Trong hơn 1000 năm bị phong kiến Trung Quốc đô hộ (179 TCN – 938), nước ta có vài thời gian độc lập ngắn ngủi như thời kỳ Hai Bà Trưng (40-43), thời kỳ nhà Tiền Lý với nước Vạn Xuân (541-602). Trong suốt các thời kỳ Bắc thuộc đó, các triều đại Trung Quốc không ngừng thực hiện đồng hóa người Việt nhằm biến Việt Nam thành một quận huyện của Trung Quốc. Dưới thời kỳ này người Việt phải đóng sưu thuế cho triều đình phía bắc. Ngoài số thuế của nhà nước, một số quan cai trị địa phương vì ở xa nên cũng bòn vét thêm của dân.
Chiến thắng Bạch Đằng của vua Ngô Quyền có thể coi là trận chung kết toàn thắng của dân tộc Việt Nam trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Không những đánh bại cuộc xâm lược của 2 vạn quân Nam Hán, mà còn chấm dứt giai đoạn Bắc thuộc đó, tạo nên kỳ tích, viết nên trang sử vàng chói lọi, đưa nước ta chính thức bước vào giai đoạn độc lập tự chủ.
Tác giả Trần Trọng Kim nhận định trong sách Việt Nam sử lược: “Ngô Quyền trong thì giết được nghịch thần, báo thù cho chủ, ngoài thì phá được cường địch, bảo toàn cho nước, thật là một người trung nghĩa lưu danh thiên cổ, mà cũng nhờ có Ngô Quyền, nước Nam ta mới cởi được ách Bắc thuộc hơn một nghìn năm, và mở đường cho các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần về sau này được tự chủ ở cõi Nam vậy.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhận định “Ngô Quyền mưu tài đánh giỏi, làm nên công dựng lại cơ đồ, đứng đầu các vua”.Trong bài viết này, xin gửi đến các bạn những thông tin về vị vua tài năng ấy, đặc biệt là binh pháp mà Ngô Quyền đã áp dụng sáng tạo trong trận Bạch Đằng lưu danh muôn thuở. Tạo tiền đề cho các trận pháp về thuỷ chiến của Việt Nam sau này.
Thông tin về Ngô Quyền
Ngô Quyền (12 tháng 3 năm 898 – 14 tháng 2 năm 944), còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương hoặc Ngô Vũ Vương, là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. Năm 938, ông là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng, chính thức kết thúc gần một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam. Sau chiến thắng này, ông lên ngôi vua, lập ra nhà Ngô, trị vì từ năm 939 đến năm 944.
Ngô Quyền nằm trong danh sách mười bốn anh hùng dân tộc Việt Nam. Phan Bội Châu xem ông là vị Tổ Trung hưng của Việt Nam.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhận định “Vua Ngô Quyền mưu tài đánh giỏi, làm nên công dựng lại cơ đồ, đứng đầu các vua”. Tại sao lại “đứng đầu các vua” vì chúng ta biết rằng chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền và quân ta là một kỳ tích trong lịch sử, giúp cho Lịch sử của nước Việt ta chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, bước sang trang mới chói lọi, và Ngô Quyền là vị vua đầu tiên trong kỷ nguyên độc lập ấy.
Vua Ngô Quyền khi mới sinh được thầy xem tướng dự báo “chân mệnh đế vương”, cụ thể theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết “Vua khi mới sinh có điềm ánh sáng khắp nhà, hình dạng khác thường, ở lưng có ba cái nốt ruồi, người xem tướng cho là lạ, bảo rằng có thể làm nên chúa một phương, nên mới đặt tên là Quyền. Đến khi lớn lên, vẻ người khôi ngô, mắt sáng như chớp, đi thong thả như cọp, có trí dũng, sức có thể cầm vạc giơ lên”.
Người có thể cầm vạc giơ lên trước giờ vốn chỉ có Hạng Vũ (hay còn gọi là Tây Sở Bá Vương) trong tiểu thuyết Hán Sở Diễn Nghĩa mới có khả năng làm được. Hạng Vũ không chỉ là Tây Sở Bá Vương mà còn là người tướng quân có sức mạnh số 1 trong thời Hán Sở lúc bấy giờ. Nói đến đây, chúng ta lại càng tự hào về Ngô Quyền, tự hào dân tộc Việt bấy nhiêu.
Bối cảnh lịch sử
Năm 931, Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán – một trong 10 nước thời Ngũ đại Thập quốc nằm liền kề với Tĩnh Hải quân – giành lại quyền tự chủ cho người Việt ở Tĩnh Hải quân (vào thời đó, Việt Nam chưa có quốc hiệu chính thức), tự xưng là Tiết độ sứ.
Năm 937, Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn giết hại để cướp ngôi Tiết độ sứ. Con rể và là một tướng khác của Đình Nghệ là Ngô Quyền bèn tập hợp lực lượng ra đánh Công Tiễn để trị tội phản chủ. Kiều Công Tiễn sợ hãi, bèn sai người sang cầu cứu Nam Hán.
Vua Nam Hán là Lưu Cung (còn gọi là Lưu Yểm) muốn nhân cơ hội đó bèn quyết định đánh Tĩnh Hải quân lần thứ hai để cướp nước ta. Lưu Cung cho rằng Dương Đình Nghệ qua đời thì Tĩnh Hải quân không còn tướng giỏi, bèn phong cho con trai thứ 9 là Lưu Hoằng Tháo làm “Bình Hải tướng quân” và “Giao Chỉ vương”, thống lĩnh thủy quân.
Trước tình thế “thù trong giặc ngoài” như vậy, Ngô Quyền đã tiến hành:
1. Tập hợp sức mạnh trong nước, tiêu diệt thù trong:
Năm 938, sau khi tập hợp các hào kiệt trong nước đứng về phía mình, Ngô Quyền mang quân từ Ái châu ra Bắc đánh Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn bị cô lập không chống nổi, trông chờ viện binh của Nam Hán.
Trong khi vua Nam Hán đang điều quân thì Ngô Quyền đã tiến ra thành Đại La (Tống Bình). Kiều Công Tiễn bị túng thế không đủ sức chống lại nên thành nhanh chóng bị hạ, Kiều Công Tiễn bị giết chết. Lúc đó quân Nam Hán vẫn chưa tiến vào tới biên giới.
Luận bàn
Nhận thấy việc Công Tiễn quy phục Nam Hán là mối nguy hại cho cuộc tự chủ mà họ Khúc và Dương Đình Nghệ đã cố gắng xây nền móng nên việc Ngô Quyền tập hợp lực lượng tiêu diệt Kiều Công Tiễn mang ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc tự chủ của nước ta.
Đồng thời giúp quân ta chặt đứt cánh tay đắc lực của quân Nam Hán, tạo tiền đề cho chiến thắng quân Nam Hán về sau. Chiến lược chia tách lực lượng thù trong và giặc ngoài để đánh từng phần dành thế chủ động là một chiến lược khôn ngoan của Ngô Quyền. Làm cho quân giặc đầu đuôi không cứu được nhau là hoàn toàn hợp với phép dụng binh.
Bởi lẽ Binh Pháp Tôn Tử viết “kẻ giỏi dùng binh có thể khiến cho quân địch trước sau mất liên lạc, binh nhiều và ít không thể cậy nhờ nhau, người sang và kẻ hèn không thể cứu nhau người trên và kẻ dưới không thể giúp nhau, sĩ tốt ly tán mà không thể tập trung được, binh tụ hợp mà không thể chỉnh tề kẻ dùng binh thấy có lợi thì dấy – không có lợi thì dừng.”
2. Đánh tan quân Nam Hán xâm lược
Vua Nam Hán cho con trai là Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đổi tước phong là Giao Vương, đem 2 vạn quân sang với danh nghĩa là cứu Công Tiễn. Lưu Cung hỏi kế ở Sùng Văn hầu là Tiêu Ích. Ích nói: “Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến”.
Vua Nam Hán bấy giờ đang muốn hành quân nhanh để đánh chiếm lại Tĩnh Hải quân, nên không nghe theo kế của Tiêu Ích, sai Hoằng Tháo đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào. Lưu Cung tự mình làm tướng, đóng ở Hải Môn để làm thanh viện. Hải Môn là một trấn, tên đặt từ thời nhà Đường, vùng mà thời phong kiến gọi là Hải Dương.
Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá rằng: Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở cửa biển trước, thuyền của họ nhân khi nước triều lên tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không kế gì hơn kế ấy cả.”. Ngô Quyền định kế rồi, bèn cho đóng cọc ở hai bên cửa biển.
Luận bàn
Câu nói trên của Ngô Quyền không những quân ta tăng thêm sĩ khí, mà còn thể hiện rõ sự uyên thâm về Binh Pháp của Ngô Quyền. Ông đánh giá tương quan lực lượng địch ở các khía cạnh: thế trận, nội ứng, phương tiện vũ trang:
+ Về thế trận: nhận thấy quân giặc từ xa tới tất sẽ mỏi mệt thì ta áp dụng Lấy quân ta mạnh khoẻ để đánh quân địch mỏi mệt, chính là kế sách “dĩ dật đãi lao” trong binh pháp tất quân ta sẽ dành lấy lợi thế.
+ Về nội ứng: Kiều Công Tiễn là kẻ phản chủ, nay thành nội gián, tay sai tiếp ứng cho Hoằng Tháo đã chết. Quân Hán sang sẽ mất đi tai mắt, mất đi sự tiếp ứng của Tiễn. Như vậy quân Hán như mất một đội quân lớn vậy.
+ Về phương tiện vũ trang: những chiến thuyền với 2 vạn quân giặc Hán đang là lợi thế của giặc Hán, nếu để chúng cập bến thì sẽ là hiểm hoạ cho nước ta.
Vào một ngày cuối đông năm 938, trên sông Bạch Đằng, vùng cửa biển và hạ lưu, cả một đoàn binh thuyền do Hoằng Tháo chỉ huy vừa vượt biển tiến vào cửa ngõ Bạch Đằng. Quân Nam Hán thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít thì liền tưởng có thể ăn tươi, nuốt sống liền hùng hổ tiến vào. Ngô Quyền ra lệnh cho quân bỏ chạy để nhử giặc lên thượng lưu. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào.
Đợi đến khi thủy triều xuống, Ngô Quyền mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh. Khi binh thuyền của giặc đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, quân ta ai nấy đều anh dũng chiến đấu. Quân Nam Hán không kịp sửa thuyền mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền đều mắc vào cọc mà lật úp, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa.
Thuyền chiến lớn của Nam Hán bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Lúc đó Ngô Quyền mới tung quân ra tấn công dữ dội. Quân Nam Hán thua chạy, còn Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng với hơn một nửa quân sĩ.
Vua Nam Hán đồn trú ở cửa biển để cứu trợ nhưng không làm gì được; thương khóc, thu nhặt quân lính còn sót rút về.
Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận định trong sách Đại Việt Sử ký Toàn thư: “Lưu Cung tham đất đai của người, muốn mở rộng bờ cõi, đất đai chưa lấy được mà đã hại mất đứa con của mình và hại cả nhân dân, tức như Mạnh Tử nói: “Đem cái mình không yêu mà hại cái mình yêu” vậy chăng?”
Thắng lợi của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng vào năm 938 đã đặt dấu chấm hết cho mọi âm mưu xâm lược Tĩnh Hải quân của nhà Nam Hán, đồng thời cũng kết thúc thời kì Bắc thuộc của Việt Nam.
Luận bàn
Việc đóng cọc ngầm bịt sắt trên sông Bạch Đằng là một chiến lược độc đáo và rất sáng tạo. Tuy nhiên, chiến lược này không hề dễ thực hiện, để triển khai thành công chiến lược này đòi hỏi sự kết hợp chính xác giữa các yếu tố sau đây:
+ Khi đóng cọc ngầm phải đóng đủ độ sâu để cọc không bị lực nước đánh nổi lên; Độ chắc của cọc ngầm phải cực tốt thì mới đủ sức đâm thủng thuyền giặc khi nước rút xuống.
+ Phải dụ địch tiến vào đúng vùng đóng cọc ngầm thì mới hiệu quả, không cho giặc tiến ra phía trước hay phía sau của vùng cọc thì vùng cọc mới phát huy tác dụng.
+ Phải tính toán chuẩn xác thuỷ triều, canh thời điểm con nước lên để dụ địch vào vùng cấm địa, rồi phải duy trì thời gian cầm cự với chiến thuyền của giặc tại vùng cấm địa vừa đủ thời gian đến thời điểm con nước rút mà thuyền địch còn ở vùng cấm địa thì cọc mới công phá được chiến thuyền của địch.
+ Thuyền của ta khi đi dụ địch phải là thuyền nhẹ và và có kích thước vừa phải để nhanh luồn lách, tránh được vùng cọc ngầm.
Qua đây ta mới thấy được Ngô Quyền quả là vị tướng quân am hiểu thuỷ thổ, địa lợi của nước ta, và có tài năng vượt trội về lãnh đạo thuỷ quân. Đặc biệt hơn nữa là trong thời gian ngắn, ông đã tập hợp được quân sĩ từ nhiều lực lượng khác nhau, vậy mà ông đã thống nhất sức mạnh toàn dân, toàn quân để phối hợp nhịp nhàng – chuẩn xác – và anh dũng chiến đấu.
Ngẫm chuyện nước mình, lại xét nước người, vào giai đoạn Tam Quốc của Trung Hoa (vào khoảng những năm 220 – 280), lực lượng thuỷ quân của Đông Ngô lúc bấy giờ được cho là số 1 về thuỷ quân trong Tam Quốc (trải qua các thời Đại đô đốc như Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông, Lục Tốn) nhưng chưa có trận nào mà lại dùng chiến lược đóng cọc ngầm bịt sắt dưới sông độc đáo như Ngô Quyền. Đây quả là chi tiết rất tự hào của sử Việt cho thấy tầm chiến lược đỉnh cao của Ngô Quyền.
Chiến lược này đã giúp quân ta như “hổ thêm cánh”, như “rồng thêm chân” giúp quân ta vốn đã tận dụng được thế nhàn, nay lại có thêm đòn bẩy sức mạnh từ thiên nhiên làm cho quân giặc tự hao binh tổn tướng, tan nát chiến thuyền giặc. Khi đó quân ta thừa thế xông lên nhanh chóng dành thắng lợi, giảm thiệt hại cho quân ta.
Binh Pháp Tôn Tử viết: “Thượng sách trong việc dùng binh là lấy mưu lược để thắng địch, kế tiếp là thắng địch bằng ngoại giao, kế nữa là dùng binh thắng địch, hạ sách là tấn công thành trì”. “Ta có tổ chức chặt chẽ thì khiến địch hỗn loạn, ta có lòng dũng cảm thì khiến địch khiếp sợ, ta có binh lực lớn thì khiến địch suy yếu. Chặt chẽ hay hỗn loạn là do ở tổ chức biên chế, dũng cảm hay khiếp sợ là do ưu thế tạo nên, lớn mạnh hay suy yếu là do thực lực đối sách thể hiện ra. Tướng giỏi là biết cách điều khiển quân địch, ngụy trang để dụ địch khiến kẻ địch di động theo ý mình, dùng lợi nhỏ dụ kẻ địch, địch ắt đến để chiếm. Dùng cách đó mà khiến quân địch đến nạp mạng.
Vậy mới thấy, Ngô Quyền không những dùng thượng sách trong việc dùng binh, mà còn “mượn lực” được thiên nhiên, của thuỷ triều nước ta mà thắng địch, tập hợp – huấn luyện – thống nhất sức mạnh của tướng sĩ.
Chiến thắng Bạch Đằng có thể coi là trận chung kết toàn thắng của dân tộc Việt Nam trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Phải đặt trong bối cảnh Bắc thuộc kéo dài sau 1117 năm (179 TCN – 938) mới thấy hết ý nghĩa lịch sử vĩ đại của nó.
3. Xây dựng nhà nước tự chủ
Ngô Quyền lên ngôi ngày 10 tháng 1 năm Kỷ Hợi (tức ngày 1 tháng 2 năm 939).[13] Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng là Ngô Vương, xây dựng nhà nước tự chủ, trở thành vị vua sáng lập ra nhà Ngô, sách Đại Việt Sử ký Toàn thư gọi Ngô Quyền là Tiền Ngô Vương.
Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: Mùa xuân, vua bắt đầu xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục. Sách Việt sử tiêu án chép: Vương giết Công Tiễn, phá Hoằng Tháo, tự lập làm vua, tôn Dương thị làm Hoàng hậu, đặt đủ 100 quan, dựng ra nghi lễ triều đình, định các sắc áo mặc, đóng đô Cổ Loa thành, làm vua được 6 năm rồi mất.
Những người thân cận, các tướng tá cùng các hào trưởng địa phương quy phục đã được nhà Ngô phong tước, cấp đất, như Phạm Lệnh Công ở Trà Hương (Nam Sách, Hải Dương), Lê Lương ở Ái châu, Đinh Công Trứ (cha của Đinh Bộ Lĩnh) ở Hoan Châu.[14]
Đại Việt Sử ký Toàn Thư nhận định: “Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được.”
Nhà sử học Lê Tung nhận định trong Khảo tổng luận rằng: “Ngô Tiên Chúa giết được nghịch thần Công Tiễn, phá được giặc mạnh Hoằng Thao, đặt ra cấp bậc các quan văn võ, định chế độ luật lệ y phục, thực là bậc tài giỏi cứu đời”.
Sau chiến thắng Bạch Đằng, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn. Đó là kỷ nguyên của văn minh Đại Việt, của văn hóa Thăng Long, kỷ nguyên phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh, một kỷ nguyên rực rỡ của các triều đại Lý, Trần, Lê.
Chiến thắng trên sông Bạch Đằng của vua Ngô Quyền đã tạo tiền đề cho hậu thế nhiều bài học hào hùng về kinh nghiệm đánh giặc giữ nước, vào Năm 1288, quân Đại Việt do vua Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo lãnh đạo giao chiến với quân Nguyên trên sông Bạch Đằng.
Trước đó, Trần Hưng Đạo đã cho đóng cọc và phủ cỏ lên trên rồi cho quân khiêu chiến, giả vờ bỏ chạy. Quân Nguyên đuổi theo, quân Đại Việt cố sức đánh lại. Nước triều rút xuống, thuyền quân Nguyên vướng cọc và nghiêng đắm gần hết. Trận này quân Nguyên đại bại, bắt được tướng Nguyên là Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ Ngọc (là một tướng Hán nhưng nhiều người tưởng là hai tướng) và 400 chiến thuyền.
Nhà sử học Ngô Thì Sĩ đánh giá trong Việt sử tiêu án: “Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu”.
Nói về Đường Lâm – tức nơi vua Ngô Quyền được sinh ra: vào thế kỷ 19, một học giả là Nguyễn Văn Siêu trong sách Đại Việt địa dư toàn biên viết: “Nay xét sử cũ chép: Bố Cái Đại Vương là Phùng Hưng, Tiền Ngô Vương Quyền đều là người Đường Lâm. Nay xã Cam Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ (xã Cam Lâm trước là xã Cam Tuyền), Hà Nội: có hai đền thờ Bố Cái Đại Vương và Tiền Ngô Vương. Còn có một bia khắc rằng: Bản xã đất ở rừng rậm, đời xưa gọi là Đường Lâm, đời đời có anh hào. Đời nhà Đường có Phùng Vương tên húy Hưng, đời Ngũ Đại có Ngô Vương tên húy Quyền. Hai vương cùng một làng, từ xưa không có. Uy đức còn mãi, miếu mạo như cũ. Niên hiệu đề là Quang Thái năm thứ ba mùa xuân tháng hai, ngày 18 làm bia này”.
Nguyễn Văn Siêu đã khẳng định châu Đường Lâm quê hương của Ngô Quyền nằm ở xã Cam Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây tức nay là làng cổ Đường Lâm thuộc Hà Nội. Đại Nam nhất thống chí cũng ghi tương tự.
Đến thời hiện đại, một người làm trong Viện Sử học Việt Nam là giáo sư sử học Trần Quốc Vượng khẳng định mà theo như chính ông nhận xét thì nó được “tiếp thu ngay”, trở thành kiến thức lịch sử chính thống đưa vào giảng dạy trong nhà trường và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Làng cổ Đường Lâm cũng được mệnh danh là đất hai vua.
Biên tập và biên soạn bởi Jessica Thảo Nguyễn
Tham khảo: Việt Nam Sử Lược, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Wikipedia.
Bạn có thể xem video tại đây:
Xem thêm:
14 danh nhân, anh hùng dân tộc Việt Nam
9 thuật sử dụng địa hình đỉnh cao trong Binh Pháp Tôn Tử
Lý Thường Kiệt và 6 trận đánh đỉnh cao binh pháp
Chu Văn An | phong cách dạy học, chân dung “vạn thế sư biểu”
Chu Văn An | cuộc đời nhà giáo vĩ đại của Đại Việt