Ở bài trước chúng ta đã bàn về Cảm ngộ 12 bài học về “Đạo” của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh. Trong bài viết lần này chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn những lời khuyên chứa đầy ẩn ý thâm sâu, trí tuệ thông thái và sự lắng đọng sâu sắc của Lão Tử thông qua những việc làm cụ thể, những hành động cụ thể, cũng như những phẩm hạnh mà chúng ta cần phải có để có thể đi đúng với Đạo Trời, cũng như tránh được những mối nguy hại. Qua đây, Chúng ta cũng được dịp chiêm nghiệm và học tập các bậc thánh nhân qua ngôn ngữ đầy hiền triết của ông: “Người xưa khéo tu tập Đạo, tinh tế huyền diệu thâm sâu, thâm thuý khôn lường. Vì khó lường nên gượng tả hình dung. Họ thận trọng như đi qua sông vào mùa đông, kính cẩn như sợ hãi hàng xóm, nghiêm trang như là Khách, tuôn chảynhư băng tan, mộc mạc như khúc gỗ chưa đẽo gọt, mờ mờ như nước đục, thênh thang như hang núi. Đục mà để yên thì thành trong… Yên ắng mà chuyển thì sinh động. Người khéo giữ Đạo thì không tự mãn. Cho nên có thể mòn được mà không thành toàn.”
1. Người khéo giữ Đạo
Cổ chi thiện vi đạo giả,
Vi diệu huyền đạt, thâm bất khả chi.
Phù duy bất khả chí,
Cố cưỡng vi chi dung viết:
Dữ hề kỳ nhược đông thiệp thuỷ;
Du hề kỳ nhược uý tứ lân;
Nghiêm hề kỳ nhược Khách;
Hoán hề kỳ nhược lăng trạch;
Độn hề kỳ nhược phác;
Xuẩn hề kỳ nhược trọc;
Tráng hề kỳ nhược cốc.
Trọc nhi tĩnh chi từ thanh.
An dĩ động chi từ sinh.
Bảo thử đạo giả bất dục doanh.
Thị dĩ năng tệ nhi bất thành.
Người xưa khéo tu tập Đạo, tinh tế huyền diệu thâm sâu, thâm thuý khôn lường. Vì khó lường nên gượng tả hình dung. Họ thận trọng như đi qua sông vào mùa đông, kính cẩn như sợ hãi hàng xóm, nghiêm trang như là Khách, tuôn chảynhư băng tan, mộc mạc như khúc gỗ chưa đẽo gọt, mờ mờ như nước đục, thênh thang như hang núi. Đục mà để yên thì thành trong… Yên ắng mà chuyển thì sinh động. Người khéo giữ Đạo thì không tự mãn. Cho nên có thể mòn được mà không thành toàn.
Luận bàn
Ý nói theo Lão Tử thì các bậc chân nhân vốn đã đắc đạo từ thời xa xưa. Lão Tử cho rằng các bậc chân nhân ấy là những đấng siêu việt, huyền vi, thông thái, thâm thuý đến mức khó mà hình dung được. Lão Tử đã cố gắng dùng ngòi bút để miêu tả chân dung của họ cho thật khéo, nhưng rồi ông cho rằng đó là một việc làm gắng gượng vì phiên bản mà ông mô tả chưa thể giống hết với phiên bản thực tế của các ngài ấy.
Các Ngài ấy thận trọng, cẩn trọng trong từng hành động để tránh phạm lỗi lầm. Các Ngài ấy kính cẩn trong giao tế vì tin rằng Trời như có thể soi xét rõ, vì Đạo như ở khắp mọi nơi cho nên dù ở chốn đông người hay nơi hoang vu thì phẩm chất của họ vẫn không thay đổi. Các Ngài ấy nghiêm trang cung kính với mọi người vì tin rằng Trời và Đạo cũng ngự trị trong lòng của bất cứ ai. Các Ngài ấy có vẻ ngoài đơn sơ, chất phác, lạnh lùng nhưng lại có tâm hồn rộng rãi, bao la, không câu nệ cố chấp.
Cho nên các bậc thánh nhân đắc đạo nhìn bề ngoài thì giản dị, mù mờ nhưng bên trong thì an lạc, trí huệ như câu nói:
“Xưa nay các bậc thánh nhân,
Ngọc tàng dưới lớp áo quần giản đơn”
Các Ngài ấy tu Đạo nên chẳng màng phù hoa, không ưa thanh thế, không mộng tưởng chọc nước khuấy trời. Họ chỉ thích một sống ẩn dật, tránh xa sự ồn ào như chủ trương “Thao quang hối tích, ẩn thánh hiển phàm” che bớt ánh sáng, làm mờ dấu tích, che dấu vẻ thánh, làm lộ nét phàm của người xưa.
2. Đạo trở về
Chí hư cực dã, thủ tình biểu dã.
Vạn vật bạng tác, ngô dĩ quan kỳ phục dã.
Thiên vật vân vân, các phục quy ư kỳ căn viết tĩnh.
Tĩnh thị vị phục mệnh.
Phục mệnh thường dã, tri thường minh dã.
Bất tri thường vọng, vọng tác hung.
Tri thường dung, dung nãi công.
Công nãi vương, vương nãi thiên.
Thiên nãi đạo, đạo nãi cửu, mật thân bất đãi.
Tới tận cùng cái hư không thì hết sức yên tĩnh. Vạn vật sinh sinh hoá hoá đều về với cội nguồn, ta thấy được Đạo trở về. Vạn vật trưởng thành đều trở về căn nguyên (cội rễ) thì gọi là tĩnh lặng. Tĩnh lặng gọi là phục mệnh. Phục mệnh thì bất biến, trường cửu. biết được cái trường cửu thì sáng suốt. Không biết cái trường cửu thì làm càn, làm càn thì gây hoạ. Biết thì bao dung, bao dung thì công bình. Công bình thì hưng vượng, hưng vượng thì tự nhiên. Tự nhiên là Đạo, Đạo thì trường cửu, suốt đời không hoạ.
Tiến phải biết thoái. Trở về căn nguyên là nguyên tắc sống trường cửu và tránh tai hoạ.
Luận bàn
Tận cùng của hư không thì hết sức yên tĩnh. Tức là khi chúng ta thoát ra khỏi quy luật sinh – lão – bệnh – tử là lúc trong lòng trống không, không còn vấn vương hỉ – nộ – ái – ố, không còn phát sinh ra mưu cầu nào nữa. Lão Tử cho rằng khi vạn sự biến hoá, chuyển dịch thì chung quy đều trở về cội nguồn cả. Cội nguồn ấy chính là Đạo như quan niệm của triết học phương Đông rằng “nhất bản tán vạn thù, vạn thù qui nhất bản”.
Khi qui nhất bản rồi thì sẽ theo quy luật tuần hoàn, phục mệnh. Biết được lẽ tuần hoàn, phục mệnh của trời đất ta sẽ thấy vũ trụ này sinh hóa tuy có những chu kỳ cố định nhưng không bao giờ cùng, không bao giờ hết miên man vô tận.
Biết được điều ấy sẽ ung dung, thư thái, và sẽ phóng tâm tu luyện để đạt được sự thông thái đi đến chỗ huyền hóa với Trời với Đạo, và dẫu cái xác này sinh hoá theo định luật chi phối vật chất, thì ít là cái thần ta cũng vĩnh cửu với đất trời…
3. Đạo lớn
Cổ đại đạo phế, an hữu nhân nghĩa.
Trí tuệ xuất, an hữu đại nguỵ.
Lục thân bất hoà, an hữu hiếu tư.
Quốc gia hỗn loạn, an hữu trung thần.
Đạo lớn mất rồi thì mới có nhân nghĩa. Trí xảo nảy sinh thì mới có lắm dối trá. Lục thân bất hoà thì mới có con hiếu. Quốc gia rối loạn thì mới có trung thần.
Luận bàn
“Đại Đạo Phế” chỉ thị đường lối hay quy trình triển khai vũ trụ vạn vật bị bỏ đi, hoặc có thể hiểu chính Đạo “thực tại tối hậu” bị loại bỏ. Trí xảo nảy sinh phát triển sinh ra dối trá, làm cho con người xa rời đại đạo. Tại sao đạo lớn mất rồi mới sinh ra nhân nghĩa?
Khi đạo lớn mất rồi, con người bị lạc trong sự bất an, tội lỗi và đau khổ, khi đó một nhóm người mới dùng lý tưởng nhân nghĩa để tỉnh thức và thu hút những người có điểm chung về trọng nhân, trọng nghĩa lại với nhau như một quy luật của Lực Hấp Dẫn. Tuy nhiên Lão Tử cũng như Trang Tử, chủ trương sống thuận theo tự nhiên “không làm sai thực tính của tính mệnh”, không bỏ mất “thiên chân”, không bỏ mất lẽ thường nhiên ở đời.
Muốn được vậy phải tránh mọi chuyện hữu vi giả tạo, dẫu sự hữu vi giả tạo ấy là lý tưởng nghĩa nhân. Thà rằng sống nghĩa nhân, mà không biết nghĩa nhân là gì, còn hơn nêu cao chiêu bài nghĩa nhân, mà lại sống bất nhân, bất nghĩa. Đạo lớn thì vô tư, tự nhiên, bình đẳng, không phân biệt, như ánh sáng soi cho mọi người, không phân biệt người lành, kẻ dữ. Còn nhân nghĩa thì có phân biệt, có thể nhân nghĩa với người này mà không nhân nghĩa với người khác.
Lục thân tức là nói về các mối quan hệ gia đình cụ thể là nói về cha mẹ, chú bác, anh em. Gia đình có đảo điên thì mới có sự phân biệt ai là hiếu từ, ai là ngỗ nghịch. Quốc gia có hỗn loạn, thì mới có sự phân biệt giữa trung thần và nghịch tặc.
Cho nên, qua chương này Lão Tử muốn nhắn nhủ cho hậu thế rằng chỉ khi nào con người ta trở về với Đạo Lớn thì khi ấy vấn đề đại nguỵ, bất hoà, hỗn loạn sẽ được giải quyết. Vấn đề bản chất căn bản là phải trở lại lối sống đơn giản và chấm dứt lòng tham dục của chính con người.
4. Nơi Đạo không ở
Xuy giả bất lập.
Tự thị giả bất chương.
Tự kiến giả bất minh.
Tự phạt giả vô công.
Tự căng giả bất trường.
Kỳ tại đạo dã viết;
Dư thực chuế hành, vật hoặc ố chi.
Cố hữu dục giả bất cư.
Tự thị thì không minh bạch. Tự coi là sáng, nên không sáng. Tự xem là phải, nên không hiển dương. Tự kể công, nên không có công. Tự khoe mình, nên không trường cửu. Đứng về phương diện Đạo mà nói, thì đó là những việc làm dư thừa, những việc mà ai cũng ghét. Cho nên người có Đạo không làm những việc đó vì Đạo không ở đó.
Luận bàn
Đại ý qua chương này Lão Tử muốn nhắn gửi đến hậu thế không nên đi vào con đường lầm lạc của sự kiêu căng, tự phụ, khoe khoang, kể công. Vì con đường lầm lạc ấy sẽ dẫn đến sự nguy hại cho bản thân, càng làm cho bản thân không thể trường cửu. Nếu muốn tìm đường đến với Đại Đạo thì hãy tránh con đường lầm lạc trên ra.
5. Đạo bất biến
Dĩ đạo tá nhân chủ bất dĩ binh cường ư thiên hạ.
Kỳ sự hiếu hoàn.
Sư chi sở cư, sở cức sinh chi.
Thiện giả quả nhi dĩ hỷ, vô hỹ thủ cường yên.
Quả nhi vô kiêu, quả nhi vật căng.
Quả nhi vật phạt, quả nhi vô đắc dĩ.
Cư thị vị quả nhi bất cường.
Vật tráng nhi lão, thị vị chi bất đạo.
Bất đạo tảo dĩ.
Dùng Đạo để phò tá vua thì không cần dùng binh lực uy hiếp thiên hạ. Dùng vũ lực sẽ bị phản ngược lại (vì các nước khác cũng chạy đua vũ trang). Quân đội đóng ở đâu gai góc mọc ở đó. Kẻ giỏi đạt được kết quả mà không dùng sức mạnh. Đạt được kết quả mà không kiêu, đạt được kết quả mà không khoe, đạt được kết quả mà bất đắc dĩ. Đó gọi là đạt được kết quả mà không dùng sức mạnh. Vật cường tráng rồi già nua thì không hợp Đạo. Không hợp Đạo thì chết sớm.
Luận bàn
Đại ý của chương này là nói rằng Đạo không chủ trương dùng binh lực để xâm lăng thiên hạ. Đạo thì tồn tại lâu dài, bất biến. Cái gì phải già phải mất thì không phải Đạo.
6. Đạo mênh mông chan hoà tả hữu
Đạo phiếm hề kỳ khả tả hữu dã.
Thành công toại sự nhi bất danh hữu dã.
Vạn vật qui yên, nhi bất vi chủ.
Tắc hằng vô dục dã.
Khả danh ư tiểu.
Vạn vật qui yên nhi bất vi chủ.
Khả mệnh ư đại.
Thị dĩ thánh nhân chi năng thành đại dã,
Dĩ kỳ bất vi đại dã.
Cố năng thành đại.
Đạo mênh mông chan hoà, tràn lan bên phải, bên trái. vạn vận nhờ Đạo mà sinh, mà nên việc vậy mà không xưng là có, không khoe khoang. Thương yêu nuôi dưỡng muôn loài mà không làm chủ. Đó là thường không có ham muốn vậy. Có thể có tên giữa những vật bé nhỏ, có thể bằng hàng với cả những gì to lớn. Cho nên khả năng làm việc lớn của thánh nhân là chỗ không cho mình là lớn mà hoàn thành được việc lớn.
Luận bàn
Đạo là nguồn nuôi dưỡng cho vạn vật sinh trưởng, cũng là nơi cho vạn vật quy về. Đạo thì rộng lớn, bao la, ngập tràn cho muôn loài bám víu sống còn. Thế mà chẳng để lại dấu vết, chẳng màng tiếng tăm, không khoe khoang, không kể công, không ham muốn mà chỉ âm thầm trong tĩnh lặng. Thánh nhân học theo phẩm chất trên của Đạo mà hoàn thành được việc lớn.
7. Tác dụng to lớn của Đạo
Chấp đại tượng thiên hạ vãng.
Văng nhi bất hại an bình.
Đại nhạc dữ nhị quá cách chỉ.
Cố đạo chi xuất ngôn dã,
Viết đạm hề kỳ vô vị dã.
Thị chi bất túc kiến dã,
Thính chi bất túc văn dã,
Dụng chi bất khả ký dã.
Nắm giữ được thể lớn (của Đạo) thì thiên hạ tự tìm đến. Thiên hạ tìm đến thì không hề có hại mà lại được thanh bình yên ổn. Thánh nhân cầm gương lớn, cho thiên hạ theo. Theo mà chẳng hại, lại an ổn, thanh bình. Âm nhạc và đồ ăn làm Khách qua đường dừng lại, nhưng khi khách về rồi thời hết. Đạo ra khỏi miệng thời nhạt nhẽo như thể là vô vi, nhìn thì không thấy, lắng thì không đủ nghe, nhưng đem dùng thì vô tận, không bao giờ hết.
Luận bàn
Đấng thánh nhân là hiện thân của Trời, cho nên đời sống của người là gương mẫu cho thiên hạ. Thiên hạ mà theo các ngài thì chỉ có lợi, chứ không có hại, lợi vì tâm hồn sẽ trở nên sảng khoái, thư thái, an nhiên.
Tuy nhiên, thánh nhân không thể nào mô tả lại cho thiên hạ hết mọi trạng thái nội tâm của mình khi đã đắc Đạo, cũng như không thể mô tả được hết mọi kỳ thú của Đạo. Vì thế cho nên, chính mình chúng ta phải chứng nghiệm lại những điều cổ nhân đã nói, phải thực hiện lại những trạng thái tâm thần mà cổ nhân đã qua. Chỉ khi tự mình chứng nghiệm được, bỏ qua mọi lạc thú để đến với Đạo thì mới thấy hết sự huyền vi, vô tận của Đạo.
8. Vua chúa nếu biết giữ được Đạo, vạn vật sẽ tự biến hoá
Đạo hằng vô vi, nhi vô bất vi.
Hầu vương nhược năng thủ chi,
Vạn vật tương tự hoá.
Hoá nhi dục tác,
Ngô tương trấn dĩ vô danh chi phác.
Trấn chi dĩ vô danh chi phác,
Phù tương bất dục.
Bất dục dĩ tĩnh.
Thiên địa tương tự chính.
Đạo vĩnh hằng mà dường như không làm gì cả. Vua chúa nếu biết giữ được Đạo, vạn vật sẽ tự chuyển hoá. Chuyển hoá mà muốn vẽ vời sinh chuyện, ta nên chấn tĩnh bằng cái vô danh mộc mạc. Đè nén bằng cái vô danh mộc mạc rồi thì không còn ham muốn nữa. Không ham muốn thì dễ được thanh tĩnh, Thiên hạ sẽ tự định.
Luận bàn
Nêu ra cách làm vô vi của Đạo, Lão Tử cho rằng các thánh nhân, các nhà lãnh đạo có khả năng giữ được Đạo để rồi hành động vô vi như Đạo thì vạn vật trong quốc gia ấy sẽ tự phát triển với trật tự tốt đẹp. Hành động vô vi như Đạo là hành động của các bậc thánh nhân. Các bậc ấy khiêm hạ, quên mình (tức là vô kỷ), không kể công (vô công), và không nêu tên (vô danh).
Vô kỷ, vô công, vô danh là hệ quả của hành động vô vi. Khi mọi người trong xã hội phát triển (tự hoá) sẽ có hiện tượng dục vọng nổi lên (hoá nhi dục tác), lúc ấy hãy lấy sự mộc mạc không tên (vô danh chi phác) để chấn tĩnh, ngăn chặn.
Nếu vua chúa, nhà lãnh đạo giữ được Đạo, là tấm gương thuần phác, lành mạnh, mộc mạc, vô vi tự nhiên, không tên (không xa xỉ, không hách dịch, không kể công, không cậy thế,…) thì dân chúng sẽ bắt chước theo vậy; do đó sẽ không có sự ham muốn chiếm đoạt, tranh giành trong xã hội nữa. Trong thế giới này, nếu tất cả đều không ham muốn những gì không thuộc về mình, xã hội sẽ yên tĩnh, không có giặc giã hay trộm cắp nữa. Toàn thế giới sẽ tự ổn định trong chính đạo.
9. Dấu hiệu của Đạo
Thiên hạ hữu đạo, khước tẩu mã dĩ phấn.
Thiên hạ vô đạo, nhung mã sinh ư giao.
Tội mạc đại ư khả dục.
Hoạ mạc đại ư bất tri túc.
Cữu mạc thảm ư dục đắc.
Cố tri túc chi túc, hằng túc hĩ.
Thiên hạ có Đạo thì dùng phân ngựa làm phân bón. Thiên hạ không Đạo thì ngựa sinh ra ở chiến trường (dùng trong chiến tranh). Tội không gì lớn hơn là có lòng tham muốn. Hoạ không gì lớn hơn là không biết đủ. Lỗi không gì thê thảm hơn là có tham muốn. Cho nên biết đủ là luôn thấy đủ.
Luận bàn
Lão Tử cho rằng thế giới có đạo thì sẽ không có chinh chiến nhiễu nhương, gươm giáo, ngựa chiến sẽ biến thành những dụng cụ tăng gia sản xuất trong nông nghiệp. Sự ham muốn, sự tham lam, không biết đủ là nguyên nhân của tội lỗi, của bất hoà, của chiến chinh, là mối hoạ gây nguy hiểm cho bản thân. Hãy giữ cho mình biết đủ thì sẽ an lạc, con người trên thế giới biết đủ thì sẽ thái bình.
Thế nào là một nước vô Đạo? Một nước vô Đạo là một nước đã mất cương thường, trên chẳng ra trên, dưới chẳng ra dưới, ai ai cũng chỉ vụ danh, vụ lợi mà khinh nhân nghĩa. Người người khi trá lẫn nhau, bóc lột lẫn nhau, chia rẽ nhau. Trong thì cương thường đổ nát, ngoài thì không giữ được hòa hiếu với lân bang, vì thế nên sinh ra chinh chiến.
Chung qui, chinh chiến sinh ra là vì con người không biết kiềm chế lòng dục. Ai cũng muốn vơ vét, súc tích thêm của cải; ai cũng tỏ lòng tham. Cho nên cái hay nhất cho cá nhân, cũng như cho xã hội là biết vừa lòng với số phận mình, biết vui sống trong hòan cảnh mình.
10. Đạo trời
Bất xuất ư hộ dĩ tri thiên hạ.
Bất khuy ư dũ dĩ tri thiên đạo.
Kỳ xuất di viễn giả.
Kỳ tri di thiểu.
Thị dĩ thánh nhân bất hành nhi tri.
Bất kiến nhi danh.
Bất vi nhi thành.
Không bước khỏi cửa mà biết thiên hạ. Không nhìn ra cửa sổ mà thấy Đạo trời. Càng đi xa càng thấy ít. Cho nên, thánh nhân không đi mà biết, không nhìn mà thấy, không làm mà thành.
Luận bàn
Nếu chúng ta biết tu đạo, thu thần, định trí thì trí huệ sẽ phát sinh, và sẽ biết được nhiều điều vi diệu của tạo hóa. Người xưa cho rằng: Ta và vạn vật đều cùng một gốc, nên nếu hiểu biết rõ lý lẽ ở nơi một người, sẽ hiểu biết lý lẽ của thiên hạ, cho nên người tu đạo không ra khỏi cửa mà biết thiên hạ là vậy.
Người xưa lại quan niệm thêm rằng luật trời, đạo trời ghi tạc ngay trong lòng con người; nên không cần bon chen vất vả, chỉ cần biết tĩnh tâm suy cứu, là tìm thấy luật Trời. Còn như bon chen vất vả, luân lạc trong chốn hồng trần, thì bất quá chỉ có được những kiến thức vụn vặt, những lối nhìn chật hẹp mà thôi, nên Lão Tử nói càng đi xa càng thấy ít là vậy.
Cho nên, thấy bằng mắt không bằng thấy bằng trí; mà thấy bằng trí không bằng thấy bằng thần. Chỉ có thần mới không vội mà nhanh, không đi mà đến. Để có được thần thì phải tu tập.
11. Lấy chính Đạo trị nước
Dĩ chính chi bang, dĩ kỳ dụng binh,
Dĩ vô sự thủ thiên hạ.
Ngô hà dĩ tri kỳ nhiên dã tài.
Phù thiên hạ đa kỵ huý nhi dân di bần.
Dân đa lợi khí nhi bang gia tư hôn.
Nhân đa trí nhi hà vật tư khởi,
Pháp lệnh vật tư chương nhi đạo tặc đa hữu.
Thị dĩ thánh nhân chi ngôn viết:
Ngã vô vi nhi dân tự hoá.
Ngã háo tĩnh nhi dân tự chính.
Ngã vô sự nhi dân tự phú.
Ngã dục bất dục nhi dân tự phát.
Lấy chính Đạo trị nước, lấy thuật lạ dùng binh, lấy vô sự giữ thiên hạ. Tại sao mà ta biết thế? Vì thiên hạ hay kiêng kỵ nên dân nghèo. Dân nhiều mưu chước nên nước tối tăm. Dâm lắm trí nên sinh nhiều việc bậy. Pháp luật phiền hà nên nhiều đạo tặc. Cho nên thánh nhân nói là: “Ta vô vi mà dân tự cảm hoá, ta hiếu tĩnh nên dân tự ngay thẳng, ta không tranh đua nên dân tự giàu có, ta muốn không dục vọng nên dân tự trở nên thuần phác”.
Luận bàn
Chương này lại nói lên ích lợi của vô vi trong khi trị dân trị nước.Vua chúa, nhà lãnh đạo sống theo phép vô vi: ngay thẳng, không đua tranh, không dục vọng thì người dân sẽ noi theo mà trở nên thuần phác. Trí xảo là cội nguồn của nhiễu nhương rối loạn: dân nhiều mưu chước thì ắt sẽ có nhiều chuyện phức tạp xảy ra. Pháp luật phiền nhiễu thì sẽ sinh ra nhiều đạo tặc là các quan tham, hoặc những người lợi dụng sự phiền nhiễu ấy để làm lợi riêng cho mình.
12. Đạo trời không chiến mà thường thắng
Dũng ư cảm tắc sát,
Dũng ư bất cảm tắc hoạt.
Thử lưỡng giả hoặc lợi hoặc hại.
Thiên chi sở ố,
Thục tri sở ố,
Thục tri kỳ cố.
Thiên chi đạo bất chiến nhi thiện thắng,
Bất ngôn nhi thiện ứng,
Bất triệu nhi tự lai,
Chiến nhi thiện mưu.
Thiên võng khôi khôi.
Sơ nhi bất thất.
Dũng cảm ở chỗ dám làm, ắt chết; dũng cảm ở chỗ không dám làm thì sống. Cả hai điều đó hoặc lợi hoặc hại. Cái mà Trời ghét bỏ nào ai biết, thánh nhân còn lấy làm khó nữa là? Đạo trời không tranh mà thành, không nói mà thường ứng nghiệm, không gọi mà tự đến, nhẹ nhàng mà công việc vẫn xong xuôi. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát.
Luận bàn
Dũng cảm chân thực, theo Lão tử, không phải là lao đầu vào hiểm nguy, mà chính là biết tránh hiểm nguy, biết thực hiện sứ mạng của mình. Các thánh hiền xưa nay đều dạy như vậy. Nói cách khác Trời ghét cái gì? Trời ghét những con người đi sai định luật thiên nhiên. Mà định luật thiên nhiên chung qui chỉ muốn cho ta:
– Thích ứng với hoàn cảnh
– Phát huy các đức tính tiềm ẩn nơi ta.
– Tiến tới tinh hoa cao đại.
Cho nên dĩ nhiên Trời ghét những gì làm giảm giá trị con người, giảm tự do con người giảm hạnh phúc con người, ngăn chặn không cho con người sống một cuộc đời toàn diện, toàn bích.
Đường lối của Trời là đường lối của sự công chính, của lẽ phải. Vì thế cho nên, nếu con người sống theo lẽ phải, sống theo lẽ công chính, thì tự nhiên mọi người sẽ phục mình.
Trời thưởng phạt một cách tự nhiên bằng định luật nhân quả. Hoạt động tốt xấu trên bình diện nào, thì kết quả sẽ báo ứng trên bình diện ấy.
Hoạt động hay, đúng sẽ đem lại thành công, sẽ làm cho mình sung sướng, sẽ không trái với lương tâm, sẽ được mọi người tán thưởng. Hoạt động dở sai, sẽ đem lại thất bại, sẽ làm cho mình khổ sở, sẽ bị lương tâm cắn rứt, sẽ bị mọi người chê trách.
Hoạt động hay trên bình diện xã hội, sẽ làm cho xã hội tiến bộ, đoàn kết, sung sướng. Hoạt động dở trên bình diện xã hội sẽ làm cho xã hội thoái hóa, chia ly, khốn khổ.
Hoạt động hay trên bình diện cá nhân sẽ làm cho con người tiến bộ, phát triển, hạnh phúc. Hoạt động dở trên bình diện cá nhân sẽ làm cho con người thoái hóa, trụy lạc, sầu bi, thống khổ, v.v.
13. Đạo trời bớt chỗ dư mà bù chỗ thiếu
Thiên chi đạo do trương cung dã.
Cao giả ức chi hạ giả cử chi.
Hữu dư giả tổn chi, bất túc giả bổ chi.
Cố thiên chi đạo tổn hữu dư nhi ích bất túc.
Nhân chi đạo tổn bất túc nhi phụng hữu dư.
Phù thục năng hữu dư nhi hữu dĩ phụng ư thiên giả,
Duy hữu đạo giả hồ.
Thị dĩ thánh nhân vi nhi bất hữu,
Thành công nhi bất cư dã,
Nhược thử kỳ bất dục kiến hiền dã.
Đạo trời như giương cung. Cao thì hạ xuống, thấp thì nâng lên, thừa bỏ bớt, không đủ thì thêm. Cho nên Đạo trời bớt chỗ dư mà bồi chỗ thiếu. Con người thì chẳng biết vậy, bớt thiếu bù dư. Ai là người có chỗ dư mà cung cấp cho thiên hạ? Chỉ có người đạt Đạo mới làm được. Cho nên thánh nhân làm mà không nhận, thành công mà không ở lại, là không muốn phô bày chỗ hiền đức của mình.
Luận bàn
Qua hình ảnh mắc và giương cung, Lão Tử đã nhận định ra cách thức vận hành của Trời là bớt chỗ thừa mà thêm vào chỗ thiếu, đó cũng chính là Luật Quân Bình của Trời, chi phối vũ trụ, nhân sinh. Ở đâu có sự mất cân bằng thì tự nhiên có một phản lực đẩy lại để đưa về thế Quân Bình.
Cũng như thiên nhiên, sau cơn nắng hạn thiếu nước, thường có mưa nhiều để bù lại. Sau mùa Đông rét mướt, lại có mùa Xuân ấm áp và mùa Hạ nóng bức, và mùa Thu se mát. Núi cao thì bị nước mưa xói mòn để đem đất đá bù đắp cho thung lũng trũng thấp được đầy lên. Cây cao quá sẽ bị gió đánh gãy để cho những cây thấp có cơ hội vươn mình.
Xã hội cũng như thiên nhiên có những sự đổi thay không ngừng, càng khắc nghiệt thì càng thay đổi chóng vánh như câu nói “phiêu phong bất chung triêu, sậu vũ bất chung nhật” – gió lốc không thổi suốt buổi mai, mưa đột ngột không rơi suốt ngày.
Cho nên những bậc thánh nhân sẽ biết phân phát của cải của mình cho những người kém may mắn hơn thì bản thân thánh nhân nhờ vậy mà không bị Luật Quân Bình làm tổn hại. Thánh nhân làm nhưng không nhận công, thành công mà không ở lại, không phô trương tài năng của mình để tránh đi các mối hiểm hoạ.
14. Đạo không tham
Thực nhi doanh chi, bất nhược kỳ dĩ
Đoán nhi duẫn chi, bất khả trường bảo dã.
Kim ngọc doanh thất, mạc chi năng thủ dã.
Quý phú nhi kiêu, tự di cửu dã.
Công toại thần thoái, thiên chi đạo dã.
Cố giữ cho đầy chậu chẳng bằng ngừng đúng lúc. Mài cho thật sắc cũng không thể sắc mãi được. Vàng ngọc đầy nhà há giữ được lâu dài. Giàu sang thì kiêu ngạo, chỉ tự hại mình mà thôi. Xong việc thì rút lui, đó là Thiên Đạo.
Làm việc mà cố khiên cưỡng chỉ gây hại. Biết dừng đúng lúc là hơn cả. Công thành nhân thoái, xong việc thì rút lui thì còn có ai mà tranh giành hay hại mình.
Câu nói trên làm chúng ta nhớ đến câu “cực thịnh tất suy”, cái gì đã lên đến mức cực kỳ thịnh vượng thì chắc chắn sẽ suy. Nếu chúng ta bưng 1 chậu nước đầy thì chắc chắn nước sẽ bị sóng sánh và tràn ra ngoài mặt khác lại gây khó khăn cho việc di chuyển, chi bằng ta đổ vừa đủ lượng nước vào chậu thì lúc bưng nước sẽ không bị sóng sánh ra ngoài, việc di chuyển sẽ thuận lợi hơn.
Trong cuộc sống không nên vì quá tham vọng mà “tham quyền cố vị”, khi đã lên đến đỉnh cao của thành công thì cũng là lúc nhiều rủi ro bủa vây (bao gồm cả rủi ro đến từ bên ngoài, và rủi ro đến từ bên trong như sự kiêu ngạo của bản thân cũng tăng theo). Chính vì không thể tránh được quy luật “cực thịnh tất suy” nên Lão Tử khuyên người ta phải biết dừng lại đúng lúc để tránh gây hại.
Vua Thép Andrew Carnegie là một minh chứng đẹp nhất, khi đang ở đỉnh cao của thành công, ông đã quyết định bán công ty cho J.P. Morgan với giá tốt, sau đó ông dùng hơn 90% tài sản đi xây dựng hàng ngàn thư viện, trường học, giáo dục, các quỹ phúc lợi, các công tác thiện nguyện giúp nâng cao chất lượng sống của những người nghèo như câu nói mà ông tâm đắc “giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn những gì bạn đã thấy là một động lực cao quý”. Như vậy tên tuổi của ông vẫn được thế giới nhớ đến với lòng biết ơn và trân quý. Đây há chẳng phải là điều tốt đẹp lắm hay sao?!
15. Đạo trời chỉ làm lợi mà không làm hại
Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín.
Tri giả bất bác, bác giả bất tri.
Thiện giả bất biện. Biện giả bất thiện.
Thánh nhân vô tích, ký dĩ vi nhân kỷ dũ hữu,
Ký dĩ dư nhân hĩ kỷ dũ đa.
Cố thiên chi đạo lợi nhi bất hại.
Nhân chi đạo vi nhi bất tranh.
Lời thật không hoa mỹ, lời hoa mỹ không thật. Người hiểu biết không cần học rộng, kẻ học rộng, kẻ học rộng không phải người hiểu biết. Người tốt không tranh biện, người tranh biện không tốt. Thánh nhân không tích luỹ tài sản, vì càng làm giúp người thì càng dư giả, càng cho người thì càng có nhiều. Cho nên Đạo trời chỉ làm lợi mà không làm hại. Đạo người thì làm mà không tranh giành.
Luận bàn
Những lời lẽ trong Đạo Đức kinh này là những lời chân thành phát ra tự tâm của Lão Tử. Ngài chẳng hề muốn biện luận để mong làm lung lạc lòng người, mà cũng chẳng hề có tham khảo đa đoan sách này sách nọ.
Tất cả đều là kết quả của những suy tư về ý nghĩa cuộc đời, những kinh nghiệm của một đời sống đạo hạnh để hàn huyên cùng chúng ta. Ngài cho rằng Ngài chẳng còn gì giấu giếm chúng ta, và đã phơi bày tâm tư của Ngài với chúng ta trong suốt 81 chương của cuốn sách Đạo Đức Kinh.
Ngài cho rằng Ngài viết sách này là mong giúp người, chứ chẳng muốn hại ai, vì Ngài đã hoàn toàn theo đường lối của Trời. Ai thích lời Ngài đem dùng cũng hay, ai chẳng ưa lời Ngài bỏ đi cũng được. Ngài hoàn toàn chẳng chấp, tức là đã thoát vòng âm dương tương đối, mà siêu việt lên bình diện tuyệt đối rồi vậy.
Sách Đạo Đức Kinh khởi đầu bằng chữ Đạo, siêu việt tuyệt vời, kết thúc bằng hai chữ “bất tranh” để trở về cùng Thái hòa tĩnh lặng, cho thấy được tâm tư hoài bão, cốt cách, tinh hoa của đức Lão tử rồi vậy.
Tham khảo: Lão Tử Đạo Đức Kinh do Vũ Thế Ngọc dịch
Bạn có thể xem thêm video tại đây:
Xem thêm:
20 câu nói tinh tuý của Quỷ Cốc Tử
Những câu nói khôn ngoan của Tư Mã Ý trong Tam Quốc Diễn Nghĩa