Kazuo Inamori

8 bài học đắt giá từ thiên tài kinh doanh Kazuo Inamori

Kazuo Inamorithiên tài kinh doanh người Nhật Bản, những bài học kinh doanh, bài học thành công của ông luôn nhận được sự quan tâm của giới doanh nhân châu Á nói riêng và doanh nhân thế giới nói chung. Triết lý kinh doanh và triết lý nhân sinh của ông mang lại những bài học đắt giá mà doanh nhân nào cũng cần biết khi muốn tạo dựng nên sự nghiệp lớn lao. Đọc về ông, người ta vừa thấy ý chí quyết tâm của một doanh nhân tài ba, một huyền thoại kinh doanh Nhật Bản, vừa thấy tấm lòng cho đi rộng lớn của ông, một nhà tu hành lỗi lạc.

Jessica Thảo Nguyễn xin chào các bạn, Kazuo Inamori (sinh năm 1932 tại tỉnh Kagoshima, Nhật Bản) là nhà kinh doanh, doanh nhân nổi tiếng Nhật Bản, người sáng lập hãng Kyocera, tập đoàn đa quốc gia sản xuất nhiều dòng sản phẩm từ điện thoại di động, thiết bị văn phòng đến thiết bị năng lượng mặt trời, linh kiện gốm kỹ thuật cao.

Ông là người sáng lập KDDI, hãng viễn thông lớn thứ 2 của Nhật Bản. Ông từng là Giám Đốc Điều Hành của hãng hàng không Japan Airlines và cũng nhờ thiên tài kinh doanh của ông đã cứu hãng hàng không này khi hãng đang đứng trên bờ vực phá sản. Ông còn được nhận huy chương vàng Othmer vì những đóng góp xuất sắc của ông cho sự tiến bộ trong khoa học và hóa học. 

Kazuo Inamori còn được biết đến với vai trò là một nhà từ thiện, một nhà tu hành, người đã áp dụng thành công Phật giáo vào kinh doanh. Ông là người đưa ra quan điểm rất khác biệt “Tập trung tất cả cho cổ đông? Quên nó đi! Thay vào đó, hãy làm cho nhân viên hạnh phúc”.

Vậy đâu là bí quyết giúp Kazuo Inamori dẫn dắt Kyocera, KDDI, Japan Airlines trở thành ba gã khổng lồ thuộc Top 500 công ty lớn nhất thế giới. 

Sau đây là 8 bài học đắt giá từ thiên tài kinh doanh Kazuo Inamori.

1.    Bài học đắt giá từ việc thay đổi tâm thức, chuyển biến cuộc đời

Kazuo Inamori từng chia sẻ khi còn bé ông từng bị bệnh lao. Trong thời gian nằm bệnh ở nhà, ông đã được đọc một cuốn sách hay trong đó nói về chân tướng sinh mệnh do một nhà truyền giáo viết. Theo đó, ông đã nhận ra rằng nội tâm con người có vai trò quan trọng trong việc định hướng cuộc sống của chúng ta. Nội tâm chúng ta sẽ tạo ra lực hút đối với những gì chúng ta suy nghĩ. Trạng thái tâm lý khác nhau sẽ cho ra vận mệnh khác nhau.

Do vậy hãy luôn giữ cho mình một nội tâm mạnh mẽ, luôn suy nghĩ tích cực để thu hút những điều tích cực đến với mình. Nhờ vậy mà cậu bé Inamori đã suy nghĩ tích cực và đã vượt qua bệnh tật, và trở lại trường học. Sau này ông chia sẻ lại rằng “Nói về triết lý sống, tôi đã miêu tả nhiều rồi: Cuộc đời là sự phản ánh của nội tâm và có thể biến đổi, kỳ thực mà nói, cuộc đời của tôi chỉ đơn giản là một chuỗi liên tiếp những thất bại và thất bại. Triết lý này là bài học được đúc kết từ việc trải qua những lần thất bại thê thảm”.

Hình Inamori Kazuo tại Crowne Plaza Cabana, ở Palo Alto, California by Naotake Murayama – CC BY 2.0:

Kazuo Inamori Tốt nghiệp Đại học Kagoshima năm 1955 với bằng Cử nhân Khoa học về hóa học ứng dụng. Ngay cả khi đã tốt nghiệp đại học, khi chưa thể xin được việc làm, ông cũng từng rơi vào trạng thái bi quan, tiêu cực, và chán nản. May mắn ông đã chiến thắng bản thân, và nắm bắt lấy cơ hội nghề nghiệp do một vị giáo sư đại học giúp đỡ.

Ông trở thành nhà nghiên cứu tại Shofu Industries ở Kyoto, Nhật Bản. Khác với rất nhiều người đã rời bỏ công ty khi công ty đang bên bờ vực phá sản, Inamori tập trung toàn thời gian vào công cuộc nghiên cứu các sản phẩm từ gốm sứ. Quá trình thay đổi tâm thức đã giúp ông gặt hái được thành quả tích cực.

Ông đã tổng hợp thành công và phát triển một loại vật liệu gốm công nghệ cao mới tại Nhật Bản, được sử dụng trong ống chân không của tivi, khi đó tivi vừa mới bắt đầu phổ cập. Sự nỗ lực và thành quả của Inamori đã được ông chủ khen ngợi. Inamori đã đóng vai trò quan trọng trong một số phát triển, phát triển fosterit như một chất cách điện cho sóng vô tuyến tần số cao; sử dụng fosterit để sản xuất hàng loạt các thành phần cách điện tần số cao; và phát triển một lò nung tuynel điện để sử dụng trong quá trình thiêu kết. 

Bạn cũng có thể xem thêm những câu chuyện thành công của các doanh nhân khác dưới đây:

Ông Tổ của Phương pháp kinh doanh kiểu Nhật Matsushita Konosuke

Chung Ju Yung – Vị chủ tịch huyền thoại của tập đoàn Hyundai

Coco Chanel – Con đường trở thành Bà Hoàng ngành Thời Trang

Ông chủ KFC Harland Sanders – Khởi nghiệp không phân biệt tuổi tác

Vua bán lẻ Sam Walton – Con đường xây dựng đế chế bán lẻ Walmart

Vua Hamburger (Ray Kroc) – Con đường xây dựng đế chế McDonald’s

Bạn đọc cũng có thể xem video về bài viết này dưới đây:

2.    Triết lý kinh doanh của người lãnh đạo Kazuo Inamori dẫn dắt sự thành công của tập đoàn Kyocera

Năm 1959, Kazuo Inamori và một số đồng nghiệp khác thành lập Kyoto Ceramic, sau này được gọi là Kyocera. Công ty đã sản xuất các thành phần cách điện tần số cao cho các ống hình tivi cho Matsushita Electronics Industries (sau này là Panasonic) ở Nhật Bản, và các đầu nối bóng bán dẫn silicon cho Fairchild Semiconductor và đế gốm cho IBM ở Hoa Kỳ. Tại Kyocera, Inamori đã triển khai hệ thống Quản lý Amoeba của mình.

Dưới sự lãnh đạo tài ba của thiên tài kinh doanh Kazuo Inamori, Kyocera nhanh chóng trở thành tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh. Tính đến năm 2018, Tập đoàn Kyocera đã có doanh thu 1.577 nghìn tỷ yên (¥1.577 trillion); Lợi nhuận ròng của tập đoàn đạt 81.79 nghìn tỷ yên (¥81.79 billion). Tính đến ngày 31/3/2017 tập đoàn có số lượng nhân viên lên tới 70,153 người. Hiện cổ phiếu của công ty Kyocera được niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo.

Trong cuốn sách “Triết lý kinh doanh của Kyocera”, Kazuo Inamori cho rằng thành công của một doanh nghiệp là do triết lý của người lãnh đạo quyết định. Điều này đã giúp Kyocera từ một doanh nghiệp nhỏ mà phát triển không ngừng và trở thành một tập đoàn đa quốc gia, đứng vị trí hàng đầu trong ngành gốm sứ.

Ông cho rằng, một người lãnh đạo có tâm thiện sẽ luôn hướng doanh nghiệp của mình làm nên những điều tốt lành. Một tâm thế tích cực sẽ giúp người lãnh đạo và cộng sự nhìn thấy nhiều cơ hội, nhiều giải pháp. Mọi sự trên đời đều vận hành theo quy luật tự nhiên, hãy làm những việc thuận theo sự vận hành của vũ trụ.

Người lãnh đạo nên rèn cho mình cái tâm thuần khiết, sự khiêm tốn, lòng biết ơn, sự tươi vui, tinh thần trách nhiệm; nắm giữ cả sự táo bạo trong sự cẩn trọng; khám phá ra khả năng không giới hạn của con người. Hãy làm việc nghiêm túc, hãy lao động bằng tất cả sự đam mê, hãy xây dựng và phát triển niềm tin, hãy hỗ trợ đồng đội hết mình. Người lãnh đạo là tấm gương lớn cho cộng sự noi theo, là ngọn đèn sáng soi dẫn cho doanh nghiệp. 

Theo đó, cách tư duy kết hợp nhiệt huyết và năng lực sẽ tạo nên thành quả trong cuộc đời và công việc của mỗi người. Ông cho rằng, Triết lý là kim chỉ nam cho công việc và cuộc sống được tạo ra khi chúng ta nghiêm túc đối mặt với những câu hỏi cơ bản như, “Chúng ta coi điều gì là lựa chọn đúng đắn với tư cách là một con người?” và “Mục đích sống là gì?” trong khi cố gắng vượt qua những khó khăn khác nhau. Triết lý quản lý này đã định hướng cho sự phát triển của Kyocera cho đến ngày nay.

Dưới đây là những câu nói thể hiện quan điểm làm việc của Doanh nhân huyền thoại Kazuo Inamori

“Trên thế giới, có những người được mệnh danh là danh nhân hay nghệ nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo sản phẩm. Họ chỉ có thể đạt tới cảnh giới đó khi đã dành cả cuộc đời để nghiêm túc làm việc hết sức.”

“Nhân cách được hình thành bằng việc chấp nhận chịu khổ cực, nghiêm túc cố gắng từ khi còn trẻ thì đến khi về già cũng khó có thể thay đổi”.

“Tư duy của người làm việc có sáng tạo chính là không ngừng cải tiến có thể khiến những điều nhỏ bé nhất trở nên tốt hơn”.

“Tôi nghĩ có lẽ sự sự yêu thích công việc là yếu tố quan trọng nhất để có thể làm nên những điều to lớn”.

“Những người có thể tự mình bùng cháy bắt tay vào làm trước cả khi bản thân được giao việc, chứ không làm việc vì người khác bảo phải làm.”

“Tâm phải luôn biết cảm kích thì những khó khăn mới có thể trở thành tài phú”.

“Ngay cả khi cuộc sống đang diễn ra khá thuận lợi, bạn cũng không được trở nên cao ngạo. Thay vì thế hãy luôn nhắc nhở mình nên khiêm tốn. Đó chính là nhân đức tốt đẹp nhất.”

“Mình đang làm một công việc thật là tuyệt vời”.

3.    Kazuo Inamori thiên tài kinh doanh nắm bắt thời cơ, xây dựng đế chế viễn thông KDDI

Sau sự kiện bãi bỏ những hạn chế đối với ngành viễn thông của Nhật Bản vào năm 1984, nắm bắt cơ hội tư nhân hóa ngành viễn thông, Kazuo Inamori đã thành lập Daini Denden (DDI) Corporation. 
Ông định hướng sẽ gia tăng số lượng các cuộc gọi đường dài bằng chi phí thấp hơn. Ngành viễn thông ngày càng phát triển tại Nhật, vào năm 1987 Inamori quyết định mạnh tay mở thêm 8 công ty để chạy đua lắp đặt hệ thống viễn thông cho toàn nước Nhật để tranh thủ bành trướng thị trường tại xứ sở phù tang này.

DDI sau đó tham gia vào lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động, hợp nhất với KDD (Kokusai Denshin Denwa) và IDO (Nippon Idou Tsushin Corporation) vào năm 2000 để thành lập ra KDDI, công ty đã phát triển trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn thứ hai Nhật Bản sau NTT Docomo. Sau thương vụ sáp nhập đình đám trên, Inamori lui về vị trí chủ tịch danh dự và là cố vấn cấp cao của đế chế công nghệ viễn thông này.

KDDI có doanh thu 5.24 nghìn tỷ yên vào năm 2020, với 12.76% cổ phần do Kyocera nắm giữ, 11.09% thị phần do Toyota nắm giữ. Số lượng nhân sự năm 2020 là 44,952 người.

Gã khổng lồ KDDI cũng lọt top 500 fortunes (500 công ty đứng đầu thế giới).

4.    Kazuo Inamori trở thành huyền thoại kinh doanh với việc táo bạo thực hiện tái cấu trúc, hồi sinh hãng hàng không Japan Airlines

Vào những năm 1980, dưới sự bảo hộ của chính phủ Nhật Bản, hãng hàng không Japan Airlines dẫn đầu thế giới bởi bộ sưu tập máy bay Boeing 747 lớn nhất ngành công nghiệp hàng không với hơn 100 máy bay và hơn 50 đường bay.

Tuy nhiên sau khi chính phủ Nhật Bản quyết định tư nhân hóa, cho đến năm 2010, Japan Airlines đứng trên bờ vực phá sản với khoản nợ khổng lồ và phải đệ đơn ngừng hoạt động do kinh doanh thua lỗ.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, sự kiện Japan Airlines phá sản dự kiến sẽ đánh dấu một bước thụt lùi thảm bại của kinh tế Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản (đại diện bởi tập đoàn ETIC) đã tìm đến Kazuo Inamori để nhờ cậy ông giải cứu gã hàng không khổng lồ (khi đó ông đã 77 tuổi và đang tu tập trên núi với pháp danh là Đại Hòa).

Ở tuổi 77, Kazuo Inamori đồng ý trở thành Giám đốc điều hành không lương của Japan Airlines khi hãng này được bảo hộ phá sản vào ngày 19 tháng 1 năm 2010. Ông đã thực hiện mạnh tay một loạt các giải pháp tái cấu trúc. Cắt giảm hơn 15000 nhân viên (chiếm 1/3 nhân lực của công ty). Cắt giảm 30% lương của nhân viên. Tăng phúc lợi cho nhân viên. Ứng dụng hệ thống quản lý Amoeba bằng việc chia công ty thành nhiều đơn vị nhỏ để dễ quản lý.

Khi thu được lợi nhuận ban đầu, ông tái đầu tư triệt để vào việc mua các máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn (dòng 787) đưa công ty đi đúng hướng. Tăng cường mở thêm các đường bay đến Bắc Mỹ, Trung Đông và Châu Phi. Một loạt chương trình Đào tạo được thực hiện để giải thích cho nhân viên hiểu về tầm quan trọng và những đóng góp to lớn của ngành hàng không nói chung, Japan Airlines nói riêng cho tòan xã hội và người dân của Nhật Bản.

Ông cho rằng “Việc hiểu về ý nghĩa xã hội của công việc giúp nhân viên cảm thấy tự hào về Japan Airlines – nơi họ đang làm việc và sẵn sàng lao động chăm chỉ hơn vì thành công của hãng. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên đặt ra mục tiêu làm cho nhân viên của mình hạnh phúc, cả về vật chất lẫn tinh thần. Chứ đừng nên chỉ luôn chú trọng vào các cổ đông”. 

Điều kỳ diệu đã xảy ra chỉ sau 424 ngày được Kazuo Inamori điều hành, Hãng hàng không Japan Airlines đã có sự thay đổi ngoạn mục từ mức thua lỗ hơn 180 tỷ Yên trở thành mức lợi nhuận khoảng 188.4 tỷ Yên. Kỳ tích trên đã giúp Japan Airlines giành lại vị trí Top 500 công ty đứng đầu thế giới.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong đợt chào sàn chứng khoán Tokyo lần đầu vào năm 2012 đã giúp Japan Airlines thu về trên 663 tỷ Yên. Đây là thương vụ IPO thành công nhất thế giới vào thời điểm đó chỉ sau Facebook của tỷ phú Mark Zuckerberg.

Sau khi giải cứu xuất sắc Japan Airlines trong vai trò CEO không hưởng lương, tên tuổi của Kazuo Inamori chính thức trở thành huyền thoại khét tiếng của Nhật Bản. Vào năm 2013, ông chỉ giữ chức cố vấn danh dự đến năm 2015. Inamori còn từng là Cố vấn Quốc tế của Goldman Sachs Group, Inc. 

5.    Kazuo Inamori áp dụng Phật Giáo vào kinh doanh

Inamori dùng tài sản riêng lập Quỹ Inamori vào năm 1984, tổ chức trao Giải Kyoto hàng năm theo mô hình Giải Nobel cho các nhà nghiên cứu có công trình tiêu biểu trong các lĩnh vực công nghệ cao, khoa học cơ bản, nghệ thuật và triết học.

Sau khi thôi giữ chức chủ tịch hãng Kyocera (1997) Inamori quyết định trở thành nhà sư đạo Phật với pháp danh Đại Hòa. Trước đó tư tưởng nhà Phật có ảnh hưởng rất lớn đến ông khi điều hành công việc kinh doanh của hãng Kyocera. Ông luôn hướng đến việc cống hiến giá trị vật chất và tinh thần cho cuộc sống hạnh phúc của con người, của toàn xã hội. 

Có câu chuyện kể lại rằng sau khi đến chùa Hanzhi để tu hành, sư thầy trong chùa đề nghị Inamori xuống núi khất thực mà không mang theo tiền hay thức ăn. Lúc đầu, bằng tư duy của một nhà làm kinh doanh, Inamori nghĩ rằng những người giàu có, có nhiều tài sản thì sẽ sẵn lòng cúng dường cho ông một bữa cơm. Inamori trong trang phục của nhà tu hành, đã xuống núi gõ cửa từng nhà giàu nhưng kết quả cả ngày ông không được bố thí bất cứ thứ gì.

Khi sắp lả đi vì đói, thì có một người phụ nữ dọn vệ sinh đã đưa cho ông 100 yên, đó là tất cả những gì mà người phụ nữ đó có trong người lúc bấy giờ. Inamori đã bật khóc và nói lời cảm ơn. Bấy giờ ông nhận ra thế nào là “đồng bệnh tương lân, đồng thanh tương ứng, đồng chí tương cầu”.

Nếu ông trong trang phục của một doanh nhân thành đạt, là ông chủ lớn của tập đoàn đa quốc gia nghìn tỷ thì hẳn là những người giàu có sẽ tiếp ông và mời ông một bữa cơm sang trọng. Còn bây giờ trong trang phục của người tu hành đi khất thực thì bản chất con người họ mới bộc lộ ra, chỉ có những con người có “tấm lòng nhân ái thực sự” mới bố thí bằng cả tấm lòng của họ.

Người bố thí cho ông lúc này chính là một người phụ nữ nghèo, một người mà xã hội coi là người yếu thế.

Cho nên khi gặp người yếu thế hãy giúp đỡ họ vì họ có thể là ân nhân của bạn. Người thực sự giàu có là người sẵn sàng cho đi, chứ không phải là người với vẻ ngoài hào nhoáng. Bài tập thực hành của nhà Phật thật vô cùng ý nghĩa giúp ông nhìn nhận ra thực tế cuộc sống nhân sinh. Khi trở về chùa, Inamori kể lại cho sư trụ trì và những gì ông đã học được.

Chính lúc này ông mới nhận ra có một người khách đã tìm đến ông ba lần để khẩn cầu ông giúp đỡ hãng hàng không Japan Airlines. Tình thế lúc bấy giờ của Japan Airlines chẳng khác gì Inamori lúc ông sắp lả đi vì đói khi đi khất thực. Chính nhờ bài học từ Phật pháp trong quá trình tu hành, đã dẫn đường cho Inamori trở lại thương trường để giải cứu hãng hàng không Japan Airlines. Inamori chia sẻ “Trở thành một nhà sư giống như bến đỗ tự nhiên của tôi sau rất nhiều năm nỗ lực học hỏi và nâng cao nhận thức và triết lý sống trong tâm trí.”

Inamori cho rằng “Hành động trong sáng và cao quý nhất mà con người có thể đạt được là hành động vì lợi ích của người khác. Nói chung, chúng ta có xu hướng nghĩ đến bản thân trước tiên, nhưng trong thâm tâm, chúng ta đều tìm kiếm hạnh phúc cuối cùng là giúp đỡ người khác. Vào một mùa đông ở Mỹ, một vụ tai nạn máy bay kinh hoàng đã xảy ra trên vùng biển băng giá. Vào đúng thời điểm cần được giải cứu, một người đàn ông đã chọn cách hy sinh mạng sống của mình để cứu một người phụ nữ đang chết đuối gần anh ta. Bản chất con người là vậy đó. Bằng cách làm việc chăm chỉ vì đồng nghiệp, tin tưởng lẫn nhau và hình thành mối quan hệ làm việc chặt chẽ, chúng ta có thể xây dựng một nhóm làm việc bất bại.”

Kazuo Inamori còn được biết đến là một nhà từ thiện lớn của Nhật Bản.

Kazuo Inamori đã viết các cuốn sách chia sẻ về suy nghĩ của ông về kinh doanh, phát triển bản thân và cảm ngộ nhân sinh với tiêu đề: “Cách sống”, “Nuôi dưỡng tâm hồn”, “Thách thức từ con số 0”.

Ông Kazuo Inamori đã được một số trường đại học Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh Quốc trao bằng tiến sĩ danh dự cho các cống hiến của mình trong lĩnh vực kinh doanh cũng như hoạt động xã hội.

Năm 2005, Trường Kỹ thuật Đại học Alfred (Alfred, NY) được đổi tên để vinh danh Tiến sĩ Inamori. Ông đã ủng hộ quỹ Học bổng Inamori vào năm 1996, tăng gấp đôi quỹ vào năm 2004. Để vinh danh Tiến sĩ Inamori, Tập đoàn Kyocera đã tài trợ 10 triệu đô la để hỗ trợ mở rộng khoa nghiên cứu của Trường Kỹ thuật Kazuo Inamori.

Năm 2005, Kazuo Inamori đã giúp thành lập Trung tâm Quốc tế Inamori về Đạo đức và Xuất sắc tại Đại học Case Western Reserve (Cleveland, Ohio), với món quà trị giá 10 triệu đô la. Trung tâm trao Giải thưởng Đạo đức Inamori cho những người đóng vai trò là tấm gương của sự lãnh đạo có đạo đức và có những đóng góp đáng kể trong việc cải thiện xã hội toàn cầu.

6.    Kazuo Inamori với bài học thành công bền vững: hãy làm cho nhân viên hạnh phúc

Chúng ta thường nghe rất nhiều câu nói “khách hàng là thượng đế” hay như câu nói của Warren Buffet gửi Giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway “nguyên tắc số 1: không làm mất tiền của cổ đông, nguyên tắc số 2: không bao giờ quên nguyên tắc 1”. Huyền thoại kinh doanh Kazuo Inamori lại có suy nghĩ hoàn toàn khác, ông cho rằng “làm cho nhân viên hạnh phúc” mới là bí quyết giúp doanh nghiệp đi đến thành công.

Dưới đây là các câu nói đầy cá tính thể hiện tầm nhìn và triết lý nhân sinh của ông:

“Tập trung tất cả cho cổ đông? Quên nó đi! Thay vào đó, hãy làm cho nhân viên hạnh phúc”. 

“Nếu bạn muốn có trứng, hãy chăm sóc những con gà mái. Nếu bạn đối xử tệ với con gà mái, nó sẽ không làm việc cho bạn nữa”.

“Nếu nhân viên vui, họ sẽ làm việc tốt hơn và doanh thu sẽ được cải thiện. Vả lại, doanh nghiệp chẳng có gì phải đắn đo khi lợi nhuận của công ty góp phần mang lại lợi ích cho xã hội”.

“Các nhà đầu tư luôn muốn lợi nhuận cao nhất có thể, tôi rất hiểu điều này, nhưng có những thời điểm các nhà quản lý phải nói ‘Không’ với những đòi hỏi ích kỷ từ các cổ đông”.

7.    Bài học kinh doanh đắt giá từ Kazuo Inamori với 7 chìa khóa tạo động lực cho nhân viên:

Khi đã làm cho nhân viên hạnh phúc, theo Inamori, nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải luôn biết cách tạo động lực cho nhân viên. Để ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết của họ không bao giờ nguội tắt. Muốn tại động lực cho nhân viên cũng phải biết cách.

Inamori từng chia sẻ “Để làm tốt công việc cần một nguồn năng lượng rất lớn. Năng lượng này đến từ việc thúc đẩy bản thân và đốt cháy trái tim của chúng ta. Cách tốt nhất để tạo động lực cho bản thân là yêu thích công việc của bạn. Nếu bạn nỗ lực hết mình và hoàn thành tốt công việc của mình, cho dù đó là gì đi chăng nữa, bạn sẽ có được cảm giác thành tích tuyệt vời, sự tự tin và ý chí để theo đuổi thử thách tiếp theo. Lặp lại quá trình này sẽ làm tăng sự yêu thích đối với công việc của bạn. Khi đó công việc của bạn không còn là gánh nặng, và bạn có thể đạt được những kết quả tuyệt vời. Chỉ sau khi đạt được trạng thái tâm trí này, bạn mới có thể hoàn thành công việc thực sự xuất sắc.”

Trong bài phát biểu tại “Đại hội Seiwajyuku ở Los Angeles” vào ngày 1 tháng 10 năm 2012, Ông Kazuo Inamori đã chia sẻ 7 chìa khóa tạo động lực cho nhân viên như sau:

Nếu bạn muốn phát triển công ty của mình, trước hết, nhân viên của bạn phải tôn trọng và ngưỡng mộ bạn – nói cách khác, phát triển một tình cảm sâu sắc dành cho bạn. Hoàn thành điều này bằng cách nói chuyện với họ về tầm quan trọng của công việc của họ, mô tả tầm nhìn lớn của bạn, xác định rõ sứ mệnh của công ty và liên tục nói về triết lý của công ty bạn – tất cả trong khi nỗ lực để nâng cao tính cách của chính bạn.

Tôi tin rằng việc quản lý doanh nghiệp thành công trước hết dựa vào việc cống hiến hết mình cho những hành động này để nhân viên sẽ phát triển để chia sẻ mục tiêu và triết lý của bạn. Thứ hai, bạn phải tăng động lực cho họ.

Bảy chìa khóa để tạo động lực cho nhân viên

1. Cư xử với nhân viên như đối tác

2. Đạt được sự tôn trọng và ngưỡng mộ của nhân viên

3. Nói với nhân viên về tầm quan trọng của công việc của họ

4. Có tầm nhìn lớn cho công ty

5. Làm rõ Sứ mệnh và Mục đích của Công ty

6. Liên tục chia sẻ triết lý của bạn với nhân viên của bạn

7. Nâng cao tính cách của riêng bạn”.

8.    Mỗi nhân sự đều là nhà quản lý, hãy cho họ những mục tiêu cụ thể:

Kazuo Inamori cho rằng, để đạt được mục tiêu, mục tiêu đó phải được mọi người biết rõ và hiểu rõ. Tất cả nhân viên phải coi việc đạt được thành tựu là mục tiêu chung của họ.

Tất cả nhân viên, cho dù là bán hàng hay sản xuất, đều phải biết các chỉ tiêu của tháng về Doanh thu thuần, Giá trị gia tăng hoặc Hiệu quả hàng giờ. Mọi người nên thuộc lòng những con số như vậy. Với hệ thống quản lý amoeba của Kyocera và hiệu quả theo giờ, việc làm cho tất cả mọi người đều nhận thức được các mục tiêu sẽ giúp thúc đẩy sự đoàn kết, tham gia và cam kết đạt được các mục tiêu này.

Chúng ta không nên quản lý bằng cách chỉ nhìn vào bảng sao kê cuối tháng. Báo cáo P&L hàng tháng bao gồm tổng hợp các khoản doanh thu và chi phí hàng ngày. Vì vậy, chúng ta nên quản lý với tâm lý rằng mỗi ngày chúng ta đang xây dựng tuyên bố. Quản lý mà không nhìn vào các số liệu hàng ngày cũng giống như lái một chiếc máy bay mà không nhìn vào các công cụ. Chúng ta sẽ không biết chúng ta sẽ hạ cánh ở đâu. Tương tự, chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình nếu không theo dõi hoạt động kinh doanh hàng ngày. Đừng quên P&L là kết quả tích lũy từ những thành tích hàng ngày của cá nhân chúng ta.

Jessica Thảo Nguyễn tổng hợp và biên tập.

Xem thêm:

43 câu nói nổi tiếng của Vua xe hơi Henry Ford

10 BÀI HỌC THÀNH CÔNG TỪ STARBUCKS

9 THÓI QUEN ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG CUỘC SỐNG

Cảm ngộ 3 câu nói thâm thuý của người Do Thái

20 câu nói kinh điển nổi tiếng của Tào Tháo

20 câu nói tinh tuý của Quỷ Cốc Tử

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Tiktok Jessica Thảo Nguyễn

Fanpage Jessica Thảo Nguyễn

Lên đầu trang