25 câu nói Lê Lợi

25 Câu Nói Của Vua Lê Lợi Về Thuật Dụng Binh Và Thuật Trị Nước

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, “Người Minh xâm lấn, lấy đất ta đặt quận huyện, bắt dân ta làm thần thiếp, phép ngặt hình ác, thuế nhiều việc nặng, phàm người hào kiệt trong nước, chúng phần nhiều giả cách trao cho chức quan, rồi đem về an trí ở phương Bắc. Ông Lê Lợi, khẳng khái, có chí lớn, quan nhà Minh nghe tiếng, đã dụ dỗ cho làm quan, nhưng ông không chịu khuất, Vua sinh ra ở Thanh Hóa, Đã mấy đời làm nghề canh nông, nhà vẫn giàu có, lại hay giúp đỡ cho kẻ nghèo khó, cho nên mọi người đều phục, và những tôi tớ ước có hàng nghìn người, có trí thức hơn người, sáng suốt mà cương quyết, không thể lấy tước mà dụ dỗ, lấy uy thế mà dọa nạt được. Người Minh trăm mưu xảo trá, vẫn không thể dùng được”. Lê Lợi bèn giấu tiếng ở chỗ sơn lâm, đón mời những hào kiệt, chiêu tập những kẻ lưu vong

Lê Lợi ẩn náu ở rừng núi, để lòng nghiên cứu thao lược, tìm người mưu trí, chiêu tập những dân lưu ly, hăng hái, dấy nghĩa binh, chí muốn dẹp loạn lớn. Năm Mậu Tuấn 1418. Mùa xuân tháng Giêng, ngày Canh Thân, Lê Lợi dấy binh ở Lam Sơn, người người quy phục. Vua Lê Lợi đã dẫn dắt của khởi nghĩa thành công, đánh đuổi giặc Minh xâm lược, khi điều hành đất nước ông đã thể hiện vai trò của một ông vua sáng với rất nhiều bề tôi tài năng và trung thành.

Trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ đến quý vị 25 câu nói tiêu biểu của Vua Lê Lợi đã được sử sách nước ta ghi nhận, qua đó đã toát lên khí chất cao quý, tầm nhìn đế vương, tấm lòng yêu nước thương dân, yêu chuộng hiền tài, am hiểu nhân tâm, thưởng phạt nghiêm minh, cách điều hành đất nước của một vị vua sáng xứng danh vị vua Huyền thoại của dân tộc Việt ta.

Xem video về bài viết này:

Xem thêm các bài viết khác:

60 câu nói tinh hoa của Pablo Picasso

80 câu nói truyền động lực của Muhammad Ali

Đôi nét về Lê Lợi

Lê Lợi (1385 – 1433), còn gọi là Lê Thái Tổ, là một nhà chính trị, nhà lãnh đạo quân sự đại tài, nhà sáng lập triều đại nhà Lê, vị vua huyền thoại của nước Đại Việt. Ông đã có công chiêu mộ và lãnh đạo binh sĩ cùng nhân dân đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh (từ năm 1418 – 1428) và đã giành được thắng lợi. Ông được coi là vị anh hùng dân tộc của nước Việt Nam ta. Thiên tài quân sự, khả năng thu phục nhân tâm, thuật trị nước, và lòng nhân ái với nhân dân là những di sản quý mà ông đã để lại cho hậu thế.

25 câu nói tiêu biểu của vua Lê Lợi

  1. “Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao lại chịu bo bo làm đầy tớ người!”
  2. “Ta sở dĩ cất quân đánh giặc, không phải là có lòng tham phú quý, chỉ là muốn cho người ngàn năm về sau biết ta không chịu làm tôi giặc tàn ngược thôi.”
  3. “Quân giặc nhiều, quân ta ít, nhưng quân giặc mệt, quân ta nhàn. Binh pháp có nói rằng được thua là ở người tướng, chứ không phải ở quân nhiều hay ít. Nay quân của giặc tuy nhiều, nhưng ta đem quân nhàn đối với quân mệt, tất là phá được.”
  4. “Giặc vây ta bốn mặt, muốn chạy không chạy đằng nào được, đó tức là binh pháp gọi là tử địa, đánh nhanh thì sống không đánh nhanh thì chết”. Vua nói xong chảy nước mắt, các tướng sĩ đều cảm kích, tranh nhau liều chết để đánh.”
  5. “Người làm tướng giỏi đời xưa bỏ chỗ bền mà đánh chỗ yếu, tránh chỗ nhiều mà đánh chỗ ít, như thế dùng sức một nửa mà nên công gấp đôi.”
  6. “Binh pháp nói không phải đánh mà khuất phục được quân của người là kế hơn cả.”
  7. “Trăm trận đánh được cả trăm, không phải là tốt đâu. Lê Lễ lanh giỏi, quen mui được luôn, thất bại có thể đứng trông thấy.”
  8. “Ta không có tài dũng trí tuệ, một mình gánh vác công việc nặng nề sợ làm không nổi. Vì thế phải nhún mình cầu hiền, dốc lòng trọng sĩ, cùng mưu việc lớn, để cứu giúp dân. Ai tiến cử được người mưu dũng hơn người, hoặc tự tiến mình, đều cho làm thượng khanh, thượng tước.”
  9. “Có thể cùng lòng liều chết để phá giặc là sức của các ngươi, còn xếp đặt mưu hoạch, áo cơm khen thưởng thì do ở ta, bọn các ngươi chớ ngại khó nhọc, chớ lo nghèo thiếu. Bao giờ thấy vợ con ta nghèo thiếu thì vợ con các ngươi mới nghèo thiếu. Mong các ngươi một lòng đánh giặc, chớ có phiền não.”
  10. “Ta khởi binh ở đất các ngươi, đã gần thành công, mong các ngươi trước sau một lòng, vàng đá một tiết, để trọn nghĩa vua tôi cha con. Ta biết các ngươi đều là ngừơi giỏi của nước. Trước kia Hưng Khánh, Trùng Quang chỉ có tiếng hão, không nên công gì, là bởi quyền chính do nhiều người nắm, đại thần không được biết gì, bọn các ngươi chỉ mất công toi vào đấy mà thôi. Nay thiên hạ thống nhất, ta cùng các ngươi nghĩa như cha con, mong các ngươi dốc lòng khôi phục đất nước. Từ xưa các tướng văn võ phong hầu cũng như các ngươi, không khác gì đâu. Nên chỉnh đốn đội ngũ của các ngươi, rèn tập quân nhân của các ngươi, khi dẹp yên giặc rồi, sẽ chia một nửa người về làm ruộng. Hiện nay trời mượn tay ta, việc không dừng được, kẻ nào theo mệnh thì phá được giặc, sống mà lại có công, kẻ nào không theo mệnh thì chết mà chẳng ích gì. Mỗi đội đều nên chép ra một bản lệnh này, mỗi ngày hai ba lần đọc cho các quân nhân biết.”
  11. “Giặc Minh tàn ngược dân ta hơn hai chục năm. Buổi đầu quân ta hơn mấy vạn, hiện nay có 35 vạn quân, đợi khi phá được thành Đông Quan, sẽ cho 25 vạn người về làm ruộng, chỉ để lại 10 vạn làm quân để phòng việc nước. Một nhà 3 người thì 1 người làm quân, phảm phú dịch đều tha cho 3 năm.”
  12. “Các thành đã phá được rồi , duy còn thành Đông Quan chưa hạ được. Ta vì thế mà ngủ không yên giấc, ăn không biết ngon, sớm hôm nghĩ héo ruột gan, song bên cạnh ta chưa có người giúp đỡ. Tuy ta làm chủ tướng, nhưng xét lại mình ta một là già ốm, bất tài, hai là sức học nông cạn, ba là gánh nặng khó nổi, mà các đại thần như Tả Hữu Tướng Quốc, Thái Phó, Thái Bảo chưa đặt, Thái úy, Đô nguyên súy còn thiếu, Hành khiển và các quan mười phần mới có một vài. Cho nên ta phải nhún mình lấy lòng thành khuyên các hào kiệt cùng nhau hết sức, cứu giúp muôn dân, chớ có giấu tài ẩn mình để cho thiên hạ bị lầm than mãi mãi. Hoặc có người nào tiết cao như Tứ hạo, ẩn trốn như Tử Phòng cũng nên hãy vì dân cứu nạn, đợi khi thành công, muốn thỏa chí xưa thì lại về rừng núi, không hề cấm giữ.”
  13. “Phàm khi nào nghe tiếng súng mà không có tiếng chiêng, thì các tướng phải đến ngay để nghe lệnh; hoặc nghe 2, 3 tiếng súng và 2, 3 tiếng chiêng, thế là có sự cảnh cấp, các Chấp lệnh và Đốc tướng phải chỉnh bị ngay hàng ngũ, mà Thiếu úy thì đến ngay quân dinh nghe lệnh.”
  14. “Người cầm binh lính phải chăm đánh dẹp, người giữ chuyên chở phải chăm vận lương vào núi xẻ ván, nấu cát làm muối, ngăn giữ thủy bộ, chặn bắt gian phi, đều phải quên mình hết sức, cùng nhau tính việc diệt giặc. Há phải ta là cha mẹ của dân, lại không nghĩ đến khó nhọc mà dám gây ra việc gian khổ chết hại đâu, chỉ là do bất đắc dĩ mà thôi.”
  15. “Ra sức khó nhọc trong một năm mà có cơ nghiệp thái bình muôn năm, các ngươi hãy nghĩ cho kỹ đừng để hối hận về sau.” 
Điện Kính Thiên nơi vua Lê Thái Tổ tuyên bố lên ngôi vào năm 1428
Điện Kính Thiên nơi vua Lê Thái Tổ tuyên bố lên ngôi vào năm 1428
  1. “Ngày xưa Chiêm Thành trái mệnh, lấn bờ cõi ta, cha ông các ngươi hết lòng hết sức để báp đáp nhà nước, đánh giết bọn giặc, lấy lại bờ cõi, tiếng thơm lớn lẫy lừng sử sách. Nay người Minh vô đạo, trên trái lòng trời, hiếu chiến không thôi, mưu chiếm đất đai, nhân dân khốn khổ hơn hai chục năm, các kinh lộ của ta chưa thấy có ai hết trung cố sức dựng được công danh, mà bọn các ngươi là bề tôi ở biên cương lại nghĩ đến công sức của ông cha ngày trước, hết lòng với vua mà đánh giặc lập công trước, lòng trung thành ấy thực đáng ngợi khen.”
  2. “Giặc vốn khinh ta, cho là tính người nước ta nhát, sợ oai giặc đã lâu, nay nghe tin đại quân đến, ta tất sợ hãi. Huống chi lấy mạnh đè yếu, lấy nhiều hơn ít đó là lẽ thường. Giặc không biết hình thế được thua cuả người mình, không biết cơ vi qua lại của thì của vận. Vả lại, quân cứu nguy cấp phải lấy mau chóng làm quý, giặc tất phải đi gấp ngày. Binh pháp bảo rằng đi 500 dặm mà đến chỗ lợi thì Thượng tướng què. Nay Liễu Thăng đến, đường sá xa xôi, người tất mỏi mệt, ta đem quân nhàn rỗi địch quân nhọc mệt, nhất định là thắng.”
  3. “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, mà không thích giết người là bản tâm của người nhân. Vả lại người ta đã hàng rồi mà giết thì việc bất tường không gì to bằng. Để thỏa lòng giận trong một buổi mà mang tiếng giết người đầu hàng mãi muôn năm, chi bằng tha mạng cho ức vạn người mà tuyệt mối chiến tranh cho sau này, sử xanh ghi chép, tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn sao!”
  4. “Từ xưa đến nay, trị nước phải có pháp luật, người mà không có phép để trị thì loạn. Cho nên bắt chước đời xưa đặt ra pháp luật, để dạy các quan, dưới đến nhân dân, cho biết thế nào là thiện ác, điều thiện thì làm, điều ác thì lánh, chớ có phạm pháp.”
  5. “Nếu ai thấy điều lệnh của trẫm, hoặc có điều gì không tiện cho việc quân việc nước, hoặc là việc vô cố, hoặc thuế khóa nặng nề, hoặc việc tà dâm bạo ngược thì lập tức tâu xin sửa lại.”
  6. “Ai thấy trẫm có chính lệnh hà khắc, thuế má nặng nề, hại cho lương dân, thưởng công phạt tội không đúng, không theo phép xưa, hoặc các đại thần, quan lại, tướng hiệu, các chức trong ngoài có người nào không giữ phép, hối lộ nhiễu hại lương dân, làm việc thiên tư phi vi, thì hặc tâu lên ngay. Nếu cứ ngồi trông dung túng, chăm việc nhỏ nhặt, cùng là nói hão không đâu, thì chiếu luật trị tội.”
  7. “Mới rồi có người dâng thư trình bày xin lấy tiền giấy thay cho tiền thực. Trẫm sớm khuya nghĩ ngợi, chưa nghĩ ra cách gì. Vì rằng tiền giấy là thứ vô dụng mà lưu hành ở trong dân hữu dụng, thực không phải là ý yêu dân dùng của. Nhưng đời xưa có người cho rằng vàng bạc da lụa, tiền thực tiền giấy, các vật ấy đều cân ngang nhau được, thế thì thứ gì là hơn? Truyền cho các đại thần trăm quan và những người thông đạt thì vụ ở trong ở ngoài đều bàn thể lệ dùng tiền cho thuận lòng dân, ngõ hầu có thể không lấy lòng thích riêng của một người mà bắt ép muôn nghìn người không muốn phải theo, để là phép hay của một đời. Nếu phải bàn định sớm rồi tâu lên, trẫm sẽ tự chọn lấy mà thi hành.”
  8. “Từ nay trở đi, phàm quan nào nói việc gì, nên lấy việc quân dân làm hơn, không nên lấy tình lý riêng làm trước. Trẫm thường nghiệm xét thấy, hoặc trong việc tiến cử, hoặc trong việc kiện tụng, hoặc trong các việc công tư, tình lý có phần dung ẩn cho nhau mà thay đổi, mới biết người làm quan thanh liêm ít mà tham ô nhiều. Nay trẫm xét ra việc của bọn phạm nhân Mộng Vân, Lương Châm, mới biết tình trạng thực dối của các quan, cho nên ra mệnh lệnh này. Phàm người làm tôi con, phải nên hết lòng thành để thờ vua, không nên lấy tư mà hại công, đến khi việc phát, hối sao kịp nữa. Cho nên ban chiếu răn bảo cho mọi người đều biết.”
  9. “Trẫm nghĩ muốn thịnh trị tất phải được người hiền, được người hiền phải do ở tiến cử. Cho nên, người làm vua phải lấy việc ấy làm đầu. Ngày xưa buổi thịnh thì, người hiền ở triều rất nhiều, người nọ nhường người kia, cho nên ở dưới không sót tài, ở trên không bỏ việc, làm nên thịnh trị hòa vui. Đến như bề tôi thì Hán Đường, không ai là không tiến người hiền, nhường người giỏi, cùng lôi kéo nhau lên, như Tiêu Hà tiến Tào Tham, Ngụy Vô Tri tiến Hàn Hưu, tuy là tài phẩm có người hơn người kém khác nhau, nhưg cũng đều là cử được người xứng chức. Nay trẫm giữ trách nhiệm nặng này, sớm khuya kinh sợ, như gần vực sâu, chỉ vì tìm hiền tài giúp trị mà chưa được người. Vậy hạ lệnh cho các đại thần văn võ, công hầu đại phu, từ tam phẩm trở lên, mỗi người đều tiến cử 1 người, hoặc ở trong triều, hoặc ở thôn quê, hoặc đã làm quan, hoặc chưa làm quan. Nếu là người có tài văn võ, nhiều kiến thức, có thể cai trị nhân dân thì trẫm sẽ tùy mà bổ dùng. Vả tiến được người có tài bực trung thì thăng tước hai bậc, nếu cử được người tài đức đều giỏi, hơn hết mọi người, thì tất được thưởng hậu.”
  10. “Tuy thế, nhân tài ở đời cố nhiên là không ít, mà đường lối tìm người cũng không phải chỉ có một phương. Có người có tài lược kinh bang tế thế mà bị nép ở bậc quan dưới, không ai tiến cử cho, cùng là những người hào kiệt vùi dập ở bụi bờ, lẫn lộn trong quân ngũ, nếu không tự đề đạt lấy thì trẫm biết thế nào được. Từ nay về sau, các bậc quân tử có ai muốn theo ta, đều cho tự tiến. Ngày xưa Mao Toại tự lọt mũi dùi mà theo Bình Nguyên quân, Ninh Thích gõ sừng trâu hát mà cảm ngộ Hoàn công, có từng câu nệ tiểu tiết đâu? Chiếu này ban ra ngày nào, phàm quan liêu phải hết lòng thành, chăm việc tiến cử. Còn như kẻ sĩ hàn vi ở chốn hương thôn, cũng chớ lấy sự đem ngọc bán rao làm xấu hổ mà để trẫm phải than về thiếu người tài.”

Bài viết được Jessica Thảo Nguyễn tổng hợp và biên tập

Xem thêm:

10 Tuyệt Tác Truyền Động Lực Của Bác Hồ

100 câu nói tinh hoa của thiền sư Thích Nhất Hạnh

Khóa học Bí Quyết Để Có Giọng Nói Truyền Cảm

Khóa học Đánh Thức Năng Lực Giao Tiếp Trong Bạn

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Facebook Jessica Thảo

Podcast Ý Nghĩa Sống

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang