3 bảo vật làm nên thánh nhân Lão Tử

3 Bảo Vật làm nên Thánh Nhân của Lão Tử

Lão Tử là một nhân vật vốn không còn xa lạ với bạn đọc Ý NGHĨA SỐNG. Mỗi câu nói của ông để lại trong Đạo Đức Kinh đều là những tài sản quý giá cho nhân loại cảm ngô, noi theo và học tập.

Lời dạy của Lão Tử vốn đồng nhất theo phong cách thuận theo tự nhiên trong cuộc sống và trong mọi sự.

Trong chương 66, Đạo Đức Kinh ông đã có dịp chia sẻ hiếm hoi về 3 bảo vật mà ông luôn giữ gìn cẩn trọng, mang theo bên mình. Bảo vật ấy cũng chính là giá trị làm nên các bậc thánh nhân. Đó là 3 đức tính quý: từ ái, cần kiệm và không tranh.

3 đức tính này, ai trong số chúng ta cũng đã sở hữu dù ít, dù nhiều. Vậy tại sao 3 đức tính này được Lão Tử cho là bảo vật của thánh nhân? Và làm thế nào để có thể phát huy 3 bảo vật này. Xin mời quý vị cùng theo dõi chương trình dưới đây.

Rất mong bài viết này sẽ mang đến cho quý vị nhiều bài học giá trị.

Kính chúc quý vị và gia đình những điều tốt đẹp nhất!

Xem thêm những bài viết khác:

100 câu nói tinh hoa của Lão Tử

(Đạo Đức Kinh, chương 67).

Thiên hạ giai vị ngã đại, đại nhi bất tiếu.

Phù duy bất tiếu, cố năng đại.

Nhược tiểu cửu hĩ kỳ tế dã.

Phù ngã hằng hữu tam bảo, thị nhi bảo chi.

Nhất viết từ, nhị tiết kiệm,

Tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên.

Phù từ cố năng dũng; kiệm cảm năng quảng,

Bất cảm vi thiên hạ tiên cố năng thành khí trưởng.

Kim xả kỳ từ thả dũng xả kỳ kiệm thả quảng.

Xả kỳ hậu thả tiên, tắc tử hĩ.

Dịch nghĩa: Thiên hạ đều bảo Đạo ta lớn, lớn mà không giống ai. Đúng là không giống ai thì mới là lớn, nếu giống ai thì đã nhỏ từ lâu. Ta có ba bảo vật trong người thường ôm giữ cẩn thận. Thứ nhất là từ ái, thứ nhì là cần kiệm, thứ ba là không dám giành đứng trước thiên hạ. Vì từ ái nên dũng cảm, vì cần kiệm nên sung túc, không dám đứng trước người nên thành người làm chủ thiên hạ. Nay không từ ái mà muốn được dũng cảm, không cần kiệm mà mong sung túc, không chịu đứng sau mà mong ở trước, thì ắt chết. Vì vậy, hễ có lòng từ thì đã đánh ắt thắng, thủ ắt vững. Trời muốn làm gì thì lấy từ ái bao bọc nó.

Mục lục bài viết

Luận bàn

Vì sao từ ái, cần kiệm, không tranh là 3 bảo vật mà Lão Tử ôm giữ cẩn thận? Ngài giải thích vì rằng cái hệ quả của 3 đức ấy mang lại.

Từ ái có nghĩa là tình yêu thương. Khi người ta từ ái, biết yêu thương thì dám dũng cảm vì nhau mà nhường nhịn, hi sinh, vì nhau mà dũng cảm làm nên những điều vĩ đại. Ví như Người chiến sĩ vì tình yêu quê hương đất nước mà dám xông pha trận mạc để bảo vệ non sông. Cái khí hăng hái vì thế mà cũng cực thịnh. Như vậy, từ ái dẫn dắt ý chí làm người ta dũng cảm. Vua dùng lòng từ ái mà đối đãi với bá quan văn võ thì sẽ có được những người trung thành bên cạnh, vua dùng lòng từ ái mà đối đãi với nhân dân thì bá tánh cảm phục và mang ơn, tướng lĩnh dùng lòng từ ái mà đối đãi thì quân sĩ hết lòng phụng sự. Cho thấy vai trò của từ ái là vô cùng to lớn. Cho nên nếu sự từ ái mất đi thì tinh thần hăng hái của lòng dũng cảm cũng thất thế.

Thời tam quốc, Lưu Bị dùng lòng từ ái mà đối đãi với tướng soái, mới làm nên một Triệu Tử Long hết lần này đến lần khác vào sinh ra tử để bảo vệ cha con Lưu Bị đến nỗi Lưu Bị phải khen rằng “Triệu Vân khắp người đều là gan”, “Tử Long quả thật một thân toàn đảm vậy”. Câu chuyện kết nghĩa vừơn đào của Lưu Bị – Quan Vũ – Trương Phi, thề cùng sống chết, dẫn tới Tào Tháo cho dù có dùng trăm phương ngàn kế cũng không thể giữ chân Quan Vũ ở lại Tào Ngụy. Hay như Gia Cát Lượng, tài năng bác học uyên thâm là vậy, mặc dù Tôn Quyền dùng anh trai là Gia Cát Cẩn hết lòng chiêu mộ nhưng Gia Cát Lượng một mực chỉ phò tá Lưu Bị, cúc cung tận tụy đến chết mới thôi. Lưu Bị đã thể hiện lòng từ ái sâu sắc của mình với Gia Cát Lương với tích “tam cố thảo lư” cảm động lòng người, lại ăn chung mâm, ngủ chung giường, sau này lại bắt các con của mình gọi Gia Cát Lượng là cha, dùng nghĩa cha con mà đối đãi, khiến cho Gia Cát Lượng cả đời không thể quên được ân tình ấy.

  • Như vậy sự từ ái giúp chiến thắng lòng người, khi lòng người đã thuận thì đánh ắt thắng, thủ ắt vững là như vậy.

Cần kiệm là cần cù, tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. CẦN với KIỆM, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. CẦN mà không KIỆM, “thì làm chừng nào xào chừng ấy”. Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không. Ông bà ta có câu nói đơn giản dễ hiểu thế này “làm ít, tiêu ít thì có dư; làm nhiều, tiêu hết cũng như không làm”. Nếu không biết cần kiệm thì làm sao mà sung túc cho được.


Bảo vật thứ ba là đức không tranh, tức là không tranh giành với thiên hạ, vì sao không tranh mà lại làm chủ được cả thiên hạ? Để hiểu được nội dung này, chúng ta cùng liên tưởng đến đức tính của nước. Nước được coi là gần với đạo nhất. Nước luôn chảy vào chỗ trũng, đây là đặc tính rất tự nhiên của nước mà chúng ta không cần phải chứng minh. Nước nhường chỗ cao cho những thứ khác, còn những nơi thấp, xấu thì nước cứ im lặng mà lấp đầy vào. Chỗ thấp, chỗ xấu chả ai thèm đến thì nước cũng chẳng cần phải tranh giành nữa. Thế mà ¾ trái đất này lại chính là nước bao bọc lấy. Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử thể hiện rất rõ chủ trương “dĩ tĩnh chế động, dĩ nhược thắng cương” lấy cái mềm mỏng, nhu hòa để thu phục thiên hạ.

Đức tính không tranh
Đức tính không tranh

Nước rất yếu mềm, không mạnh mẽ, nhưng tính bền bỉ lại khiến nước có thể làm mòn đá bởi dòng chảy của mình. Đá có mạnh đến đâu cũng sẽ bị nước mềm yếu chinh phục. Vì thế Lão Tử nhận định: “Trên thế gian không có thứ gì yếu mềm như nước, nhưng lại không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được.” Từ đó, ông cũng cho rằng mềm dẻo là phương cách tồn tại nên có của con người: “Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng đều biết rõ.” Sự mềm dẻo của Lão Tử chính là nói về quan niệm xử thế rộng rãi lạc quan, xem thường cái mạnh. Nước chảy chỗ thấp, an phận, không tranh giành. Vì không tranh giành nên cũng không thất bại. Đồng thời, nước lại thân thiện với vạn vật, giúp vạn vật phồn vinh, cho nên được vạn vật yêu thích. Con người cũng vậy, cần khiêm tốn, nhường nhịn, khéo léo, hết sức giúp đỡ người khác, tránh việc tranh giành, đừng mang tâm lý thắng thua. Đó chính là “thượng thiện nhược thủy”.

Đức không tranh còn được Lão Tử dành hẳn chương 66 để nói trong Đạo Đức Kinh:

(Đạo Đức Kinh, chương 66).

Giang hải sở dĩ năng vi bách dục vương giả,

Dĩ kỳ thiện hạ chi dã,

Thị dĩ năng vị bách dục vương.

Thị dĩ thánh nhân chi dục thượng dân dã,

Tất dĩ kỳ ngôn hạ chi.

Kỳ dục tiên dân dã, tất dĩ kỳ thân hậu chi.

Cố cư thượng nhi dân bất trọng dã,

Cư tiền nhi dân bất hại.

Thiên hạ giai lạc thùy nhi bất yêm dã.

Bất dĩ kỳ vô tranh dữ,

Cố thiên hạ mạc năng dữ tranh.

Dịch nghĩa: Sông biển được làm vua trăm suối khe vì khéo ở chỗ thấp. Vì vậy, thánh nhân muốn ở trên dân thì phải nói lời khiêm hạ, muốn ở trước dân thì phải lùi ra sau. Cho nên ở trên mà dân không thấy nặng, ở trước mà dân không thấy hại. Thiên hạ đều vui mà không chán. Có phải vì không tranh với ai nên thiên hạ chẳng tranh với chăng?

Luận bàn

sông, biển, suối khe đều là các hình thái khác nhau được tạo thành từ nước. Nước từ trăm suối khe đều đổ ra sông biển là bởi vì sông biển thấp hơn. Sông biển khéo ở chỗ thấp hơn nên quy tụ được nhiều nước hơn, và trở thành điểm đến của trăm suối khe, trở thành vua của trăm suối khe. Từ đạo của tự nhiên mà Lão Tử muốn nói tới đạo của thánh nhân, của người lãnh đạo phải biết và thực hiện đức không tranh giống như nứơc. Con người càng biết được sự nhu thuận của nước, càng khiêm nhường, càng ôn hòa, càng bao dung, rộng lượng, công bằng thì mới quy tụ được thiên hạ.

Như vậy 3 bảo vật mà Lão Tử luôn giữ gìn cẩn thận là từ ái, cần kiệm, và không tranh. 3 bảo vật này chính là 3 đức tính quý trong mỗi chúng ta ai cũng có dù ít, dù nhiều. Làm thế nào để có thể phát huy và cường đại 3 đức tính quý này đòi hỏi mỗi chúng ta phải có một quá trình nghiêm túc cho việc tu tập, rèn luyện và một tinh thần hướng thiện mãnh liệt.

Jessica Thảo Nguyễn phân tích và luận bàn

Xem thêm:

100 câu nói tinh hoa của thiền sư Thích Nhất Hạnh

100 câu nói tinh hoa của Đạt-Lai-Lạt-Ma Tenzin Gyatso

100 câu nói kinh điển của vua Kungfu Lý Tiểu Long

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang