tôn vũ người sáng tạo binh pháp tôn tử

9 thuật sử dụng địa hình đỉnh cao trong Binh Pháp Tôn Tử

Tôn Tử người soạn thảo ra cuốn binh thư: Binh Pháp Tôn Tử chỉ ra rằng Tướng Soái phải am hiểu về đặc điểm của từng loại địa hình để dành lợi thế cho việc hành quân, hạ trại, mai phục,… và cũng từ đó mà biết được Công Thủ tuỳ lúc như câu nói: “Địch chiếm núi cao thì không đánh lên, địch dựa vào gò đống thì không nên đánh chính diện, địch vờ thua chạy thì không nên đuổi theo“. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có những vị tướng soái tài năng như Tư Mã Ý nhờ vào am hiểu Binh Pháp Tôn Tử mà dành thắng lợi trước tướng tiên phong Mã Tốc của Gia Cát Lượng. Đặc biệt Quan Vũ nhờ phán đoán tài tình địa thế của Tào Nguỵ mà dành chiến thắng trước Vu Cấm và Bàng Đức. Vậy chi tiết của 9 Thuật sử dụng địa hình đỉnh cao trong Binh Pháp Tôn Tử này là gì. Mời bạn cùng theo dõi 9 thuật sử dụng địa hình đỉnh cao trong Binh Pháp Tôn Tử sau đây:

Tôn Tử người soạn thảo Binh Pháp Tôn Tử
Tôn Tử người soạn thảo Binh Pháp Tôn Tử

Mục lục bài viết

1. Thuật chọn Địa hình lợi thế cho Hành quân, hạ trại

Tôn Tử viết:

Khi hành quân và dựng trại ở những dạng địa hình khác nhau, khi phán đoán tình hình quân địch, phải chú ý: ở vùng núi, phải dựa vào vùng sơn cốc có nước và cỏ, hạ trại tại chỗ cao, hướng về ánh sáng. Nếu địch chiếm được chỗ cao thì không đánh lên. Khi vượt sông, nên hạ trại xa bờ. Nếu địch vượt sông đánh ta, ta không nên giao chiến với địch ở dưới sông, chờ địch sang sông được phân nửa mới đánh thì được lợi. Nếu muốn quyết chiến với địch, nên bày trận sát bờ sông. Hạ trại bên bờ sông cũng phải chiếm chỗ cao, đón ánh sáng, không được theo hướng ngược dòng sông công địch. Nếu gặp vùng đầm lầy nước mặn, phải ở gần nơi có nước và cỏ, lưng dựa vào lùm cây. Nếu gặp vùng đồng bằng, phải chiếm nơi rộng rãi, bên phải có gò cao, phía trước mặt thấp, phía sau lưng cao.

Phàm hạ trại nên ở nơi cao ráo tránh ẩm thấp, ở nơi sáng tránh chỗ tối tăm, ở nơi gần cỏ và nước có đường vận chuyển quân nhu tiện lợi, tướng sĩ không bị nhiễm bệnh, đó là đảm bảo cho chiến thắng. Hành quân ở vùng nhiều gò đống, đê điều, tất phải chiếm phần cao ráo sáng sủa, chủ yếu dựa vào phía bên phải. Cái lợi của cách dùng binh này là được lợi thế địa hình hỗ trợ.

Phần thượng lưu mưa lớn tất nước sông sẽ dâng lên, nhất định không được vượt sông, phải chờ khi nước rút.

Xin chia sẻ 2 câu chuyện hạ trại ngược sách của Mã Tốc và Vu Cấm trong Tam Quốc Diễn Nghĩa dẫn đến đại bại:

Câu chuyện Mã Tốc hạ trại trên núi cô lập, tránh xa nguồn nước

Mã Tốc
Mã Tốc

Mã Tốc chỉ huy quân Thục không đóng quân ở nơi đường cái, gần sông là chỗ có nước cho quân dùng, mà Mã Tốc mang 2 vạn quân trấn giữ trên núi với phương án “Trên núi đánh xuống, thế như chẻ tre”. Phó tướng Vương Bình nhiều lần phản đối, nhưng Mã Tốc không nghe. Tư Mã Ý quan sát vị trí hạ trại của Mã Tốc đã đọc vị được tương lai của quân đội của Mã Tốc ắt sẽ vì khát nước mà tự loạn. Mã Tốc đã sử dụng sai Binh Pháp Tôn Tử, ông chọn thế núi hiểm để tạo thế chẻ tre khi đánh giặc nhưng lại không tính đến yếu tố nguồn nước và đường lui binh nên nhanh chóng bị cao thủ binh pháp Tư Mã Ý khoanh vùng cô lập, cắt đứt nguồn nước. 

Mã Tốc và phó tướng Vương Bình tiến đến Nhai Đình đúng lúc tướng Ngụy là Trương Cáp dẫn quân tới. Mã Tốc bỏ đường sông, trấn giữ trên núi. Vương Bình cuối cùng khuyên can không được, ông đành xin Mã Tốc cho 5000 người ngựa ra đóng trại dưới chân núi. Trương Cáp (tức Trương Hợp) theo sự chỉ đạo của Tư Mã Ý đã mang quân vây trại của Mã Tốc trên núi, rồi cắt đứt đường nước. Quân Thục thiếu nước, hoảng loạn. Trương Cáp dồn sức tấn công phá tan Mã Tốc. Cánh quân Mã Tốc bỏ chạy tán loạn, chỉ còn 1000 người ngựa của Vương Bình vẫn giữ vững được doanh trại. Thấy Mã Tốc đại bại, Vương Bình đốc quân dồn sức chiến đấu, cố thủ không rút. Trương Cáp nghi quân Thục có phục binh nên không dám tiến. Vương Bình nhân có thời gian bèn chỉnh đốn đội ngũ, thu thập những quân sĩ của Mã Tốc bỏ chạy, rồi bình tĩnh rút lui về nước.

Nhai Đình thất thủ. Đại quân Thục không thể tiến nữa, buộc phải lui về Hán Trung. Vì thất thủ Nhai Đình, Gia Cát Lượng phải triệt thoái toàn quân về Thục. Mã Tốc cùng Trương Hưu, Lý Thịnh bị tội chết, Hoàng Tập bị thu binh quyền. Riêng Vương Bình được ban thưởng, thăng làm Tham quân, thống lĩnh 5 quân kiêm chức Đương doanh sự, Thảo khấu tướng quân và sắc phong Đình hầu. Đây là sự thăng tiến đặc biệt vượt cấp đương thời, mọi người đều cho là xứng đáng. 

Thất bại ở Nhai Đình khiến cho quân Thục mất quyền chủ động và Gia Cát Lượng buộc phải lui binh, rút quân về Thục. Cụ thể là khi Nhai Đình bị thất thủ, làm cho Gia Cát Lượng bị mất bàn đạp tấn công, lỡ mất cơ hội đánh chiếm Lũng Hữu.

Câu chuyện Vu Cấm (tướng của Tào Nguỵ) hạ trại tại ngay ven sống, cạnh vùng nước trũng

Trong trận Phàn Thành, sau nhiều ngày giao đấu với Bàng Đức (cựu võ tướng của Tây Lương, từng phục vụ dưới trướng của Mã Siêu). Hai vị võ tướng giao đấu nhiều ngày không phân thắng bại, lúc ấy Quan Vũ đã bị trúng tên do Bàng Đức bắn lén. Quan Công trong thời gian hoãn binh, đã nghiên cứu rõ địa hình, trèo lên gò cao để quan sát, thấy Vu Cấm, Bàng Đức không đóng quân ở chỗ rộng rãi mà lại tụ họp tại một chỗ hẻm ở trong cửa sông Khoái Khẩu. Ông bèn dùng kế Khơi Dòng Nước để cuốn trôi bảy đạo quân của Vu Cấm và Bàng Đức. Tranh thủ mấy trận mưa rào vào thu, nước sông Tương dâng cao, Quan Vũ cho người lấp các cửa sông, chờ khi nước to thì cho quân lên chỗ cao cho thuyền ra tháo nước tràn vào doanh trại của địch. Bắt sống võ tướng Vu Cấm và phó tướng Bàng Đức.

