Gia Cát Lượng

6 lần thần cơ diệu toán tiêu biểu của Gia Cát Lượng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

Tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung được viết dựa trên sử liệu Tam Quốc Chí của Trần Thọ, sở dĩ được xét vào 1 trong 4 đại danh tác của Trung Hoa, và là một trong những kiệt tác của văn học thế giới là bởi những tình tiết vô cùng lôi cuốn, hấp dẫn độc giả. Các câu chuyện, nhân vật, sự kiện diễn ra trong Tam Quốc Diễn Nghĩa không chỉ làm thoả đam mê của người hâm mộ tiểu thuyết mà còn có tính ứng dụng cao trong kinh doanh, trong cuộc sống. Một trong những nhân vật được yêu thích nhất trong Bộ tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa là Quân Sư Gia Cát Lượng. Sự tài tình trong sử dụng binh pháp, cũng như khả năng tinh thông thiên văn địa lý, khả năng tiên liệu và dự tính của ông làm cho độc giả đi từ sự ngạc nhiên đến sự ngưỡng mộ. Trong bài viết này, xin chia sẻ đến các bạn 6 lần thần cơ diệu toán tiêu biểu của Gia Cát Lượng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa đã giúp ông vang danh thiên hạ.

Quân Sư tài ba Gia Cát Lượng

1. Kế dùng thuyền cỏ mượn tên trong trận Xích Bích

Trước thềm Đại Chiến Xích Bích, hai phe Tôn – Lưu quyết định liên minh. Mặc dù đã liên minh, nhưng Chu Du (Đại Đô Đốc của nước Đông Ngô, do Tôn Quyền làm chủ soái) đã đoán được tài năng và trí tuệ phi phàm của Gia Cát Lượng sẽ là mối hoạ sau này của Đông Ngô. Cho nên Chu Du quyết định dùng phép công để trừ khử Khổng Minh Gia Cát Lượng. Lúc bấy giờ Gia Cát Lượng đang ở trong đại doanh của Chu Du nên quyền lực đang tập trung trong tay Đại Đô Đốc Chu Du của Đông Ngô.

Chu Du ra đề bài cho Gia Cát Lượng phải chuẩn bị 10 vạn mũi tên trong vòng 10 ngày để chuẩn bị cho cuộc tấn công quân Tào trên sông Trường Giang (lúc bấy giờ còn gọi là Xích Bích). Những tưởng Gia Cát Lượng lo lắng, kinh sợ khi nhận nhiệm vụ trên. Nhưng ngược lại, Gia Cát Lượng làm cho Chu Du thất kinh khi Gia Cát Lượng hẹn sẽ giao đủ 10 vạn mũi trên trong vòng 3 ngày cho kịp việc công vì ông cho rằng “Quân Tào nay mai sắp đến, nếu đợi 10 ngày, việc lớn hỏng mất”.

Chu Du được dịp gọi ngay quan chính tư (quan giữ hình luật trong quân) mang đồ văn phòng ra làm tờ cam kết trước đông đủ mặt các quan trong triều nhà Đông Ngô. Đoạn, Chu Du lại dặn Thợ cố làm dây dưa, và không cung cấp đủ cho đồ dùng, lại cho Tử Kính qua lại thăm dò tình hình của Gia Cát Lượng. Những tưởng sẽ ép Gia Cát Lượng vào bước đường cùng vì dám trễ hẹn việc quân.

Khổng Minh nhờ Tử Kính hỗ trợ cho mượn “hai chục chiếc thuyền, mỗi chiếc dùng ba chục tay thuỷ thủ tốt. Trên thuyền căn vải xanh che xung quanh, và bện hơn nghìn hình nhân bằng rơm, xếp đứng hai bên mạn thuyền.”.

Tử Kính vì không hiểu những vật dụng ấy để làm gì nên cũng không tiện báo cáo với Chu Du. Chẳng ngờ Khổng Minh lén sai người mời Lỗ Túc cùng đi xuống thuyền để “cùng đi lấy tên một thể”. Đoạn, Khổng Minh sai lấy thừng chạc dàng cả hai chục chiếc thuyền làm một, cho tiến lên phía Bắc trong một đêm sương mù phủ kín trời.

Canh năm đêm ấy, thuyền đến sát thuỷ trại của Tào Tháo. Khổng Minh sai đỗ thuyền quay mũi về hướng tây, dàn thành hàng chữ nhất, rồi đánh trống và hò reo rầm rĩ. Quả nhiên Tào Tháo vì đa nghi đã ra lệnh cho quân cung nỏ bắn tứ tung ra, lại sai người lên trại cạn gọi Trương Liêu, Từ Hoảng mỗi người dẫn ba nghìn quân cung nỏ cấp tốc đến bờ sông trợ chiến. Hiệu lệnh đến nơi thì Vu Cấm, Mao Giới sợ quân nam tràn vào thuỷ trại, đã sai quân bắn rào rào ra rồi.

Một lát quân cạn cũng đến, ước hơn vạn người, đều chĩa vào chỗ có tiếng trống bắn xuống như mưa. Khổng Minh một mặt lại sai quay mũi thuyền về phía tây, áp vào trại thuỷ đỡ lấy tên; một mặt cứ việc thúc trống reo hò rầm rĩ. Khi mặt trời đã mọc, sương mù dần tan, Khổng Minh sai thu thuyền kéo về. Các bó cỏ trên hai chục chiếc thuyền, bó nào cũng chi chít những tên cắm. Mỗi thuyền ước đạt năm – sáu nghìn tên, nhân với 20 chiếc thuyền thì ước đạt hơn 10 vạn mũi tên, vượt chỉ tiêu của Chu Du.

Luận bàn

Tại sao Khổng Minh lại chọn thời gian vào ngày thứ 3 mới hành động?, đồng thời chọn đúng vào đêm có sương mù dày đặc?. Chính là bởi vì Khổng Minh vốn tinh thông thiên văn địa lý, như câu nói của ông với Tử Kính, rằng: “Làm tướng mà không biết thiên văn không tường địa lý, không biết được thuật pháp, không hiểu được âm dương, không tinh trận đồ, không giỏi binh thế, đó là tướng xoàng. Từ ba hôm trước, ta đã tính biết hôm nay có sương mù lớn, nên mới dám nhận thời hạn ba hôm. Công Cẩn hạn cho ta mười ngày, mà thuyền thợ, đồ dùng không thứ gì đủ, chực đem một tội lỗi nhỏ để hại ta; nhưng số mệnh ra đã có trời, hại làm sao nổi”.

Với việc mang về hơn 10 vạn mũi tên, Khổng Minh đã thay mặt chủ soái Lưu Bị có sự đóng góp quan trọng về khí lực cho liên minh Tôn – Lưu vậy. Trong khi Lưu Bị lúc ấy khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng, việc có lượng vũ khí trên để cung ứng cho quân sĩ quả là không dễ dàng. Đây cũng là bài học lãnh đạo quan trọng về việc sử dụng nhân tài. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, quả đúng là như vậy. 

Người sau có câu thơ rằng:

“Khí mù nghi ngút toả dòng sông,

Mặt nước mênh mang, khói mịt mùng…

Tên bắn rào rào thuyền đỡ lấy,

Chu Du bở vía, phục vô cùng.”

Trong Binh Pháp Tôn Tử, Tôn Tử nói: Nguyên tắc chung khi dụng binh tác chiến là khi phải huy động chiến xa nghìn chiếc, xe tải nặng nghìn chiếc, quân đội mười vạn, vận lương đi xa nghìn dặm, thì tình huống đó, chi phí ở tiền phương và hậu phương, chi phí đãi khách khứa sứ thần, bảo dưỡng và bổ sung tiêu phí nghìn vàng thì mới có thể cho mười vạn quân xuất chinh được.

Cho nên tướng soái giỏi: lấy lương thực ở nước địch. Ăn 1 chung gạo ở nước địch bằng 20 chung gạo ở nước nhà. Dùng 1 thạch cỏ ở nước địch bằng 20 thạch cỏ ở nước nhà. 

Kế “mượn tên” được ba cái lợi lớn. Một là Đông Ngô bỗng dưng có mười vạn mũi tên để dùng, hai là làm cho địch mất đi mười vạn mũi tên. Ba là ta không tốn công làm tên mà được thì lại lợi về cái công nữa. Như thế việc lấy 10 vạn mũi tên của nước địch theo Binh Pháp Tôn Tử có thể nói là bằng 20 lần mũi tên ở nước nhà (tức là bằng 200 vạn mũi tên ở nước nhà). Chỉ một kế của Khổng Minh mà Đông Ngô lợi thế thì Khổng Minh không hổ danh là quân sư vậy.

Khổng Minh mang tiếng là đại diện Lưu Bị qua chung sức với Đông Ngô để đánh Tào Tháo, nhưng chỉ hai bàn tay không, cái gì cũng mượn. Trước mượn binh Đông Ngô đánh Tào, rồi lại mượn tên của Tào để giúp Đông Ngô. Lại mượng thuyền Lỗ Túc đi lấy tên, mượn đêm sương mù để lừa giặc. Cái gì cũng mượn của người, của trời mà thành công. Trong Kinh Dịch, người ta gọi là phép mượn lực. Phép mượn lực của đối thủ, mượn lực của tự nhiên này chỉ có bậc tài năng xuất chúng mới có thể áp dụng được.

2. Kế lập đàn Thất Tinh cầu gió Đông trong trận Xích Bích

Thuỷ trại của Tào Tháo cực kỳ nghiêm chỉnh, rất hợp binh pháp, không dễ phá được. Quân Tào đông hàng trăm vạn, quân của liên minh Tôn – Lưu thì ít, Gia Cát Lượng, Chu Du và Hoàng Cái đều thấy được điểm này và đều chung ý tưởng dùng Hoả công để đánh Tào.

Nhưng ngặt nỗi “trời đông tháng rét thế này thì làm gì có được gió Đông Nam” như lời Chu Du nói, sự việc này làm cho Chu Du hao mòn tâm trí, dẫn đến sinh bệnh, bỗng nhiên ngã vật, thổ huyết bất tỉnh nhân sự. 

Gia Cát Lượng cầu kiến xin chữa bệnh chỉ với bài thơ:

Muốn đánh Tào công

Phải dùng hoả công 

Muôn việc đủ cả

Chỉ thiếu gió đông”

Đồng thời Gia Cát Lượng nói rằng Gia Cát Lượng được một dị nhân truyền cho quyển “Bát môn độn giáp thiên thư”, có thể gọi gió, có thể hô mưa. Đô đốc muốn cần đến gió Đông Nam thì phải lập đàn tại núi Nam Bình, gọi là đàn Thất Tinh, bề cao chín thước, chia làm ba tầng, dùng một trăm hai chục người cầm cờ đứng xung quang. Dự đoán ngày 20/11 là ngày Giáp Tý, Khổng Minh sẽ mặc áo pháp sư bắt đầu tế gió, đến ngày 22 là ngày Bính Dần thì gió im. Chu Du nghe theo, lệnh cho ba quân tướng sĩ chuẩn bị sẵn sàng thuyền bè, khí giới, chỉ cần 1 đêm gió to là xong việc.

Quả nhiên Gió Đông Nam nổi lên vào canh ba để hậu thuẫn cho Chu Du theo đúng kế hoạch tấn công thắng lợi doanh trại của Tào Tháo trong trận Xích Bích.

Gia Cát Lượng khi hiến kế này cho Chu Du cũng đã tự lượng rằng Chu Du sẽ chẳng dung cho Lượng. Nên Gia Cát Lượng đã dặn trước Triệu Tử Long đem thuyền đến đón và chặn đứng đội quân Đinh Phụng, Từ Thịnh do Chu Du sai đến để bắt Gia Cát Lượng.

Luận bàn

Chu Du điều binh đánh trận Xích Bích, chưa phát quân đánh Xích Bích đã phát quân đi bắt Khổng Minh. Đánh quân Tào đến 83 vạn quân mà Chu Du chỉ vận dụng có 12 đội thuỷ lục quân, còn bắt một mình Khổng Minh thì Chu Du lại điều động đến hai đạo quân thuỷ lục quân. Như vậy Chu Du xem việc bắt Khổng Minh còn quan trọng hơn việc đốt thuyền nơi trận Xích Bích nữa. Chính vì hiểu được Chu Du ngày đêm canh cánh mối lo về Gia Cát Lượng nên Gia Cát Lượng phải tính kế phòng thân là chuyện đương nhiên.

Khổng Minh cầu gió chính là Khổng Minh mượn lực của tự nhiên vậy. Cầm kiếm lên đàn ra hiệu lệnh nghiêm túc, chẳng khác nào một vị nguyên nhung (Đại Nguyên Soái) điều binh bố trận.

Cái hay của kế lập đàn Thất Tinh cầu gió Đông của Gia Cát Lượng chính là vừa giúp Chu Du đánh Tào để đóng tròn vai liên minh Tôn – Lưu, vừa tạo cho Gia Cát Lượng đường thoát thân về Thục Hán. Gia Cát Lượng không hổ danh “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” hẳn nhiên sẽ biết được thời điểm gió Đông sẽ đến.

Tuy nhiên nếu nói toạc ra cho Chu Du thì Gia Cát Lượng sẽ rất khó thoát vòng vây. Cho nên li kỳ hoá việc cầu gió Đông bằng cách lập đàn Thất Tinh vừa làm cho đối thủ nửa tin nửa ngờ, nhân lúc lập đàn Thất Tinh thì bố trí thuyền nhỏ cho Triệu Tử Long đến ứng đón là thượng sách. Quân tử phòng thân chính là chỗ này vậy.

Như vậy trận Xích Bích với sự lực lượng tướng sĩ và mưu sĩ chính từ Đông Ngô (Đặc biệt là kế liên hoàn chiến thuyền của Bàng Thống, kế trá hàng của Hàm Trạch, kế khổ nhục của Hoàng Cái), dưới sự chỉ huy của Đại Đô Đốc Chu Du, kết hợp với Mưu kế phi phàm của Gia Cát Lượng trong việc mượn hơn 10 vạn mũi tên của Tào Tháo, cùng với tính toán chính xác thời điểm có gió Đông để dùng Hoả công đã tạo nên sự thành công của đại chiến Xích Bích vang dang thiên hạ.

3. Lập Bát trận đồ bằng đá bao vây Lục Tốn

 Khi Lục Tốn đại thắng đại quân Thục Hán do Lưu Bị trực tiếp thống lĩnh binh quyền. Trên đường Lục Tốn truy quân đuổi theo Lưu Bị về phía Tây, khi gần đến ải Quỳ Quan, Tốn ngồi trên ngựa, trong ra mé trước mặt, thấy chỗ cạnh bờ sông bên sườn núi, có một đám sát khí bốc ngùn ngụt lên tận trời, Tốn quay ngựa, bảo các tướng không tiến lên vì khả năng có mai phục.

Gia Cát Lượng tinh thông binh pháp
Gia Cát Lượng tinh thông binh pháp

Sau cho người đi do thám thì được báo rằng tịnh không có một người nào. Tốn thấy trời về chiều, sát khí bốc lên càng mạnh. Thổ dân nơi đây báo rằng “khi Gia Cát Lượng vào Xuyên, dẫn quân đi qua đây, lấy đá bày ra trận thế ở trên bãi cát. Từ bấy giờ, ngày nào cũng có sát khí như đám mây ở đó bốc lên.”.

Lục Tốn nghe xong, lên ngựa dẫn vài chục kỵ mã đến xem trận đá. Tốn dừng ngựa trên sườn núi, trông xa bốn mặt tám phương đều có cửa vào ra. Bèn dẫn vài tên kỵ xuống núi, vào thẳng trong thạch trận ngắm xem, bỗng nổi một cơn gió to, cát sỏi bay lên mù mịt, che trời lấp đất, rồi thấy đá dựng lên chơm chởm cả như gươm cắm, cát nổi lên từng đống như núi, dưới sông sóng cuồn cuộn, tiếng réo như trống rung, gươm chọi. Tốn giật mình: “ta mắc phải mẹo của Gia Cát Lượng rồi”.

Bèn vội tìm đường ra nhưng không có lối nào nữa. Tốn đang kinh hãi thì thấy một cụ già (chính là Hoàng Thừa Ngạn, là bố vợ Khổng Minh Gia Cát Lượng) nói rằng: “khi rể lão vào Xuyên, có bày thạch trận ở đây, gọi là “bát trận đồ”, chia làm tám cửa, theo hưu – sinh – thương – đỗ – cảnh – tử – kinh – khai – trong độn giáp. Mỗi ngày, mỗi giờ, biến hoá không biết đâu mà lần, sánh bằng 10 vạn tinh binh. Khi con rể lão đến đây có dặn “về sau, có đại tướng Đông Ngô lạc vào trận này thì đừng có đưa ra”. Mới rồi, lão ngồi chơi trên sườn núi, thấy tướng quân từ cửa Tử đi vào, chắc rằng không hiểu trận này, thế nào cũng lạc lối. Lão xưa nay ưa làm phúc, không nỡ để tướng quân chết tại đây, cho nên dắt tướng quân ra cửa Sinh”.

Lục Tốn than rằng “Khổng Minh quả thực là Ngoạ Long, ta không sao bằng được”.

Bèn hạ lệnh rút quân về.

Luận bàn

Việc Khổng Minh bày bát trận đồ bằng đá biến hoá khôn lường có sức mạnh sánh bằng 10 vạn tinh binh đã là một kỳ tích. Việc Khổng Minh dự đoán trước là sẽ có Đại tướng Đông Ngô lạc vào trận này là thêm 1 kỳ tích vậy. Đây chính là khả năng thần cơ diệu toán tài tình mà trong Tam Quốc Diễn Nghĩa không ai bằng Gia Cát Lượng là vậy.

Chỉ tiếc là phép bày trận pháp này bị thất truyền nên hậu nhân không thể học hỏi. Như vậy KM GCL chỉ bày một trận đồ bằng đá mà làm cho Đội quân của Lục Tốn phải kinh sợ, kính phục mà lui binh, nếu không có Bố Vợ của KM ra tay cứu giúp thì Lục Tốn e rằng sẽ lưu lại mãi nơi đây rồi. 

Trong Binh Pháp Tôn Tử nói: “Đại phàm cái phép dụng binh, làm cho toàn quân địch chịu khuất phục là thượng sách, đánh nó là kém hơn. Cho nên thượng sách trong việc dùng binh là lấy mưu lược để thắng địch, kế đó là thắng địch bằng ngoại giao, kế nữa là dùng binh thắng địch, hạ sách là tấn công thành trì.”

Nếu căn cứ lời dạy của Tôn Tử, thì Khổng Minh Gia Cát Lượng đã dùng thượng sách mà thắng địch, cũng nhờ vậy mà ứng cứu được chủ soái Lưu Bị.

4. Phá Mỹ Nhân kế của Chu Du giúp Lưu Bị lấy Tôn Thượng Hương:

Được sự đồng ý của Tôn Quyền, Chu Du dùng kế Mỹ Nhân, sai Lã Phạm sang Kinh Châu làm mối, nhằm muốn dụ Lưu Bị sang đính hôn rồi lừa Lưu Bị đến Nam Từ, không gả người cho mà bắt giam lại. Kế hoạch sẽ sai sai người đến đòi Kinh Châu, đánh đổi Kinh Châu lấy Lưu Bị.

Gia Cát Lượng hiểu được mưu kế trên nên đã khuyên Lưu Bị an tâm sang Đông Ngô lấy vợ trong khi vẫn đảm bảo Kinh Châu vững như Bàn Thạch. Trước khi đi, Gia Cát Lượng giao cho Triệu Tử Long 3 túi gấm trong đó đựng 3 cẩm nang áp dụng cho 3 thời điểm khác nhau: “thoạt tiên đến Nam Từ thì mở túi thứ nhất; cuối năm thì mở túi thứ hai; đến khi nào nguy cấp thì mở túi thứ 3” trong túi có mẹo xuất quỷ nhập thần, bảo toàn được chúa công về tới nhà.

Nội dung túi thứ nhất: Áp dụng chiến lược PR về hôn sự trên, biến hôn sự giả thành hôn sự thật

Xem xong nội dung túi thứ nhất, Triệu Vân cho 500 quân sĩ tấp nập ra phố mua bán đồ vật, nói toang lên rằng Huyền Đức vào làm rể Đông Ngô để mọi người trong thành đều biết chuyện. Đồng thời nói Lưu Huyền Đức vào ra mắt Kiều Quốc Lão (cha vợ của Chu Du, và cũng là cha vợ của Tôn Sách (tức là vai thông gia của Ngô Quốc Thái)).

Quả nhiên Kiều Quốc Lão đã tác động đến Ngô Quốc Thái và sau đó Ngô Quốc Thái tán thành chuyện hôn sự của Lưu Bị và con gái là Tôn Thượng Hương. Vì không muốn con gái bị lâm vào cảnh goá bụa, nên Quốc Thái hết lòng giúp đỡ chàng rể quý Lưu Bị tránh khỏi mưu kế hãm hại của Chu Du và Tôn Quyền. Lưu Bị được một phen hú vía khi đi hỏi vợ mà phải mặc áo giáp bên trong, ngoài khác cẩm bào.

Nội dung túi thứ 2: Nhờ Ngô Quốc Thái giúp đỡ về Kinh Châu

Tôn Quyền và Chu Du lập mưu làm nhụt chí khí của Lưu Bị và gây chia rẽ nội bộ Thục Hán bằng cách giam lỏng Lưu Bị ở Đông Ngô, sửa sang cửa nhà lộng lẫy, chu cấp nhiều mỹ nhân, đồ quý để Lưu Bị ham chơi mà quên lối về. Khi nội bộ ly tán thì Đông Ngô mang quân sang đánh Thục Hán.

Lưu Bị theo kế thuyết phục được Tôn Thượng Hương ủng hộ, chọn thời điểm thích hợp nhờ mẹ là Ngô Quốc Thái chuốc Tôn Quyền say rượu để cho Lưu Bị và Tôn Thượng Hương thừa dịp chạy về Kinh Châu.

Túi thứ 3: Nhờ sự oai hùng của Tôn Thượng Hương để thoát khỏi sự truy đuổi của Chu Du. Quân Thục Hán ắt có đội quân ứng cứu

Trước tình thế quân của Chu Du bao vây mặt trước, mặt sau có quân của Tôn Quyền điều lên, Lưu Bị theo kế khổ nhục của Gia Cát Lượng để thuyết phục vợ là Tôn Thượng Hương dùng sự oai hùng của Quận Chúa để vượt qua đội quân của Chu Du.

Vừa lúc nguy cấp thì thấy một dãy hơn vài chục chiếc thuyền mui bồng của Gia Cát Lượng chờ sẵn để ứng cứu. Đi được một đoạn thì thuỷ binh của Đông Ngô đuổi kịp, Gia Cát Lượng cho đoàn lên bờ đã được bố trí đội quân của Quan Vân Trường ứng cứu. Hoàng Trung, Nguỵ Diên cũng được bố trí để chặn đường của Chu Du.

Luận bàn

Khả năng dự đoán của Khổng Minh Gia Cát Lượng quá chính xác đến từng chi tiết. Không những dự tính trước được 1 mà còn là 3 tình thế cốt cán để giải quyết mối nguy của Lưu Bị, dự đoán luôn thời điểm nào thì dùng Túi Cẩm Nang nào, quả thật đúng là thần cơ diệu toán. Gia Cát Lượng đã dùng kế tuyệt diệu, đã mượn lực – mượn sự trợ giúp của mẹ Tôn Quyền và bố vợ của Chu Du để tác thành hôn sự cho Lưu Bị và Tôn Thượng Hương.

Đồng thời lại mượn lực của em gái của Tôn Quyền là Tôn Thượng Hương giúp Huyền Đức trở về Kinh Châu. Gia Cát Lượng đã mượn lực của Ngô Quốc Thái, Kiều Quốc Lão, Tôn Thượng Hương đều là người nhà, người thân tín của Tôn Quyền để bảo vệ Lưu Bị, tránh mưu kế hãm hại của Tôn Quyền và Chu Du. Gia Cát Lượng đã dùng nguồn lực của đối thủ để kìm hãm đối thủ, cho thấy Gia Cát Lượng phải là người am tường nhân sự, văn hoá gia đình, hiểu tính cách của những người có ảnh hưởng đến Tôn Quyền mới có thể sử dụng được nguồn lực hiếm có này.

Thế mới thấy được sự tài tình của Gia Cát Lượng khi đã áp dụng triệt để những lời dạy trong Binh Pháp Tôn Tử rằng: “Khi muốn đánh quân nào, đều phải biết rõ người tướng trấn giữ, các người thân tín của người tướng, người tiếp khách, người gác cửa, người giữ nhà (quản gia), tên họ của từng người, đều phải kiếm gián điệp của ta tìm tòi mà biết cho đủ.”.

5. Gia Cát Lượng giả bệnh để rút lui, dụ giặc đánh chiếm Trần Thương vì biết trước cứ điểm Trần Thương sẽ bị ngập lụt trong mùa mưa sắp tới

Tào Chân (đại tướng quân của Tào Nguỵ lúc bấy giờ) đã không biết trước điều này, nhân lúc Gia Cát Lượng rút khỏi Trần Thương, thì Tào Chân tấn công và dễ dàng chiếm đóng Trần Thương. Sau 2 tháng trải qua mùa mưa, Tào Chân mới phát hiện, toàn bộ áo giáp và binh khí vì mưa mà bị rỉ sét và hư hỏng nặng. Quân Tào: chiến giáp bị mục rơi từng mảnh, cung tên bị mục gãy, lương thực ẩm mốc, tướng sĩ bất mãn, lòng quân dao động. Ngay lúc đó, Gia Cát Lượng cho đội quân chủ lực do Nguỵ Diên và Dương Bình thống lĩnh tấn công đánh tan quân Nguỵ, chiếm lấy Trần Thương.

Luận bàn

Theo Kế Thứ 5 – giành hết thiên cơ của Quỷ Cốc Tử “Thánh nhân ở giữa trời đất: Lập thân, tạo nghiệp, lên tiếng, tuyên truyền đều phải quan sát tượng trời để chớp đúng thời cơ”. Về khoản thiên văn địa lý thì chắc khó ai qua được Gia Cát Lượng là vậy, ông có khả năng dự tính chính xác về thời gian và hiện tượng cũng như định lượng được tác động của thiên nhiên đến công việc của ông và đối thủ (chỉ trừ khả năng tiên liệu cơn mưa rào đột xuất tại Thượng Phương Cốc trong trận hoả công Tư Mã Ý).

6. Dùng tượng gỗ doạ Tư Mã Ý

Trước khi qua đời, Gia Cát Lượng viết tờ di biểu dâng lên hậu chủ, xong xuôi lại dặn dò Dương Nghi rằng: “Sau khi ta chết không thể làm đám tang, phất cờ đánh trống, các ngươi hãy làm một cái bàn thờ lớn, để thi thể của ta ngồi ở trên, trong miệng ngậm bảy hạt gạo, dưới chân đặt một ngọn đèn sáng, trong quân cứ giữ vẻ yên ổn như thường, không được than khóc buồn bã. Như vậy thì sao Tướng Tinh mới không rơi xuống, âm hồn ta tự khắc cũng nhấc lên được. Tư Mã Ý thấy sao Tướng Tinh không sa, tất nhiên sẽ không dám khinh cử vọng động, quân ta mới có thể âm thầm từng nhóm từng nhóm chậm rãi rút lui. Nếu như Tư Mã Ý đuổi theo, ngươi nên dàn thành trận thế, quay cờ đánh trống trở lại, rồi đẩy xe có tượng gỗ của ta ra phía trước quân, lệnh cho tất cả tướng sĩ đứng dàn hai bên trái phải, Tư Mã Ý nhìn thấy, tất sẽ sợ hãi bỏ chạy”.

 Các tướng trung thành của Gia Cát Lượng là Dương Nghĩa, Khương Duy theo sự sắp xếp của Gia Cát Lượng, sau khi Lượng chết không phát tang ngay mà chỉnh đốn binh mã, rút quân về Hán Trung thật thần tốc nhưng phải trật tự, không để quân Tư Mã Ý phát hiện.

Nhưng không ngoài dự liệu của Khổng Minh, Tư Mã Ý quan sát thiên văn thấy một ngôi sao lớn màu đỏ, tia sáng toả ra bốn phía có góc, từ phía đông bắc chạy về hướng tây nam, sau đó đến thẳng Thục doanh. Ba lần sa xuống, lại ba lần vụt lên, tiếng chuyển ầm ầm.

Tư Mã Ý vui mừng la lớn: “Khổng Minh chết rồi!”. Lập tức truyền lệnh khởi binh đuổi đánh, nhưng vừa ra khỏi cửa trại lại nổi tâm đa nghi: “Khổng Minh có tài phù phép, có thể sai khiến thần Lục Đinh, Lục Giáp. Nay thấy ta không ra đánh, cho nên làm ra thuật này để dụ ta đây, nếu ta đuổi theo, tất sẽ trúng kế”. Nghĩ thế rồi quay ngựa trở vào, không đi nữa, chỉ sai Hạ Hầu Bá dẫn vài chục quân binh âm thầm đến gò Ngũ Trượng do thám tình hình.

Sau khi có tin báo về, quân Thục đều đã rút binh Tư Mã Ý lập tức xua quân đuổi theo, quyết một phen tiêu diệt quân của Gia Cát Lượng. Dương Nghĩa ra lệnh cho binh lính rải đinh sắt trên đường rút quân để cản trở quân địch. Tư Mã Ý không phải tay vừa, ra lệnh cho hơn 2000 binh sỹ đi những đôi giày có đế làm bằng gỗ mềm chạy trước đoàn quân khiến đinh sắt do quân Thục rải trên đường găm hết vào đế giày.

Quân đội Ngụy cứ theo đoàn quân giày gỗ này thuận lợi truy đuổi quân Thục. Tuy nhiên, khi quân Ngụy đuổi tới gần, quân Thục đột nhiên dựng cờ, gõ trống giống như chuẩn bị phản kích quân Ngụy. Quân Tư Mã Ý thấy vậy không dám truy đuổi nữa. Quân Thục nhờ vậy mà an toàn rút về Hán Trung.

Luận bàn

Vì sao một người thông minh như Tư Mã Ý lại không dám truy đuổi quân Thục? Nguyên nhân là vì, trước khi chết, Gia Cát Lượng dự liệu rằng khi quân Thục rút lui, Tư Mã Ý tất sẽ đuổi theo vì vậy Gia Cát Lượng đã cho người đẽo một bức tượng của mình rồi đặt lên xe. Đến khi quân của Tư Mã Ý đuổi theo đến gần thì đẩy xe có bức tượng của mình lên phía trước.

Tư Mã Ý vốn nghe phong phanh Gia Cát Lượng bị bệnh mà chết dẫn đến việc quân Thục mới rút quân. Nay khi đuổi sát tới nơi lại thấy Gia Cát Lượng vẫn điềm nhiên ngồi trước xe ra trước ba quân khiến Ngụy quân kinh hoàng, hồn bay phách tán, buông vũ khí bỏ chạy. Tư Mã Ý cũng sợ hãi bỏ chạy hơn năm mươi dặm mới bàng hoàng hỏi thủ hạ của mình: “Đầu của ta còn không?”. Trận chiến này đã trở thành trò cười cho thiên hạ.

Sau này trong dân gian lưu truyền câu nói, về sau đã trở thành tục ngữ phương ngôn: “Tử Gia Cát năng tẩu sinh Trọng Đạt” (Gia Cát chết vẫn đuổi được Trọng Đạt sống). Nếu kế này mà được thực hiện bởi người khác thì hẳn không thể qua mắt được Tư Mã Ý, nhưng bởi vì Gia Cát Lượng tính toán như thần, trước giờ khó ai đoán được suy nghĩ của Lượng nên chẳng chắc Tư Mã Ý luôn chột dạ, luôn hoài nghi và luôn lo sợ bị mắc mưu của Lượng là vậy.

Jessica Thảo Nguyễn

Tham khảo Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung và Binh Pháp Tôn Tử của Tôn Vũ

Mọi ý kiến đóng góp xin được để lại dưới commment hoặc gửi qua email: jessica.thaont@gmail.com. Xin cám ơn!

Bạn có thể xem video tại đây:

Xem thêm:

9 thuật sử dụng địa hình đỉnh cao trong Binh Pháp Tôn Tử

20 câu nói tinh tuý của Quỷ Cốc Tử

Lý Thường Kiệt và 6 trận đánh đỉnh cao binh pháp

Luận bàn về Quan Vũ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

Cảm ngộ 12 bài học về “Đạo” của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh

15 ứng dụng thông thái về Đạo của Lão Tử trong cuộc sống

Facebook Ý Nghĩa Sống

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang