu mệnh khi đã đứng tuổi, mà còn hưởng nước được trên 50 năm.
10. Không phải Đạo (Chương 55)
Hàm đức chi hậu giả tỉ ư xích tử.
Phong sái trùng xà bất thích, cứ điều mãnh thú bất bác.
Cốt cân nhược nhu nhi ác cố,
Vị chi tẫn mẫu chi hội nhi tuyên nộ, tinh chi chí dã.
Chung nhật hào nhi bất sá, hoà chi chí dã.
Tri hoà viết thường, tri thường viết minh.
Ích sinh viết tường, tâm sử khí viết cường.
Vật tráng tắc lão, vị chi bất đạo.
Bất đạo tảo dĩ.
Người có Đức dày giống như trẻ thơ. Ong, trùng, bọ cạp, rắn rết không tấn công, chim săn không làm hại, thú dữ không vồ bắt. Xương yếu gân mềm mà tay nắm chắc. Chưa biết việc yêu đương, tinh khí vẹn toàn. Cả ngày gào thét mà giọng không khàn. Đó là hoà khí sung túc. Biết hoà hợp thì mới trường cửu, biết trường cửu thì mới sáng suốt. Quá Tham sống thì hại. Dụng tâm sai khí thì gọi là cường bạo, cũng vì vậy tâm làm cho khí tổn hao. Tâm làm cho khí hao mòn là vậy, Vật cường tráng thì sẽ già nua, như vậy không phải Đạo. Không phải Đạo thì không trường tồn.
Luận bàn
Như vậy ý của Lão Tử muốn nói trong chương này là muốn nhân sinh hướng đến sự tu đạo với sự thuần khiết như trẻ thơ, loại bỏ tham muốn, giữ cho mọi sự cân bằng, hài hoà, hoà hợp thì mới trường cửu. Theo đó, Người tu đạo như thể có mang một đạo linh phù trong người, không có gì làm hại mình được. Linh phù ấy chính là trong thì giữ vẹn được Thần khí – tinh thần, ngoài thì trung hoà được với vạn hữu, tha nhân, quần sinh, vũ trụ. Ngược lại, những thứ không phải Đạo chính là những thứ làm mất đi sự vẹn toàn của thần khí, những thứ làm mất đi sự hài hoà với vạn vật.
11. Đạo sinh (Chương 42)
Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị,
Nhị sinh tam, tam sinh vạn vật.
Vạn vật phụ âm nhi bão dương,
Trung khí dĩ vi hoà.
Thiên hạ chi sở ố duy cô quả bất cốc,
Nhi vương công dĩ tự danh dã.
Vật hoặc tổn chi nhi ích, ích chi nhi tổn.
Cố nhân chi sở giáo,
Tịch nghị nhi giáo nhân.
Cố cường lương giả bất đắc tử,
Ngã tương dĩ vi học phụ.
Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Trong vạn vật không có vật nào không cõng Âm và ôm Dương. Ở giữa là nguyên khí dung hòa.Thiên hạ thường ghét bị chê là cô quả thiếu Đức. Thế mà vua chúa lại dùng nó để tự xưng. Như vậy thì sự đời bớt là thêm, thêm là bớt. Điều người xưa đã dạy, nay ta cũng lấy để dạy người: Dùng cường bạo thì chết bất đắc kỳ tử. Ta nghĩ, người nói điều đó đáng là cha ta.
Luận bàn
Đạo sinh ra một (chính là chân nguyên nhất thể), nhất thể sinh ra hai (chính là âm và dương), âm dương biến hoá khôn lường sinh ra bộ ba (chính là Hình, Khí, Chất – có quan điểm cho rằng là Thần, Khí, Chất – có quan điểm thì co rằng bộ ba này là Thiên, Địa, Nhân). Bộ ba này giao nhau sẽ sinh ra vạn vật. Đạo không dựng nên vạn hữu, mà Đạo đã tự phân hoá mình thành vạn hữu.
Lão tử luôn khuyên người trên phải khiêm cung. Tự giảm giá trị mình, sẽ được người tăng giá trị. Nhược bằng cao ngạo, luôn muốn đề cao giá trị mình, thì sẽ bị người làm cho hạ giá trị.
Lão tử khuyên chớ nên dùng bạo lực vì dùng bạo lực thì sẽ có cái kết bạo tàn. Câu “Cường lương giả bất đắc kỳ tử” đã được khắc vào sau lưng của một người bằng vàng (hoặc bằng kim khí) để ở trước thềm đền thờ Hậu Tắc, tổ tiên của Nhà Chu. Như vậy Lão tử chỉ nhắc lại một lời khuyên của người xưa. Theo đó, Lão Tử cũng tự nhận rằng mình cũng phải học hỏi được người xưa.
12. Đạo trời (Chương 47)
Bất xuất ư hộ dĩ tri thiên hạ.
Bất khuy ư dũ dĩ tri thiên đạo.
Kỳ xuất di viễn giả.
Kỳ tri di thiểu.
Thị dĩ thánh nhân bất hành nhi tri.
Bất kiến nhi danh.
Bất vi nhi thành.
Không bước khỏi cửa mà biết thiên hạ. Không nhìn ra cửa sổ mà thấy Đạo trời. Càng đi xa càng thấy ít. Cho nên, thánh nhân không đi mà biết, không nhìn mà thấy, không làm mà thành.
Luận bàn
Nếu chúng ta biết tu đạo, thu thần, định trí thì trí huệ sẽ phát sinh, và sẽ biết được nhiều điều vi diệu của tạo hóa. Người xưa cho rằng: Ta và vạn vật đều cùng một gốc, nên nếu hiểu biết rõ lý lẽ ở nơi một người, sẽ hiểu biết lý lẽ của thiên hạ, cho nên người tu đạo không ra khỏi cửa mà biết thiên hạ là vậy.
Người xưa lại quan niệm thêm rằng luật trời, đạo trời ghi tạc ngay trong lòng con người; nên không cần bon chen vất vả, chỉ cần biết tĩnh tâm suy cứu, là tìm thấy luật Trời. Còn như bon chen vất vả, luân lạc trong chốn hồng trần, thì bất quá chỉ có được những kiến thức vụn vặt, những lối nhìn chật hẹp mà thôi, nên Lão Tử nói càng đi xa càng thấy ít là vậy.
Cho nên, thấy bằng mắt không bằng thấy bằng trí; mà thấy bằng trí không bằng thấy bằng thần. Chỉ có thần mới không vội mà nhanh, không đi mà đến. Để có được thần thì phải tu tập.
Tham khảo: Lão Tử Đạo Đức Kinh do Vũ Thế Ngọc dịch
Bạn có thể xem thêm video tại đây:
Xem thêm:
20 câu nói tinh tuý của Quỷ Cốc Tử
Cảm ngộ 3 câu nói thâm thuý của người Do Thái
Những câu nói khôn ngoan của Tư Mã Ý trong Tam Quốc Diễn Nghĩa