2. Thuật nhận diện 5 loại địa hình bất lợi cho việc hành quân (dễ bị mai phục)

5 loại địa hình bất lợi cho việc hành quân
5 loại địa hình bất lợi cho việc hành quân trong Binh Pháp Tôn Tử

Tôn Tử viết:

Hành quân qua những vùng như “Thiên giản” là khe suối hiểm trở, “Thiên tỉnh” là nơi vách cao vây bộc, “Thiên lao” là nơi 3 mặt bị vây vào dễ ra khó, “Thiên hãm” là nơi đất thấp lầy lội khó vận động, “Thiên khích” là nơi hẻm núi khe hở. Khi gặp 5 loại địa hình đó tất phải gấp rút chuyển đi, không nên đến gần, để cho địch ở gần nơi đó, ta nên hướng mặt về phía địa hình ấy mà cho địch xoay lưng vào đó. 

Hành quân qua những nơi mà hai bên sườn có nhiều chỗ hiểm trở, ao hồ đầm lầy, lau sậy um tùm, cây cối rậm rạp tất phải thận trọng dò xét vì đó là những nơi địch dễ có thể mai phục. 

3. Thuật đọc vị quân địch

Địch đã đến gần mà vẫn yên tĩnh là chúng đã chiếm được địa hình hiểm yếu thuận lợi. Địch ở xa mà đến khiêu chiến là chúng muốn dẫn dụ ta tiến lên. Địch đóng quân ở nơi bằng phẳng là đã chiếm được địa hình lợi thế. Cây cối rung động là địch đang lặng lẽ tiến gần. Trong cỏ có nhiều chướng ngại vật là địch cố ý bày nghi trận, chim xáo xác bay lên là bên dưới có phục binh. Thú kinh hãi bỏ chạy là địch kéo quân đến đánh úp. Bụi bốc cao mà nhọn là chiến xa địch tới, bụi bay thấp mà tản rộng là địch kéo bộ binh đến. Bụi bay tản mác là địch chia quân đi kiếm củi. Bụi bay ít mà lúc có lúc không là địch đang dựng trại. 

Sứ giả nói năng khiêm nhường mà địch lại tăng cường là đang chuẩn bị tiến công. Sứ giả nói cứng lại giả tiến lên là địch đang chuẩn bị lui. Chiến xa hạng nhẹ chạy ra hai bên sườn là địch đang bày thế trận. Địch chưa thua đã vội cầu hòa là đang có âm mưu. Địch gấp bày trận là đã định kỳ hạn tấn công. Địch nửa tiến nửa lui là đang muốn dụ ta. Quân lính chống binh khí làm thế đứng dựa vào là đang … đói bụng. Quân địch đi lấy nước mà uống trước mới đem về là địch đang khát. Địch thấy lợi mà không tiến lên tranh đoạt là đang mệt mỏi. Chim chóc đậu trên doanh trại địch là trại đang bỏ trống. Đang đêm địch hốt hoảng gọi nhau là biểu hiện hoảng sợ. Quân lính trong trại nhiễu loạn là tướng địch không có uy nghiêm. Cờ xí ngả nghiêng là đội ngũ địch đã rối loạn. Quan quân dễ nổi nóng là toàn quân đã mệt mỏi. Dùng cả lương thực cho ngựa ăn, giết ngựa lấy thịt, thu dọn dụng cụ nấu ăn, lính không về trại là địch đã khốn cùng, liều chết phá vòng vây. Quân lính thì thầm bàn tán là tướng địch không được lòng quân. Liên tiếp khao thưởng quân sĩ là địch không có biện pháp hành động, liên tiếp trừng phạt hạ cấp là quân địch đang quẫn bách. Thoạt đầu hung hãn, sau lại sợ sệt cấp dưới là tướng địch quá dốt, trí lực quá kém. Phái sứ đến tặng quà (hối lộ) và nói năng mềm mỏng là địch muốn đình chiến. Địch giận dữ kéo quân bày trận đối diện với quân ta mà đã lâu lại không tiến không lui thì ta nên cẩn trọng xem xét vì sợ địch đang có mưu kế.

4. Thuật Công Thủ tuỳ thuộc vào địa hình

Địch chiếm núi cao thì không đánh lên, địch dựa vào gò đống thì không nên đánh chính diện, địch vờ thua chạy thì không nên đuổi theo, quân địch tinh nhuệ thì chưa nên đánh vội, địch cho quân ra nhử mồi thì mặc kệ chúng, địch rút về nước thì không nên chặn đường, bao vây quân địch nên chừa một lối thoát cho chúng, địch cùng khốn thì không nên quá bức bách chúng. 

5. Thuật tiến thoái dựa vào 6 nguyên tắc lợi dụng địa hình

Tôn Tử viết:

Địa hình có 6 loại gồm: thông, quải, chi, ải, hiểm, viễn.

“Thông” là ta có thể đi, địch có thể đến. Địa hình này ai chiếm trước được chỗ cao, bảo đảm đường vận chuyển lương thực thông suốt mà tác chiến thì đắc lợi.

“Quải” là nơi tiến đến thì dễ và trở lui thì khó. Địa hình này nếu địch không phòng thì ta có thể bất ngờ tấn công thì đắc thắng, nếu địch có phòng ta đem quân đến đánh mà không thắng thì khó có thể rút về, rất bất lợi.

“Chi” là nơi ta tiến đến bất lợi, địch tiến đến cũng bất lợi. Địa hình này thì địch dù có đem lợi dụ ta cũng chớ nên xuất kích, nên giả thua rút đi, dụ địch tiến ra nửa chừng hãy đem quân trở lại công kích thì ta đắc lợi.

“Ải” là nơi đất hẹp, ở địa hình ta nên tìm cách chiếm trước mà chờ địch đến. Nếu địch chiếm trước ta mà dùng nhiều quân giữ cửa thì ta không nên đánh, còn nếu địch không nhiều binh phòng thì ta có thể tiến đánh.

“Hiểm” là nơi hiểm trở. Ở địa hình này nếu ta chiếm trước địch thì nên đóng ở chỗ cao, dễ quan sát để chờ địch tới, nếu địch chiếm trước thì ta nên lui quân, chớ tiến đánh.

“Viễn” là nơi xa rộng. Ở địa hình này tình trạng thế lực đôi bên ngang nhau thì không tiện khiêu chiến, nếu miễn cưỡng đánh thì bất lợi.

Sáu điều nói trên là nguyên tắc lợi dụng địa hình trong Binh Pháp Tôn Tử, tướng lĩnh có trọng trách không thế không suy xét kỹ.

6. Thuật dành lợi thế nhờ chiếm được Chiến Địa trước

Phàm đến chiến địa trước đợi địch là chiếm được thế chủ động an nhàn, đến chiến địa sau ứng chiến với địch là lâm vào thế mệt mỏi. Vì thế, người chỉ huy tác chiến giỏi áp dụng nhuần nhuyễn Binh Pháp Tôn Tử là người có thể điều khiển quân địch chứ không thể theo sự điều khiển của quân địch.

Địa hình là điều kiện hỗ trợ cho việc dùng binh. Phán đoán tình hình, giành lấy thắng lợi, khảo sát địa hình lợi hại, tính toán xa gần, đó là phương pháp mà một tướng lĩnh tài giỏi phải nắm vững. Nắm vững phương pháp rồi mới chỉ huy tác chiến thì chắc thắng, không nắm vững phương pháp đã lo chỉ huy tác chiến thì tất bại.

Sau khi phân tích quy luật, thấy đánh được chắc thắng, dù chúa bảo không đánh vẫn phải kiên trì đánh. Thấy đánh ắt thua, dù chúa bảo nhất định phải đánh cũng có thể không đánh. Tiến không cầu danh thắng, lui không sợ phạm lệnh, chỉ cốt bảo vệ lợi ích của nhân dân và quốc gia, tướng lĩnh thế mới thực sự là người quý của đất nước.

7. Thuật nhận diện 9 thế đất

Tôn Tử nói rằng: Trong binh pháp có chín thế đất khác nhau:

Thế đất ly tán.

Thế đất dễ lui (vào cạn).

Thế đất tranh giành.

Thế đất giao thông.

Thế đất ngã tư.

Thế đất khó lui (vào sâu).

Thế đát khó đi lại.

Thế đất vây bọc.

Thế đất chết kẹt.

Chư hầu tự đánh trên đất mình, đó là thế đất ly tán. Vào đất người chưa được sâu, đó là thế đất vào cạn hay dễ lui; Ta chiếm được thì lợi cho ta, địch chiếm được thì lợi cho địch, đó là thế đất tranh giành. Ta đi lại dễ dàng, địch đi lại cũng dễ dàng, đó là thế đất giao thông. Đất tiếp giáp với ba nước chư hầu, ai đến trước thì giao kết được với dân chúng trong thiên hạ, đó là thế đất ngã tư. Đi sâu vào đất nước của người, đã vượt qua nhiều thành ấp của địch, đó là thế đất vào sâu hay khó lui. Ở những vùng núi rừng hiểm trở, có nhiều đầm lầy, các đường xá đi lại rất khó khăn, đó là thế đất khó đi lại; Lối vào thì chật hẹp, lối ra thì quanh co, binh địch ít có thể đánh được binh ta nhiều, đó là thế đất vây bọc; Đánh gấp thì còn sống, không dám đánh gấp thì phải thua chết, đó là thế đất chết kẹt.

Bởi thế cho nên: Ở đất ly tán thì không nên đánh đường hoàng. Ở đất vào cạn (dễ lui) thì chớ dùng binh. Ở đất tranh giành thì chớ tấn công. Ở đất giao thông thì chớ đóng binh ngăn đường. Ở đất ngã tư, thì nên kết giao với các nước chư hầu. Ở đất vào sâu (khó lui) thì nên cướp đoạt. Ở đất khó đi lại thì nên bỏ đi nơi khác. Ở đất vây bọc thì nên dùng mưu. Ở đất chết kẹt thì nên liều đánh.

8. Thuật ứng biến với 9 thế đất

Thuật ứng biến với 9 thế đất
Thuật ứng biến với 9 thế đất trong Binh Pháp Tôn Tử

Cách ứng biến của chín thế đất, điều lợi hại sự co duỗi, lẽ thường của nhân tình, đó là những điều mà tướng súy không thể không xét kỹ.

Theo phép đem quân giữ vai khách ở nước người thì:

Vào sâu ắt được chuyện nhất. Vào cạn ắt phải ly tán. Ra khỏi nước mình, vượt biên giới để đóng quân đó là đất cách tuyệt. Giao thông được bốn nước đó là đất ngã tư. Đã vào sâu rồi: đó là đất khó lui. Mới vào cạn: đó là đất dễ lui. Mặt sau hiểm trở không lui được, mặt trước có đèo ải khó qua, đó là ở đất vây bọc. Không có lối thoát đó là ở đất chết kẹt.

Bởi thế cho nên:

Ở đất ly tán ta thống nhất ý chí của ba quân.

Ở đất dễ lui ta cho ba quân đi liền nhau vì đồn chấn giữ liền nhau.

Ở đất tranh giành ta đem quân đánh vào lưng địch.

Ở đất giao thông ta giữ gìn cẩn thận.

Ở đất ngã tư, ta củng cố tình giao hảo với các nước chư hầu.

Ở đất vào sâu (khó lui) ta lo chu cấp đều đặn lương thực cho quân sĩ.

Ở đất chết kẹt ta cho sĩ tốt biết rằng không thể sống còn.

Ở đất vây bọc ta cho bít chỗ hở.

Ở đất khó đi lại ta đi qua khỏi cho gấp rút.

Cho nên tình trạng việc binh phải như sau:

Bị vây thì phải chống cự.

Cực chẳng đã nên phải đánh.

Bị địch bức bách quá nên phải tuân lệnh tướng súy.

Không biết được mưu kế của chư hầu thì không tính trước việc kết giao.

Chưa thông địa hình, hình thế núi rừng, đầm lầy hiểm trở như thế nào thì không thể hành quân. 

Không dùng kẻ hướng đạo (dẫn đường) thì không thể lấy địa lợi.

Theo Tôn Tử, dùng binh đánh trận phải dựa vào biến hóa mới mong thành công, phải căn cứ vào chỗ có lợi hay không mà hành động, tùy sự phân tán hay tập trung binh lực mà thay đổi chiến thuật. Quân đội hành động thần tốc thì nhanh như gió cuốn, hành động chậm rãi thì lừng khừng như rừng rậm, khi tấn công thì như lửa cháy, khi phòng thủ thì như núi đá, khi ẩn mình thì như bóng tối, khi xung phong thì như sấm sét. Chiếm được làng xã phải phân binh đoạt lấy, mở rộng lãnh thổ, phải phân binh trấn giữ; cân nhắc lợi hại được mất rồi mới tùy cơ hành động. Trước hết phải rõ phương pháp biến cong thành thẳng để giành thắng lợi, ấy là nguyên tắc hành quân trong Binh Pháp Tôn Tử.

9. Chiến thuật tác chiến với 9 loại địa hình

Chiến thuật tác chiến với 9 loại địa hình
Chiến thuật tác chiến với 9 loại địa hình trong Binh Pháp Tôn Tử

1. Tản địa – Khu vực xảy ra tác chiến trong nội địa của bản quốc, được gọi bằng tản địa

Tại sao gọi là tản địa? Tào Tháo bảo: Vì quân sĩ quyến luyến quê hương, đường sá tương đối gần, con người dễ tan tác mất mát. Tôn Vũ cho rằng “tản địa thì đừng đánh”. Hà cớ gì tản địa lại dừng đánh? Kẻ địch dám xâm phạm, chứng tỏ chúng có ưu thế, quân phòng thủ ở vào cái thế tương đối yếu cho nên tránh việc vội vàng tác chiến, chỉ nên dùng phương cách phòng thủ, tiêu diệt dần sinh lực địch, đợi thời cơ có lợi sẽ quyết chiến với kẻ thù. Do vậy, Tôn Vũ lại nhấn mạnh: quân sĩ đóng nơi tản địa, điều quan trọng là họ phái có ý chí chiến đấu thống nhất, lòng người son sắt. “Không tác chiến” không có nghĩa không đánh. Ý nói không dùng thế công mà chủ yếu dùng phương cách phòng thủ.

2. Khinh địa – Khu vực tác chiến gần đất nước của kẻ thù được gọi bằng khinh địa

Tiến vào đất nước của kẻ thù chưa sâu, tương đối gần đất nước mình, đường giao thông của tuyến sau không dài, dễ vận chuyển lương thực và vũ khí. Nhưng đã tiến sâu vào nội địa của kẻ thù, khó tránh khỏi sự chống trả của đối phương, cho nên quân sĩ đóng ở vùng khinh địa phải bảo vệ chặt trận địa của bên mình. Tôn Vũ bảo: “Khinh địa thì không ngừng hoạt động”. Phàm quân đội đã tiến vào đất nước của kẻ thù thì nhất thiết phải dựa vào ưu thế quân sự của mình mà đánh vào mặt yếu của đối phương. Thành ra, lúc mới tác chiến phải chủ động phát huy ưu thế tấn công, không được án binh bất động. Phải ra sức tiến sâu vào đất nước của đối phương, tiêu diệt kẻ thù trước khi chúng nghĩ ra cách phòng thủ mới nhằm đạt được mục đích chiến đấu.

3. Tranh địa – Là khu vực quan trọng về chính trị, kinh tế và quân sự

 Tôn Vũ nhận định, bên nào có được tranh địa thì bên đó có lợi thế. Thành ra tranh địa là mục tiêu tranh giành của đôi bên. Tác chiến trong vùng tranh địa phải chú ý mấy phương diện sau đây:

Một là: vùng đất quan trọng nhưng trống vắng. Sự tranh chấp của đôi bên (về nó) chưa phân thắng bại. Mấu chốt của sự thắng bại lúc này là ở cự ly gần xa của đôi bên đối với vùng đất đó, tình trạng đường giao thông qua lại ở đấy và dụng cụ làm đường của binh sĩ. Trước tình hình ấy, binh sĩ trước hết nên nhanh chóng hành quân tới con đường mà kẻ địch sẽ ngăn chặn đường tiến quân của đối phương nhằm bảo đảm cho binh sĩ chủ lực chiếm lĩnh được địa hình.

Hai là: kẻ địch đã chiếm được vùng đất đó, nhưng chưa ở thế vững vàng. Nếu bên ta lúc này có ưu thế về binh lực, nên lập tức dùng phương pháp tấn công. (Ngày nay gọi là đánh vào nơi địch tạm trú quân, chưa ổn định)

Ba là: kẻ địch đã chiếm được vùng đất đó và có đông quân cố thủ. Trong trường hợp này, không nên công khai tấn công. Có thể điều một ít lực lượng tinh nhuệ, gấp rút đánh thọc vào sau lưng địch, tiến sâu vào hậu phương của chúng, phá hoại đường giao thông, quấy rối kẻ thù.

Bốn là: bên ta đã chiếm được vùng đất quan trọng đó, nhưng kẻ địch có ưu thế tuyệt đối về binh lực và vũ khí, bên ta khó giữ nổi thì đành bỏ mặc vùng đất đó cho kẻ địch chiếm giữ, thừa cơ phân tán binh lực của chúng.

4. Giao địa – Vùng đất nằm ở giao điểm của hai trục đường ngang dọc

Ở vùng đất này, quân ta có thể đi qua, kẻ địch cũng có thể lại đến. Tôn Vũ nhận định: “Giao địa thì vô tuyệt”. Về hàm nghĩa của câu này,  những cách giải thích khác nhau. Chữ “tuyệt” ở đây nên hiểu là đoạn tuyệt, tựa như lời nói đầu về vấn đề hành quân mà người chỉ huy phải ghi nhớ. Bởi là tụ điểm giao thông, dễ bị kẻ địch cắt đứt. Cho nên, Tôn Vũ mới nhắc nhở” bên ta phải cẩn thận bảo vệ nó”, nhấn mạnh khi tác chiến ở vùng đất này, quân đội phải tăng cường việc phòng thủ.

5. Cù địa – Khu vực ranh giới giữa nhiều nước với hệ thống giao thông phát triển

Với khu vực này, một nước nào tấn công, thường thường ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Hoặc giả, có thể lợi dụng được quốc gia khác. Bởi vậy phải tìm cách tranh thủ các quốc gia khác, tăng cường thực lực bên mình. Tôn Vũ nêu bật công việc kết thân với các chư hầu, không phải chỉ tiến hành khi chiến tranh nguy cấp. Điều chủ yếu là phải có chính sách láng giềng hữu hảo lúc thời bình, bang giao gắn bó.

6. Trọng địa – Khu vực nằm sâu trong nội địa của kẻ thù, rời xa thành phố và ấp trại của bên ta, được gọi bằng trọng địa 

Tôn Vũ quan niệm: trong việc tác chiến, “trọng địa thì giành lấy”, ”trọng địa giúp bên ta vận chuyển đều đặn lương thực” (thiên cửu địa). Quân đội tiến sâu vào khu tung thâm của địch, đường giao thông giữa hậu phương và mặt trận kéo dài ra, còn luôn bị kẻ thù đánh phá, thường xảy ra tình trạng giao thông gián đoạn. Thành thử có một số vật tư chiến tranh, nhất là lương thực, cần phải cướp tại chỗ để bảo đảm cho cuộc sống của quân đội ta, là hiện tượng bình thường.

7. Tỵ địa – Khu vực núi non hiểm trở và ao hồ được gọi là tỵ địa 

Đặc điểm của tỵ địa là đi lại khó khăn. Vì thế nhắc nhở “tỵ địa thì bước qua”, nghĩa là quân sĩ khi tác chiến ở khu vực này cần nhanh chóng xa rời nó, không nên ở lại lâu.

8. Vi địa – Đường tiến chật hẹp, đường thoái xa xăm, khu vực tác chiến này được gọi là vi địa

Tôn Vũ cảnh báo: “vi địa thì phải tìm mưu kế”; Quân đội hoạt đông trong khu vực vi địa phải nghĩ ra mưu kế để vừa có thể tiến, vừa có thể thoái, đồng thời còn phải đánh lừa kẻ địch, chờ lúc chúng chểnh mảng, đột nhiên tấn công. Tôn Vũ còn bảo: “Với vi địa, bên ta cần đóng cửa phòng thủ” (thiên cửu địa). Câu này ý chỉ trong trường hợp bên ta bị bao vây, cần chủ động lấp cửa phòng thủ, nhằm tránh việc kẻ thù dùng mẹo “ba vây một đóng” để làm lung lay quyết tâm cố thủ trận địa của tướng sĩ. Ngược lại khi kẻ thù vướng, mắc trong vòng vây nên dùng mưu lược, thực hiện chiến thuật tấn công bằng tâm lý, vận dụng các phương cách làm tan rã đội ngũ, gọi hàng và công phá, nhằm thực hiện mục đích của việc chiến đấu.

9. Tử địa – Khu vực không có lối thoát gọi là tử địa

Tác chiến trong khu vực tử địa nếu tham sống sợ chết thì bỏ mạng là cái chắc. Chiến đấu dũng cảm sẽ có cơ hội tồn tại. Do đó, ở trong vùng “tử địa”, phải ra sức chiến đấu, trong cái chết mưu cầu sự sống. Khi quân sĩ rơi vào vùng tử địa, tướng lĩnh phải thể hiện trước ba quân lòng cảm tử, khiến toàn thể quân sĩ quyết giành lấy sự sống trong vùng tử địa.

Cho nên, Tôn Tử mới nói: Khi xuất chinh ở “phỉ địa” (đất xấu) thì không dựng trại, ở “cù địa” (đất có đường lớn thông suốt) phải kết giao với nước láng giềng, ở “tuyệt địa” không được nấn ná, ở “vi địa” (đất bị vây) thì phải tính kế, ở “tử địa” phải liều chết quyết chiến.

Bài viết dựa theo Binh Pháp Tôn Tử và được tổng hợp, biên tập và biên soạn bởi Jessica Thảo Nguyễn

Mọi ý kiến đóng góp xin được để lại dưới commment hoặc gửi qua email: jessica.thaont@gmail.com. Xin cám ơn!

Bạn có thể xem thêm video tại đây:

Xem thêm:

20 câu nói tinh tuý của Quỷ Cốc Tử

50 câu nói bất hủ của Hoàng đế vĩ đại Napoleon Bonaparte

100 câu nói tinh hoa của triết gia Hy Lạp vĩ đại Aristotle

Binh Pháp Ngô Quyền – Đại thắng trên sông Bạch Đằng

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Tiktok Jessica Thảo Nguyễn

Fanpage Jessica Thảo Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang