Khổng Tử là một triết gia, một giảng sư có ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục, văn hóa không những của Trung Hoa mà còn nhiều nước châu Á. Những câu nói Khổng Tử về giáo dục mang tính khai sáng và vẫn được hậu thế truyền tụng cho đến ngày nay.
Người đời ca tụng Khổng Tử là “vạn thế sư biểu”, người thầy của muôn đời bởi những tri thức giá trị mà ông để lại cho nhân loại.
Ý Nghĩa Sống xin chia sẻ đến các bạn 38 câu nói Khổng Tử mang tính khai sáng cho quan điểm giáo dục, giúp chúng ta có thêm động lực để không ngừng học hỏi mỗi ngày.
Trước khi đến với những câu nói Khổng Tử trên, chúng ta cùng điểm lại hành trình làm quan, đến dạy học, biên soạn những bộ sách tinh hoa của triết gia đại tài Khổng Tử. Đặc biệt là phần ca ngợi của Tử Cống về tri thức sâu rộng của thầy Khổng Tử.
Tư tưởng giáo dục qua câu nói Khổng Tử
Sinh ra vào thời Xuân Thu với nhiều biến loạn, Khổng Tử nổi tiếng khắp châu Á và thế giới với vai trò là nhà sáng lập Nho Giáo (còn gọi là Khổng Giáo) để góp phần giúp xã hội có trật tự kỉ cương, gia đình có nề nếp, quốc gia hùng mạnh, các mối quan hệ được an vui với tư tưởng nhân đạo và nhân văn sâu sắc.
Sau khi làm quan tại nước Lỗ và nước Vệ, Khổng Tử cùng chúng đệ tử đi chu du qua nhiều nước, và cũng chiêu nạp thêm nhiều môn đệ trong thời gian này. Sau khi trở về nước Lỗ quê hương của ông, Khổng Tử tập trung vào việc dạy học, biên soạn bộ sách Ngũ Kinh và được vua Lỗ cấp lương bổng như cấp bậc của quan đại phu trong triều.
Ngũ Kinh bao gồm: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu. Đây là năm quyển sách kinh điển của Trung Hoa. Bộ sách Ngũ Kinh đã trở thành nền tảng học thuật của nhiều nước lúc bấy giờ.
Những câu nói Khổng Tử, những lời dạy Khổng Tử còn được biết đến nhiều qua Luận Ngữ, một tác phẩm do những người học trò của Khổng Tử ghi lại.
Tư tưởng của Khổng Tử có ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa và nền tri thức của nhiều nước Châu Á, ông được người đời tôn vinh là bậc Thánh Nhân, người thầy của muôn đời.
Tử Cống ca ngợi tri thức sâu rộng của Khổng Tử:
Tử Cống từng nói với vua Tề Cảnh Công về đức hạnh và tài năng của thầy Khổng Tử rằng: “Thánh nhân dã, khởi trực hiền tai” nghĩa là ngài Khổng Tử không chỉ là một nhà hiền triết, mà còn là bậc thánh nhân.
Đồng thời Tử Cống ca ngợi về tri thức sâu rộng của Khổng Tử như sau: “Thần chung thân đới thiên, bất tri thiên chi cao dã, chung thân tiễn địa, bất tri địa chi hậu dã, nhược thần chi sự trọng ni, thí do khát hồ tiêu, tựu giang hải nhi ẩm chi, phúc mãn nhi khứ, hựu an tri giang hà chi thâm hồ” (Tứ này suốt đời đội trời mà không biết trời cao bao nhiêu; suốt đời đạp đất mà không biết đất dầy bao nhiêu. Tứ này theo Ngài Phu Tử, cũng y như kẻ khát nước đem gáo, đem bình ra sông, ra bể, để múc nước uống. Uống no bụng rồi đi, mà chẳng biết sông, biển, sâu là bao nhiêu.).
Ý Nghĩa Sống cho rằng, sở dĩ Tử Cống học mãi vẫn không hết kiến thức của thầy Khổng Tử, là bởi thầy Khổng Tử luôn không ngừng học hỏi thêm kiến thức như câu nói “học không chán, dạy không mỏi”.
Lời dạy Khổng Tử chắc hẳn luôn được Tử Cống khắc cốt ghi tâm. Cho nên, Tử Cống dẫu có được đánh giá là tài năng xuất chúng thì vẫn luôn đến đến lời dạy Khổng Tử về tôn sư trọng đạo.
Qua đó chúng ta rút được bài học vô cùng giá trị, đó là “bậc thầy của thiên hạ lại chính là người không ngừng học hỏi”. Cho nên kiến thức của họ ngày càng đầy chứ không vơi mất, càng chia sẻ nhiều thì họ lại càng học được thêm điều hay.
Những câu nói Khổng Tử còn đề cập đến phương pháp học của Khổng Tử rất đơn giản mà vô cùng hiệu quả. Phương pháp đó là hiểu được cái cốt lõi, cái gốc, cái đầu mối của vấn đề, rồi từ đó tự mình khai triển, cho nên học một biết mười, thậm chí là biết 100 cũng từ phương pháp đó mà ra.
Căn cứ vào 38 câu nói Khổng Tử về quan điểm giáo dục giải thích cho chúng ta các vấn đề:
- Vì sao phải học
- Cái gốc của việc học là gì
- Người có học khác với người không học như thế nào
- Làm sao để học hiệu quả, học thế nào cho đúng
- Làm sao để không ngừng sửa mình mỗi ngày
- Học tốt rồi thì ứng dụng vào cuộc sống thế nào cho hiệu quả
- Làm sao để trở thành bậc thầy của thiên hạ
- Những việc cao siêu như trị nước, an dân lại bắt nguồn từ việc học của ta và của người.
Cho thấy sự học là điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người.
Cho nên, qua bài viết này, Ý Nghĩa Sống muốn nhắn gửi đến bạn thông điệp rằng “một ngày còn khỏe mạnh thì người quân tử phải không ngừng vươn lên, bồi dưỡng bản thân”. Hãy học hỏi, rèn luyện với lòng nhiệt huyết, hăng say và với tất cả đam mê để sự học gắn liền và làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn.
Câu nói Khổng Tử về quan điểm giáo dục
- “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” (Ngọc không mài dũa thì không sáng, người không học thì không biết đạo lý).
- “Có kiến thức thì không nghi ngờ, có lòng nhân thì không ưu tư, có dũng cảm thì không sợ hãi”.
- “Để chí vào đạo, giữ lấy cái đức, tựa vào cái nhân, vui vẻ với cái nghệ”.
- “Theo ta, người có đức nhân là: Bản thân mình muốn đứng vững trong cuộc sống thì phải giúp người khác đứng vững trong cuộc sống. Mọi việc điều có thể từ mình mà nghĩ đến người khác, có thể nói đó là biện pháp thực hiện điều nhân”.
- “Kẻ đi học, khi ở trong nhà thì hiếu, khi ra ngoài thì đễ, cẩn thận cung kính mà chân tình thật ý, yêu cả mọi người mà thân thiết với người nhân; làm được những điều ấy rồi có thừa sức mới học văn”.
- “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị hiếu học dã dĩ”. Nghĩa là người quân tử ăn không cầu đầy đủ, ở không cầu yên vui, làm việc siêng năng và thận trọng với lời nói, tìm người đạo đức để sửa mình; như vậy mới được coi là người ham học”.
- “Đọc Kinh Thi có thể phát ý chí, có thể xem xét điều hay, điều dở, có thể hoà hợp mà không lưu đãng, có thể bày tỏ cái sầu oán mà không giận. Gần thì ở trong nhà biết cách thờ cha, xa ra ngoài thì biết cách thờ vua”
- “Bằng ba phương pháp chúng ta có thể học sự khôn ngoan:
Thứ nhất, bởi sự quán chiếu, đó là cao quý;
Thứ hai, bằng cách bắt chước, đó là cách dễ nhất;
Và thứ ba là bằng kinh nghiệm, đó là cách cay đắng nhất.”
- “Bản chất của kiến thức là, có nó và áp dụng nó. Không có nó, hãy thú nhận sự thiếu hiểu biết của bạn.”
- “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi” có nghĩa là học mà không suy nghĩ thì mờ tối – không hiểu gì, suy nghĩ mà không học thì nguy hại – hao tâm lực”.
- “Học nhi thời tập chi” nghĩa là Học phải đi đôi với hành”.
- “Kẻ nào không cố công tìm kiếm, ta chẳng chỉ vẽ. Khi nào không bộc lộ tư tưởng của mình, ta chẳng khai sáng cho. Kẻ nào ta dạy mà không biết hai ta chẳng dạy”.
- “Học cho rộng, hỏi cho kỹ, nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho rõ, làm cho hết sức.”
- “Cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo”.
- “Người không có nhận thức sâu xa sẽ có ngày sẽ gặp phiền muộn, âu lo.”
- “Hãy lấy lẽ phải để đáp trả lại sự oán thù, dùng nhân đức để đáp lại người hiền.”
- “Làm việc bất chính, đọc sách vô ích. Thời vận không thông, mưu cầu vô ích.”
- Học bao nhiêu vẫn thiếu. Hiểu bao nhiêu chẳng thừa. Nhân đức chớ bán mua. Được thua không nản chí.”
- “Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên” có nghĩa là Trong ba người đi đường cùng ta, tất có người là thầy ta, lựa cái hay của người này mà học, xét cái quấy của người kia mà tự sửa mình”.
- “Ôn cố nhi tri tân” nghĩa là ôn cũ học mới thì mới làm thầy người khác được.
- “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” nghĩa là học không chán, dạy không mỏi.
- “Sư nghiêm nhiên hậu đạo tôn, đạo tôn nhiên hậu dân tri kính học.” (Thầy nghiêm thì Đạo được tôn kính; Đạo được tôn sùng, thì dân biết kính trọng sự học. Để có thể duy trì sự tôn nghiêm, thầy giáo không chỉ yêu cầu học trò phải tôn kính và lễ nghĩa trong ngôn hành cử chỉ mà còn yêu cầu sự tôn trọng ấy phải xuất phát từ nội tâm, học trò cần cù học tập, hiểu được đạo lý mà từ đó uốn nắn bản thân mình.)
- “Hữu giáo vô loại” việc giáo dục không phân biệt giai cấp, quý tiện, sang hèn.”
- “Thầy dạy chỉ thúc đẩy, chỉ mở lối soi đường nhưng sự không bức bách, không dẫn dắt đến cùng ấy lại làm cho học trò thư thái và biết nghĩ suy”.
- “Này, Tứ, sự thông suốt mọi nhẽ của ta chẳng phải ở chỗ ta học nhiều mà ở chỗ ta để tâm tìm ra đầu mối”.
- “Bất học thi vô dĩ ngôn”, nghĩa là không đọc sách biết lấy gì để nói.”
- “Những kẻ theo ta ở nước Trần, nước Sái nay đều không đến trường của ta nữa. Khoa đức hạnh: thì có Nhan Uyên, Mẫu Tử – khiên, Nhiễm Bá – ngưu, Trọng Cung; Khoa ngôn ngữ: thì có Tể Ngã, Tử Cống ; môn chính trị, thì có Nhiễm Hữu, Quý Lộ; Khoa văn học: thì có Tử Du, Tử Hạ”.
- “Bậc thiện dạy dân bảy năm thì có thể dùng dân vào việc chiến đấu được”, “đưa dân không được dạy dỗ ra đánh giặc, tức là bỏ dân”.
- “Cất nhắc người tốt, dạy dỗ người không tốt thì dân khuyên nhau làm điều thiện”.
- “Chính trị cốt ở chỗ trung chính. Nếu sửa mình cho trung chính làm chính, thì làm chính trị có khó gì đâu. Nếu không sửa mình cho trung chính được, thì làm sao sửa cho người ta trung chính được”.
- “Kỷ sở bất dục, vi thư ư nhân” nghĩa là điều gì mình không muốn thì cũng đừng làm cho người khác.”
- “Người trên mà thích điều lễ thì dân không dám bất kính; người trên mà thích điều nghĩa thì dân không ai dám không phục; người trên mà không thích điều tín thì dân không ai dám không thực tình”.
- “Vua Thuấn xuất thân trong đám dân cày, Phó Duyệt xuất thân từ đám dân cày, ông Dao Cách xuất thân trong phường mắm muối, ông Bách Lý Hề xuất thân trong đám lái trâu. Trời muốn giao trách nhiệm lớn cho ai thì trước hết bắt họ khổ tâm chí, mệt gân cốt, đói khát đến xác thịt, nghèo đến thiếu thân thể, lúng túng trong hành động để họ phát động lòng tốt, kiên nhẫn luyện tính mà tăng ích, tăng tài lên”.
- “Quân tử, bất trọng tắc bất uy, học tắc bất cố. Chủ trung tín. Vô hữu bất như kỷ giả; Quá tắc vật đạn cải. Quân tử thiếu thái độ trang trọng thì không uy nghiêm; học cũng không củng cố được kết quả. Quân tử lấy chữ tín và trung làm chủ. Không kết bạn với người không giống mình. Có sai lầm không ngại sửa chữa.”
- “Đừng lo mình không có chức vị, chỉ lo mình không đủ tài để nhận lấy chức vị.”
- “Không quan trọng việc bạn đi chậm thế nào, miễn là đừng bao giờ dừng lại.”
- “Một ngày còn khỏe mạnh thì người quân tử phải không ngừng vươn lên, bồi dưỡng bản thân”.
- “Biết mà học không bằng thích mà học, thích mà học không bằng vui say mà học.”
Bạn xem thêm video của Ý Nghĩa Sống về 38 câu nói khai sáng của Khổng Tử về quan điểm giáo dục tại đây nhé:
Câu nói Khổng Tử đã được truyền tụng qua nhiều thế hệ nhưng vẫn còn có giá trị rất lớn cho việc giáo dục ngày nay. Lời dạy Khổng Tử vẫn trở thành nền tảng đạo đức cho phương Đông học tập và khai triển.
Câu nói Khổng Tử về giáo dục tuy ngắn gọn nhưng lại súc tích, chứa đựng cả một bầu trời tri thức quý giá.
Ý Nghĩa Sống mong rằng những nội dung trên mang đến cho bạn nhiều tri thức hữu ích.
Ý Nghĩa Sống chúc bạn luôn “thân khỏe, tâm an, trí sáng”, không ngừng học hỏi để mở mang tri thức mỗi ngày và gặt hái vô số thành công nhé!
Ý Nghĩa Sống tổng hợp và biên tập.
Xem thêm
136 câu nói uyên bác của Khổng Tử
Chu Văn An | cuộc đời nhà giáo vĩ đại của Đại Việt
Khổng Tử | nhân cách, quan điểm làm nên thánh nhân
Chu Văn An | phong cách dạy học, chân dung “vạn thế sư biểu”
Cảm ngộ 12 bài học về “Đạo” của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh
20 câu nói tinh hoa của Gia Cát Lượng