20 câu nói kinh điển của Tào Tháo

20 câu nói kinh điển nổi tiếng của Tào Tháo

Tào Tháo (155 – 220) là một nhà quân sự, nhà chính trị nổi tiếng bậc nhất thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông còn được biết đến với những tên gọi như Tào Mạnh Đức, Tào A Man, Ngụy Vương. Tào Tháo là người có công tạo lập nền móng cho sự hình thành triều đình Tào Ngụy sau này và được con trai suy tôn làm Thái Tổ Vũ Hoàng Đế. Ông nổi tiếng là một bậc “gian hùng” kỳ tài, tinh thông binh pháp, có đủ mưu trí và dũng lược, nổi tiếng về thuật dùng người và khả năng thu phục nhân tâm. Ông còn để lại cho hậu thế nhiều bài thơ nổi tiếng và phần chắp bút luận bàn từng kế sách trong Binh Pháp Tôn Tử. Sau đây Jessica Thảo Nguyễn xin mời các bạn cùng đến với 20 câu nói kinh điển nổi tiếng của Tào Tháo trong Tam Quốc Diễn Nghĩa:

Tào Tháo có nhiều câu nói hay, bất hủ
Tào Tháo có nhiều câu nói hay, bất hủ

Bạn cũng có thể xem video về bài viết này dưới đây:

Mục lục bài viết

1. Thắng bại là chuyện bình thường của binh gia

Câu nói trên của Tào Tháo hàm ý: Trong cuộc sống cho dù làm gì thì cũng không thể thắng mãi, cho nên chúng ta đừng vì thắng lợi mà trở nên kiêu ngạo, cũng đừng vì thất bại mà vội nản chí, càng không nên làm cho vấn đề trở nên trầm trọng. Thất bại là mẹ của thành công. Thành công hay thất bại, thắng lợi hay thua cuộc thì cũng là chuyện bình thường. Quan trọng là chúng ta không được ngủ quên trên chiến thắng, cũng đừng tuyệt vọng vì thất bại. Câu nói bất hủ này của Tào Tháo khuyên ta hãy rút ra những bài học từ chiến thắng và thất bại để có những bước đi khôn ngoan hơn. 

2. Mượn lực sử dụng lực, thiện đãi với những nhân tố xung quanh

Tào Tháo đã để lại nhiều câu nói để đời
Tào Tháo đã để lại nhiều câu nói để đời

Câu nói này của Tào Tháo đề cập đến một vấn đề rất nổi tiếng trong Kinh Dịch đó là mượn lực. Lực ở đây bao gồm nhiều yếu tố như thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Người thông minh luôn biết cách mượn lực để gặt hái được thành công.

Người muốn thành công phải biết đắc nhân tâm và sử dụng tài năng, thế mạnh của những người xung quanh để cùng chung tay xây dựng giấc mơ. Thiện đãi, đối xử tốt là một trong những hình thức đắc nhân tâm với người xung quanh ta. 

3. Trung nghĩa và gian ác đều không thể nhìn thấy dựa trên biểu hiện bên ngoài

Nguyên câu nói của Tào Tháo ban đầu là “Người đời đều nói ta là gian hùng nhưng không làm gì được một kẻ gian hùng như ta, các ngươi tự khoe mình là quân tử nhưng đều thua trong tay một kẻ gian hùng như ta. Nếu cái giá của việc làm quân tử là bị lăng nhục, bị giẫm đạp, thậm chí là bị tiêu diệt thì ta làm một kẻ gian hùng có thể thực hiện được hoài bão của mình.

Từ trước tới nay gian xảo như trung hiền, trá ngụy tựa chân thật, trung nghĩa và gian ác đều không thể nhìn thấy được dựa trên biểu hiện bên ngoài. Có thể trước nay các ngươi đã nhìn nhầm Tào Tháo, ta bây giờ lại nhìn nhầm, tương lai vẫn có thể nhìn nhấm ta, nhưng ta vẫn là ta. Trước giờ ta vốn không sợ người khác nhìn lầm ta.”

Câu nói này của Tào Tháo thể hiện khí chất đỉnh cao của Tào Tháo rằng đừng chỉ đánh giá một người qua vẻ ngoài.  Đừng vội kết luận ngay người ta tốt xấu thế nào. Mỗi thời, mỗi thế, mỗi hoàn cảnh nào có giống nhau đâu. Huống chi binh pháp Tôn Tử từng dạy “việc binh lấy trá mà thành”.

Đồng thời cũng thể hiện bản lĩnh của ông khi dám đối diện với nhiều cay đắng, hiểm nguy, từng phải trải qua cảnh “thập tử nhất sinh” để có thể thực hiện được hoài bão của mình. Tào Tháo không sợ thị phi, càng không sợ người khác nhìn lầm mình.

4. Không tin thì không dùng, đã dùng là phải tin

Câu nói này của Tào Tháo hàm ý nói về sự quan trọng của niềm tin. Niềm tin có thể cường đại sức mạnh của con người để đóng góp vào chiến thắng. Câu này còn thể hiện quan điểm của Tào Tháo về cách dùng người, ông luôn dành sự tin tưởng cho những người theo mình. Những người dù có tài năng vượt trội như Lữ Bố nhưng không được ông tín nhiệm thì Tào Tháo cũng sẽ không dùng.

Câu nói để đời của Tào Tháo còn giúp khích lệ những người theo ông càng thêm hết lòng vì ông.

5. Biết sai, sửa sai nhưng không bao giờ nhận mình sai. Kẻ nhận sai chẳng khác nào nói mình nhu nhược.

Câu nói này của Tào Tháo trong Tam Quốc Diễn Nghĩa thể hiện cái “tôi” của người lãnh đạo trong thời phong kiến ngày xưa, Tào Tháo cho rằng “nhận sai” chính là “nhu nhược” nên càng cố gắng không để hình tượng bản thân mình trở nên nhu nhược. Tuy vậy, nhưng bản thân Tào Tháo không ngại nhiều lần ngồi tụ họp cùng các tướng lĩnh để phân tích nguyên nhân thất bại để cùng nhau khắc phục, sửa chữa cái sai đó

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, người lãnh đạo có thể nhận sai, cũng có thể không nhận sai, quan trọng là phải biết là mình đã sai ở đâu và sửa sai như thế nào.

6. Thua mà không đau, thua mà không nhục, cái cần học trước tiên là giỏi thua.

Câu nói này của Tào Tháo vậy mà có quan điểm giống với Tư Mã Ý

Trong cuộc sống, đôi khi có những cuộc tranh đua mà chúng ta nên chủ động làm người thua cuộc để đạt được những mục đích lớn hơn, như câu nói “nếu không nhịn điều nhỏ, ắt hỏng mất mưu lớn”.

7. Nếu biết tủi nhục thì tốt, biết nhục thì sau mới dũng được.

Tào Tháo nói câu này hàm ý ở đời trong mọi hoàn cảnh, dù là bi kịch nhất thì chúng ta cũng nên nhìn thấy hai mặt khác nhau của tình huống đó, mặt lợi là gì, mặt hại là gì. Nếu phải qua thất bại thảm hại, nếu phải trải qua tủi nhục thì chúng ta cũng hãy lạc quan lên, hãy nghĩ rằng ông trời trước khi trao cho ta việc lớn thì đều bắt ta phải trải qua gian khổ. Điều quan trọng là phải biết dựa vào cái đắng cay ấy để mà phát huy cao độ chí dũng để vượt lên trên hoàn cảnh

Cùng quan điểm với Tào Tháo, người xưa còn có câu nói rất hay rằng: “Nuốt đặng cái cay đắng trong cái cay đắng mới làm được hạng người trên loài người. Khí tượng như chim phụng hoàng liệng trên mây xanh thì những lợi hại cỏn con không động được tâm nữa”.

8. Tại sao lòng bàn chân lại trắng hơn mặt và tay? Vì nó được che dấu.

Câu nói trên của Tào Tháo ý nói ở đời đừng để người ta nhìn thấu hết ruột gan. Những gì cần nói thì nói, những gì cần giấu thì phải biết giấu để tránh tai hoạ.

9. Ta thà phụ người, chứ không để người phụ ta.

Đây là câu Tào Tháo nói với Lã Bá Xa khi Tào Tháo đang trong lúc trốn chạy sự truy kích từ Đổng Trác. Lâm vào tình thế bế tắc, Tào Tháo phải diệt bỏ Lã Bá Xa vì tính đa nghi như câu nói “Đa nghi như Tào Tháo”. Danh ngôn này của Tào Tháo hàm ý đừng quá tin người mà hãy có chút đề phòng, hoài nghi để tránh bị lừa gạt, phản bội.

10. Không được khích nộ sẽ làm giảm trí tuệ, không được oán hận sẽ làm giảm đi một nửa sức mạnh.

Tào Tháo trong Tam Quốc Diễn Nghĩa không những giỏi binh pháp mà còn có kinh nghiệm thống lĩnh đại binh tham gia nhiều cuộc chiến nổi tiếng trong thời Tam Quốc. Chính vì vậy ông là người rất hiểu tâm lý của các tướng sĩ của mình. Tào Tháo hiểu rằng tướng sĩ phải được khích nộ, phải làm cho họ oán hận kẻ thù thì họ mới dùng hết sức mạnh của mình đi chiến đấu.

Trong phép dụng binh, ngoài sách lược bày binh bố trận, thì người tướng giỏi phải biết điều khiển cảm xúc của tướng sĩ của mình. Làm tăng cái khí hăng hái ngút ngàn của tướng sĩ phe mình để áp chế cái khí bên địch thì mới giành được lợi thế. Câu nói này của Tào Tháo có cùng quan điểm với phép dụng binh.

11. Người không vì mình trời tru, đất diệt.

Câu nói này thể hiện quan điểm của Tào Tháo luôn đặt bản thân mình lên trước hết, một phần vì bản tính đa nghi của ông, phần khác là do ông sống trong thời kỳ loạn lạc, nhiễu nhương, từng chứng kiến nhiều kẻ loạn thần “dối trên gạt dưới”.

Đây còn là cách phân tích tâm lý mà Tào Tháo thường dùng để tìm ra người chủ mưu đứng sau mỗi vụ việc. Khi đó, ông luôn đặt vấn đề “ai là người được hưởng lợi từ vụ này”.

Câu nói này cũng là câu nổi tiếng của người xưa, nhưng còn được hiểu ở phạm vi rộng hơn. Đó là con người phải biết không ngừng rèn luyện nâng cao kiến thức, nâng cao tu vi của bản thân, phát triển bản thân và theo đuổi những giá trị tốt đẹp, những hành động tốt đẹp.

12. Ta nhẹ nhàng đi, cũng như khi ta nhẹ nhàng đến. Ta vẫy ta chào không một chút vấn vương.

Câu nói này của Tào Tháo hàm ý người muốn thành công cần phải có “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh” và phải biết những gì cần làm cho đại cuộc. Vào những thời điểm then chốt thì không để tình cảm làm mù mờ ý chí. Vì điều đó sẽ làm hỏng việc lớn. Câu nói này còn thể hiện quan điểm biết nắm giữ và biết buông bỏ của Tào Tháo.

13. Phàm những chuyện đại sự trong thiên hạ nên về nhà hỏi vợ. Vợ bảo sao cứ làm ngược lại ắt sẽ thành công.

Câu nói về vợ của Tào Tháo ý rằng vào thời xưa, phụ nữ phải sống trong môi trường bị xã hội phong kiến áp đặt, cho nên Tào Tháo luôn muốn làm ngược lại với những gì vợ ông nói. Tào Tháo vốn là người đa nghi nên những chuyện đại sự đều được ông suy tính kỹ lưỡng, thậm chí còn làm những kế sách mà đối thủ không lường trước được. Ông vốn không dễ dàng tin tưởng lời nói của người khác.

Thời nay, khi những quan điểm cổ hũ của thời phong kiến đã dần được xoá bỏ, vai trò của người phụ nữ đã được nâng cao trong xã hội. Tài năng của họ cũng đã được minh chứng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục,… Cho nên câu nói này của Tào Tháo có lẽ cần phải suy xét lại.

14. Biết cương, biết nhu đúng lúc, không nên vì thỏa mãn ham muốn nhất thời

Câu nói này của Tào Tháo hàm ý người thông minh phải biết lúc nào cần cứng rắn, lúc nào cần mềm mỏng. Không nên chỉ vì thỏa cái tôi muốn thể hiện nhất thời mà gây ra những rủi ro khôn lường sau này. Có những lúc chúng ta phải biết nhường nhịn, thậm chí là nhẫn nhục vì đại cuộc.

15. Trượng phu và tiểu nhân không thể chung đường

Câu nói này Tào Tháo nói với Viên Thiệu trong bối cảnh Tào Tháo đang còn là năng thần của nhà Hán nhưng chính Viên Thiệu và các lộ chư hầu khác đã làm ông “tâm tàn ý lạnh” vì các lộ chư hầu chỉ mưu tính riêng, chỉ biết tranh quyền đoạt lợi. Vì muốn chung tay với các chư hầu để lật đổ sự bành trướng của thế lực Đổng Trác trong triều đình nên Tào Tháo đã không ngại hiểm nguy xông pha trận mạc cho dù kết quả bất thành. Tào Tháo cảm thấy thất vọng khi các lộ chư hầu, bao gồm cả Viên Thiệu không hề khởi binh như lời hẹn, chỉ có mình Tào Tháo dám thực hiện việc đại sự. 

Chúng ta có thể hiểu câu nói này của tào Tháo ở một khía cạnh rộng hơn, đó là những người không có cùng ý chí, lòng quyết tâm và sự uy tín thì rất khó có thể đi lâu dài với nhau.

16. Kẻ thù của kẻ thù là bạn

Câu này ý nói về vai trò của liên minh trong việc cùng chống lại một thế lực nào đó. Nếu chỉ dùng đội quân của mình ta thì khả năng thành công không cao bằng việc mượn lực. Liên kết sức mạnh với một bên thứ ba để cùng chuyển mũi tấn công vào đối thủ chính của mình là hợp với phép dụng binh. Bên thứ ba thông thường phải cùng mục tiêu, cùng ý chí, cùng chung lợi ích với ta thì khả năng thuyết phục liên minh mới đạt được khả năng thành công cao. 

Kẻ thù của kẻ thù có điểm chung với ta là cùng có kẻ thù chung. Chính vì có chung mối nguy hại, cùng chung sự quan tâm nên có sự đồng cảm với ta, dễ thỏa hiệp với ta trong cuộc chiến cùng chống kẻ thù chung. Cách thức này được vận dụng rất thường xuyên trong Tam Quốc, tiêu biểu nhất là liên minh Tôn – Lưu đã đại thắng Tào Ngụy trong trận Xích Bích.

17. Trong mọi việc, phải nghĩ ba bước trước khi tiến một bước.

Câu nói này của Tào Tháo hàm ý trong mọi việc phải tính toán kỹ lưỡng các đường đi, nước bước, phân tích lợi hại và tìm phương án phù hợp. Nếu thực hiện bước 1 xong thì phải nghĩ xem những chuyện gì sẽ xảy ra sau đó, khi đó ta sẽ xử lý thế nào. Nếu thực hiện bước 2 xong thì những chuyện gì sẽ xảy ra, khi đó ta có những phương án nào để xử lý. Chuỗi sự việc nào có khả năng xảy ra ở bước 3 và thậm chí là những bước tiếp theo, phương án phòng bị và chuẩn bị mà ta cần làm tốt nhất là ở bước nào thì cần nhanh chóng triển khai ở bước đó cho cẩn trọng. Người thông minh luôn tính trước để cho mình đường lui, cũng như có phương án tác chiến hiệu quả nhất.

18. Can đảm, cẩn trọng, dám nghĩ, dám làm mới có thể thành tựu sự nghiệp.

Câu nói này của Tào Tháo hàm ý rằng người muốn thành công phải có bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám can đảm để đối mặt với nhiều tình huống. Nhưng không phải vì thế mà muốn làm gì thì làm, người thành công phải biết phân tích lợi hại, điềm tĩnh suy xét vấn đề xem có nên làm hay không, và có sự chuẩn bị chu đáo trước khi hành động. Người xưa từng dạy rằng người quân tử phải biết “cẩn ngôn thận hành”, có nghĩa là phải biết cẩn thận trong cả ngôn từ và hành động để tránh xảy ra những sai lầm, đáng tiếc.

19. Khi thời cơ đến thì tuyệt đối đừng bỏ lỡ.

Câu danh ngôn này của Tào Tháo đề cập đến tầm quan trọng của việc biết nắm bắt cơ hội. Có những cơ hội chỉ đến một lần trong đời. Để nắm bắt được cơ hội thì chúng ta cần phải có sự dày công luyện tập, luôn không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng và những mối quan hệ chất lượng, thậm chí là tài chính. Để khi cơ hội đến thì chúng ta mới đủ khả năng để biến cơ hội thành thành công thực sự của bản thân mình.

20. Tiền bạc không động được lòng hắn, bổng lộc không thay đổi được chí của hắn, sinh tử không cản được bước chân của hắn. Người như vậy, đừng nói Tào Tháo ta, thiên hạ có mấy người.  

Tào Tháo đã từng dùng rất nhiều bổng lộc, danh lợi, tiền bạc và trọng đãi với Quan Vũ nhưng vẫn không thể giữ chân được bậc anh hùng này. Quan Vũ là hình mẫu của chiến tướng thời Tam Quốc với sức mạnh phi thường, anh dũng quả cảm xông pha trận mạc, hết lòng trung thành với Lưu Bị, không màng danh lợi. Quan Vũ được Tào Tháo đánh giá là bậc kỳ tài hiếm có trong thiên hạ. Qua câu nói này Tào Tháo đã thể hiện sự yêu mến, cảm kích và có cả sự kính trọng đối với Quan Vũ. Yêu mến hiền tài, chiêu hiền đãi sĩ, hết lòng trọng dụng hiền tài… Tào Tháo như vậy há chẳng phải cũng là một bậc anh hùng đại trượng phu trong thiên hạ hay sao?

Jessica Thảo Nguyễn

Xem thêm:

Review sách Hán Sở Diễn Nghĩa – Cuốn sách đáng đọc về trận pháp và nhân sinh cảm ngộ

20 câu nói tinh tuý của Quỷ Cốc Tử

Cảm ngộ 12 bài học về “Đạo” của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh

15 ứng dụng thông thái về Đạo của Lão Tử trong cuộc sống

6 lần thần cơ diệu toán tiêu biểu của Gia Cát Lượng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

9 thuật sử dụng địa hình đỉnh cao trong Binh Pháp Tôn Tử

68 câu nói hay nhất của nhà khoa học Einstein

Youtube Ý Nghĩa Sống

Youtube Jessica Thảo Nguyễn

Tiktok Jessica Thảo Nguyễn

Fanpage Jessica Thảo Nguyễn

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top