Kính thưa Quý Vị, Tài năng cầm quân đánh trận của Hàn Tín đã được Hán vương Lưu Bang ca ngợi qua câu nói: “Liên kết trăm vạn quân, đánh là tất thắng, công là tất hạ, thì ta không bằng Hàn Tín”. Trương Lương (Tử Phòng) nhận định thốt lên rằng: “Người này chính là Tử Nha ở Bàn Khê, Y Doãn ở Sằn Dã, thực là có tài đại tướng, là bậc kỳ sỹ trong thiên hạ vậy!”. Còn Tiêu Hà nhận định về Hàn Tín rằng “Dẫu Y Doãn, Tử Nha, Tôn, Ngô, Nhương Tư cũng chẳng thể hơn được Hàn Tín vậy”.
Nhưng ít ai biết rằng Hàn Tín chính là “đơn thương độc mã” một mình vượt muôn trùng hiểm nguy để đến đầu quân nhà Hán theo lời thuyết phục của Trương Lương. Không những thế, quân đội của Lưu Bang khi giao cho Hàn Tín vốn trong tình trạng “quân ngũ thiếu nghiêm chỉnh, sỹ tốt thiếu sẵn sàng, tướng tá tuy có hàng trăm người, nhưng đều chẳng hay trận pháp, chẳng rõ tiến lui”.
Vậy làm cách nào mà Phá Sở đại tướng quân Hàn Tín có thể đào tạo tướng sĩ, chấn chỉnh kỷ cương, giúp chuyển yếu thành mạnh giúp cho quân đội nhà Hán dưới sự thống lĩnh của Hàn Tín làm nên những chiến thắng vang dội trước các nước chư hầu.
Bạn đọc có thể xem thêm bài về một số nhân vật nổi tiếng thời xưa dưới đây:
6 lần thần cơ diệu toán tiêu biểu của Gia Cát Lượng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
Luận bàn về Quan Vũ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
Lý Thường Kiệt và 6 trận đánh đỉnh cao binh pháp
Những câu nói khôn ngoan của Tư Mã Ý trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
Binh Pháp Ngô Quyền – Đại thắng trên sông Bạch Đằng
Bạn cũng có thể xem video về bài viết này dưới đây:
I. Tình trạng “thiếu chuyên nghiệp” của quân đội nhà Hán trước khi Hàn Tín nhận bàn giao
Lại nói, Hàn Tín ra khỏi triều, đi đến thao trường, trước tiên xem qua một lượt quân mã, thấy quân ngũ thiếu nghiêm chỉnh, sỹ tốt thiếu sẵn sàng, tướng tá tuy có hàng trăm người, nhưng đều chẳng hay trận pháp, chẳng rõ tiến lui. Doanh trại tuy có mấy toà nhưng chưa đúng phương hướng, chưa thấy sự sinh vượng.
Hàn Tín bèn mời Lịch Dị Cơ đến doanh bàn bạc rằng: “Quân mã thế này, doanh trận thế này, bất quá chỉ để phòng thủ thành trì, dùng trong lúc vô sự còn được. Chứ đem dùng ra trận, tướng chẳng hay quân, quân chẳng biết tướng, đội ngũ làm sao sắp xếp? Trận thế làm sao điều độ? Kỳ chính (tức là kỳ binh (phục binh) và chính binh) làm sao giúp nhau? Động tĩnh làm sao dấy nấp? E rằng đến khi gặp địch, nhất định khó mà chống đỡ.”.
II. Phương pháp thao trường của Hàn Tín
1. Ban hành sách về đội ngũ, phép điều độ, phương hướng doanh trận, kỉ luật quân đội
Khá chọn lấy 40 người có thể viết tốt, đem số đội ngũ, phép điều độ, phương hướng doanh trận, kỷ luật ra vào, mà ngày thường Hàn Tín đã thu thập chép trong sách này, theo đúng từng điều từng đoạn, liền đêm chép ra làm 20 bản trong vòng mấy hôm. Mỗi bản giao cho một viên tướng biết chữ, chiếu theo như đội ngũ trận pháp viết trong sách mà dạy cho quân sỹ thao diễn đầy đủ. Hạn trong nửa tháng phải hoàn chỉnh.
Trước tiên đem 1 đội quân mã, dạy cho chúng biết thế nào là nhập đội, thế nào là xuất đội, thế nào là hành doanh, thế nào là đóng doanh, thế nào là đối địch, thế nào là thôi địch, thế nào là mai phục, thế nào là tấn côg, tuỳ theo biến hoá của nó, ai nấy đều có bài bản. Rồi giao cho các đội, chiếu theo đó mà thao diễn, hơn 20 ngày, các đội quân đều đâu ra đấy cả, khá hơn hẳn đội ngũ trước kia. Hàn Tín lại dạy việc lập trung quân, xếp đặt đội ngũ, ghi chép điều kiện, hôm sau thì mời xa giá Hán vương đến giáo trường uý dụ ba quân, xem xét doanh trận.
2. Dâng cuốn sổ tay cho Lưu Bang để hiểu dụ quân sỹ phải chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh của Phá Sở đại tướng quân Hàn Tín
Lời hiểu dụ được đọc trước ba quân tướng sĩ như sau:
“Tây Sở Bá vương Hạng Tịch, trên trái mệnh trời, đày tử Nghĩa đế, bạo ngược chúng dân, tội ác đã đầy rẫy, thần người cùng oán giận. Trẫm vào Quan Trung trước, theo lời hẹn đáng được làm vương, thấy sự ác nghịch ấy, lẽ đương nhiên phải thảo phạt. Nay, lấy Hàn Tín làm Phá Sở đại tướng quân, các ngươi chư tướng lớn nhỏ cùng quân sỹ các đội, phải nghe tiết chế, tuân theo chỉ huy.
Các ngươi, kẻ nào theo mệnh thì vinh, trái mệnh thì xử, Hàn Tín được quyền quyết định, không cần phải đợi tâu xin, Hàn Tín riêng được chuyên lo ở ngoài, nắm việc chinh phạt, các ngươi nên biết rõ như vậy, chớ trái mệnh trẫm”.
Luận bàn
Khá khen cho Hàn Tín vừa là người soạn nội dung vừa khéo sắp đặt Lưu Bang vào thế không thể rút lời vì đã trực tiếp ban chỉ, đọc to trước ba quân tướng sĩ để trao quyền sinh sát cho Hàn Tín. Đồng thời Hàn Tín thật khéo léo khi buộc tội Hạng Vũ khiến thần người lầm than, oán giận, vô hình dung lại nâng cao nghĩa khí của Lưu Bang.
Lại dùng lí lẽ của Nghĩa Đế về lời hứa phong vương cho người nào vào Quan Trung trước để thấy hiệu lực, thuận ý của việc Lưu Bang về lí phải được làm vương tại Quan Trung. (Nghĩa Đế ở đây chỉ Sở Hoài Vương). Đây cũng là 1 trong những phép dụng binh tiêu biểu về việc cho thấy cuộc khởi nghĩa của quân Hán có lí lẽ thuyết phục hơn so với quân Sở hay nói theo cách mỹ miều hơn thì Hàn Tín đang dùng lí lẽ để nói rằng cuộc chinh phạt sắp tới của quân Hán là chính nghĩa, được lòng người.
3. Ban hành và áp dụng 17 Điều ước trong quân chính
Hàn Tín cho ban hành 17 điều cấm lệnh mà các tướng sĩ tuyệt đối không được mắc phải, nếu mắc phải đều bị hình phạt cao nhất được ghi chép rất rõ ràng, và được treo bảng viết răn đe rất khắt khe:
Thứ 1: nghe tiếng trống không tiến, nghe tiếng chiêng không lui, thấy giơ cờ không dậy, thấy hạ cờ không nấp, như thế gọi là bột quân, kẻ nào vi phạm – hình phạt cao nhất.
Thứ 2: gọi tên không thưa, điểm mặt không đến, quá hẹn không về, hành động trái quân luật, như thế gọi là mạn quân, kẻ nào vi phạm – hình phạt cao nhất!
Thứ 3: gõ kẻng canh đêm, lười nhác không báo, khiến giờ giấc sai lệch, thanh hiệu không rõ, như thế gọi là giải quân, kẻ nào vi phạm – hình phạt cao nhất!
Thứ 4: hay nói oán ngôn, tức giận chủ tướng, không nghe ước thúc, dạy mãi chẳng được, như thế gọi là hoành quân, kẻ nào vi phạm – hình phạt cao nhất!
Thứ 5: lớn tiếng cười nói, miệt thị cấm lệnh, tuỳ tiện ở chốn quân môn, như thế gọi là khinh quân, kẻ nào vi phạm- hình phạt cao nhất!
Thứ 6: binh khí mình dùng, cung nỏ đứt dây, tên không đuôi không mũi, kiếm kích chẳng sắc, cờ xí cũ rách, như thế gọi là khi quân, kẻ nào vi phạm – hình phạt cao nhất!
Thứ 7: đặt điều lừa dối, bịa đặt quỷ thần, giả thác mộng mị, tuyên truyền tà thuyết, mê hoặc tướng sỹ, như thế gọi là yêu quân, kẻ nào vi phạm – hình phạt cao nhất!
Thứ 8: miệng lưỡi gian xảo, nói bậy thị phi, công kích tướng sỹ, khiến cho bất hoà, như thế gọi là báng quân, kẻ nào vi phạm – hình phạt cao nhất!
Thứ 9: những nơi đi qua, chà đạp dân chúng, quan hệ bất chính, như thế gọi là gian quân, kẻ nào vi phạm – hình phạt cao nhất!
Thứ 10: trộm cắp của người, để lợi cho mình, nói dối công trạng, làm công của mình, như thế gọi là đạo quân, kẻ nào vi phạm – hình phạt cao nhất!
Thứ 11: trong quân tụ tập bàn luận, tự ý đến gần đại trướng, nghe trộm quân cơ, như thế gọi là thám quân, kẻ nào vi phạm – hình phạt cao nhất!
Thứ 12: khi nghe được mưu, cùng nghe hiệu lệnh, tiết lộ ra ngoài, khiến kẻ địch biết, như thế gọi là bối quân, kẻ nào vi phạm – hình phạt cao nhất!
Thứ 13: trong khi điều động, ngậm miệng không nói, nhíu mày cúi đầu, vẻ mặt khó khăn, như thế gọi là hận quân, kẻ nào vi phạm – hình phạt cao nhất!
Thứ 14: ra khỏi hàng ngũ, vượt trước lùi sai, nói năng ầm ĩ, chẳng tuân cấm lệnh, như thế gọi là loạn quân, kẻ nào vi phạm – hình phạt cao nhất!
Thứ 15: giả đau giả ốm, để trốn chinh chiến, tạo thương giả chết, thừa cơ trốn chạy, như thế gọi là trá quân, kẻ nào vi phạm – hình phạt cao nhất!
Thứ 16: cai quản tiền lương, đến lúc cấp thưởng, có lòng riêng với người thân, khiến quân sỹ oán trách, như thế gọi là tệ quân, kẻ nào vi phạm – hình phạt cao nhất!
Thứ 17: xem giặc chẳng xét rõ, thám thính chẳng tường tận, chẳng đến mà nói là đến, nhiều thì rằng ít, ít lại nói nhiều, như thế gọi là ngộ quân, kẻ nào vi phạm – hình phạt cao nhất!
Tiểu thuyết Hán Sở Diễn Nghĩa đã miêu tả rất chi tiết về 17 điều cấm lệnh trong quân ngũ của Hàn Tín ban hành. Qua đó chúng ta thấy Hàn Tín đề cập đến rất nhiều vai trò của người tướng sĩ trong quân ngũ từ việc ra hiệu lệnh (trống, chiêng, cờ), rồi đến canh đêm/ canh báo giờ giấc thanh hiệu, rồi cai quản tiền lương, rồi đến thám thính,…không công việc nào được phép lơ là, để tránh làm tổn hại đến đại quân.
Ngay cả lời ăn tiếng nói, hành vi cư xử của quân sĩ, tướng lĩnh cũng đều phải chuẩn mực, để môi trường quân ngũ thanh tẩy các hành vi đặt điều, thị phi, oán ngôn, gian dâm, trộm cắp, sân hận, có lòng riêng hay trái quân lệnh. Như vậy từ ngôn từ đến thái độ và hành động đều không được vi phạm giới luật.
Hàn Tín còn cẩn trọng dùng soái ấn đóng lên đồng trình lên cho Hán vương giữ lại xem, đồng thời giao cho quan quân chính Tào Tham giữ thêm 1 một bản đều thể hiện sự chuyên nghiệp của Hàn Tín trong vai trò Đại Nguyên Soái của nhà Hán.
Ngay cả đến Lưu Bang còn phải trầm trồ: “việc thao luyện quân mã trước kia, đúng là trò trẻ con vậy! nay được điều độ như thế, xử trí như thế, ba quân làm sao không chỉnh tề? Nhân tâm làm sao không tin phục? Đem quân đội ấy mà đông chinh, thì quả nhân không còn lo gì nữa!”.
Lại nhớ đến Binh Pháp Tôn Tử viết về tài cầm quân của bậc tướng như sau:
“Tướng giỏi dùng binh sẽ biết biến hóa tác chiến như trời đất không bao giờ cùng đường, sông biển không bao giờ cạn nước. Như mặt trăng mặt trời, lặn rồi lại mọc; như bốn mùa thay đổi, qua rồi lại đến. Âm nhạc cũng không quá 5 thanh âm, nhưng biến hóa khôn lường, nghe sao cho hết được; sắc màu cũng chỉ có 5 màu, nhưng biến hóa nhìn sao cho tận; vị bất quá cũng chỉ có 5 vị, nhưng biến hóa nếm sao cho đủ. Chiến thuật cũng chỉ có kỳ và chính, nhưng biến hóa của kỳ và chính là vô cùng vô tận. Kỳ chính chuyển hóa lẫn nhau như vòng tròn không có khởi điểm cũng không có kết thúc, ai có thể biết được?”
Như vậy, qua 17 điều ước trên, Hàn Tín đã nhấn mạnh với tướng sĩ về tầm quan trọng của hiệu lệnh trong quân ngũ và thậm chí còn được Hàn Tín đưa lên vị trí hàng đầu. Cụ thể “nghe tiếng trống thì phải tiến, nghe tiếng chiêng thì phải lui, thấy giơ cờ thì phải dậy, thấy hạ cờ thì phải nấp”. Cho thấy Hàn Tín đã chủ trương lấy âm nhạc và sắc màu để tha hồ biến hoá trong bày binh bố trận và hiệu lệnh cho tướng sĩ trong các trận đánh biến hoá khôn lường của Tín sau này.
4. Thi hành quân pháp để làm gương
Tiểu thuyết Hán Sở Diễn Nghĩa mô tả: Hàn Tín giao ước với các tướng sĩ vào giờ Mão hôm sau sẽ thao diễn, tuy nhiên mới canh năm, Hàn Tín đã đến trướng trung quân trên giáo trường ngồi sẵn, các tướng cùng vào trướng. Người cầm canh báo giờ xong, Hàn Tín xướng danh, điểm duyệt chư tướng, thấy có giám quân Ân Cái chưa tới.
Quá giờ Ngọ, khi Nguyên Soái đã cho quân thao diễn nửa ngày rồi, Ân Cái mới tới, lại có ý không biết kinh sợ quân lệnh, Ân Cái vẫn chưa cho là việc gì quan trọng, bèn nói: “Hạ quan tuy nghe tướng quân giao ước vậy nhưng hôm nay có người thân ngẫu nhiên tới thăm, nên có lưu lại uống rượu, vì vậy mà tới trễ, xin tướng quân hãy tha cho một bận”.
Hàn Tín quát tả hữu: “Bắt lấy giám quân lôi ra quỳ trước trướng. Ngươi đã làm tướng há lại chẳng nghe rằng khi đã nhận mệnh thì phải quên gia đình; cầm quân ước thúc thì phải quên người thân; lúc trống thúc cấp bách thì phải quên thân mình? Ngươi đã đem thân vì nước, há lại còn nghĩ đến cha con thân thích nữa ư?”. Bèn gọi quân chính ty Tào Tham hỏi: “Ân Cái trái lệnh phạm vào điều nào?”, Tào Tham bẩm báo “Trong quân hội họp, quá hẹn đến muộn, phạm vào tội mạn quân, phải chém đầu thị chúng!”.
Hàn Tín nói: “Lệnh cho tả hữu đem Ân Cái xử tội, rồi bẩm lại”. Ân Cái kinh sợ, hồn bay phách lạc, đưa mắt cầu cứu Phàn Khoái nhưng Phàn Khoái không thể giúp gì được nữa.
Chỗ Ân Cái lại là chỗ chí thân với Lưu Bang nên Hán vương Lưu Bang nghe tin, vội sai Lịch sinh mang chỉ dụ hòng cưỡi ngựa xông vào quân trại của Hàn Tín mong cứu lấy Ân Cái. Nhưng không ngờ rằng bị Hàn Tín doạ cho một trận hồn bay phách tán: “Theo quân pháp, kẻ tự ý xông vào trong quân, phạm phải tội khinh quân, cũng đáng chém đầu để ba quân thấy. Nhưng Lịch đại phu đã có vương chỉ thì miễn tội cho bản thân, chỉ chém đầu kẻ tuỳ tòng giữ ngựa, và chém Ân Cái rồi đem hai thủ cấp ra treo trước viên môn”. Các tướng tá lớn nhỏ ai nấy cùng kinh hãi run sợ, không còn kẻ nào dám lên tiếng nữa.
Luận bàn
Việc thi hành quân lệnh để làm gương cho quân của Hàn Tín ở trên xét thấy cũng giống như việc Tôn Tử dùng để răn đe thị chúng, giữ gìn sự tôn nghiêm của quân lệnh. Tôn Tử may mắn vì có Ngũ Tử Tư hỗ trợ phân tích những điều lợi của quốc gia khi quân lệnh được giữ vững cho Ngô vương Hạp Lư nhờ vậy Tôn Tử thoát khỏi cơn thịnh nộ của Hạp Lư.
Thì ở đây Hàn Tín may mắn vì có 1 Tiêu Hà hiểu rõ đại cục và chỉ cho Hán vương Lưu Bang nhìn thấy lợi ích quốc gia từ việc tôn trọng quân lệnh và ủng hộ Hàn Tín. Lần thứ 1 Tiêu Hà can khuyên Lưu Bang “Hiệu lệnh không thi hành được là vì người trên vi phạm. Nếu vì một Ân Cái mà bỏ pháp lệnh này thì lấy gì mà ràng buộc ba quân? Lấy gì mà huấn luyện quân sỹ? Hàn Tín chém Ân Cái, chính là để thi hành được pháp lệnh vậy”.
Lần thứ 2 Tiêu Hà khuyên can Lưu Bang “tướng ở trong quân, quân mệnh có chỗ không thể theo được. Đó chính là cái quyền ở bên ngoài, là cái đạo làm tướng vậy”. “Chém Ân Cái chính là hạ kẻ quyền quý để lập uy trong quân tâm, khiến cho ba quân chỉ biết đến chủ tướng, mà không biết đến nước địch vậy. Binh pháp nói: “quân sợ chủ tướng bên trong thì tất thắng, quân sợ cường địch bên ngoài thì tất nguy. Được Hàn Tín thì lo chi cường Sở chẳng bị diệt, sáu nước chẳng hàng phục?”.
Ngay cả đến Lịch sinh cũng cảm phục mà rằng “Hàn Tín uy nghiêm, thực là có phép cầm quân. Dẫu có chém đầu tuỳ tòng của thần nhưng trong tâm thần thực sự kính phục. Kẻ phá Sở ngày sau tất là Tín vậy. Đại vương nên hạ chỉ khen ngợi, để chư tướng càng thêm yêu kính, ba quân không dám phạm pháp, mà quân uy của Hàn Tín càng thêm tăng”. Đến đây chúng ta mới ngộ ra rằng “kỷ luật là sức mạnh của quân đội”.
5. Hàn Tín khiến Lưu Bang thảo sắc chỉ khen thưởng
Lưu Bang thật may mắn vì ngoài Hàn Tín, Lưu Bang còn có những trung thần chính trực bên cạnh kịp thời có thể kể đến tiêu biểu như Tiêu Hà, Lịch sinh trong câu chuyện trên. Điều này có tác dụng quan trọng giúp Lưu Bang từ góc nhìn sai lệch sang góc nhìn đúng đắn cho lợi ích quốc gia, từ chỗ nóng giận đến chỗ mừng rỡ kỳ vọng vào Hàn Tín và đại quân cho một chiến thắng trước quân Sở hùng mạnh lúc bấy giờ. Vương mệnh như sau:
“Đạo làm tướng, chức chuyên ở ngoài, chẳng có phép tắc thì không thể chế ngự ba quân, chẳng làm rõ ràng thì không thể khiến phục lòng người. Cho nên, Tôn Vũ giết sủng cơ của vua Ngô mà pháp lệnh được thi hành, chẳng phải không biết đó là người được vua Ngô sủng ái, song pháp lệnh chẳng thể riêng tư theo cái lòng yêu của mình, cho nên pháp lệnh ấy mới thi hành được vậy.
Nay đại tướng Hàn Tín xử tử Ân Cái, chẳng phải không biết Cái là kẻ thân thiết của quả nhân, nhưng phép chẳng thể riêng tư với người thân, cho nên xử tử một người mà cảnh tỉnh cho muôn vạn người, phép ấy thực hợp với Tôn Vũ, rất đúng với đạo làm tướng, trẫm cũng vui lòng khen ngợi. Vì vậy nay sai cận thần Chu Nguyên Thần đem dê, rượu cùng sắc chỉ đến khen thưởng, khích lệ tấm lòng để ước thúc tướng sỹ, sớm phát binh đông chinh, mà thoả lòng ta hằng mong mỏi. Nay sắc!”.
Luận bàn
Nghe lời văn khen ngợi trong sắc chỉ thật khiến cho tướng sĩ toại lòng, nhưng qua đây chúng ta cũng thấy rằng Hàn Tín đã “chơi dốc túi” với việc xử Ân Cái vì Lưu Bang đã đặt câu hỏi “Hàn Tín chém Ân Cái là ý gì” trong khi ai chả biết Ân Cái là chỗ thân tình của Lưu Bang, há chả phải Hàn Tín đang thách thức bậc quân vương như Lưu Bang sao?Việc này giống như vuốt râu hùm vậy. Thật may mắn vì có Tiêu Hà, Lịch sinh hết lời ủng hộ Hàn Tín không thì hậu thế sẽ không được chứng kiến tài năng của Hàn Tín qua các trận đánh lưu danh thiên cổ về sử dụng binh pháp tài tình của thánh binh pháp Hàn Tín rồi.
Qua đây, Hàn Tín đã dành chiến thắng đầu tiên và rất vang dội mặc dù chưa ra trận. Đó là chiến thắng sự trì trệ của quan niệm dùng binh cổ hũ của nhà Hán. Chiến thắng được lòng người ba quân tướng sĩ. Thống nhất sức mạnh của ba quân, nhất chỉ tuân theo mệnh lệnh của Nguyên Soái, làm ba quân tuân thủ pháp lệnh giống như con “suất nhiên” trong Binh Pháp Tôn Tử vậy.
Binh Pháp Tôn Tử từng nói: Binh biết dùng sẽ như con Suất Nhiên. Suất nhiên là giống rắn ở Thường Sơn (Trung Quốc). Đánh vào đầu thì đuôi quặp lại đâm, đánh vào đuôi thì đầu quay lại cắn, đánh vào mình thì đầu đuôi đều quặp vào giữa.
Có thể dùng binh như con suất nhiên được không? Có thể. Người ở nước Ngô và người ở nước Việt tuy ghét nhau nhưng khi ngồi chung một thuyền để qua sông gặp phải sóng gió, thì cùng cứu nhau như tay trái và tay mặt vậy.
Trói chân ngựa chôn bánh xe đều chưa đủ tin rằng đứng yên một chỗ. Làm sao cho mọi người cùng một lúc trở nên bạo dạn như một người, như thế mới đúng là phép cầm binh. Ba quân cứng hay mềm mạnh hay yếu, đều có thể dùng được cả, đó là nhờ địa thế vậy. Cho nên kẻ giỏi dùng binh, sai khiến ba quân giống như dẫn dắt một người thành thử họ cực chẳng đã phải tuân theo vậy.
Tham khảo: Hán Sở Diễn Nghĩa
Xem thêm:
20 câu nói kinh điển nổi tiếng của Tào Tháo
20 câu nói tinh hoa của Gia Cát Lượng
20 câu nói tinh tuý của Quỷ Cốc Tử
Cảm ngộ 12 bài học về “Đạo” của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh
15 ứng dụng thông thái về Đạo của Lão Tử trong cuộc sống